Mặc dù các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng mối đe dọa đánh cắp tài sản trí tuệ từ chế độ Cộng sản Trung Quốc là một trong những vấn đề thương mại quan trọng nhất mà nước này phải đối mặt, nhưng gốc rễ của vấn đề hiếm khi được công khai, theo ông Evan Anderson, Giám đốc điều hành của INVNT/ IP, một công ty dịch vụ tin tức chiến lược.

INVNT IP
Ông Evan Anderson, Giám đốc điều hành của INVNT/ IP, một công ty dịch vụ tin tức chiến lược. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video Simulation)

Ông Anderson gần đây đã đưa ra nhận xét, vấn đề không thể bào chữa nhất dẫn đến một vấn đề lớn hơn mà mọi người giả vờ không tồn tại là: “Theo luật pháp Trung Quốc, các công ty không thể từ chối làm việc cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”

Ông nói rằng khi thông qua các luật như vậy, chính quyền Trung Quốc có thể huy động hiệu quả toàn xã hội trong tham vọng đánh cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ của nước ngoài.

Bản tóm tắt năm 2016 “Quốc gia trộm cắp” (Theft Nation) của ông Anderson được giới thiệu trên một trong những phân đoạn điều tra được xem nhiều nhất của “60 Minutes”. Ông nói: “5 năm trước, mọi người không tin rằng hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ (của ĐCSTQ) thực sự tồi tệ như vậy.

“Ngay cả ngày nay, không có bất kỳ sự cải thiện có ý nghĩa nào trong vấn đề này.”

Embed from Getty Images

Phó Tổng chưởng lý Jeffery Rosen phát biểu trước truyền thông về các cáo buộc và bắt giữ liên quan đến một chiến dịch xâm nhập máy tính liên hệ với chế độ ĐCSTQ của một nhóm có tên APT 41 tại Bộ Tư pháp ở Washington, vào ngày 16/9/2020. (Tasos Katopodis-Pool/Getty Images)

Người Trung Quốc ở trong và ngoài nước đều phải phục tùng ý muốn của ĐCSTQ

Theo ông Anderson, Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc được ban hành vào năm 2017 là một trong những lý do trải đường cho việc chính quyền ĐCSTQ tiếp tục ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Ngôn ngữ của luật thể hiện các quy định sâu rộng liên quan đến an ninh quốc gia, không gian mạng và thực thi pháp luật dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

Ông Anderson nói: “Luật An ninh Quốc gia mà Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua thực sự được xác định dưới dạng văn bản. Bất kỳ công dân Trung Quốc nào hoặc bất kỳ người Hoa nào ở nước ngoài, về mặt kỹ thuật, đều phải tuân theo chính quyền của họ.”

Ông nói rằng theo mô tả của luật, “nếu (ĐCSTQ) chỉ yêu cầu công dân Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, họ cũng sẽ không nhất thiết phải làm điều gì đó.” Tuy nhiên, ép buộc là một chiến thuật quan trọng để buộc người khác thực hiện một hành động như vậy, bởi vì tính mạng của cá nhân hoặc tính mạng của các thành viên trong gia đình họ có thể bị đe dọa.

Ông nói: “Điều 7 (của luật) quy định rằng không một công dân hoặc tổ chức nào, bằng bất cứ cách thức nào, có thể né tránh việc giúp đỡ Bộ An ninh Nhà nước (MSS). Điều 10 quy định rằng luật này có hiệu lực ở cả ngoài lãnh thổ. Do đó, không quan trọng công dân hoặc tổ chức ở đâu trên thế giới, họ vẫn phải hành động theo mệnh lệnh.”

Ông nói thêm: “Những luật này bao gồm những sự thật mà mọi người đều biết trong các tài liệu bằng văn bản, về cơ bản nói rằng không một cá nhân hoặc công ty nào có thể nói ‘không’ với Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây là một điều tồi tệ, bởi vì Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tận dụng lợi thế này để lấy dữ liệu mà họ muốn từ khắp nơi trên thế giới.”

Kẻ trộm là nhân viên Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ

Ông Anderson cũng nói rằng hầu hết mọi người không nhận ra rằng một số quốc gia thiết kế “chương trình mạnh mẽ” với mục đích đánh cắp tài sản trí tuệ. “Nhưng cho đến nay, Trung Quốc (ĐCSTQ) có chương trình rộng rãi và mạnh mẽ nhất được xây dựng đặc biệt cho việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.”

Ông nói: “Họ đã chọn ăn cắp hơn là đổi mới.”

Ông Anderson nói thêm: “Ví dụ, chỉ với ít tiền, thời gian hoặc nỗ lực để xâm nhập vào hệ thống máy tính của một công ty và đánh cắp mọi thứ họ biết về cách chế tạo các thiết bị y tế tốt nhất.”

Ông nói rằng cho dù đó là một ý tưởng thu được từ một email hay một thiết kế vật lý thực tế, thì ĐCSTQ cũng có thể sử dụng thông tin này để tạo ra một “công ty bắt chước hoặc sản phẩm bắt chước” và sau đó bán những sản phẩm này trên thị trường toàn cầu. Sau đó, “khi ai đó mua sản phẩm này, tiền của họ sẽ vào kho bạc của ĐCSTQ.”

Ông Anderson nói rằng một chiến thuật thường được sử dụng bởi chính quyền ĐCSTQ là họ sẽ hack các email liên quan để xem hợp đồng được thương lượng như thế nào. Theo quan điểm của ông, “những gì được đàm phán và thương lượng trong hợp đồng cũng được coi là quyền sở hữu trí tuệ, giống như một bản thiết kế.”

Một kỹ thuật khác được sử dụng liên quan đến các mối đe dọa bảo mật trong một công ty.

Ông nói: “Một số lượng lớn các công ty và doanh nghiệp đang phải đối mặt với các mối đe dọa nội gián từ những người hợp tác với Chính phủ Trung Quốc (CPC) và Bộ An ninh Quốc gia, những người đang đánh cắp lợi ích từ chính các công ty mà họ đang làm việc.”

Theo ông Anderson, nhiều hoạt động trong số này đã được “lên kế hoạch cẩn thận” bởi những người mà ông gọi là “những kẻ trộm cắp tài sản trí tuệ làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia”. Do đó, những thủ phạm này sẽ được huấn luyện đặc biệt để ăn cắp tài sản trí tuệ khi làm việc hợp pháp cho một công ty nhất định.

Thiệt hại kinh tế

Chiến lược mà ĐCSTQ đánh cắp tài sản trí tuệ từ Hoa Kỳ đã được các quan chức tình báo và thực thi pháp luật Hoa Kỳ coi là một vấn đề lớn.

Vào năm 2020, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray mô tả quy mô trộm cắp công nghệ và bí mật thương mại của chế độ ĐCSTQ “lớn đến mức là một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất trong lịch sử nhân loại.”

Theo một báo cáo năm 2017 của Ủy ban Sở hữu trí tuệ thuộc Văn phòng Nghiên cứu Châu Á Quốc gia, thiệt hại hàng năm của hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ có thể lên tới 600 tỷ USD.   

trộm cắp tài sản trí tuệ
Báo cáo thiệt hại do trộm cắp tài sản trí tuệ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ của Ủy ban Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ năm 2017 (Ảnh chụp màn hình báo cáo)

ĐCSTQ là chế độ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm về 50% – 80% tổng thiệt hại do trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, theo ước tính của Ủy ban sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ.

Theo dữ liệu từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, khoảng 80% các vụ truy tố gián điệp kinh tế do Bộ này đệ trình đều liên quan đến ĐCSTQ.

Nhân quyền

Tuy nhiên, điều khiến ông Anderson lo lắng không chỉ là nạn ăn cắp tài sản trí tuệ tràn lan của chính quyền ĐCSTQ.

Việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng lao động nô lệ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương lẽ ra phải ngăn các công ty nước ngoài kinh doanh ở Trung Quốc.

“Làm sao bạn biết rằng bạn không hỗ trợ một công ty Trung Quốc sử dụng lao động nô lệ trong các trại tập trung Tân Cương, những người đã được đào tạo về một số loại thiết bị nhà máy để sản xuất sản phẩm?”

ĐCSTQ đã giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong một mạng lưới trại tập trung. Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã xác định là tội ác diệt chủng. Hoa Kỳ cũng đã cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm cà chua và bông từ khu vực này nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ khỏi lao động cưỡng bức.

Ông Anderson nói: “Các vấn đề nhân quyền cũng như sự thành công và phát triển lành mạnh của hoạt động kinh doanh đổi mới đều là những phần khác nhau của cùng một vấn đề.” Ông cũng nói thêm, chính quyền ĐCSTQ đã được hưởng lợi từ các hoạt động tội phạm của họ, bao gồm cả lao động nô lệ và trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ trong một thời gian quá dài.

Tác giả và nhà báo điều tra có sách bán chạy nhất, ông James Simpson, cũng đồng ý với quan điểm này.

Ông Simpson nói: “Các công ty trên khắp thế giới về cơ bản đã trở nên nghiện lao động nô lệ và chi phí sản xuất hàng hóa thấp.” Ông cũng nói thêm rằng khi chế độ Cộng sản Trung Quốc theo đuổi mô hình kinh doanh dựa vào lao động cưỡng bức và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, “không có quốc gia nào trên thế giới có thể cạnh tranh với họ.”

James Simpson
Tác giả và nhà báo điều tra có sách bán chạy nhất, ông James Simpson. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video USA Survival)

Phản công

Theo ông Anderson, chính quyền Trung Quốc cần phải đặt ra nhiều áp lực hơn nữa để ngăn chặn hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ đồng thời khuyến khích sự đổi mới và giá trị cho cuộc sống con người. “Điều duy nhất chúng ta có thể thực sự đóng vai trò thúc đẩy vấn đề này là tạo nên nỗi đau kinh tế cho họ (ĐCSTQ), có nghĩa là chúng ta phải ngừng kinh doanh với những người này”.

Ông Simpson nói rằng chính quyền ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với những “hình phạt kinh tế khắc nghiệt nhất” vì tội ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Là một tác giả, cựu chuyên gia kinh tế và giám định ngân sách của Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng, ông Simpson tin rằng việc tẩy chay hàng hóa của ĐCSTQ là một ý tưởng tốt về mặt lý thuyết nhưng rất khó thực hiện trên thực tế. Ông chỉ ra rằng bao bì từ Trung Quốc đã từng được đánh dấu rõ ràng là sản phẩm đến từ Trung Quốc nhưng bây giờ không phải như vậy.

Ông Simpson nói: “Thật không may, hầu hết mọi người không biết sản phẩm nào được sản xuất tại Trung Quốc hay sản phẩm nào được lắp ráp tại Hoa Kỳ nhưng vẫn chứa các bộ phận được sản xuất tại Trung Quốc.” Hơn nữa, người tiêu dùng không thể xác định sản phẩm nào được phát triển bằng cách sử dụng “quyền sở hữu trí tuệ từ ăn cắp bản quyền”.

Ông Anderson nói rằng cho dù đó là các vấn đề nhân quyền, sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu hay sức khỏe của chuỗi cung ứng toàn cầu, “không vấn đề nào trong số đó sẽ được khắc phục cho đến khi chúng tôi trực tiếp giải quyết từng vấn đề và đưa ra các giải pháp đủ để gây ra nỗi đau kinh tế cho chính quyền ĐCSTQ, khiến họ nhận ra rằng bỏ ác theo thiện mới là con đường ít bị phản kháng nhất.”

Ông nói, nếu chế độ này không chấm dứt việc ăn cắp, toàn bộ xã hội loài người sẽ thất bại.

“Thế giới sẽ chứng kiến ​​ngày càng nhiều công ty kém sáng tạo hơn đưa những công ty từng là nhà đổi mới ra khỏi hoạt động kinh doanh – điều này sẽ dẫn đến việc đánh mất tiềm năng con người ở một mức độ nhất định.”

Nhưng ông Anderson vẫn nuôi hy vọng rằng tình thế sẽ đảo ngược.

Ông nói: “Các quốc gia đang nhận ra mức độ của mối đe dọa và bất ổn do hợp tác với Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) mang lại, đó là một điều tốt.” Ông cũng nói rằng “thế giới đang thức tỉnh”, điều này đã khuyến khích ông.

Ông Anderson nói: “Các nhóm lợi ích thương mại lớn đã giả vờ rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài làm ăn với Trung Quốc (ĐCSTQ)”, nhưng ông hy vọng rằng “tình hình này sẽ thay đổi”.

Mặc dù sự thay đổi tổng thể khó có thể xảy ra trong 5 đến 10 năm tới, ông Anderson dự đoán rằng “sẽ có sự khác biệt lớn trong lập trường toàn cầu về các hoạt động xấu xa của ĐCSTQ, những quan điểm này sẽ tạo ra những thay đổi đối với cách thức tiến hành kinh doanh Trung Quốc.”

Mộc Lan/ Theo Epoch Times

Xem thêm: