Người châu Á thường ít coi trọng sự hài hước, từ nhỏ đến lớn trẻ em thường được dạy phải “chăm chỉ”, “nỗ lực”, “nghiêm khắc”. Văn hóa của các nước đồng văn thường chú trọng Lễ, đề cao phép tắc, ít coi trọng óc khôi hài, mặc dù trong Sử Ký Tư Mã Thiên có riêng một phần “Hoạt kê liệt truyện”. Ngược lại, người phương Tây không quan tâm đến người khác mắng chửi mình là ngoan cố, gian trá, vô lại, nhưng không thể chịu đựng được nếu bị chỉ trích là “không có khiếu hài hước”. Đặc biệt trong văn hóa Mỹ, việc một người “không có khiếu hài hước” được xem như một thất bại, có cảm giác như người đó không được hoan nghênh, khiến người ta chán ghét.

Cuộc sống luôn luôn cần một chút hài hước
(Ảnh: Shutterstock)

Trong lời cầu nguyện viết cho con trai, tướng MacArthur đã cầu xin Chúa ban cho con trai mình rất nhiều điều như “đủ mạnh mẽ để nó biết khi nào nó yếu đuối, và đủ can đảm để đối diện với chính mình khi nó sợ hãi”, “hãnh diện và kiên cường trong thất bại chân thật, và khiêm tốn, hoà nhã trong chiến thắng”, “hãy để cho nó học đứng dậy trong bão tố; ở đây, hãy để nó biết cảm thương những ai thất bại”… Nhưng cuối cùng, ông lại còn cầu xin:

Sau khi những điều đó đã đạt được, con xin Ngài thêm vào cho nó đủ óc khôi hài, để nó tuy có thể luôn luôn nghiêm chỉnh, nhưng không bao giờ tự xem mình quá quan trọng. Hãy ban cho nó sự khiêm nhường, để nó luôn luôn có thể nhớ lại tính giản đơn của chân lý, tinh thần rộng mở của minh triết đích thực, và sự nhu hòa của sức mạnh đích thực.

Từ đó có thể thấy rằng, trong xã hội phương Tây, sự hài hước được khẳng định và đánh giá rất cao.

Có một giai thoại về Roosevelt trước khi chưa lên làm tổng thống Mỹ thế này. Nhà Roosevelt bị trộm, bạn bè viết thư an ủi ông. Roosevelt trả lời thư bạn như sau: “Cảm ơn lá thư của bạn, mình giờ rất bình an, bởi vì: Thứ nhất, tên trộm chỉ lấy tài sản chứ không làm hại mình; Thứ hai, tên trộm chỉ ăn cắp một số đồ chứ không lấy hết sạch; Thứ ba, điều may mắn nhất là: kẻ trộm là hắn chư không phải mình.”

Một lần, George Bernard Shaw, nhà soạn kịch nổi tiếng người Ireland đang đi trên đường và bị một người lái xe không cẩn thận đâm phải. Người lái xe vội vã đỡ ông dậy và không ngớt lời xin lỗi. Nhà soạn kịch phủi phủi mông rồi hài hước nói: “Anh thật xui xẻo, thưa anh, nếu anh đâm chết tôi, thì có thể anh sẽ nổi danh khắp thế giới.”

Nhà văn nhà thơ nổi tiếng Ấn Độ, Tagore, từng nhận được lá thư từ một cô gái: “Ngài là nhà văn tôi rất ngưỡng mộ. Để bày tỏ sự ngưỡng mộ của tôi đối với ngài, tôi dự định lấy tên của ngài để đặt cho chú chó pug yêu quý của tôi.” Tagore đã viết cho cô gái bức thư trả lời: “Tôi đồng ý với kế hoạch của cô, nhưng trước khi đặt tên, cô nên thảo luận với chú chó xem nó có đồng ý không.”

Nhà văn viết truyện cổ tích người Đan Mạch, Andersen, là người rất giản dị, ông thường đội chiếc mũ cũ kỹ đi bộ trên đường phố. Có một người đi đường trêu: “Cái thứ đồ chơi trên đầu ông là cái gì vậy? Nó có được xem là mũ không?” Anderson hóm hỉnh trả lời: “Cái thứ đồ chơi ở dưới mũ của anh là cái gì vậy? Nó có được coi là cái đầu không?”

Chính trị gia người Mỹ Charles Edison, con của nhà phát minh Edison, khi vận động bầu cử thị trưởng, không muốn sử dụng danh tiếng của cha để tự nâng mình lên. Khi tự giới thiệu bản thân, ông đã nói thế này: “Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng tôi lợi dụng sự nổi tiếng của Edison. Tôi chỉ muốn cho mọi người biết rằng, tôi chỉ là một trong những kết quả của các thí nghiệm ban đầu của cha tôi.”

Phản ứng thông minh dí dỏm không chỉ là khả năng nói lời tốt đẹp, mà là thể hiện sự vui vẻ và thái độ sống chín chắn. Người sở hữu nó cũng chính là người có trí tuệ sâu sắc và hiểu được cội nguồn của niềm vui.

Nhưng chúng ta cũng đừng quên cuộc sống là muôn màu muôn vẻ. Do đó, khi sử dụng sự hài hước, nhất định đừng lạm dụng nó, một lời nói đẹp có thể mang tới sự thoải mái và có sức mạnh, nhưng mãi nói những lời khéo léo, chuyện cười, châm biếm, có thể khiến cho sự tình trở nên tồi tệ. Mục tiêu chính của hài hước là làm cho giao tiếp trở nên hài hòa hơn, tạo nên những tiếng cười thoải mái để xóa tan khoảng cách giữa mọi người. Nếu trong lòng bạn muốn trốn tránh trách nhiệm, hoặc thấy bất bình, chỉ muốn sử dụng sự hài hước để áp đảo người khác, thì nó có thể khiến bầu không khí trở nên căng thẳng, gây ra tâm lý thù hận cho đối phương.

Hài hước không giống như rác, vứt đi liền quên, nó cần phải khiến người ta ấn tượng, sau này vẫn có thể nhớ lại, vẫn cảm thấy buồn cười. Vì vậy, hài hước cần phải phù hợp. Hài hước đẹp khiến người ta cười, còn châm biếm người khác để làm cho bản thân khoái trá thì lại thật phản cảm và xấu xí.

Minh Nguyệt

Xem thêm: