Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa hoàn thiện, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) phân loại nhóm rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, với mức rút giảm 50% mức hưởng so với quy định hiện hành (trừ một số trường hợp đặc biệt), đồng thời thí điểm chế độ trợ cấp cho trẻ em để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH.

lay bhxh mot lan
Một xưởng may mặc tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tháng 2/2021. (Ảnh minh họa: Dong Nhat Huy/Shutterstock)

Theo quy định hiện hành (Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP), sau khi nghỉ việc 1 năm, nếu người lao động rút BHXH một lần, mỗi năm tham gia bảo hiểm được tính bằng 1,5 tháng lương cho giai đoạn từ 2014 về trước, và 2 tháng lương cho giai đoạn từ 2014 tới nay.

Thay vì không cho phép người lao động rút BHXH một lần như dự thảo đưa ra trước đó, Bộ LĐ-TB&XH lần này đưa ra các lựa chọn khác nhau giữa rút BHXH một lần hoặc để tới khi hết tuổi lao động mới rút.

Cụ thể, Bộ này phân loại nhóm lao động: Nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia BHXH, và đề nghị hưởng BHXH một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng BHXH.

Nếu người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, hoặc người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, lao động ra nước ngoài để định cư hợp pháp, mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm bằng 2 tháng lương bình quân tính đóng BHXH.

Một điểm đáng lưu lý, dự thảo sửa Luật Bảo hiểm xã hội đưa ra đề xuất thực hiện thí điểm chế độ trợ cấp trẻ em nếu có bố hoặc mẹ tham gia BHXH bắt buộc.

Cụ thể, người tham gia BHXH bắt buộc có con dưới 6 tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng tính trên mỗi con cho đến khi con đủ 6 tuổi. Giải pháp này để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH, đặc biệt với người lao động trẻ, thay vì nghỉ việc là rút BHXH một lần.

Tuy nhiên, nếu thêm chế độ trợ cấp cho người tham gia BHXH có con nhỏ thì sẽ phải thêm mức đóng. Bộ LĐ-TB&XH dẫn tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho hay nếu áp dụng chính sách với người có con dưới 15 tuổi, mức trợ cấp là 350.000 đồng/tháng, sau đó tăng dần lên đạt 560.000 đồng/tháng vào năm 2030, sẽ cần mức đóng góp của người lao động là 3%/tháng lương; trường hợp chỉ áp dụng trợ cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi thì tỷ lệ đóng góp cần thiết là 1%/tháng lương.

Với BHXH tự nguyện, để tăng tính hấp dẫn cho loại hình này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung thêm chế độ thai sản (hiện chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất). Trường hợp bổ sung thêm chế độ thai sản, lao động nữ tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho một con mới sinh.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất điều chỉnh điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 xuống 15 năm; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện lên mức 30% mức đóng tính trên thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (hiện có 3 mức hỗ trợ là 30%, 20% và 10% mức đóng tương ứng với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các nhóm khác).

Mức thu nhập chuẩn nghèo từ năm 2016 tới hết 2021 là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Từ năm 2022-2025, mức thu nhập chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn và thành thị lần lượt là 1,5 triệu đồng và 2 triệu đồng/người/tháng.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hiện được Bộ LĐ-TB&XH gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

BHXH TP.HCM báo có thể mất hơn 456 tỷ đồng BHXH