Gần đây, trang web The Conversationđã công bố một bài viết chung có tựa đề “Giết tù nhân để lấy nội tạng: Cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc”, của ông Ali Iqbal – chuyên gia ghép thận tại Đại học McMaster ở Canada, ông Aliya Khan – giáo sư lâm sàng tại Trường Khoa học Y tế, và bà Susie Hughes ­- Giám đốc điều hành của “Liên minh quốc tế về chấm dứt nạn lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc” (ETAC) 

48333061401 729ecd1939 z 600x400 1
Ngày 20/7/2019, học viên Pháp Luân Công cầm biểu ngữ, vạch trần sự thật rằng ĐCSTQ đã mổ cướp nội tạng người tu Pháp Luân Công. (Ảnh: Yến Ninh/ Epoch Times)

Cấy ghép nội tạng là một phương pháp điều trị y tế nhằm cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến tặng bị hạn chế cộng với nhu cầu cấy ghép khổng lồ, đã thúc đẩy nạn buôn bán nội tạng trên toàn cầu. Ngành này sẽ sử dụng người nghèo, thiệt thòi và bị ngược đãi trong xã hội làm nguồn nội tạng cho những “khách du lịch cấy ghép” giàu có.

Các tác giả cho rằng trong khi cách làm này tồn tại ở nhiều quốc gia, thì tình hình ở Trung Quốc đặc biệt đáng lo ngại. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới bán nội tạng ở quy mô công nghiệp, cách làm của nước này là hành quyết các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng. Hành vi này được gọi là “mổ sống cướp nội tạng” (hay thu hoạch nội tạng cưỡng bức).

Bài viết nói rằng để hiểu về việc mổ cướp nội tạng, mọi người có thể xem xét một tình huống giả định: Một bệnh nhân Canada mắc bệnh tim giai đoạn cuối cần được ghép tim mới có thể sống sót. Các bác sĩ ở Canada nói với bệnh nhân này rằng ông ấy phải đăng ký và chờ đợi, cho đến khi một người hiến tạng phù hợp qua đời trong điều kiện thích hợp. Quá trình này có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Nhưng sau đó, bệnh nhân này đã tìm thấy một chương trình y tế cấy ghép ở Trung Quốc, nơi ông có thể đặt lịch hẹn cấy ghép tim từ một người hiến tặng phù hợp chỉ vài tuần trước khi phẫu thuật.

Tình huống này đặt ra một số câu hỏi quan trọng. Các ca ghép tim chỉ có thể đến từ những người hiến tặng đã qua đời. Vậy làm thế nào các bệnh viện có thể ghép nối bệnh nhân với những người hiến tặng sắp chết trước đó vài tuần? Làm thế nào để các bệnh viện tìm được người hiến tặng? Làm thế nào để họ biết được khi nào người hiến tặng sẽ chết? Những người hiến tạng có đồng ý cho nội tạng của họ không?

Bài viết cho biết, câu trả lời cho những câu hỏi này rất đáng lo ngại. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng các tù nhân lương tâm bị cầm tù làm ngân hàng hiến tạng, để cung cấp cho bệnh nhân những ca cấy ghép phù hợp. Những tù nhân hoặc “người hiến tạng” này bị hành quyết và nội tạng của họ bị thu hoạch trái với ý muốn của họ, để sử dụng cho ngành công nghiệp cấy ghép “năng suất cao” và sinh lợi.

Với tư cách là chuyên gia ghép thận và chuyên gia y tế, các tác giả tin rằng mục tiêu của họ là thu hút sự chú ý của đồng nghiệp, các tổ chức, bệnh nhân và công chúng về nạn buôn bán nội tạng, đặc biệt là mổ sống cướp nội tạng.

Họ làm việc với “Hiệp hội các bác sĩ chống mổ cướp nội tạng” (DAFOH) và “Liên minh quốc tế về chấm dứt nạn lạm dụng ghép tạng ở Trung Quốc” (ETAC). Những tổ chức này đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ trong lĩnh vực này hơn một thập kỷ qua.

Trung Quốc hiện là quốc gia lớn thứ 2 trên thế giới về số ca ghép tạng. Số lượng các ca cấy ghép ở Trung Quốc tăng nhanh chóng vào đầu những năm 2000, mà không có sự gia tăng tương ứng về số lượng người hiến tạng tự nguyện. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về nguồn cấp tạng.

Trong thời kỳ cấy ghép nội tạng phát triển nhanh chóng, các học viên Pháp Luân Công, những người tu luyện một môn khí công của Phật gia, đã bị chính quyền ĐCSTQ bắt giữ, bức hại và tàn sát với số lượng lớn.

Tương tự như vậy, vào năm 2017, ĐCSTQ cũng bắt đầu giam giữ hàng loạt, giám sát, triệt sản và cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Điều tra nhân quyền

Tháng 7/2006, cuộc điều tra và nghiên cứu của 2 luật sư nhân quyền quốc tế, ông David Kilgour và David Matas, bắt đầu làm dấy lên lo ngại về việc (ĐCSTQ) mổ cướp nội tạng sống. Sau đó, họ đã được đề cử giải Nobel Hòa bình cho báo cáo điều tra này.

Năm 2019, “Tòa án Trung Quốc” thuộc “Tòa án Nhân dân Độc lập” của Vương quốc Anh, do luật sư nhân quyền Sir Geoffrey Nice đứng đầu, được thành lập, nhằm điều tra độc lập các cáo buộc về mổ cướp nội tạng.

Tòa án này đã xem xét nhiều bằng chứng, gồm mã số cấy ghép, việc kiểm tra sức khỏe của các tù nhân, ghi âm cuộc gọi điện thoại từ các bệnh viện cấy ghép, cùng lời khai của nhiều bác sĩ phẫu thuật và tù nhân. Tòa án đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 3/2020, “xác nhận không nghi ngờ” rằng nhiều năm qua, ĐCSTQ đã hành quyết các tù nhân lương tâm như một nguồn cung cấp nội tạng để cấy ghép.

Bất chấp tuyên bố của các quan chức cấy ghép nội tạng của Trung Quốc, rằng những cải cách lớn đã diễn ra từ năm 2015, những bằng chứng gần đây cho thấy, hoạt động mổ cướp nội tạng sống man rợ vẫn đang tiếp diễn.

Một bài viết được công bố vào tháng 4 trên “Tạp chí Ghép tạng của Mỹ” (The American Journal of Transplantation), tạp chí cấy ghép hàng đầu thế giới, cho thấy nhiều ca phẫu thuật cắt bỏ nội tạng ở Trung Quốc không được tuyên bố là đã chết não, và việc loại bỏ các nội tạng quan trọng mới là nguyên nhân thực sự gây ra cái chết cho người hiến.

Nói cách khác, những tù nhân này đã bị hành quyết, bằng cách cắt loại nội tạng của họ, để dùng cho phẫu thuật cấy ghép.

Vào tháng Sáu, Hiệp hội Cấy ghép Tim và Phổi Quốc tế đã ban hành một tuyên bố chính sách, từ chối chấp nhận các bài luận văn về y học cấy ghép “liên quan đến các bộ phận hoặc mô của người hiến tặng từ Trung Quốc.”

Nâng cao nhận thức

Các tác giả của bài viết nói rằng ĐCSTQ đã hành quyết tù nhân lương tâm và sử dụng nội tạng của họ để cấy ghép trong nhiều thập kỷ. Các bác sĩ cấy ghép, chuyên gia y tế và cộng đồng quốc tế phải nhận thức rõ ràng hơn và buộc các chính phủ, tổ chức và bệnh viện phải hành động.

Họ kêu gọi mọi người phải dốc sức điều tra, và từ chối hợp tác khi không có sự đảm bảo minh bạch về nguồn nội tạng, phải phản đối việc giam giữ và áp bức bất công và vô nhân đạo đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm bị gạt ra ngoài lề xã hội trên khắp thế giới. Ngoài ra, phải khuyến khích người hiến tạng đăng ký, đồng thời ủng hộ các sáng kiến ​​tăng cường hiến tạng, để cuối cùng có thể hạn chế nhu cầu buôn bán nội tạng bất hợp pháp.

Ngày 29/6, nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu và các chuyên gia cấp cao đã tham dự hội thảo tại thủ đô Brussels, Bỉ, lên án việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Ông Carlos Iglesias, trưởng nhóm pháp lý châu Âu của tổ chức phi chính phủ “Tuyên bố chung về chống và ngăn chặn mổ cướp nội tạng sống” (UDCPFOH), nói: Thu hoạch nội tạng là “tội ác diệt chủng thực sự”.

Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và người dân được đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.

Bình Minh (t/h)

VIDEO: Bí mật phía sau cuộc Đại Thỉnh Nguyện của Pháp Luân Công