Chủng biến thể Omicron của COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) đang lây nhiễm mạnh trên thế giới nhưng mức độ nghiêm trọng đã giảm nhiều. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh truyền hình Israel, CEO Albert Bourla của hãng vắc-xin Pfizer cho biết có lẽ vài tháng tới thế giới sẽ trở lại trạng thái gần như bình thường.

Pfizer CEO
Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla. (Ảnh chụp màn hình video)

Trả lời của CEO hãng vắc-xin Pfizer

CEO Borla của Pfizer nhấn mạnh rằng không thể triệt để loại bỏ được virus, loài người sẽ phải chung sống cùng COVID-19 trong nhiều năm nữa, dù biến thể Omicron vẫn tiếp tục lây lan thì tình hình có thể được kiểm soát và có thể trong vài tháng tới thế giới sẽ trở lại cuộc sống bình thường.

Về việc ngăn chặn chủng đột biến Omicron đang lây lan trên thế giới, CEO Albert Bourla cho biết công ty Pfizer đang phát triển một loại vắc-xin cho Omicron. Tuy nhiên, COVID-19 có xu hướng sinh ra các đột biến mới nên dự kiến ​​sẽ có thêm nhiều chủng đột biến xuất hiện, nhưng tiêm vắc-xin có thể giúp giảm nguy cơ nhập viện.

Trước đó trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Figaro của Pháp vào ngày 16/1, ông Bourla cho biết: “Sau hai năm dịch bệnh, chúng ta sẽ sớm có thể trở lại cuộc sống bình thường. Chúng ta có tất cả các công cụ: xét nghiệm, vắc-xin rất hiệu quả, và cũng đã có thuốc uống để điều trị tại nhà làm thay đổi tình hình, cho nên chúng tôi hy vọng cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường vào một thời điểm nào đó trong mùa xuân này”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là COVID-19 sẽ biến mất, chúng sẽ tiếp tục lây lan trong vài năm tới nhưng mức độ nghiêm trọng sẽ giảm đi rất nhiều, và có thể loài người phải chung sống với virus trong vài năm tới, hoặc vào giai đoạn “dịch bệnh theo chu kỳ” giống như bệnh cúm.

WHO: Châu Âu sẽ đi đầu chấm dứt dịch bệnh vào tháng Ba năm nay

Thật trùng hợp, Hans Kluge – Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết vào ngày 23/1 rằng biến thể Omicron đã đẩy dịch bệnh COVID-19 sang “giai đoạn mới”, có nhiều khả năng kết thúc dịch ở châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, ông Kluge chỉ ra rằng “Châu Âu đang hướng tới giai đoạn cuối của đại dịch, điều này có vẻ hợp lý”, và ông cũng nói rằng “Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người châu Âu vào tháng Ba năm nay”, một khi đợt bùng phát Omicron quét qua châu Âu lắng xuống thì sẽ có “miễn dịch toàn cầu” hàng tuần và hàng tháng, có thể là do vắc-xin hoặc mọi người vì bị nhiễm bệnh mà có được miễn dịch, sẽ làm giảm bùng phát theo chu kỳ.

Ông Kluge cho biết “chúng tôi dự tính khả năng hồi sinh của COVID-19 vào cuối năm nay, nhưng trước đó sẽ có một khoảng thời gian bình lặng và không thể khẳng định chắc chắn trước điều gì”, nhưng ông cũng cảnh báo “các biến thể khác vẫn có thể xuất hiện khi Omicron phát tán rộng rãi”.

Do biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh ở châu Âu, Kluge tin rằng trọng tâm nên tập trung vào “giảm thiểu can thiệp vào bệnh viện, trường học và nền kinh tế, đồng thời bảo vệ mạnh mẽ những nhóm người dễ bị tổn thương thay vì chính sách ngăn chặn virus lây lan”. Ông kêu gọi tinh thần trách nhiệm của mọi người “hãy ở nhà nếu thấy cơ thể bất thường”.

Dịch bệnh COVID-19 đã lây lan trên thế giới được hai năm, nhiều chuyên gia và chính khách phương Tây gần đây đã tuyên bố rằng đại dịch sẽ kết thúc vào mùa xuân này và mọi người sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/1 thông báo rằng hầu hết các hạn chế do Anh áp đặt để chống lại đợt COVID-19 mới nhất sẽ được dỡ bỏ từ ngày 24/1. Ông cho biết các nhà khoa học chỉ ra sự bùng phát của biến thể Omicron trên toàn nước Anh đã lên đến đỉnh điểm.

Hàn Quốc: Tỷ lệ tử vong do Omicron chỉ cao hơn cúm mùa một chút

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, dữ liệu do CDC Hàn Quốc công bố ngày 24/1 cho thấy, tỷ lệ tử vong của Hàn Quốc do nhiễm Omicron là khoảng 0,16%, tương đương 1/5 tỷ lệ tử vong của Delta là 0,8%, nhưng vẫn cao hơn một chút so với cúm mùa.

Các nhà chức trách Hàn Quốc đã điều tra trong 9860 bệnh nhân thì có 6 người thiệt mạng và đều thuộc nhóm dễ mắc bệnh trên 60 tuổi. Số liệu của Hàn Quốc thấp hơn một chút so với Nam Phi và Canada, nơi tỷ lệ tử vong của Omicron bằng khoảng 1/4 của Delta. Một nghiên cứu của Nam Phi cho thấy rằng người nhiễm Omicron sản sinh ra kháng thể vô hiệu hóa Delta hiệu quả cao gấp 4 lần.

Theo Wall Street Journal, khi mà chủng Omicron đang lan rộng, người đã tiêm vắc-xin hoặc từng nhiễm COVID-19 sẽ có khả năng “siêu miễn dịch” nếu tái nhiễm. Nhờ đó, COVID-19 có thể trở thành một loại virus gây ra căn bệnh thông thường như cúm, tuy phiền phức nhưng không đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

Hôm thứ Tư (19/1) mới đây, báo cáo của CDC Hoa Kỳ về số ca mắc bệnh và tử vong hàng tuần do COVID-19 tuyên bố rằng những người bị mắc COVID-19 và hồi phục được bảo vệ chống lại biến chủng Delta tốt hơn những người tiêm vắc-xin. Báo cáo này dựa trên nghiên cứu mới của CDC và các quan chức y tế tại California và New York. Kết luận từ báo cáo này là trái ngược với thông điệp sức khỏe cộng đồng của CDC vào thời điểm bùng phát chủng Delta năm ngoái vốn luôn thúc đẩy tiêm vắc-xin COVID-19 và phớt lờ tác dụng phòng bệnh của miễn dịch tự nhiên.

Mộc Vệ (t/h)

Xem thêm: