Hoa nở bung thì nhanh tàn, trái chín rục thì nhanh rụng…, bởi thế luôn phải có một chút thiếu thiếu thì mới thi vị. Có lẽ trạng thái tốt nhất của cuộc sống là khi gần như tròn đầy chứ không phải là đã tròn đầy.

cuộc sống trọn vẹn
Hoa mẫu đơn đài các nhất là khi vừa chớm nở. (Ảnh: MasterChefNobu/ Shutterstock)

Nhà thơ Tô Đông Pha từng viết: “Người có buồn, vui, ly, hợp. Trăng có mờ, tỏ, tròn, khuyết. Chuyện này xưa nay khó tròn vẹn.” 

Thực ra cuộc sống không cần phải quá viên mãn, quá viên mãn thành ra lại không đẹp. Bởi nước đầy ắt sẽ tràn, hoa nở rộ ắt sẽ tàn lụi, người quá hoàn hảo ắt tiềm ẩn họa.

Lời nói ra không thể nói đến cùng

Khi nói hãy lưu lại cho người khác đường sống, cho họ một chút không gian để tự mình hiểu. Người hiểu chuyện tự sẽ mang tâm cảm kích tấm lòng của bạn. Còn một khi người ta đã không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì cũng không đến mức phải đẩy họ vào đường cùng, bởi vì điều đó rốt cuộc chỉ làm tổn thương tình cảm với nhau.

Khi nói chỉ nên nói bảy phần, vừa cho họ đường lui, vừa thể hiện sự tu dưỡng của bản thân bạn, còn có thể thúc đẩy những mối quan hệ tình cảm giao hảo tốt đẹp. 

Những người thường có thói quen ăn nói phóng túng, chỉ quan tâm đến cảm xúc và sự thoải mái của bản thân, thì cho dù ý định ban đầu của họ là tốt, nhưng vào tai người khác hẳn sẽ thành ác ngữ, làm tổn thương người ta. 

Cầu mà không được cũng không cần tiếc nuối

Tư Mã Thiên trong ‘Sử ký’ có câu rằng: “Thiên hạ hi hi, giai vi lợi lai, thiên hạ nhương nhương, giai vi lợi vãng.” Ý nói rằng: Người trong thiên hạ tất bật, bận rộn đều vì chữ lợi này mà đến, người trong thiên hạ rối ren, hỗn loạn đều vì chữ lợi này mà bôn ba. 

Sống ở trên đời, việc mưu cầu công danh lợi lộc là để làm cho cuộc sống trở nên giàu có và thoải mái, thật ra đây cũng là điều dễ hiểu. 

Tuy nhiên, một số người thường đặt ra các mục tiêu, cảm thấy rằng cuộc sống có đạt được mục tiêu thì mới là trọn vẹn. Mục tiêu này vừa xong lại chạy theo mục tiêu khác, cứ thể cả đời chạy theo các mục tiêu không ngừng nghỉ.

Đối với những người đã từng theo đuổi sự hoàn hảo, thì khi không đạt được một mục tiêu nào đó, họ cảm thấy cuộc đời dường như trở nên thật thiếu sót, cuối cùng thì sống cả đời trong tiếc hận.

Trước kia, có một ngư dân hàng ngày ra khơi đánh cá và luôn trở về với thuyền cá đầy ắp. Vào một ngày nọ, ông lại ra khơi đánh cá như thường lệ. Nhưng thời điểm đó bỗng thời tiết thay đổi đột ngột, có vẻ như trời sắp có mưa to, không thích hợp để tàu của ngư dân bám biển dài ngày. Nhưng ông lại đành lòng bỏ lỡ cơ hội có thể câu được một thuyền đầy cá, ông nghĩ rằng nếu bây giờ quay trở lại thì vẫn chưa đủ.

Vì vậy, ông tự nhủ rằng chỉ cần thêm một mẻ lưới này liền có thể trở về. Tuy nhiên, ngay khi ông chuẩn bị thu lưới, một cơn bão dữ cùng những con sóng lớn ập đến, ngay lập tức nhấn chìm cả người và chiếc thuyền đánh cá xuống biển. 

shutterstock 2072561036
“Toàn thì tất khuyết, vật cực tất phản”, người tham muốn hoàn hảo, có khi lại phải chịu tổn thất. (Ảnh: ImageBank4u/ Shutterstock)

Trên thực tế, những gì bạn muốn trong cuộc sống không nhất thiết phải quá trọn vẹn, không đạt được những gì mình muốn cũng chưa hẳn là điều xấu. Những người luôn theo đuổi sự hoàn hảo, tham muốn quá nhiều khi lại về tay không.

Trong sách ‘Lã thị Xuân Thu’ của Lã Bất Vi, có nói rằng: “Toàn thì tất khuyết, vật cực tất phản.” Người luôn theo đuổi điều cực hạn, thường phản tác dụng. Lưu lại đường lui cho mọi việc mới là trạng thái tốt nhất của cuộc sống.

Lại có câu: “Quyền thế không thể sử dụng hết, phúc không thể hưởng hết, lợi không thể chiếm hết, thông minh không thể dùng hết.”

Vì vậy, hãy luôn lưu lại cho mình một đường lui, để có thể vừa tận hưởng niềm vui lại không vì theo đuổi sự hoàn hảo mà trở kiệt sức và suy sụp.

Không nói quá lời là một loại tu thân, để bản thân và người khác cảm thấy thoải mái. Không hành sự quá độ là thiện, nó khiến cho nhau không phải chịu đau khổ. Theo đuổi mọi việc với một chừng mực nào đó là một loại trí tuệ, khiến cuộc sống có thêm nhiều lựa chọn tuyệt vời. Và cuối cùng là sống không tham muốn hoàn hảo, thì chính là đang tận hưởng sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn.

Theo Jingbo Guoxue

Mộc Lan biên tập