Từng bị đòi bồi thường tới 81 triệu USD do chậm bàn giao măt bằng, sau hơn một năm, chủ đầu tư Dự án Metro Nhổn – Ga Hà Nội xác nhận đang phải giải quyết yêu cầu bồi thường gần 28 triệu USD từ các nhà thầu quốc tế với cùng một lý do. Dự án sau 10 năm thi công vẫn chưa hoàn thành dù vốn đầu tư đã điều chỉnh tăng 50%.

du an nhon ga ha noi1 image
Thi công đổ bê tông tầng đón khách đầu tiên – hạng mục sàn trung chuyển của ga ngầm S9 – Kim Mã , đêm 16/5/2020. Dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội hiện đã chậm tiến độ 3 năm. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Dự án bị đòi bồi thường gần 28 triệu USD

Báo Giao thông ngày 9/7 dẫn thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết từ đầu năm 2018, thầu quốc tế là Cty TNHH Dealim (Hàn Quốc) đã đề nghị phía chủ đầu tư bổ sung 19,1 triệu USD đối với gói thầu tuyến đoạn trên cao, sau đó được tạm chốt còn 6,6 triệu USD.

Lý do, theo hợp đồng, thời hạn thi công là 30 tháng từ ngày khởi công (4/7/2014), tối đa sau 30 ngày kể từ ngày khởi công nhà thầu được quyền tiếp cận công trường. Tuy nhiên, sau khoảng 18 tháng so với cam kết, chủ đầu tư mới bàn giao mặt bằng khiến thời gian thi công gói thầu kéo dài 26,5 tháng so với hợp đồng, gây phát sinh thêm chi phí.

Nhà thầu Posco E&C (Hàn Quốc) đề nghị bổ sung 7,22 triệu USD đối với gói thầu các ga trên cao (hiện các bên liên quan đang đàm phán), do kéo dài thời gian thực hiện thêm 24 tháng.

Còn nhà thầu Colas Rail (Pháp) yêu cầu bổ sung 1,47 triệu EUR (khoảng hơn 1,66 triệu USD – chú thích) đối với gói thầu hệ thống đường sắt 2 do kéo dài thời gian thực hiện thêm 21 tháng so với hợp đồng gốc…

Đại diện các nhà thầu đã có văn bản gửi đến UBND TP Hà Nội, cho hay nếu việc thanh toán không được giải quyết sớm sẽ thực hiện khiếu kiện ra trọng tài quốc tế.

Hồi tháng 4/2019, Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội đã xác nhận thông tin liên danh nhà thầu Hyundai E&C (Hàn Quốc) và Ghella S.P.A (Ý) yêu cầu Hà Nội thanh toán chi phí 81 triệu USD phát sinh do lỗi của phía chủ đầu tư, chủ yếu do dự án chậm bàn giao mặt bằng.

Tại thời điểm này, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý thừa nhận nhà thầu đã nhiều lần đòi bồi thường, mức tiền phát sinh tăng theo thời gian mặt bằng chưa được bàn giao.

“Nếu bồi thường vẫn không làm đội vốn” (?)

Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết sau khi các nhà thầu có những đề nghị trên, thành phố và các đơn vị liên quan đã làm việc và đánh giá lại mức chi phí phát sinh mà họ đưa ra, theo Tiền phong ngày 14/7.

Theo đại diện UBND TP Hà Nội, việc bổ sung các khoản chi phí này chưa được quy định cụ thể và chưa có tiền lệ, việc đàm phán thời gian qua đều phải dựa vào mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC và tư vấn dự án Systra (Pháp) thẩm tra. “Vì thế, đến nay chủ đầu tư chưa thể thanh toán chi phí bổ sung và đề nghị các nhà thầu chờ kết quả kiểm toán dự án của Kiểm toán Nhà nước, sau đó mới thanh quyết toán”, đại diện UBND TP cho biết.

Tuy nhiên, trong trường hợp buộc phải trả những khoản chi phí trên, đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho rằng các chi phí phát sinh này vẫn nằm trong dự toán các gói thầu, không vượt giá trị dự toán và tổng mức đầu tư.

Quan điểm này đã được đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đưa ra từ trước đó, cho rằng “chi phí bổ sung nếu chi trả nhà thầu cũng được lấy từ chi phí dự phòng của gói thầu hoặc chi phí còn dư sau đấu thầu của gói thầu và không làm tăng dự toán gói thầu cũng như tổng mức đầu tư đã được UBND TP phê duyệt nên không thể nói là đội vốn”, theo Vietnamplus ngày 9/7.

Tuy nhiên, quan điểm này bị TS chuyên ngành đường sắt đô thị Nguyễn Xuân Thủy phản đối. Ông Thủy cho rằng thực tế không những chậm, đến nay dự án còn đội vốn vượt mức cho phép trên 50%. Theo ông Thủy, đây là bằng chứng xác thực chứng minh dự án bị đội vốn, tăng vốn lớn.

“Tôi không đồng tình với việc những người có trách nhiệm tại dự án cho rằng nếu có trả số tiền các nhà thầu đòi bồi thường thì khoản chi đó vẫn nằm trong dự toán các gói thầu; không làm tăng tổng mức đầu tư… Đây là những giải thích ngụy biện, không có trách nhiệm với đồng tiền của người dân đóng góp”, ông Thủy nói, theo Tiền Phong ngày 14/7.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội chạy qua 2 nút giao thông lớn là Mai Dịch và Cầu Giấy, có chiều dài 12,5 km với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.

Dự án do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 6/2010, ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2017, sau đó điều chỉnh tiến độ thực hiện từ 2018-2022.

Tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu Euro (tương đương 32.910 tỷ đồng), sau phải điều chỉnh vốn lên 1.176 triệu Euro, so với giá phê duyệt ban đầu tăng thêm 393 triệu Euro (thêm 50,1%).

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, sau hơn 10 năm thi công, dự án mới đạt 62% tổng khối lượng, trong đó đoạn đi trên cao đạt 73,28%. Lý giải về tình trạng này, đại diện ban này cho rằng đây là dự án lớn, phức tạp và là dự án thí điểm về đường sắt đô thị tại Hà Nội. Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục; đặc biệt liên quan đến việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng (EOT) và chi phí bổ sung do việc kéo dài thời gian thực hiện của các hợp đồng của dự án.

Nguyễn Minh