Để phán đoán về một người trong lần gặp đầu tiên không phải là điều đơn giản. Nói về việc “đọc vị” để dùng người thì vị quan nổi tiếng triều Thanh Tăng Quốc Phiên, có thể nói là một cao nhân, kinh nghiệm cả đời của ông đã được kết tinh trong cuốn sách “Băng Giám”. 9 điều dưới đây rút ra từ cuốn sách rất đáng giá để bạn bỏ túi, mặc dù nó không phải là tuyệt đối.

đọc vị
Để phán đoán về một người trong lần gặp đầu tiên không phải là điều đơn giản, 9 điều dưới đây rất đáng giá để bạn bỏ túi để tham khảo. (Imtmphoto/ Shutterstock)

1. Nhìn thần sắc 

“Quan thần”, nghĩa là quan sát thần thái, là nội dung trung tâm của cuốn sách “Băng giám”.

Thần thái là yếu tố đầu tiên để nhìn một người, chủ yếu nhắc đến phẩm chất tâm tính xuất phát từ nội tâm, tập trung thể hiện ra ở tướng mặt, “tinh thần một người thể hiện qua đôi mắt; cốt cách và tướng mạo của một người thể hiện ở khuôn mặt”.

Lấy một ví dụ: Bùn đất trên núi thường xuyên bị xói mòn, nhưng lại không sụp đổ, bởi vì nó được bảo vệ bởi những mỏm núi đá vững chắc. Trạng thái tinh thần của một người đều có thể nhìn ra từ đôi mắt của người ấy, cốt cách và tướng mạo của một người tốt hay xấu đều tập trung thể hiện trên khuôn mặt. Tinh thần con người có sự phân biệt giữa trong sạch và vẩn đục, có sự khác biệt giữa chính và tà, đồng thời cũng có sự khác biệt giữa thật và giả. Người hung ác thì ánh mắt sẽ lộ ra hung quang; người nhân từ thì ánh mắt chân thành trang nghiêm; người dũng cảm thì ánh mắt sáng ngời có thần; người tâm địa gian tà thì ánh mắt lảng tránh bất định và chuyển động như đom đóm; người tâm không có suy nghĩ mờ ám, quang minh chính đại thì ánh mắt điềm tĩnh có thần.

2. Nhìn vào trạng thái tinh thần 

“Quan tinh”, nghĩa là quan sát trạng thái tinh thần, chính là xem biểu hiện bên ngoài của tinh thần, khí chất, trí tuệ và năng lực của một người.

Sự phức tạp của phẩm chất, thêm vào ảnh hưởng của việc tu dưỡng bản thân, nhân tố môi trường và các yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến tinh thần. Nếu tinh thần sung túc dồi dào thì người đó có năng lượng tràn đầy. Nếu tinh thần trống rỗng thì nội tâm sẽ tối tăm. Người có tinh thần thông suốt thì thông minh, mẫn tuệ; người có tinh thần lơ đễnh u ám thì sẽ ngu si và ngốc nghếch. Ngoài ra, một số người là “tinh” “thần” biểu hiện không rõ ràng. 

3. Nhìn gân 

Gân (cơ bắp) và xương cốt thường được kết hợp với nhau để xem xét sức mạnh và lòng dũng cảm của một người. Gân rắn chắc thể hiện một người dũng cảm. Gân yếu nhược chứng tỏ người này hèn yếu, khiếp nhược.

4. Nhìn vào xương cốt

“Thần” và “cốt” là cửa ngõ và nguyên tắc chỉ đạo để đánh giá một người. Xương cốt vững chắc là biểu hiện của người khoẻ mạnh, vững vàng. Xương cốt mềm yếu là biểu hiện của người yếu đuối, bạc nhược.

5. Nhìn tính khí

“Quan khí”, nghĩa là quan sát tính khí, có thể nhận thấy sự trầm ổn hay nóng nảy của một người.

Người mà bảo trì sự bình thản, đứng trước nguy nan không loạn thì mới có thể gánh vác được trách nhiệm lớn lao. Người nóng nảy bất an, tay chân vụng về thì khó có thể tập trung năng lực để giải quyết vấn đề khó khăn, do đó, thường bỏ dở giữa chừng. Người đủ sức mạnh, nhiệt tình hăng hái thì làm việc có thể tập trung tinh lực và bền bỉ. Người sức lực yếu ớt, tinh thần rời rạc thì đa số sẽ dễ dàng bỏ cuộc.

6. Nhìn sắc diện

đọc vị
Sắc diện, chính là biểu hiện cảm xúc, là sự phản ánh toàn diện về khí chất, cá tính, phẩm cách, học thức, tu dưỡng, sự từng trải, cuộc sống và các yếu tố khác của một người. (Ảnh: Flamingo Images/ Shutterstock)

“Quan sắc”, nghĩa là quan sát sắc diện, chính là biểu hiện cảm xúc, là sự phản ánh toàn diện về khí chất, cá tính, phẩm cách, học thức, tu dưỡng, sự từng trải, cuộc sống và các yếu tố khác của một người.

Tăng Quốc Phiên cho rằng: Người nhân từ phúc hậu có sắc mặt ôn hoà, dịu dàng; người dũng cảm ngoan cường có sắc mặt phấn kích, nghiêm khắc và kiên quyết; người bao dung trí tuệ có sắc mặt sáng sủa và độ lượng.

Người có sắc diện hòa nhã thì tâm tình vui vẻ, sắc diện ủ rũ thì tâm tình đau buồn. Cũng có những người ung dung thản nhiên, trạng thái cảm xúc của họ cần từ góc độ khác để quan sát. 

7. Nhìn dáng vẻ

Một người có dáng vẻ đàng hoàng thường có nội tâm tươi sáng, nhân sinh tích cực. Một người có dáng vẻ không chỉnh tề thường có nội tâm sầu khổ hoặc nội tâm u tối.

Người có dáng vẻ đoan trang phóng khoáng thường là người tu dưỡng sâu dày và tố chất cao. Người có dáng vẻ không đàng hoàng, bướng bỉnh, hèn nhát bỉ ổi thì chứng tỏ tu dưỡng nông cạn, tố chất thấp kém. Người chính trực trung thực thì dáng vẻ kiên định đoan trang. Người dũng cảm quyết đoán thì dáng vẻ phóng khoáng dũng mãnh. Người bình thản, vô tư thì dáng vẻ điềm tĩnh.

8. Nhìn thái độ

Một người có nội tâm không ổn định thì tất nhiên sẽ biểu hiện ra trên khuôn mặt.

Dung mạo cử chỉ bất chính thì nội tâm người đó nhất định có suy nghĩ xấu, cần phải xem xét động cơ và cách nghĩ thực sự của họ.

Thông thường mà nói, dung mạo cử chỉ một người mà trang nghiêm kiên quyết thì là người dũng cảm, mạnh mẽ; dung mạo cử chỉ mà trầm ổn thì là người cẩn thận, tiết tháo; nếu có dung mạo cử chỉ uy nghi, trang nghiêm, thì đây chính là bậc hiền nhân cao quý.

9. Nhìn ngôn ngữ

“Quan ngôn”, nghĩa là quan sát cách ăn nói, thể hiện suy nghĩ bản thân và cũng là phương diện quan trọng để đánh giá tài năng của một người.

Ngôn ngữ đại diện cho học thức và sự tu dưỡng của một người. Trí óc người này có rõ ràng hay không, chủ yếu xem họ nói năng có rành rọt, lô-gíc không.

Tốc độ nói chậm thì thường có nội tâm khoáng đạt, tốc độ nói nhanh thì thường có lòng dạ hẹp hòi.