Với lô vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng AstraZeneca nhập về hôm 24/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam – ông Nguyễn Thanh Long thông báo ngày 8/3 sẽ tiêm những mũi đầu tiên tại Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM… Tuy nhiên, thông tin bất lợi vừa phát sinh phía Hàn Quốc khi liên tiếp trong hai ngày 3-4/3, giới chức trách nước này ghi nhận 5 người tử vong sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng dược phẩm trên.

vac xin astrazeneca
Theo kế hoạch, vắc-xin Astra Zeneca sẽ được Việt Nam sử dụng trong đợt tiêm chủng đại trà từ ngày 8/3/2021. (Ảnh minh họa: Tobias Arhelger/Shutterstock)

Hàn Quốc: Điều tra dịch tễ học với các trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

Các bản tin ngày 3/3ngày 4/3 của hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết 5 người Hàn Quốc đã qua đời sau khi được tiêm vắc-xin AstraZeneca kể từ khi nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn quốc bắt đầu từ ngày 26/2.

Trường hợp tử vong đầu tiên là một bệnh nhân 63 tuổi tại bệnh viện điều trị dài ngày ở tỉnh Gyeonggi. Người này mắc bệnh mạch máu não, đã xuất hiện các triệu chứng, bao gồm sốt cao, sau khi được tiêm vắc-xin cách trước đó 4 ngày. Người này được chuyển đến bệnh viện lớn hơn vào ngày 2/3 nhưng tử vong sau khi có các triệu chứng nhiễm độc máu và phổi.

Người thứ hai ở độ tuổi 50, bị rối loạn chức năng tim và tiểu đường, được tiêm vắc-xin vào sáng 2/3. Sau đó, bệnh nhân này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng suy tim, khó thở nhưng đã hồi phục sau khi được cấp cứu. Các triệu chứng tái phát vào sáng 3/3 trước khi bệnh nhân tử vong.

Ca tử vong thứ ba là một bệnh nhân 52 tuổi tại bệnh viện điều trị dài ngày ở Jeonju, cách thủ đô Seoul 243 km về phía nam, đã qua đời vào sáng sớm ngày 4/3, gần 2 ngày sau khi được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Người này bị bệnh tim mạch – mạch máu não và bị xuất huyết não vào tháng 6 vừa qua.

Người thứ 4 là một bệnh nhân 58 tuổi, qua đời tại một bệnh viện điều trị dài ngày gần Buan cũng vào sáng sớm ngày 4/3, chưa đầy một ngày sau khi tiêm vắc-xin. Người này có bệnh nền gồm nhồi máu cơ tim và tiểu đường.

Trường hợp thứ 5 là một phụ nữ ở độ tuổi 20 tại thành phố trung tâm Daejeon, cách thủ đô Seoul 164 km về phía nam. Người này qua đời vào sáng 4/3, sau khi tiêm vắc-xin ngày 2/3.

Khi hai ca tử vong đầu tiên được báo cáo, bà Jeong Eun-kyeong, giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết: “KDCA đang tiến hành các cuộc điều tra dịch tễ học với chính quyền địa phương… để xác nhận bất kỳ mối liên hệ nào với việc tiêm chủng”.

AstraZeneca cho biết hãng đã biết về cuộc điều tra của KDCA, nhưng hãng cũng lưu ý rằng tính an toàn của vắc-xin đã được nghiên cứu sâu rộng trong các thử nghiệm lâm sàng và dữ liệu cho thấy loại vắc-xin do hãng sản xuất nhìn chung được dung nạp tốt, Reuters đưa tin.

Với chiến dịch tiêm chủng đại trà vắc-xin ngừa COVID-19 bắt đầu từ ngày 26/2, tính tới nửa đêm hôm 2/3, có 85.904 người tại Hàn Quốc đã tiêm vắc-xin AstraZeneca và 1.524 người được tiêm vắc-xin Pfizer, theo số liệu KDCA công bố. Cùng ngày 2/3, nước này ghi nhận thêm 444 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 90.816 ca, với 1.612 trường hợp tử vong.

Việt Nam sẽ mở đợt tiêm vắc-xin AstraZeneca từ ngày 8/3, công bố “triển khai thận trọng”

Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam ngày 6/3 đưa thông tin từ buổi họp trực tuyến, dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thành Long cho biết những mũi vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ tiêm cho người được ưu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, một số cơ sở y tế khác, đặc biệt là tại tỉnh Hải Dương, từ ngày 8/3 tới.

Đợt tiêm này sử dụng lô vắc-xin AstraZeneca (117.600 liều) nhập về Việt Nam từ ngày 24/2.

Ông Long cho biết sau khi nhập về, lô vắc-xin này được cơ quan chức năng trong nước kiểm định và Bộ Y tế chờ thêm giấy chứng nhận xuất xưởng chất lượng của vắc-xin từ phía Hàn Quốc, trước khi chính thức sử dụng từ ngày 8/3 tới.

Tuy nhiên, bản tin cũng dẫn lời ông Long rằng “do thời gian chưa đủ dài để theo dõi thử nghiệm lâm sàng, cũng như đánh giá hiệu quả của vắc-xin nên mức độ bảo vệ có thể khác nhau ở một số vắc-xin. Vắc-xin COVID-19 này cũng là vắc-xin mới nên không thể tránh khỏi những phản ứng sau tiêm. Vì vậy, “chúng ta phải triển khai thận trọng””. 

Theo ông Long, đợt đầu tiên này sẽ tiêm cho nhân viên y tế tại 21 cơ sở có điều trị bệnh nhân COVID-19, kế đến là các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch, đầu tiên tại Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM… “Bộ Y tế cũng chưa tiêm đợt này mà đợi đợt sau, đợt này ưu tiên cho các khu vực trực tiếp chống dịch…”, ông Long nói vào sáng 6/3.

Cũng tại buổi họp, TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vắc-xin AstraZeneca có hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất; lô vắc-xin đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ. Liều tiêm gồm hai mũi cách nhau 12 tuần và chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.

Theo bà Hồng, có một số phản ứng có thể xảy ra sau tiêm như đau đầu, đau cơ, buồn nôn, đau khớp, sốt… Bà Hồng thừa nhận phản ứng sốc phản vệ có thể xảy ra sau tiêm vắc-xin nhưng đồng thời cho biết hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có đầy đủ dữ liệu, và cũng chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vắc-xin.

Mỗi điểm tiêm chỉ tiêm dưới 100 người/buổi tiêm chủng để thực hiện đầy đủ các bước khám sàng lọc, hỏi tiền sử; người có sốt, ho sẽ tạm hoãn đợi buổi tiêm kế tiếp.

Các trường hợp có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc-xin COVID-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2; hoãn tiêm chủng với những người đang mắc bệnh COVID-19 và tạm hoãn tiêm đối với các trường hợp đang mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng hay mãn tính tiến triển.

Đáng chú ý, theo ông Long, người được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ cập nhật thông tin trên “hồ sơ sức khỏe cá nhân” và thông tin đã tiêm vắc-xin có liên thông quốc tế để thực hiện vai trò “hộ chiếu vắc-xin” trong thời gian tới.

Hàn Quốc tạm hoãn tiêm vắc-xin AstraZeneca cho người từ 65 tuổi trở lên

Một bản tin ngày 26/2 của Yonhap cho biết trong đợt tiêm chủng đại trà này của Hàn Quốc, có hai loại vắc-xin được sử dụng, là vắc-xin AstraZeneca và vắc-xin Pfizer.

Vắc-xin AstraZeneca được thông báo sẽ chuyển tới khoảng 1.900 bệnh viện điều trị dài ngày và trung tâm y tế công cộng trong khi nhóm 55.000 nhân viên y tế đầu tiên làm việc tại các bệnh viện phục vụ bệnh nhân nhiễm virus sẽ được tiêm chủng vắc-xin Pfizer.

Vắc-xin AstraZeneca được coi là thuận tiện hơn cho việc tiêm chủng hàng loạt vì nhiệt độ bảo quản từ 2 đến 8 độ C, so với vắc-xin Pfizer của Mỹ yêu cầu bảo quản theo dây chuyền siêu lạnh.

(Chú thích: vắc-xin Pfizer cần bảo quản ở -70°C và tiêm trong 5 ngày sau khi rã đông, nhưng so về hiệu quả bảo vệ theo thông tin do nhà sản xuất cung cấp, thì vắc-xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vắc-xin Astrazeneca là 76% mũi 1 và 81% mũi 2).

Bản tin cho biết nhà chức trách y tế Hàn Quốc đã liên tục phủ nhận các lo lắng về mức độ an toàn của vắc-xin AstraZeneca sau khi chính quyền quyết định tạm thời không tiêm chủng cho người già từ 65 tuổi trở lên cho đến khi nhận được thêm các kết quả thử nghiệm lâm sàng.

Những lý do được đưa ra bao gồm sản phẩm này đã được công nhận bởi khoảng 50 quốc gia và WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vắc-xin này; đồng thời, cũng không có báo cáo nào về các tác dụng phụ nghiêm trọng từ các quốc gia đã bắt đầu sử dụng loại vắc-xin này.

Theo bản tin của Yonhap, tranh luận về việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca cho người cao tuổi xuất hiện do không có đủ dữ liệu cho thấy tác dụng của nó trên những người già. Một số quốc gia đã loại bỏ hoặc trì hoãn tiêm chủng loại vắc-xin này cho người cao tuổi.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Việt Nam nhập những loại vắc-xin COVID-19 nào để tiêm chủng diện rộng?