Hoa Kỳ đang đàm phán việc bán ít nhất bốn máy bay không người lái loại lớn nhất lần đầu tiên cho Đài Loan, theo sáu nguồn thạo tin của Reuters, đây là loại drone tiên tiến có thể kiểm soát một phạm vi rộng lớn trên biển và đất liền.

drone seaguardian
Một loại máy bay không người lái cực lớn hiệu SeaGuardian của Mỹ (Ảnh: Defense World)

Các máy bay không người lái SeaGuardian (Người bảo vệ biển) có phạm vi hoạt động lên đến 6.000 hải lý (11.100 km), lớn hơn nhiều so với phạm vi 160 hải lý của đội bay không người lái hiện tại của Đài Loan, có khả năng giúp hòn đảo này tăng cường khả năng quan sát hệ thống không quân, tên lửa và các thiết bị khác của Trung Quốc. 

Trung Quốc cật lực chỉ trích kế hoạch này của Mỹ, nói rằng đây là động thái làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc cũng như vi phạm tiêu chuẩn cơ bản của quan hệ quốc tế. 

“Câu hỏi Đài Loan mang gánh nặng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói. Ông Uông thúc giục Mỹ “ngừng bán vũ khí và chấm dứt quan hệ quân sự với Đài Loan để tránh gây thiệt hại nghiêm trọng lên quan hệ Trung-Mỹ và ổn định hai bờ eo biển Đài Loan”. 

Thỏa thuận trị giá xấp xỉ 600 triệu USD vẫn cần Quốc hội Mỹ thông qua, tuy nhiên Bộ Ngoại giao đã “ngầm chuẩn thuận việc bán các thiết bị hàng không không người lái”. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ bán drone tinh vi đầu tiên của Mỹ cho Đài Loan. 

Hôm thứ Năm, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đưa ra dự luật về việc cấm xuất khẩu, chuyển giao hoặc buôn bán nhiều máy bay không người lái cao cấp cho các nước mà không phải là gần đồng minh Mỹ. Dự luật chỉ định Mỹ chỉ được phép bán cho các thành viên NATO, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật bản và Israel.

Bộ quốc phòng Đài Loan từ chối yêu cầu bình luận của Reuters. 

Trong khi quân đội Đài Loan được huấn luyện và cung cấp vũ trang chủ yếu nhờ vào Hoa Kỳ, Trung Quốc đang có những lợi thế rất lớn về con số do đang tự phát triển các thiết bị tiên tiến bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa chống vệ tinh và tàu sân bay.

Đài Loan đã gửi đề nghị mua máy bay không người lái vũ trang đầu năm nay, một nguồn tin của Reuters cho hay. Hoa Kỳ tuần trước đã báo giá cho Đài Loan và kèm theo các thỏa thuận, một bước quan trọng chứng tỏ việc họ đồng ý giao dịch. Tuy nhiên đây mới chỉ là thỏa thuận ngầm, không có ràng buộc và có thể bị hủy bất cứ lúc nào.

Một thỏa thuận cho bốn máy bay không người lái, trạm mặt đất, phụ tùng, đào tạo và hỗ trợ tầm giá khoảng 600 triệu đô la. Cũng có thể có các tùy chọn bổ sung trong tương lai, một trong 6 nguồn tin Reuters nói. 

Gần đây, Đài Loan liên tục tăng cường phòng thủ khi phải đối mặt với những đe dọa ngày càng tăng của Bắc Kinh, sự hiện diện không quân Trung Quốc và các cuộc tập trận thường xuyên gần Đài Loan. 

Năm 2019, Đài Loan tiết lộ chương trình tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất trong một thập kỷ qua. Tổng thống Thái Anh Văn đặt ưu tiên hàng đầu cho hiện đại hóa quân đội, bao gồm xây dựng đội tàu ngầm mới và nâng cấp máy bay chiến đấu F-16.

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua với các cáo buộc gián điệp, chiến tranh thương mại, đại dịch virus corona và vấn đề Hồng Kông. Mối quan hệ này có thể xấu hơn nữa nếu thỏa thuận bán vũ khí được Quốc hội Mỹ thông qua. Ngũ Giác Đài trước đó nói sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, và chính quyền Trump khẳng định tiếp tục cho tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan

Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo dân chủ về dưới sự kiểm soát của mình. 

Theo Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Năng lượng Trung Quốc của CSIS, một think tank (viện nghiên cứu) tại Washington, hệ thống phòng không tinh vi của Trung Quốc có khả năng bắn hạ các máy bay không người lái.

“Trung Quốc la lối về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan thậm chí những thương vụ nhỏ nhất, bởi vì bất kỳ sự mua bán nào cũng thách thức nguyên tắc một Trung Quốc”.

“Họ đặc biệt kích động nếu thấy đây là loại vũ khí có khả năng tấn công”, bà Glaser nói, nói thêm bà dự đoán rằng chính quyền Trump sẽ ít thận trọng hơn so với chính quyền tiền nhiệm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về tin tức của thương vụ này, nói: “Do chính sách quy định, chúng tôi không bình luận hoặc xác nhận những đề xuất mua bán hoặc chuyển giao cho đến khi chính thức thông báo cho quốc hội”. 

Chỉ dành cho đồng minh thân cận của Mỹ

Trong quá khứ, Mỹ đã xe tăng, máy bay chiến đấu cho Đài Loan, nhưng thỏa thuận bán drone tân tiến này sẽ gây chú ý hơn nhiều bởi chỉ có một vài đồng minh thân cận- Anh, Ý, Úc, Nhật bản và Hàn Quốc- mới được phép mua những chiếc máy bay không người lái loại lớn nhất của Mỹ.

Hiện nay, chính phủ Đài Loan có một hạm đội 26 chiếc máy bay không người lái được sản xuất bởi Viện khoa học và công nghệ quốc gia Chung-Shan Đài Loan, một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ quốc phòng. Loại drone này có thể bay tối đa 160 hải lý (300km) hay tầm hoạt động 80 hải lý sau đó bay trở về căn cứ, theo hồ sơ được trung tâm nghiên cứu Drone Bard công bố.

Năm ngoái, Hoa Kỳ đã thông qua một phi vụ bán cho Đài Loan 108 chiếc xe tăng M1A2 Abram của General Dynamics Corp trị giá khoảng 2 tỷ đô la, kèm đạn chống xe tăng và chống máy bay. Một phi vụ bán riêng 66 chiếc máy bay phản lực của hãng Lockheed Martin cũng đã được Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua.

Trong tuần rồi, Trung Quốc nói sẽ trừng phạt công ty Lockheed Martin do tham gia vào phi vụ mua bán vũ khí mới nhất giữa Mỹ và Đài Loan.

Đức Trí

Xem thêm: