Thời gian qua, những khám phá khảo cổ đã nhiều lần cho thấy sự tồn tại của những nền văn minh tiền sử với công nghệ vượt trội so với Trái đất hiện nay. Tuy nhiên, những di chỉ đó chỉ giúp chúng ta liên tưởng về quá khứ xa xưa mà không giúp chúng ta cảm nhận trực tiếp về nền văn mình đó. Nhưng trong cuốn sách “Hang động của các Lạt ma”, Lạt ma Lobsang Rampa, tác giả của cuốn “Con mắt thứ ba”, sẽ cho chúng ta được chính mình trực tiếp sống, trải nghiệm trong thời gian và không gian, sờ tận tay những cỗ máy của một nền văn hóa tiền sử với trình độ công nghệ vượt trội.

Lobsang Rampa, tác giả của cuốn sách “Con mắt thứ ba” nổi tiếng, cho rằng mình là một người tham gia Phật giáo Tây Tạng từ khi còn 7 tuổi và trở thành Lạt ma cao cấp – một vị trí lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng – khi mới hơn 10 tuổi. Cuốn “Hang động của các Lạt ma – The Cave of the Ancientsf ai” kể về chuyến tham quan của ông cùng với sư phụ và các đồng môn đến một hang động cổ xưa, nơi cất giữ hàng loạt các máy móc, công nghệ của một nền văn minh tiền sử cách thời đại hiện nay hàng triệu năm.

hang động
Cuốn sách “Hang động của các Lạt ma” (ảnh: Trí thức VN)

Hành trình đến hang động

Một hang động chứa đựng điều bí mật hẳn phải ở một nơi rất xa xôi và cực kỳ khó tiếp cận. Kể về hành trình đến “hang động của người xưa”, Lobsang Rampa viết:

Một cách chậm chạp, chúng tôi theo con đường mòn xuất phát từ Chakpori…, ngang qua công viên Kashya Linga,… qua sông Kyi Chua, tiến thẳng về hướng Tây Nam (của Tây Tạng), trên vai mỗi người là cái ba lô con, trong đó có lương thực, một sợi thừng… 

Chúng tôi đi suốt ngày, cả ngày hôm sau. Sau khi vượt qua những dãy núi đâm ngang, chúng tôi tiến vào những dãy núi được kể lại… Chúng tôi phải nối với nhau bằng một sợi dây an toàn để leo lên núi… Chúng tôi tiến vào thung lũng… tiến đến chướng ngại cuối cùng, một bức tường đá… Lạt ma to cao và vạm vỡ nhất giương hai tay, lưng dựa vào vách đá, tiếp đó người nhẹ cân hơn leo lên vai người đang dang tay, cuối cùng người ta nâng tôi lên để tôi có thể đứng trên vai người đứng phía trên…”

Sau khi mất mấy ngày trời để đến được Hang Động của Người Xưa, Lobsang Rampa kể về việc tiến vào hang đá:

“Thế là tôi, thành viên nhỏ nhất và kém quan trọng nhất của đoàn, là người đầu tiên vào Hang Động của Người Xưa… Đột nhiên ánh sáng tóe ra, và tôi hầu như cứng người vì khiếp đảm, tôi đứng im, áp sát tường và ngắm nhìn cảnh tượng trước mặt. 

Hang Động có vẻ rộng lớn gấp đôi không gian bên trong của Đại Thánh Đường ở Lhasa. Trái với Đại Thánh Đường, luôn chìm trong thứ ánh sáng mờ dịu mà những cây đèn dầu lạc cố xua đi, hang động này tràn ngập thứ ánh sáng hơn đêm trăng rằm không mây. Không hẳn thế; có thể nói là sáng hơn nhiều. Tôi ngước nhìn những quả cầu, nơi toé ra thứ ánh sáng đó. Các Lạt ma ép sát bên tôi, và cũng như tôi, họ hướng mắt trước tiên vào nguồn ánh sáng.

Thầy Linh hướng (sư phụ của Lobsang Rampa) nói:

– Các tu viện cổ cho biết rằng vào buổi chiều, hang động này được chiếu sáng hơn bây giờ nhiều. Qua nhiều ngàn năm, những ngọn đèn đó càng lúc càng yếu dần.”

hang động của Lạt ma
Hang Động của Người Xưa nằm trên những vách đá dựng đứng của dãy Himalaya (ảnh minh họa: Punnawit Suwattananun/Shutterstock)

Chiếc bục di động và nguồn ánh sáng lạnh

Vào đầu thế kỷ 20, khi mà máy móc vẫn còn là điều xa lạ với hầu hết các nước phương Đông thì việc tiếp cận những máy móc còn hiện đại hơn nhiều so với thế kỷ 21 hẳn sẽ là một trải nghiệm không thể tưởng tượng nổi đối với Lobsang Rampa:

“…Rồi, bị thúc đẩy bởi cùng một xung lực, chúng tôi tiến bước trên sàn bằng đá để đến xem cỗ máy đặt gần chúng tôi nhất. Chúng tôi đứng quanh nó, không dám chạm tay vào nhưng rất muốn biết công dụng của nó. Mờ xỉn bởi thời gian, tuy vậy nó có vẻ sẵn sàng để chuyển động ngay nếu người ta biết sử dụng nó. Một số máy móc khác thu hút sự chú ý của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng chẳng hiểu đó là máy gì.

Tôi tiến đến một cái bục vuông vức, khoảng một mét, đặt trên sàn và được bao quanh bởi một lan can…. Lơ đãng, tôi bước lên cái bục, thầm nghĩ chẳng hiểu nó có công dụng gì. Và tôi sẽ suýt chết giấc vì khiếp đảm: cái bục chuyển động và cất lên cao.

Quá kinh hoàng, tôi bám lấy lan can.

Cả sáu Lạt ma đều kinh ngạc hướng mắt lên phía tôi. Cái ống đã giương ra và kéo cái bục về một quả cầu trong những quả cầu phát sáng. Hoảng hốt, tôi nhìn qua lan can. Lúc này, tôi đã cách mặt đất khoảng chục mét và cái bục vẫn tiếp tục lên cao. Tôi khiếp đảm khi nghĩ rằng nguồn sáng từ quả cầu sẽ đốt cháy tôi tựa như một cánh bướm đêm lao vào ngọn đèn dầu. Có một tiếng ‘clic’ và cái bục dừng lại. Ánh sáng tỏa ra cách mặt tôi vài centimet. Tôi rụt rè đưa tay ra: quả cầu lạnh như đá.

Lấy lại phần nào bình tĩnh, tôi nhìn quanh. Ngay lúc đó, một ý nghĩ đáng sợ loé lên trong đầu tôi: Làm thế nào tôi có thể xuống đây? Tôi nhảy dựng, tìm cách thoát thân, nhưng vô ích. Tôi toan vươn đến cái ống dài, hy vọng có thể bám lấy và tuột xuống, nhưng nó ở ngoài tầm với của tôi. Khi tôi bắt đầu tuyệt vọng thì cái bục lại một lần nữa chuyển động và bắt đầu hạ xuống. Không chờ nó chạm đất, tôi nhảy xuống! Tôi không còn nguy cơ bị bốc lên một lần nữa!”

Chiếc hộp hiện hình

“Đột nhiên, một tiếng thét vang lên khiến chúng tôi phải quay nhìn. Vị Lạt ma cao gầy đang đứng gần bức tường trong cùng, và khuôn mặt của ngài hình như đang bị mắc kẹt trong một cái hộp bằng kim loại mờ xỉn. Ngài đứng đó, đầu cúi thấp, khuôn mặt hoàn toàn bị che khuất. 

…Cuối cùng, vị Lạt ma cao gầy tránh sang một bên và một Lạt ma khác thay vào chỗ ngài. Theo như tôi biết, các Lạt ma đã trông thấy trong cái hộp đó những máy móc di động. Cuối cùng, thương cảm tôi, thầy Linh hướng nhấc tôi lên để tôi có thể tận mắt nhìn thấy. Như tôi đã được chỉ dẫn, khi tôi đặt hai bàn tay lên một cái nắm, tôi thấy bên trong cái hộp những con người và những cỗ máy y hệt như những thứ đang có trong sảnh đường này. Có những người đang vận hành chúng, tôi nhận thấy rằng cái bục mà ban nãy đã đưa tôi lên quả cầu phát sáng, có thể được điều khiển tuỳ ý, và nó là một loại ‘thang’ di động. Theo tôi, hầu hết những máy móc ở đây đều trong tình trạng có thể sử dụng như những máy móc mà, vài năm sau đó, tôi đã thấy trong các viện bảo tàng khoa học ở nhiều nơi trên thế giới.”

Buồng du hành thời gian – nguồn gốc hang động của tiền nhân

Ngày nay, công nghệ trình chiếu toàn ảnh (hologram) vẫn còn là thứ gì đó xa lạ với hầu hết mọi người, nhưng dường như Lobsang Rampa đã được xem những hình ảnh được ghi từ hàng triệu năm trước, trình chiếu qua hệ thống máy chiếu toàn ảnh. Điều đặc biệt hơn, hệ thống máy chiếu này còn có khả năng thần giao cách cảm với con người ngày nay.

“… Đột nhiên, ánh sáng tập trung lại và hình thành một quả cầu chói lọi, ở chính giữa sảnh đường. Những màu sắc nhấp nháy, không rõ lý do, và những dải ánh sáng, cũng hoàn toàn vô nghĩa, xoay tít quanh quả cầu. Những hình ảnh hiện ra, ban đầu mơ hồ và lộn xộn, rồi trở nên rõ ràng, trông như thật và có ba chiều. Chúng tôi trố mắt nhìn.

…Đó là thế giới của ngày xửa ngày xưa, vào thời kỳ mà Trái đất còn non trẻ. Những dãy núi đã sừng sững ở những nơi mà ngày nay là những đại dương. Khí hậu ngày xưa ấy nóng hơn và những sinh vật lạ lùng đi lại trên đồng. Cái thế giới đó đang trên đà phát triển khoa học. Có những cỗ máy lạ thường bay cách mặt đất vài centimet, bay cao đến nhiều kilomet trong không gian. Những đền thờ đồ sộ với những nóc đền hướng lên trời, như thách thức những đám mây. Người và thú nói chuyện với nhau bằng thần giao cách cảm. 

hang động của Lạt ma
Thành phố hiện đại của nền văn minh tiền sử được tái hiện cho thầy trò Lobsang Rampa dưới dạng toàn ảnh (ảnh minh họa: iurii/Shutterstock)

Thế giới bị chia thành hai phe, phe này thèm muốn lãnh thổ của phe kia. Sự ngờ vực và sợ hãi là những đám mây đen đang trĩu nặng trên loài người. Các thầy tư tế của cả hai phe tuyên bố rằng chỉ có mình họ là những người được các vị thần yêu quý.

….Chúng tôi thấy những nhà khoa học đang làm việc trong các phòng thí nghiệm, tìm cách chế tạo những vũ khí có tính sát thương hơn, những quả bom ngày càng lớn hơn, với sức công phá mạnh hơn. 

Một chuỗi hình ảnh cho thấy một nhóm người đang đề ra những kế hoạch mà họ gọi là ‘Buồng du hành thời gian’ (điều mà chúng tôi gọi là ‘Hang Động của Người Xưa’) nơi họ có thể lưu lại cho những thế hệ mai sau những mẫu máy móc của họ, và một hồ sơ đầy đủ về văn hoá và những thiếu sót của họ. Trước mắt chúng tôi là vô số những máy móc, máy đào, đang đào bới. Vô số người đang lắp đặt những máy móc, thiết bị. Chúng tôi thấy họ lắp đặt những quả cầu với ánh sáng lạnh, những chất phóng xạ tạo ra ánh sáng trong hàng triệu năm.

Chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi đã có thể hiểu ngôn ngữ – sự giải thích bật ra trong tâm trí chúng tôi – bởi nó đã được truyền bằng thần giao cách cảm. Những căn phòng như căn phòng này, hay còn có thể gọi là ‘Buồng du hành thời gian’ hiện đang ẩn mình dưới những lớp cát của Ai Cập, dưới một kim tự tháp tại Nam Mỹ, và một nơi nào đó tại Siberia. 

 …Ngay lúc đó có một tia chớp như một vạch dài chói lọi trên bầu trời, và một trong những cây cầu lớn nhất đổ sụp trong một đống dây cáp, xà nhỏ và những thanh sắt. Một tia sét nữa và một phần lớn của thành phố biến mất giữa một đám hơi khí nóng sáng. Bềnh bồng bên trên những đổ nát là một đám mây hình nấm lạ thường, ghê rợn, cao nhiều kilomet.

 Những hình ảnh đó tan biến và chúng tôi lại thấy nhóm người đã hoàn chỉnh ‘Buồng du hành thời gian’. Họ quyết định đã đến lúc phải đóng kín lại những buồng đó. Chúng tôi tham dự các nghi thức niêm phong đó, chứng kiến cảnh đặt ‘Những ký ức đóng hộp’ vào cỗ máy. Chúng tôi nghe bài diễn văn từ biệt, nói với chúng tôi, ‘Người dân của tương lai’ rằng có lẽ nhân loại sẽ đi đến chỗ tự huỷ diệt. Rồi tiếng nói đó tiếp tục: ‘Trong những đường ngầm này có chứa các tư liệu ghi lại những thành tựu và những sai lầm của chúng ta, với hy vọng chúng sẽ có ích cho đời sau, những người sẽ có trí tuệ để phát triển chúng và hiểu chúng’.

… Và bộ não của chúng tôi nhận thông điệp: ‘Khi tiến về phía trước, hãy vào căn phòng nơi các người sẽ thấy có những vật liệu cần thiết để niêm kín mọi lối mà các người đã ngang qua để vào đây. Nếu các người chưa đạt mức tiến hoá để có thể vận hành những máy móc của chúng ta, thì hãy niêm kín các hang này để giữ nó nguyên vẹn cho những ai sẽ đến muộn hơn sau này!’

… Chúng tôi thấy một đám rước gồm những người nam và người nữ – có lẽ đó là những chức sắc của thời bấy giờ – ra khỏi Hang Động. Các vết nứt và những kẽ sâu đã được bịt kín, các nhân vật quan trọng và những người thợ đang rời xa. Những cỗ máy mất hút ở phía xa…”

Sự hủy diệt của văn minh tiền sử

Sự hủy diệt của các nền văn minh tiền sử đã được nói đến trong nhiều văn bản cổ. Mức độ khủng khiếp của nó hẳn có thể được hình dung. Nhưng những hình ảnh được trình chiếu bằng toàn ảnh mang vẫn đến cho Lobsang Rampa sự kinh hoàng về ngày tận thế:

“… Rồi bầu trời nhuốm đỏ. Toàn bộ thế giới sửng sốt bởi một sự rung chuyển. Tuy chỉ là những khán giả, nhưng chúng tôi cảm thấy choáng váng. Sự tăm tối đổ xuống trên trần gian. Những đám mây đen, bị xuyên thủng bởi những ngọn lửa đỏ rực, lăn xuống trên khắp thế giới. Các thành phố thình lình bốc cháy và tan biến.

… Những đại dương hung hãn tràn vào đất liền. Một cơn sóng thần cao hơn cả toà nhà cao nhất quét sạch mọi thứ trên đường đi của nó và ồ ạt tiến chiếm các lục địa. Đỉnh của sóng thần lôi theo những mảnh vỡ của một nền văn minh đang hấp hối. Trái Đất run rẩy và gầm lên; những vực thẳm rộng lớn há ra và khép lại như hàm há hốc của một người khổng lồ. Những dãy núi đó chuyển động nhấp nhô như những cành liễu trong cơn bão. Rồi chúng chìm xuống biển. 

hang động của Lạt ma
Một cơn sóng thần cao hơn tòa nhà cao nhất (ảnh minh họa: Marti Bug Catcher/Shutterstock)

…Hàng triệu người phải mất mạng. Số ít sống sót gào thét trong khi chạy về những dãy núi, những dãy núi vừa trồi lên. Số khác, trên những con tàu, chẳng biết do đâu, đã thoát khỏi tai hoạ, và đến được những cao nguyên. Tại đó, họ tìm nơi ẩn trú. Trái Đất đã dừng lại, rồi sau đó quay theo chiều ngược với chuyển động quay bình thường của nó.

…Trong nhiều thế kỷ, Trái Đất lại một lần nữa đổi khác;  biển biến thành đất liền và đất liền biến thành biển…

…Hang Động Người Xưa bị vùi lấp trong lớp bùn của một thế giới đã bị nhận chìm phân nửa. Nó yên nghỉ trong lòng sâu của Trái Đất. Theo thời gian, những thác nước cuốn trôi đất bùn trong những tàn tích, và cho các tảng đá một lần nữa có cơ hội để được sừng sững dưới mặt trời. Cuối cùng, bị nung bởi mặt trời và làm lạnh bởi một cơn mưa đá, bề mặt đá cứng phải nứt ra với một tiếng nổ như sấm, và nhờ thế, để lại cho chúng ta một lối vào.”

Sự thật hay chuyện bịa?

Câu chuyện của Lạt ma Lobsang Rampa hẳn gây những nghi ngờ hay băn khoăn cho người đọc, rằng liệu những cỗ máy của người xưa liệu có thực sự tồn tại?

Trong câu chuyện về chuyến thám hiểm Tây Tạng thứ 4 vào năm 1999, Giáo sư người Nga, Ernst Muldashev đã tận mắt trông thấy một cỗ máy có hình dáng kỳ lạ bằng đồng được đặt tại bảo tháp Svaiambanat, Nepal. Theo anh Kiram, người đã từng trông coi kho sách cổ Tây tạng bằng tiếng Phạn, thì cỗ máy đó có thể được điều khiển bằng suy nghĩ, bay lên và tiện, khắc núi đá.

Trong Phật giáo Tây Tạng, cỗ máy đó rất giống với Pháp khí của các vị Phật, được gọi là Kim cương chử. Phải chăng cỗ máy này đã được lấy ra từ một trong các hang động bí ẩn ở Tây Tạng mà Lạt ma Lobsang Rampa đã đề cập?

KIram KimCuongChu
Kiram bên cạnh cỗ máy bí mật của người xưa (nguồn: Muldashev)

Trong chuyến thăm Lebanon và Syria năm 2005, Giáo sư Ernst Muldashev đã phát hiện ra những vùng núi đá có vết cắt hàng nghìn năm trước bởi các cỗ máy khổng lồ giống như là bị phay bởi các máy phay đá khổng lồ. Điều này gợi ý rằng các cỗ máy chế tác đá mà Phật giáo Tây Tạng gọi là Kim cương chử được nhìn thấy ở bảo tháp Svaiambanat, Nepal hay các hang động chứa các máy móc của người tiền sử mà Lạt Ma Lobsang Rampa là có thật.

DauVetPhayDa
Các vết cắt trên các tảng đá lớn ở Lebanon và Syria gợi ý rằng chúng đã từng bị tác động bởi các máy phay đá khổng lồ trong quá khứ (ảnh: Muldashev)

Thay cho lời kết

Các nền văn minh nhân loại đã từng nhiều lần bị hủy diệt rồi được tái sinh. Theo chủ nhân của những chiếc “Buồng du hành thời gian”, nhân loại ngày nay cũng sẽ đi đến tự hủy diệt vì sự tham lam, ích kỷ của mình.

Vậy thì mục đích của những nền văn minh nối tiếp nhau trên trái đất là gì? Liệu chúng ta có rút ra được bài học chính diện nào từ quá khứ? Khi nào thì những máy móc hiện đại được trong những chiếc “Buồng du hành thời gian” có thể được nhân loại khai quật và ứng dụng chúng vào những công việc hữu ích?

Theo Hang Động của các Lạt ma (The Cave of the Ancients)

Thiện Tâm tổng hợp