Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài. Nghị định này được bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn các cá nhân đầu tư bất động sản tại nước ngoài để mua quốc tịch, rửa tiền và lợi dụng để tẩu tán tài sản.

euro money
(Ảnh minh họa: SergeyP/Shutterstock)

Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, người bị truy cứu… không được đầu tư ra nước ngoài

Dự thảo Nghị định gồm 6 chương với 47 điều, trong đó sửa đổi 23 điều, bổ sung mới 7 điều, giữ nguyên 17 điều và bỏ 2 điều.

Một số nội dung bổ sung đáng chú ý như Bộ KH-ĐT bổ sung điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản phải có tư cách pháp nhân. Điều kiện để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài là “nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.

“Việc quy định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ.

Bổ sung khái niệm “vốn đầu tư ra nước ngoài”. Dự thảo Nghị định quy định vốn đầu tư ra nước ngoài bao gồm tiền và tài sản của nhà đầu tư hoặc do nhà đầu tư huy động để chuyển ra nước ngoài (có bao gồm tiền do nhà đầu tư vay ở trong nước để chuyển ra nước ngoài, không bao gồm tiền do tổ chức kinh tế ở nước ngoài vay tại nước ngoài, không bao gồm tiền thực hiện trong nước).

Đối với khoản cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Vốn đầu tư ra nước ngoài là tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư hoặc do nhà đầu tư huy động để chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài nhằm thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, không bao gồm tiền cho tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài vay hoặc tiền bảo lãnh cho tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài đi vay. Phương án 2 là có bao gồm.

Bộ KH-ĐT nghiêng về phương án 1 (không bao gồm…) vì cho rằng điều này sẽ tách riêng nội dung cho vay/bảo lãnh ra nước ngoài thuộc kênh quản lý chung về cho vay/bảo lãnh ra nước ngoài theo quy định về quản lý ngoại hối.

Đáng lưu ý, dự thảo nghị định bổ sung quy định rõ các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài. Nhóm trường hợp này được dẫn chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, là các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cụ thể, các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, biện pháp xử lý hành chính…, đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bộ KH-ĐT cho rằng việc bổ sung quy định trên là cần thiết, đảm bảo cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài đã có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời “giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước khi đầu tư ra nước ngoài để hạn chế những rủi ro có thể có như tẩu tán tài sản…”.

Đối với tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài, dự thảo Nghị định bổ sung quy định “sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc vốn điều lệ tăng thêm để đầu tư ra nước ngoài.”

Ban soạn thảo nghị định cũng đề xuất xác định đầu tư (trực tiếp) ra nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (nhằm phân biệt với đầu tư gián tiếp là mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài)…

Bộ KH-ĐT yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin về vốn đã chuyển ra nước ngoài trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Thông tin này có thể do nhà đầu tư kê khai, nhưng cần Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác thực để có cơ sở kiểm tra, rà soát chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

“Quản lý đầu tư ra nước ngoài thời gian tới sẽ không tập trung quản lý từng dự án mà vì mục tiêu quản lý vĩ mô về ngoại hối, cân đối ngoại hối, phòng chống chuyển tiền sai mục đích, rửa tiền”, Bộ KH-ĐT nêu.

Nếu được thông qua, Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thay thế Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài.

Vì sao cần ‘siết’ đầu tư ra nước ngoài?

Bộ KH-ĐT cho biết từ năm 2015 đến nay, xu hướng đầu tư ra nước ngoài ổn định về số lượng dự án nhưng thay đổi lớn về chủ thể đầu tư. Số lượng dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước giảm mạnh, gia tăng nhà đầu tư là các doanh nghiệp vốn tư nhân (có nhiều doanh nghiệp lớn) và các cá nhân, tham gia nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Tính đến hết tháng 7/2020, Việt Nam có 1.741 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,9 tỷ USD. Hiện 1.372 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 20,86 tỷ USD. Vốn đã thực hiện đạt khoảng 9,65 tỷ USD. Từ năm 2006 đến nay, số lượng dự án và số vốn đăng ký chiếm tỷ lệ lần lượt là 90,1% và 97,4% tổng vốn đăng ký. Nếu tính riêng từ năm 2015 đến nay thì số lượng dự án đã chiếm 45% tổng số dự án lũy kế mặc dù vốn đăng ký chỉ chiếm 14,6% tổng vốn đăng ký.

Lĩnh vực đầu tư thì mở rộng từ trồng cây công nghiệp, thăm dò khai thác dầu khí, kinh doanh thương mại, sang kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp, cung cấp dịch vụ các loại (viễn thông, tài chính – ngân hàng, công nghệ thông tin, du lịch, xây dựng…). Thị trường mở rộng từ Lào, Campuchia, Nga… sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Châu Âu; xa hơn là Châu Mỹ Latinh, Châu Phi.

Mặc dù phát triển mạnh như vậy, song “vốn đầu tư ra nước ngoài chưa được định nghĩa một cách thống nhất và rõ ràng về thành phần, ý nghĩa sử dụng”, Bộ này xác định. Thêm hiện trạng pháp luật hiện hành không có hạn chế đối với cá nhân đầu tư ra nước ngoài, dù “trong một số trường hợp cần thiết phải hạn chế để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật Việt Nam, cũng như đảm bảo hạn chế rủi ro về pháp lý, an ninh”.  

Theo số liệu từ báo chí, cuối năm 2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố trong báo cáo Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ cho biết Việt Nam đứng thứ 6 trong số các quốc gia có nhiều người mua nhà tại Mỹ với tổng giá trị hơn 3 tỷ USD (tương đương gần 70.000 tỷ đồng). Đáng nói, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có công dân mua nhà đất tại Mỹ nhiều nhất trong 5 năm liên tiếp, từ năm 2013.

Giữa năm 2018, báo Kinh tế&Đô thị dẫn phỏng vấn với bà Liễu Nguyễn, Đại sứ Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết 3 tỷ USD do người Việt đổ vào mua nhà ở Mỹ chỉ là thống kê sơ bộ của NAR, con số thực tế còn cao hơn nhiều. Bà Liễu dự báo số lượng người Việt mua nhà tại đây đang ngày càng tăng lên và xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Gần đây nhất, ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa 14 bị phát giác đã có hộ chiếu Síp vào tháng 12/2018 cùng vợ, theo chương trình “mua hộ chiếu” với điều kiện đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD) tại đất nước này, theo Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) hôm 24/8.

Sơn Nguyên

Xem thêm: