Bài viết của tiến sĩ Adam Price – Chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.

Không chỉ dành thời gian quan sát trẻ vị thành niên, mà tôi còn chú ý đến những người trưởng thành, các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 10 – 19. Họ dành rất nhiều thời gian để nói về con của mình. Chia sẻ tôi thường thấy là, phụ huynh lo lắng về con của họ, nghĩ xem đứa trẻ cần làm gì để đạt được thành công trong tương lai. Trên hết, phần lớn cho rằng việc đỗ vào một trường đại học “tốt” không những là cánh cửa mở ra vô vàn cơ hội, mà còn là lựa chọn duy nhất khiến trẻ có thể duy trì địa vị xã hội vốn có hoặc xác lập vị trí cao hơn trong tương lai.

Dạy con
(Ảnh: Shutterstock)

Một bác sĩ, cha của một cậu bé 15 tuổi gần đây thường phàn nàn rằng con mình không có một thái độ đúng đắn về trường học, thể thao và cuộc sống nói chung. Tôi chăm chú lắng nghe những lời than phiền của ông về con của mình. Cậu bé thường chỉ thích ra ngoài chơi với bạn vào các buổi tối thứ Sáu hoặc trước đêm của một trận đấu bóng đá thay vì ở nhà hoặc trở về nhà sớm hơn.

Một phụ huynh khác, mẹ của một cô bé 17 tuổi cảm thấy phiền muộn tương tự về cô con gái của mình. Bà không ngừng khuyên con thực hành một lối sống khoa học và tích cực hơn như chơi tennis thường xuyên và nghiêm túc hơn, viết văn hay là tham gia ứng cử vào hội đồng học sinh. Làm thế nào để con gái bà có thể cải thiện điểm văn, trở thành đội trưởng của đội bóng tennis và có được kinh nghiệm lãnh đạo?

Trong cả 2 trường hợp nêu trên, họ cảm thấy bất lực không có biện pháp nào khác ngoài việc thúc ép con cái mình. Người cha nói rằng: “Tôi chỉ cằn nhằn về những thói quen của con trai mình” trong khi bà mẹ cảm thấy “Tôi e rằng mình sẽ là một người mẹ không tốt nếu không thể khiến con gái mình tham gia vào những việc có lợi cho tương lai của nó. Tôi không quan tâm con mình sẽ vào đại học nào, tôi chỉ muốn sau này nó không phải hối hận.”

Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm nhiều năm quan sát và tiếp xúc với trẻ vị thành niên, tôi lại có một quan điểm khác. Nhìn chung, thông điệp tốt đẹp mà các bậc phụ huynh muốn nhắn nhủ đến con cái của mình lại không phải những gì đứa trẻ tiếp thu và cảm nhận được. Ở 2 câu chuyện trên, cô bé và cậu bé nghĩ rằng bố mẹ mình đang kỳ vọng chúng phải làm được điều này, điều kia, thay vì khích lệ chúng trở nên tốt hơn. Cũng bởi những kỳ vọng có vẻ như đúng đắn và hợp lý kia, thay vì khiến trẻ trở thành vận động viên chuyên nghiệp hay một người trưởng thành mạnh mẽ bản lĩnh, lại khiến chúng hoặc là bực dọc, hoặc cảm thấy mình quả là một nỗi thất vọng lớn của cha mẹ. Người lớn có thể nghĩ rằng “đây chính là cách để con đạt được thành công, điều này, điều nọ tốt cho sự phát triển trong tương lai của con”, nhưng thực tế, sự thúc ép của phụ huynh lại khiến trẻ con hiểu ngược lại. Thật chẳng dễ chịu chút nào khi những đứa trẻ cảm nhận cha mẹ mình muốn nói “những việc cha mẹ yêu cầu chính là hình mẫu con đáng lẽ ra phải hướng tới, thật là thất vọng khi con không làm được điều này…”

Người lớn càng thường xuyên “nhắc nhở”, trẻ lại càng xem những “lời khuyên” đó như những chỉ trích đối với mình.

Một đứa trẻ được phỏng vấn nói rằng: “Khi cháu được làm những việc mình muốn và có quyền tự ra quyết định, cháu cảm thấy hài lòng và rất thoải mái. Nhưng khi cháu bị buộc phải làm gì đó hoặc cảm thấy tội lỗi khi làm gì đó, dường như cháu bị tê liệt, cảm thấy không biết phải làm gì và cũng chẳng muốn làm gì.”

Một đứa trẻ được hỏi khác thì cho hay: “Nếu cháu không làm gì cả, hoặc làm một việc gì đó không đến nơi đến chốn, hay là không đạt được sự hoàn hảo. Cháu cảm thấy chẳng ổn tí nào. Cháu thà bị người khác nổi giận còn hơn tự thấy thất vọng với chính mình.”

Phần lớn những đứa trẻ trong tuổi vị thành niên thường không giỏi bộc lộ quan điểm của mình một cách rõ ràng. Chúng có xu hướng đối kháng, phản ứng lại một cách thụ động như không làm bài tập về nhà, không hào hứng trong các hoạt động thể chất hoặc là làm ra vẻ uể oải lười biếng.

Tuy vậy, quan sát những trạng thái này, chúng ta có thể nhìn ra động lực cũng như nguyên nhân ẩn đằng sau vẻ ngoài trì trệ không mấy tích cực ấy của trẻ. Chúng muốn nói với chúng ta rằng: “dù con có làm bất cứ việc gì đi nữa, con cũng không thể đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ và mọi người, thế thì tại sao con phải cố gắng?”

Phần lớn phụ huynh thường có cảm giác tiến thoái lưỡng nan: Một mặt, họ nhận thấy con em mình cần được giáo dục một cách kỹ lưỡng cẩn thận, cần được chỉ dẫn và sửa sai, thậm chí đôi lúc cha mẹ cũng không ngại “nài nỉ” hay dành những lời “nói ngọt” để thuyết phục con làm theo ý mình. Mặt khác, họ cảm thấy bối rối khi nỗ lực dạy dỗ con cái của mình chẳng những không khiến trẻ trở nên tốt hơn mà lại còn phản tác dụng.

Nếu bạn đang lâm vào tình cảnh này, thì tin vui là những mẹo nhỏ sau đây có thể giúp con trẻ nhìn nhận những lời khuyên của bạn theo hướng tích cực hơn.

1.Hãy nhớ rằng, con bạn vẫn còn là một đứa trẻ!

Dạy con
(Ảnh: Nathan Cowley from Pexels)

Frances Jensen, tác giả của cuốn “Não bộ tuổi teen” (The Teenage Brain) nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng trẻ vị thành niên không phải là người lớn. Tuy rằng chúng có vẻ giống với người lớn về ngoại hình và giọng nói hơn học sinh tiểu học, chúng vẫn còn rất nhiều điều phải học để trở nên trưởng thành và chín chắn như chúng ta. Trẻ vị thành niên không nên bị đánh giá bởi những tiêu chuẩn dành cho người lớn, vì thước đo năng lực, tầm nhìn và kỷ luật giữa hai thế hệ, hai độ tuổi là khác biệt. Rất nhiều người kỳ vọng thấy được sự chín chắn và tinh thần trách nhiệm như một người trưởng thành ở con em mình, chứ không nhìn nhận rằng đứa trẻ đang trong quá trình hoàn thiện mình mỗi ngày.

2. Thấu hiểu tâm lý con trẻ

Con trai của bạn có thể đỗ vào một trường đại học danh tiếng, thậm chí có thể đạt được thành tích học tập ưu tú vượt trội, nhưng được ghi nhận và yêu mến trong mắt bạn bè cũng không kém phần quan trọng với chúng. Hoặc có thể quan điểm của con bạn có vẻ không logic, chẳng hạn như “dù con có học cái gì đi nữa thì kết quả cũng vẫn tệ mà thôi” hoặc phi thực tế kiểu như “con chỉ cần ngủ 5 tiếng một ngày là đủ”, bạn cần cho con thấy mình hiểu con đang nghĩ gì, xuất phát điểm ở đâu, và con có mong muốn nguyện vọng gì.

3.Trao cho trẻ quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm

dạy con, làm cha mẹ, giáo dục con nhỏ
(Ảnh: Shutterstock)

Trẻ cần được có quyền tự ra quyết định cho mình. Hãy thoải mái để trẻ tự lựa chọn, khi bạn thấy hợp lý, điều đó rất quan trọng. Tuy vậy, độc lập không có nghĩa là có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, mà còn phải có thể chịu trách nhiệm cho mọi hành động và quyết định của bản thân. Ví dụ, hãy để con bạn quyết định chúng muốn thức đến bao lâu cho việc ôn bài chuẩn bị để thi cử hoặc hoàn thành bài tập về nhà, nhưng gọi con dậy đi học vào buổi sáng lại là một việc khác. Hãy để con thấy rằng sắp xếp quản lý thời gian cho việc học và chơi,… và tự dậy sớm vào buổi sáng để đi học đúng giờ là một trách nhiệm cá nhân. Bố mẹ không có nghĩa vụ phải luôn nhắc nhở con cái về giờ giấc. Tốt hơn hết là hãy để con bạn hiểu được hậu quả của việc quản lý thời gian không hiệu quả. Từ đó, chúng sẽ tự chủ động sắp xếp công việc cần làm mà không cần bạn phải thường xuyên nhắc nhở.

Sau đây là ví dụ về một phụ huynh đã ứng dụng các mẹo nêu trên và giải quyết được bế tắc trong việc dạy dỗ con trai mình.

Dạy con
(Ảnh: Shutterstock)

Cậu bé Jason tha thiết muốn tham gia một bữa tiệc cắm trại ở một thị trấn khác, dịp mà nhiều cậu bé khác sẽ cắm trại qua đêm. Tuy nhiên, cậu bé lại đồng thời có một cuộc thi Lacrosse phải tham gia vào sáng sớm hôm sau. Lúc đầu, cha cậu bé cảm thấy tức giận bởi ông nghĩ con trai mình thật là thiếu trách nhiệm. Nhưng ông chợt nhận ra rằng: “nó không phải một người vô trách nhiệm, thực ra Jason cũng mới chỉ 16 tuổi thôi mà”, và buổi cắm trại đông vui nhộn nhịp ấy dường như là cả thế giới trong mắt cậu bé. Vậy nên, ông đã giải thích một cách nhẹ nhàng và lý trí với con trai rằng, thật chẳng khả thi tý nào nếu con đi cắm trại qua đêm với các bạn như thế mà lại có thể trở lại thị trấn để tham gia buổi thi đấu vào sáng sớm hôm sau. Nếu Jason muốn xin rút khỏi cuộc thi, cậu nên báo cho huấn luyện viên của mình vào tối nay. Khi Jason được đưa ra một lời khuyên với những lý lẽ và giải thích hợp lý, hiểu được rằng trách nhiệm của mình trong trường hợp này là gì, cậu bé 16 tuổi đột nhiên trở nên trưởng thành hơn. Thay vì hủy bỏ cuộc thi không một lời báo trước, cậu bé lựa chọn một quyết định win-win (có lợi cho cả 2 phía), cậu sẽ vẫn đi cắm trại cùng các bạn, nhưng sẽ về sớm hơn, ngủ ở nhà và sáng hôm sau dậy đi thi. Khi người cha nhìn thấy mình đã tạo ra thay đổi tích cực này ở con trai, ông ấy vui vẻ đặt một chiếc xe cho cậu bé đi cắm trại và yêu cầu Jason trở về nhà trước 11h đêm. Đêm hôm đó, khi Jason về đến nhà thì đã 11h30 tối, muộn 30 phút so với dự định, ông bố ra mở cổng cho con, ông ấy không hề phàn nàn mà còn khen ngợi con trai mình quả là một cậu bé hành xử thật có trách nhiệm, biết nghĩ cho người khác và thực hiện lời hứa của mình một cách nghiêm túc.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy được kết quả phụ thuộc vào việc người cha phản ứng ra sao trước hành động của con mình. Thay vì nổi giận và phàn nàn về con, ông khuyến khích cậu bé có thể đi dự tiệc cắm trại với các bạn theo ý thích nhưng phải có trách nhiệm với buổi thi đấu đã lên kế hoạch trước vào sáng hôm sau.

Tiến sĩ Adam Price – Chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ và thanh thiếu niên