Cuối tháng trước, khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói với các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng Trung Quốc nên tìm cách trở nên “khiêm tốn”, “đáng tin cậy”, “đáng mến” và “đáng kính trọng”, nhiều nhà quan sát ban đầu hoan nghênh tuyên bố này như một sự thay đổi có thể xảy ra để thay thế chính sách “ngoại giao sói chiến” khét tiếng quốc tế.

Nhưng hy vọng này đang nhanh chóng tiêu tan ở Trung Quốc, khi mọi người rỉ tai nhau rằng có lẽ cách giải nghĩa như vậy đã sai lệch.

Sự bi quan đến từ sự hiện diện của một học giả Trung Quốc tại phiên thảo luận học tập của Bộ Chính trị vào ngày 31/5.

Zhang Weiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, là khách mời duy nhất được mời tham dự cuộc họp của 25 lãnh đạo hàng đầu của đảng.

Zhang Weiwei e1623497731949
Ông Zhang Wei Wei (Ảnh: Wikimedia)

Lý thuyết đặc trưng của Zhang cho rằng mô hình quản trị của Trung Quốc vượt trội hơn so với các nước phương Tây. 

Zhang đã nhiều lần nhấn mạnh, thành công của sự phát triển của Trung Quốc là do chế độ độc đảng, theo đó các nhà lãnh đạo có năng lực được lựa chọn dựa trên thành tích, so sánh nó với sự kém hiệu quả của chính trị đảng phái và các cuộc bầu cử ở phương Tây.

Thực tế, tiểu sử của ông ta cho chúng ta biết rằng Zhang là người phát ngôn nhiều hơn là học thuật.

Vào cuối năm 2013, khoảng một năm sau khi ông Tập trở thành lãnh đạo cao nhất, Trung tâm Nghiên cứu Mô hình Phát triển Trung Quốc của Đại học Phúc Đán được thành lập. Zhang trở thành giám đốc của nó, dẫn đầu một tổ chức đã phô diễn với thế giới những “điều kỳ diệu” về mô hình quản trị độc đáo của Trung Quốc.

Zhang cũng đã xuất bản nhiều bài báo giải thích lý thuyết của mình.

Khi sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tăng lên, lòng tin vào mô hình quản trị của họ cũng vậy. Ngoại giao chiến binh sói là một mặt không thể tách rời của cùng một đồng tiền.

Rõ ràng là, với sự hiện diện của ông Zhang tại phiên thảo luận, các quan điểm cơ bản của chính quyền Tập vẫn sẽ không thay đổi.

Vậy tại sao ông Tập lại đưa ra chỉ thị như vậy?

Đầu tiên, rõ ràng là Trung Quốc cần khẩn trương cải thiện hình ảnh của mình. Ông Tập muốn nhìn thấy kết quả.

Đáp lại mệnh lệnh của ông Tập, một giám đốc truyền thông của một tờ báo Hồng Kông ủng hộ Trung Quốc lưu ý rằng vấn đề là tin tức về Trung Quốc bị chi phối bởi các phương tiện truyền thông từ các nước dân chủ nói tiếng Anh. Để Trung Quốc có thể viết nên những câu chuyện của riêng mình, nước này cần phải thuê và bồi dưỡng các tài năng nói tiếng Anh, quan chức này đề xuất.

Chỉ thị của ông Tập cũng sẽ thúc đẩy sự mở rộng vốn đã tích cực trên khắp thế giới của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), chi nhánh quốc tế của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) do nhà nước điều hành.

Nhưng các biện pháp do đảng lãnh đạo như vậy để truyền tải “tiếng nói của Trung Quốc” sẽ đòi hỏi số tiền khổng lồ.

Mệnh lệnh của ông Tập phản ánh sự thất vọng dồn nén của ông đối với tình hình hiện tại.

“Bức tranh chính xác về Trung Quốc không được truyền tải đến phần còn lại của thế giới”, ông Tập hẳn đang nghĩ vậy.

Đó là lý do tại sao ông Tập không thể không kêu gọi một Trung Quốc “đáng mến” vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm này trong lịch trình chính trị của Trung Quốc. Lệnh này được đưa ra ngay trước lễ kỷ niệm 32 năm vụ đàn áp Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989; ngay trước kỷ niệm năm đầu tiên của Luật An ninh quốc gia Hồng Kông – ngày 30/6; và ngay trước Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ – ngày 1/7.  

Nhưng mâu thuẫn là điều hiển nhiên. Muốn tạo dựng một hình ảnh Trung Quốc “đáng mến” không phù hợp với việc quảng cáo mô hình quản trị [độc tài] của Trung Quốc. Chúng đơn giản là không thể đi cùng nhau.

Một trí thức Trung Quốc giấu tên cho biết: “Thực tế là, việc toàn bộ ban lãnh đạo ngồi nghe các lý thuyết của ông Zang Weiwei sẽ phản tác dụng. Nó có nguy cơ gửi nhầm thông điệp.”

Thông điệp sai lầm đó có thể được gửi thẳng tới Hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới G7 được tổ chức vào cuối tuần này ở Cornwall, miền Tây nam nước Anh, nơi hai “con mồi” của chính sách “ngoại giao sói chiến” của Trung Quốc là Úc và Ấn Độ sẽ tham gia với tư cách khách mời.

Trên mạng Internet ở Trung Quốc, ông Zhang Weiwei đã bị chỉ trích gay gắt kể từ khi ông xuất hiện tại phiên họp của Bộ Chính trị.

Một bài đăng trên mạng xã hội cho biết: “Nếu mọi người ca ngợi ông ta như một vị Quốc Sư, tương lai của đất nước sẽ gặp nguy hiểm.” 

Tại Trung Quốc, việc chỉ trích các quyết định của ban lãnh đạo trung ương đảng là điều cấm kỵ và sẽ phải chịu sự trừng phạt. Nhưng công chúng được phép chỉ trích các học giả. Chỉ trích Zhang – một phần rất nhỏ trong việc thực hành “quyền tự do ngôn luận” – là một biểu hiện gián tiếp của sự thất vọng đối với ông Tập và nhóm của ông ta.

Những người đã viết các bài đăng trực tuyến chỉ trích Zhang nghiêm túc lo ngại rằng nếu ông Tập và những người xung quanh ông ca ngợi học giả “chiến binh sói” này trong khi kêu gọi xây dựng một Trung Quốc hình ảnh “đáng mến”, hành động này sẽ tương đương với việc gây chiến với các nước phương Tây.

Một vấn đề khác là Trung Quốc đang hòa trộn các chính sách tuyên truyền đối nội và đối ngoại, mặc dù chúng có đối tượng mục tiêu hoàn toàn khác nhau.

Phát biểu tại phiên họp ngày 31/5, ông Tập nhấn mạnh rằng ủy đảng các cấp nên tăng cường khả năng giao tiếp quốc tế, đầu tư nhiều hơn vào việc giải thích các câu chuyện về Trung Quốc và đẩy mạnh tuyên truyền ra bên ngoài.

Ông Tập cũng cho biết ông coi trọng việc truyền tải thông tin [tích cực về Trung Quốc] thông qua các hội nghị quốc tế và các phương tiện truyền thông lớn ở nước ngoài, cũng như thúc đẩy sự truyền bá văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài trên quy mô lớn.

Ông Tập đã định vị những nỗ lực này là một “cuộc đấu tranh” chính trị nhằm dẫn dắt dư luận quốc tế, nói rằng ông sẽ thực hiện chúng theo cách thức từ trên xuống.

Ông Tập đặc biệt nói rõ rằng một “hệ thống trách nhiệm” liên quan đến nhiều cấp độ khác nhau của các bộ phận đảng phụ trách tư tưởng và hệ tư tưởng sẽ được giới thiệu. Ông kêu gọi những người chịu trách nhiệm chính hãy chủ động và hành động. Sự nhiệt tình này gợi nhớ đến chiến dịch chống tham nhũng của ông.

Với các chiêu thức dày dặn về các phương pháp tuyên truyền mà đảng sử dụng trong nước, liệu Trung Quốc có thể thực sự chèo lái dư luận quốc tế hay không?

Người dân trong các xã hội dân chủ sẽ không tin tưởng thông tin xuất phát từ các cơ quan truyền thông Trung Quốc, thậm chí không thể chỉ trích chính phủ của mình. Thông tin như vậy sẽ chỉ gây ra phản ứng dữ dội.

Hình ảnh bên ngoài của một quốc gia không phải là thứ có thể được thao tác thủ công; nó là thứ cần được thể hiện thông qua các hành động cụ thể.

Ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết trong việc Trung Quốc “mở rộng vòng tròn bạn bè” bằng cách cải tạo lại hình ảnh của mình.

Nhưng chừng nào ông còn dính vào chiến lược “đáng mến” không thành công hiện tại, sự thất vọng của ông Tập sẽ còn kéo dài.

Katsuji Nakazawa (Nikkei Asia)

Xem thêm: