Nhà báo Katsuji Nakazawa, người từng làm việc tại Trung Quốc trong nhiều năm, mới đây đã có bài báo trên tờ Nikkei Asia Review hôm 6/8 bình luận về ám hiệu gây sốc của Chủ tịch Tập Cận Bình trong tham vọng trở thành “lãnh đạo suốt đời.”

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình. Ảnh từ Shutterstock.

Vào cuối tháng Bảy, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo về một cuộc họp chính sách quan trọng trong tháng 10 tới đây. 

Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết: Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10.” Theo đó, những người tham dự sẽ đánh giá các đề xuất về kế hoạch 5 năm tiếp theo từ năm 2021 – 2025 và các mục tiêu tương lai cho đến năm 2035.” 

Đối với những nhà quan sát Trung Quốc trên khắp thế giới, vế sau của thông báo là một thông điệp mang tính ám hiệu không thể bỏ qua.

“Chủ tịch Tập Cận Bình thật sự có ý định nắm giữ quyền lực lâu dài. Trên thực tế, đây chính là một tuyên ngôn cho 15 năm tiếp theo,” một nhà phê bình chính trị cho biết.

Mặc dù Trung Quốc đã hiện đại hóa trong những năm qua, nhưng nước này vẫn giữ lại một số tàn dư của kỷ nguyên kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả việc xây dựng kế hoạch 5 năm. Do đó, quyết định thảo luận kế hoạch mới không có gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng việc lập kế hoạch cho một thập kỷ tiếp theo kế hoạch 5 năm cho đến năm 2035 không xuất phát từ bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào và nó khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Trong một thế giới mà tương lai gần đang trở nên không rõ ràng, đặc biệt khi đại dịch virus corona vẫn đang hoành hành, thì việc vạch định một con đường cho 15 năm tiếp theo là quá xa vời, ngay cả đối với những người Trung Quốc có tư duy chiến lược. Điều này tương đương với việc lập 3 kế hoạch 5 năm trong một lần.

Ý đồ chính trị nào phía sau động thái này? Các quan chức kỳ cựu của đảng sẽ dễ dàng nhận ra ý nghĩa của nó là gì.

Khi nghe về kế hoạch siêu dài hạn cho đến năm 2035, một nhà bình luận chính trị đã phản ứng bằng cách trích dẫn một câu nói của ông Gia Cát Lượng, chiến lược gia bậc thầy vào thời Tam Quốc:

“Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ” – nghĩa là “Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi.”

Đó là một câu khẩu hiệu mà các tướng lĩnh thích sử dụng để thể hiện quyết tâm của mình khi ra trận.

‘Cố gắng hết sức cho đến khi chết’ nghe có vẻ như một lời khen đối với quyết tâm của ông Tập, nhưng thực tế, nhà phê bình này đang nói một cách mỉa mai theo một cách riêng của người Trung Quốc.

Mấu chốt ở đây là ông Mao Trạch Đông, người thành lập “Trung Quốc mới”, đã cầm quyền Trung Quốc cho đến khi ông qua đời ở tuổi 82.

Ông Tập sinh năm 1953 do đó ông cũng sẽ 82 tuổi vào năm 2035.

Ông Mao là “chủ tịch vĩnh viễn” của ĐCSTQ. Bằng cách so sánh mình với ông Mao, ông Tập đang cố gắng mở đường để trở thành nhà lãnh đạo thứ hai nắm quyền suốt đời.

Báo Nhật: Ác mộng của Tập Cận Bình là ĐCSTQ sụp đổ giống Liên Xô

Đương nhiên, không phải mọi người trong đảng đều ủng hộ tham vọng liều lĩnh của ông Tập. Tuy vậy, những người phản đối không dám lớn tiếng bác bỏ, chỉ đôi khi cố gắng chống lại bằng nhiều cách khác nhau.

“Mọi thứ đang diễn ra qua sớm,” một đảng viên kỳ cựu cho biết. “Mới vào tháng 7 mà đảng đã quyết định sẽ thảo luận gì trong cuộc họp tháng 10,” ông lưu ý.

Theo lịch trình của ĐCSTQ, mùa hè năm nay sẽ là một thời kỳ quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của kỷ nguyên Tập Cận Bình.

Đại hội đảng toàn quốc 5 năm một lần kế tiếp sẽ diễn ra vào năm 2022, do đó năm nay là năm bản lề để đảng thống nhất khuôn khổ cho các cuộc thảo luận. Khúc dạo đầu cho một cuộc chiến chính trị toàn diện trước đại hội đảng toàn quốc 2022 đã bắt đầu diễn ra.

Trong một số trường hợp, đề cương về thay đổi nhân sự chủ chốt tại đại hội, bao gồm những cái tên cụ thể sẽ được thảo luận trong năm nay.

Theo quan điểm của ông Tập: Chiến thắng thuộc về người ra tay trước.

Chắn chắn bây giờ không phải là lúc để chơi phòng ngự. Với nền kinh tế nội địa ảm đạm và mối quan hệ ngày càng xấu đi với Hoa Kỳ, ông Tập sẽ không thể có được nhiều lý lẽ để bảo vệ mình trước những đảng viên kỳ cựu.

Nếu ông Tập có thể khiến mọi người nghĩ rằng ông sẽ giữ được địa vị của mình trong đại hội đảng toàn quốc năm 2022, sau đó là năm 2027 và thậm chí là năm 2032, thì các đảng viên, bao gồm cả những người không thuộc phe ông Tập, sẽ nhất tề đi theo ông. Họ sẽ phục vụ cho người có quyền lực vì lợi ích của chính họ cho đến ngày cuối.

Tuy nhiên, sự táo bạo của ông Tập có thể phản tác dụng, dẫn đến mối hận thù thậm chí còn thâm sâu hơn với các đối thủ. Nếu đảng viên lớn tuổi trong đảng và các đối thủ của ông xem mùa hè này là cơ hội cuối cùng để họ thực hiện ý định của mình, họ sẽ không thiếu đề tài để tấn công ông.

Nhìn lại, chính ông Tập cũng đã thực hiện một cuộc tấn công tại đại hội đảng toàn quốc năm 2017.

Không lâu trước đại hội này, ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) khi đó là quan chức hàng đầu của Trùng Khánh và là ứng cử viên kế nhiệm cho vị trí lãnh đạo cao nhất trong tương lai, đã trở thành nạn nhân trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. 

Tại đại hội đảng năm 2017, 5 năm sau khi nắm quyền lãnh đạo đảng, ông Tập cũng đã thành công khi làm một điều được cho là không thể: đưa hệ tư tưởng cùng tên của mình vào hiến chương của đảng.

Vài tháng sau đó ông đã bỏ đi giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm của Chủ tịch nước.  

Ở Trung Quốc ngày nay, nhiều chương trình của chính phủ có thời điểm hoàn thành là năm 2035. Khu Mới Hùng An (Xiong’An), một thành phố mới quy mô lớn ở tỉnh Hà Bắc là một chương trình trong số đó. Dự án này đang được tiến hành với sự ủng hộ hoàn toàn của ông Tập.

Tháng trước, ông Tập đã thông báo rằng Hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu, phiên bản GPS của Trung Quốc, đã chính thức bắt đầu hoạt động trên toàn cầu. Một quan chức chịu trách nhiệm về hệ thống này nói rõ rằng nó sẽ được nâng cấp vào năm 2035.

Các quan chức Trung Quốc hiện đang ít đề cập công khai hơn về chính sách “Made in China 2025” bởi kế hoạch phát triển các ngành công nghệ cao của nước này đang chịu sự tấn công từ phía Hoa Kỳ. Điều này cho thấy có một mức độ cân nhắc nhất định đối với tình hình chính trị quốc tế.

Nhưng kế hoạch siêu dài hạn cho đến năm 2035 là một chính sách chính trị cốt lõi của ông Tập, và Trung Quốc sẽ thúc đẩy thực hiện kế hoạch này bất kể quan hệ đối ngoại của Bắc Kinh ra sao, miễn là tình hình chính trị trong nước yêu cầu.

Đương nhiên, cuộc đối đầu của Trung Quốc với Hoa Kỳ sẽ ngày càng tăng.

Vào giữa tháng 7, cư dân mạng Trung Quốc đã vội ăn mừng cho thành tích mà họ mơ ước lâu nay khi tổng sản phẩm quốc nội của nước này từ tháng 4 đến tháng 6 cuối cùng đã vượt qua Hoa Kỳ.

Họ nói rằng “sự hồi sinh vĩ đại” đã xảy ra và Trung Quốc đã lấy lại được vị thế là nền kinh tế hàng đầu thế giới mà nước này đã từng nắm giữ trước khi bị đánh bại bởi nước Anh trong cuộc chiến thuốc phiện 1840 – 1842.

Điều này hóa ra không chính xác do tính toán sai việc so sánh hàng tháng và tốc độ tăng trưởng hàng năm, nhưng đúng là Trung Quốc đang đứng sát sau Hoa Kỳ xét về quy mô kinh tế.

“Không quốc gia hay cá nhân nào có thể ngăn cản bước tiến lịch sử của việc hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Quốc,” ông Tập đã nhiều lần nói như vậy, thể hiện sự tự tin của ông về việc Trung Quốc sẽ có thể vượt qua Mỹ.

Những người ủng hộ ông Tập sẽ nói rằng việc mở rộng thời gian cầm quyền của ông cho đến năm 2035 là một yếu tố cần thiết để hiện thực hóa “sự hồi sinh vĩ đại của đất nước Trung Quốc.” Năm 2020 đen tối này không có ý nghĩa gì đối với nhà lãnh đạo này nếu ông đang nghĩ đến đến những khung thời gian dài hơn nhiều ở phía trước.

Liệu kế hoạch của ông có thực sự được chấp nhận trong hoàn cảnh hiện tại? Câu trả lời dự kiến cho câu hỏi này sẽ trở nên rõ ràng sau khi phiên họp toàn thể lần thứ năm của đảng kết thúc vào tháng 10 năm nay.

Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia Review

Gia Huy biên dịch.

Xem thêm: