Chính quyền TP Hà Nội vừa kiến nghị Chính phủ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc) để trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2020.

duong sat do thi ha noi
Một nhà ga của tuyến đường sắt trên cao, tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: French Jessica Lee/Shutterstock)

Truyền thông trong nước ngày 20/9 dẫn tin cho hay UBND TP Hà Nội đang xúc tiến dự án metro thứ 5 tại Hà Nội, được gọi là dự án metro Văn Cao – Hòa Lạc.

Dài 38,43 km (6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất), tuyến metro này bắt đầu tại khu vực giao cắt đường Văn Cao – đường Hoàng Hoa Thám; đi ngầm hai ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng; đi ngầm qua ga vành đai 3 và chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của giải phân cách Đại lộ Thăng Long.

Toàn tuyến khai thác khoảng 25-40 đoàn tàu, 4-6 toa/tàu. Vận tốc thiết kế 120km/giờ và 90km/giờ đối với các đoạn đi ngầm. Thời gian chờ tàu khoảng 3,3 phút.

Theo đề xuất của Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng.

Các nguồn vốn tài chính gồm khoảng 15.000 tỷ đồng vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021-2025; 18.000-20.000 tỷ đồng nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; dự kiến 10.000 tỷ đồng vốn phát hành trái phiếu; còn lại khoảng 20.400-22.4000 tỷ đồng vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được chính quyền TP gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị thẩm định để trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2020. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.

Dự án nào cũng đội vốn, chưa hoàn thành

Theo quy hoạch chung được phê duyệt tại Quyết định 1259/2011, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km, gồm:

  • Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh (khoảng 38,7 km)
  • Tuyến số 2: Nội Bài – Trung tâm thành phố – Thượng Đình (khoảng 35,2 km), kết nối với tuyến số 2A;
  • Tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai (khoảng 21 km), sau năm 2020 sẽ phát triển tới Sơn Tây (tổng chiều dài dự kiến là 48 km)
  • Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh (khoảng 53,1 km), có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5.
  • Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc (khoảng 34,5 km).
  • Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với Tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và Tuyến số 7 tại Dương Nội (khoảng 43 km).
  • Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội (khoảng 35 km).
  • Tuyến số 8: Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá (khoảng 28 km).
metro ha noi
Mạng lưới đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội theo quy hoạch. (Nguồn: dẫn qua hanoimetro.net.vn)

Theo Công ty Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro Company), 4 đoạn tuyến đang được triển khai gồm tuyến số 1, tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; tuyến 2 và tuyến 3 do UBND Hà Nội làm chủ đầu tư.

Thực tế, tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi 17 năm qua chưa khởi công do bất đồng về thẩm quyền điều chỉnh và huy động vốn. Tổng mức vốn sau các lần điều chỉnh lên tới khoảng 81.537 tỷ đồng, gấp gần 9 lần mức vốn đề xuất trong báo cáo tiền khả thi. Bộ GTVT được giao triển khai từ năm 2004, đến năm 2019 kiến nghị Chính phủ muốn chuyển dự án về UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tuyến 2A (Cát Linh – Hà Đông) được khởi công từ tháng 10/2011, hiện đã 8 lần chậm tiến độ so với cam kết, tổng vốn tăng từ 552,86 triệu USD (8.770 tỷ đồng) lên 891,92 triệu USD (18.792 tỷ đồng), đội giá gần 40%.

Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (khoảng 11,5km) có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2008 khoảng 19.500 tỷ đồng, sau TP đề xuất Chính phủ tăng vốn lên 35.600 tỷ đồng (tăng 82%); dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2015 sau lùi lại đến năm 2027, chậm 12 năm so với kế hoạch.

Tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội được khởi công từ tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017 nhưng nhiều lần vỡ tiến độ, phải lùi thời gian dự kiến khai thác trước đoạn tuyến trên cao 8,5 km vào tháng 4/2021, và tới năm 2022 khai thác đoạn ngầm 4km. Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro (tương đương 32.910 tỷ đồng). Hồi tháng 7/2020, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết các nhà thầu quốc tế đang đòi bồi thường gần 28 triệu USD do chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng dẫn tới kéo dài thời gian thi công, phát sinh chi phí.

Sơn Nguyên

Xem thêm: