Một đại diện của chế độ độc tài cánh tả Belarus đã trình bày một tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm thứ Sáu (5/3) nhằm bệnh vực cho hành vi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) làm xói mòn dân quyền ở Hồng Kông. Đáng chú ý là tuyên bố này được cho là đã được 70 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc khác ký tên.

Embed from Getty Images

Ngay sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tung hô tuyên bố này như thể toàn thế giới đang đứng sau ủng hộ các chính sách của chế độ này nhằm đè bẹp quyền tự chủ của Hồng Kông, vốn được bảo vệ theo chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”. Bắc Kinh hiện đang ra sức ngăn cấm người dân Hồng Kông thực hiện quyền tự do dân chủ, đồng thời nỗ lực áp đặt chủ nghĩa cộng sản tại đặc khu này, trái với những cam kết khi Vương quốc Anh trao trả thành phố cảng cho Trung Quốc vào năm 1997.

Trong hai năm qua, ĐCSTQ ngày càng tiến hành các biện pháp đàn áp mạnh tay nhằm xóa bỏ nền dân chủ tư bản, dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn đặc khu, thu hút hàng triệu người tham gia. Sau khi chính quyền địa phương do Bắc Kinh kiểm soát không thể thông qua Dự luật Dẫn độ vào năm 2019 tại Hồng Kông, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Bắc Kinh (NPC) năm ngoái đã thông qua Luật An ninh Quốc gia. Luật này đặc biệt nhằm vào trừng phạt những cá nhân bị buộc vào các “tội danh” nhưchủ nghĩa ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và can thiệp nước ngoài”.

Ngay sau khi chính quyền ĐCSTQ thực thi Luật An ninh Quốc gia, hàng chục nhà hoạt động và ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã bị bắt giữ, trong đó có nhiều lãnh đạo của các cuộc biểu tình dân chủ. Trong tuần này, cùng với kỳ họp Lưỡng hội, Bắc Kinh đang hướng tới việc thực thi điều luật mới, trong đó cấm những ai không được Đảng Cộng sản coi là “cá nhân yêu nước” nắm giữ các chức vụ công quyền ở Hồng Kông.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Belarus – quốc gia vốn đang tràn ngập các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ – đã thay mặt 70 quốc gia đệ trình một tuyên bố chung lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong đó bày tỏ sự ủng hộ việc Trung Quốc đàn áp người dân Hồng Kông. Điều đáng nói, Belarus không phải là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong khi Trung Quốc cùng các đồng minh của chế độ này như Nga, Cuba và Venezuela lại có chỗ đứng vững chắc trong tổ chức này. Trên danh nghĩa, mục đích của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là nhằm bảo vệ nhân quyền quốc tế, nhưng giới phê bình nhận định rằng mục đích này đang dần mất đi khi ngày càng có nhiều quốc gia vi phạm nhân quyền giành được ghế trong Hội đồng.

Nội dung tuyên bố có đoạn: “Từ khi Luật An ninh Quốc gia ở Đặc khu Hành chính Hồng Kông có hiệu lực, Hồng Kông đã thoát khỏi hỗn loạn và dần khôi phục ổn định.”

“Đặc khu Hành chính Hồng Kông là một bộ phận bất khả xâm phạm của Trung Quốc, và các vấn đề của Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc, vốn không nên bị can thiệp bởi bất kỳ thế lực bên ngoài nào. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông cũng như các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.”

Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Sáu (5/3) cho hay, NPC dự kiến sẽ đưa ra một “bản dự thảo chi tiết một nghị quyết về việc xem xét hệ thống bầu cử Hồng Kông với mục đích sửa lại những lỗ hổng hiện có”. Điều luật này được cho là nhằm “thực thi hiệu quả nguyên tắc chính trị của những người quản lý đặc khu được đánh giá là ‘cá nhân yêu nước’”, cũng tức là các chính trị gia trung thành với Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tán dương tuyên bố chung này, gọi đây là bằng chứng “rõ ràng” cho thấy hành động đàn áp công dân Hồng Kông của họ là lành mạnh về mặt chính trị.

“Trung Quốc kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển, trong việc thực thi chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ và duy trì sự thịnh vượng và ổn định ở Hồng Kông,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu (5/3). “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn cơ bản trong các mối quan hệ quốc tế, đồng thời ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông cũng như công việc nội bộ của Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào.”

Đây là tuyên bố chung thứ hai có nội dung tương tự như vậy được gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Hồi tháng 7/2020, Triều Tiên, Venezuela, Cuba, Afghanistan và các quốc gia vốn có hồ sơ nhân quyền tồi tệ khác cũng đã gây sức ép với Hội đồng Nhân quyền LHQ bằng một tuyên bố chung, nhằm hậu thuẫn cho “Luật An ninh Quốc gia”, từ đó chính quyền Trung Quốc có thể công khai hình sự hóa các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Ngoài ra, các đồng minh của Trung Quốc trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng bênh vực cho tội diệt chủng của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nơi mà ĐCSTQ đã xây dựng hàng trăm trại tập trung để giam giữ các nhóm dân tộc thiểu số.

Minh Ngọc

Xem thêm: