Ngay cả những người thành công nhất cũng ít nhiều phải nếm trải thất bại. Chúng ta có thể rút ra được bài học gì từ đây?

that bai cua doanh nhan huyen thoai 1
Các doanh nhân huyền thoại cũng nhiều lần bị thất bại. (Ảnh: Wikipedia)

Trong bài diễn văn khai giảng năm 2008 tại Đại học Harvard, tác giả của bộ truyện “Harry Potter” nổi tiếng, nhà văn J.K.Rowling khẳng định: “Chúng ta không thể sống mà không thất bại một lần nào, trừ khi bạn sống một cách thận trọng đến mức có thể bạn chưa từng sống thật sự – trong trường hợp đó, bạn đã mặc định bị thất bại.” 

Có rất nhiều doanh nhân nổi tiếng đã trải nghiệm không ít lần thất bại trước khi có được thành công. Học hỏi từ thất bại chính là quy tắc cơ bản của kinh doanh. Sự khác biệt giữa một người kinh doanh kém cỏi và một doanh nhân tài giỏi chính ở thái độ đối với thất bại: Để thất bại nhấn chìm bản thân hay là biến thất bại trở thành một người thầy tuyệt vời giúp ta học hỏi và vươn lên?

Diễn giả Dennis Waitley nói: “Thất bại nên là người thầy chứ không phải là người khâm liệm của chúng ta. Thất bại đơn giản chỉ là sự chậm trễ, chứ không phải thất bại tuyệt đối. Nó là một con đường vòng tạm thời, chứ không phải ngõ cụt. Chúng ta chỉ có thể không bao giờ thất bại trong đời nếu như không nói gì, không làm gì và không là ai cả.”

Rủi ro là điều không thể tránh được trong một thế giới luôn thay đổi và khó đoán định. Bạn cũng không thể né tránh thất bại bằng cách né tránh rủi ro. Điều đó đơn giản chỉ khiến bạn không đạt được mục tiêu, mà còn làm giảm cơ hội chạm đến thành công của mình.

Ngay cả những người thông minh nhất cũng không thể lường trước được tất cả những gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Rủi ro thất bại khi đầu tư là điều hiển nhiên khó tránh khỏi trong một hoàn cảnh biến động không ngừng.

Giống như cha mình trước đó, nhà sản xuất kẹo Milton Hershey đã thất bại nhiều lần trước khi làm ăn phát đạt. Nhà làm phim hoạt hình và là người đi tiên phong trong lĩnh vực công viên giải trí Walt Disney cũng đi qua con đường khúc khuỷu như vậy. Là những doanh nhân bản lĩnh, họ đã không bỏ cuộc. Họ đã học hỏi và kiên trì!

***

Bài viết này là 2 trong số những thất bại kinh doanh đình đám trong thế kỷ 20:

Hai câu chuyện này kể về hai doanh nhân Bắc Mỹ cách nhau nhiều thập kỷ nhưng cùng đầu tư vào một quốc gia Nam Mỹ: Brazil. Người đầu tiên là Henry Ford, người thứ hai là Daniel K.Ludwig. Cả hai người đều dám nghĩ dám làm.

Cái tên Ford được biết đến ở khắp mọi nơi cách đây một thế kỷ và vẫn còn nổi tiếng đến tận ngày nay. Khi chiếc xe Model T cuối cùng chạy ra khỏi dây chuyền lắp ráp ở Michigan năm 1927 (trải đường cho sự thành công của dòng xe Ford Model A tiếp theo), ông Ford đã bán được 15 triệu chiếc với giá trung bình vài trăm đô la một chiếc. 

Doanh thu từ việc bán những chiếc ô tô giá cả phải chăng đã giúp ông Ford trở nên giàu có. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề và xử lý tình huống luôn là điều thú vị với Ford hơn cả kiếm tiền. Việc giao dịch với một công ty độc quyền cao su của Anh đã mang đến cho Ford một ý tưởng lớn.

Biết rằng vùng rừng Amazon của Brazil có nhiều cây cao su có thể sản xuất mủ cần thiết để làm lốp ô tô, ông Ford đã đặt mục tiêu xây dựng cơ sở kinh doanh cao su của riêng mình ở đó. Sau khi đàm phán với chính phủ Brazil, năm 1927, ông đã ký được một hợp đồng sử dụng 2,5 triệu mẫu đất dọc sông Tapajos, cách thành phố Santarem khoảng 160km. Đổi lại, ông Ford sẽ phải cắt cho chính phủ Brazil 9% lợi nhuận từ kinh doanh cao su. Trung tâm của dự án sẽ là một thị trấn mới, được ông trùm ô tô đặt tên là “Fordlandia”.

Nói về nghĩ lớn! Người đàn ông đến từ Dearborn này có tầm nhìn không chỉ gói gọn trong việc xây dựng một cơ sở sản xuất cao su cỡ lớn cách quê hương mình 6.500 km, mà còn là kiến thiết một thị trấn không tưởng – nơi các giá trị Trung Tây nước Mỹ của ông sẽ cải biến một xã hội ngoại quốc. Điều này quả là một thử thách lớn lao – cả về mặt hậu cần, môi trường, văn hóa lẫn kinh tế.

Fordlandia chỉ tồn tại vỏn vẹn 6 năm. Các công nhân Brazil không thích đồ ăn kiểu Mỹ và không mấy bận tâm đến lệnh cấm uống rượu của Ford. Những cây cao su mà Ford trồng không chống chọi lại được với sâu bọ và dịch bệnh. Kết cục là thị trấn Fordlandia phải đóng cửa. Ford di dời hoạt động sản xuất lên khu vực phía thượng nguồn dòng sông, tuy nhiên, chỉ trong vòng một thập kỷ, những cơ sở của ông lại phải đóng cửa. Sự ra đời của cao su tổng hợp vào những năm 1940 đã làm cho cao su tự nhiên trở nên lỗi thời.

Cháu trai của Ford là Henry II đã thanh lý lại mọi thứ cho chính phủ Brazil năm 1945 vì làm ăn thua lỗ. Tính theo thời giá ngày nay, số lỗ đó rơi vào khoảng 300 triệu đô la.

doanh nhân huyền thoại, thất bại
Doanh nhân Henry Ford. (Ảnh: Wikipedia)

***

Daniel K.Ludwig (1897-1992), một doanh nhân cũng đến từ bang Michigan như Ford, nhưng không được nổi tiếng như “ông bán xe” kia. Ludwig né tránh sự săm soi của giới truyền thông và ánh hào quang của sự nổi tiếng trong suốt cuộc đời mình. Tuy vậy, dự án ở Brazil của ông vào những năm 1960, 1970 cũng ngoạn mục không kém gì Ford.

Công việc làm ăn đầu tiên của Ludwig là vận chuyển gỗ và đường mật trên những chiếc tàu chở hàng đi qua Hồ Lớn. Ludwig mới 19 tuổi khi ông bắt đầu thành lập công ty. Trong nửa thế kỷ sau, ông đã gây dựng nên một trong những cơ nghiệp lớn nhất thế giới với việc sở hữu một loạt các doanh nghiệp vận tải biển (chính ông đã phát minh ra loại tàu siêu lớn), khách sạn, công ty bảo hiểm, vườn cam, nhà máy lọc dầu và chăn nuôi gia súc.

Ở tuổi 70, khi hoàn toàn có thể lui về hậu trường nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống xa hoa, Ludwig lại tiếp tục kinh doanh khi nảy ra một ý tưởng đầu tư lớn ở Brazil. Ông mua 4 triệu mẫu đất không xa đống đổ nát của Fordlandia và lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy. Nhưng trước tiên, Ludwig sẽ kiến tạo một cộng đồng kiểu mẫu có tên là Monte Dourado và phát triển nông nghiệp địa phương nhằm cung cấp thực phẩm cho những cư dân mà ông hy vọng sẽ trở thành lực lượng lao động tương lai của nhà máy.

Tham vọng của ông ngày càng cao khi Ludwig quyết định thay vì xây dựng nhà máy tại vị trí khảo sát ban đầu, ông sẽ cho thi công các cấu kiện tại Nhật Bản rồi sau đó vận chuyển các mảnh ghép qua đại dương đến Brazil để lắp ghép. Phương án này sẽ khả thi hơn. Sau khi Ludwig xây dựng một nhà máy sản xuất bột giấy hoàn thiện ở Nhật Bản, ông chia nó thành 2 mảng khổng lồ rồi mang tới Brazil, tiếp đến là hàng trăm km dọc Amazon.

Sau khi nhà máy sản xuất bột giấy được lắp ráp hoàn thiện vào năm 1979, nó bắt đầu sản xuất 750 tấn mỗi ngày. Không may, dự án bị thua lỗ buộc Ludwig phải bán toàn bộ cơ sở của mình cho các nhà đầu tư Brazil năm 1981. Sau thất bại này, ông đã dành cả thập kỷ còn lại của cuộc đời mình để tài trợ cho nghiên cứu ung thư. Ông đã quyên góp hàng trăm triệu đô la cho sứ mệnh này.

doanh nhân huyền thoại, thất bại
Doanh nhân Daniel K.Ludwig. (Ảnh: Wikipedia)

***

Với những người không phải chuyên gia kinh doanh hay bản lĩnh thương trường còn non yếu, thì những ý nghĩ về một phi vụ đầu tư mạo hiểm cỡ như Ford và Ludwig đã thực hiện chưa bao giờ xuất hiện trong đầu họ. Tuy vậy, trên thế giới này rõ ràng có những người là can đảm và có tầm nhìn xa hơn vậy.

Ngẫm một chút về thời đại hiện nay, chúng ta đối đãi thế nào với câu chuyện về 2 canh bạc khổng lồ là Fordlandia và Monte Dourado? Kẻ thiển cận sẽ vội vàng phê phán dè bỉu. Những người kiểu như vậy có lẽ cũng chính là những người đã gạt bỏ ước mơ khám phá đáy đại dương sâu nhất hay chiếm đóng sao Hỏa của các doanh nhân thời nay. Gần như mỗi khi ai đó dám nghĩ lớn, dù là chấp nhận thử thách bằng tiền của chính mình thì sẽ chẳng có nổi một lời động viên nào từ những người xung quanh.

Dám chắc rằng cả Ford lẫn Ludwig đều không bao giờ thử làm gì đó để thất bại. Đây không phải là một nhiệm vụ khó khăn nếu chúng ta nghĩ về nó. Chắc chắn không ai vui mừng khi thất bại xảy đến. Nhưng chắc chắn là họ đều không sợ thất bại. Chính Ford đã từng nói: “Thất bại chỉ đơn giản là cơ hội để bắt đầu lại từ đầu, nhưng sẽ là một khởi đầu thông minh hơn.”

Đừng sợ thất bại. Hãy chuẩn bị để học hỏi từ nó. Đừng né tránh mạo hiểm vì lo sợ giấc mơ không thành hiện thực. Nếu nỗi sợ thất bại là tất cả để khiến chúng ta chùn bước, thì có lẽ hiện giờ loài người vẫn còn sống trong hang động. Khi những người đàn ông vĩ đại như Ford và Ludwig nắm bắt những cơ hội lớn, hành động của họ đã truyền cảm hứng cho những những người khác dám bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi thành công, dù lớn hay nhỏ.

Khi tìm hiểu về 2 thất bại kinh doanh lớn của Ford và Ludwig, chúng ta khó có thể nảy sinh cảm giác chế nhạo. Trái lại, chúng ta ngưỡng mộ 2 doanh nhân này và ước rằng mình có một nửa can đảm để thử mạo hiểm bước chân vào cuộc chơi lớn như họ. Sự dũng cảm của họ đại diện cho ước mơ và bản lĩnh của con người mà nếu thiếu đi tinh thần đó, nhân loại sẽ trở nên thật buồn tẻ và trì trệ.

Như Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã từng nói hồi tháng Tư năm 1910 trong bài phát biểu của ông có tên “Người đàn ông trong sàn đấu” tại Paris:

“Không phải là những người chỉ trích, cũng không phải những người đi giải thích xem kẻ mạnh vấp ngã thế nào, hay họ có thể cải thiện ở đâu cho tốt hơn. Vinh quang thuộc về người đứng trong sàn đấu, người có khuôn mặt lấm len bụi bặm, mồ hồi và máu, người chiến đấu đầy can đảm, người mắc lỗi, người thất bại hết lần này tới lần khác, vì chẳng có nỗ lực nào mà không đi kèm với sai lầm hay thất bại; vinh quang thuộc về những người thực sự nỗ lực để lập được chiến công, người có nhiệt huyết lớn lao, người cống hiến hết mình; người hy sinh cả bản thân vì điều xứng đáng; người giỏi nhất biết được hương vị chiến thắng cuối cùng; và người tệ nhất, nếu anh ta thất bại, thì ít nhất cũng thất bại trong khi đã dám nghĩ dám làm, để cho vị trí của anh ấy sẽ không bao giờ cùng chỗ với những linh hồn lạnh lẽo và rụt rè của những người không bao giờ biết tới chiến thắng hay thất bại.”

Tác giả: Lawrence W. Reed / Fee.org
Hoa Minh lược dịch

Xem thêm: