Theo một chỉ số hàng năm xếp hạng các nền kinh tế tự do nhất thế giới, mức độ tự do kinh tế tại Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất trong mọi thời đại do tình hình tài khóa đang xấu đi.

Embed from Getty Images

Tuần trước, Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn cánh hữu của Hoa Kỳ, công bố rằng điểm tự do kinh tế của Mỹ đã giảm 1,8 điểm trong năm nay xuống còn 74,8.

Mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn nằm trong nhóm “hầu hết tự do” với thứ hạng 20 trên thế giới, nhưng mức hạng này đã giảm ba bậc so với năm ngoái. Theo chỉ số xếp hạng, Hoa Kỳ đã tụt lại phía sau các quốc gia như Georgia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Chile.

Báo cáo của Heritage cho biết: “Những trở ngại lớn tác động đến độ tự do kinh tế nhiều hơn nữa tại Hoa Kỳ tiếp tục là vấn đề chi tiêu chính phủ quá mức, mức nợ không bền vững và quy định gắt gao trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tài chính.

Chỉ số Tự do Kinh tế là một bảng xếp hạng hàng năm được tạo ra vào năm 1995. Chỉ số năm nay xếp hạng 178 quốc gia bằng cách kiểm tra các yếu tố định tính và định lượng được nhóm thành bốn mục: pháp quyền, quy mô chính phủ, hiệu quả quản lý, và thị trường mở. Chỉ số này đo mức độ tự do kinh tế tại một quốc gia dựa trên 12 yếu tố từ quyền sở hữu tài sản cho đến gánh nặng thuế và tự do tài chính.

Báo cáo cho biết Singapore đứng đầu danh sách năm thứ hai liên tiếp vì môi trường quản lý thân thiện với doanh nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. New Zealand và Úc lần lượt xếp thứ hai và thứ ba trong năm nay.

Theo ông Anthony Kim, giám đốc nghiên cứu của Heritage Foundation và là biên tập viên của Chỉ số Tự do Kinh tế, cuộc đấu tranh giữa nhà nước và thị trường tự do tiếp tục diễn ra trong năm 2020.

Các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa do chính phủ Hoa Kỳ và các nước thực hiện để đối phó với đại dịch đã làm suy yếu mức độ tự do kinh tế và sự thịnh vượng lâu dài [của các nước này].

Ông Kim nói với The Epoch Times: “Chỉ số của chúng tôi thực sự nhấn mạnh rằng các giải pháp không nằm trong tay của các quan chức và các nhà hoạch định [chính sách] của chính phủ. Nó  nằm ở các cá nhân và các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong thị trường tự do.

Bất chấp những thách thức do cuộc khủng hoảng sức khỏe tạo ra, điểm tự do kinh tế trung bình toàn cầu vẫn đạt mức cao kỷ lục 61,6 [điểm] trong năm thứ hai liên tiếp.

Ông Kim cho biết lý do chính là một số quốc gia đang đi đúng hướng, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Lithuania, Latvia, cũng như một số quốc gia ở châu Âu, đã vận hành tốt [nền kinh tế] theo hướng tự do kinh tế.

Theo Heritage Foundation, bảng chỉ số năm 2021 được chuẩn bị bằng cách sử dụng dữ liệu của nửa cuối năm 2019 cho đến nửa đầu năm 2020.

Theo ông Kim, mặc dù việc cải cách thuế và bãi bỏ các quy định đã giúp Hoa Kỳ cải thiện mức độ tự do kinh tế, nhưng chi tiêu chính phủ, thâm hụt [ngân sách] tăng cao, và nợ công gia tăng trong vài năm qua đã làm giảm điểm [tự do kinh tế] của nước này.

Ông nói: “Tôi e rằng khuynh hướng đó (mức độ tự do kinh tế giảm) sẽ không sớm tốt lên khi chúng tôi xem xét tất cả các lệnh hành pháp của Tổng thống Biden.

Ông nói thêm rằng các chính sách của ông Biden đang “cố gắng trao quyền cho chương trình nghị sự của một chính phủ lớn với danh nghĩa là giúp đỡ mọi người.

Năm nay, Hồng Kông không nằm trong bảng chỉ số này do những lo ngại ngày càng tăng về việc Bắc Kinh thắt chặt việc kiểm soát Đặc khu này sau khi ban hành luật an ninh quốc gia hà khắc gây tranh cãi vào năm ngoái.

Hồng Kông từng đứng đầu danh sách tự do kinh tế trong 25 năm cho đến tận năm 2019. Các chuyên gia tại Hồng Kông tin rằng việc chính quyền cộng sản Trung Quốc đẩy nhanh việc xâm phạm sự tự do của Hồng Kông đã làm xấu thêm môi trường kinh tế của Đặc khu này. 

Chỉ số này cũng loại bỏ khu tự trị đặc biệt của Trung Quốc là Macau – trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới –  ra khỏi bảng xếp hạng.

Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông Paul Chan đã phản ứng trước quyết định của Heritage Foundation loại bỏ Hồng Kông ra khỏi bảng chỉ số.

Ông Paul Chan nói trong một hội thảo trực tuyến do South China Morning Post tổ chức: “Tôi không đồng ý rằng chính sách kinh tế của chúng tôi đã bị chính quyền trung ương [Trung Quốc] tiếp quản. Đối với tôi dường như khi họ [Heritage Foundation] đi đến quyết định đó [loại bỏ Hồng Kông ra khỏi bảng chỉ số], hẳn là do thiên lệch ý thức hệ và thành kiến chính trị của họ.” 

Chính phủ Hồng Kông từng rất tự hào về vị trí của mình trong bảng chỉ số của Heritage Foundation, vốn cho thấy Đặc khu này là nền kinh tế tự do nhất trên thế giới. Họ đã sử dụng việc nghiên cứu như vậy để quảng bá thành phố này như một trung tâm kinh doanh cởi mở, an toàn, và sôi động.

Nền kinh tế Trung Quốc được xếp vào nhóm “hầu hết không tự do” với thứ hạng 107 trong số 178 nền kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế của Đài Loan được xếp là nền kinh tế tự do thứ sáu trong bảng chỉ số năm 2021, ghi nhận kết quả tốt nhất của nước này trong lịch sử nghiên cứu [của Chỉ số Tự do Kinh tế].

Ông Kim cho biết Đài Loan vẫn giữ cam kết về tự do, minh bạch, và cởi mở về kinh tế.

Số điểm tự do kinh tế của Việt Nam là 61,7, xếp hạng thứ 90, lần đầu được nằm trong nhóm “tương đối tự do”. Việt Nam tăng được 2,9 điểm so với bảng xếp hạng 2020, cơ bản nhờ vào sức khỏe tài chính. Với điểm số này, Việt Nam đứng thứ 17 trong 40 nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nằm ở nhóm trên trong khu vực và nhóm trung bình trên thế giới. 

Theo Heritage Foundation, vị trí xếp hạng tự do kinh tế của Việt Nam có thể tăng cao hơn nữa nếu chính phủ nước này hành động hơn nữa để tự do hóa các quy định đầu tư và ngành tài chính. Cản trở lớn nhất đối với việc nâng cao tự do kinh tế tại Việt Nam vẫn là nền pháp quyền cực kỳ yếu kém do sự hủ bại trong ngành tư pháp và trong nhiều doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả và không cải cách.

Theo ông Kim, tự do kinh tế không chỉ nâng cao GDP trên đầu người và mức sống của một quốc gia, mà nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển nói chung của con người về giáo dục, sức khỏe, và tuổi thọ. Nó cũng có tương quan cao với khả năng cạnh tranh kinh tế, sự bền vững của môi trường, và tiến bộ xã hội.

Gia Huy

Xem thêm: