Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Năm (29/7) đã phát đi tuyên bố bày tỏ “rất quan ngại” về việc Cuba đàn áp các cuộc biểu tình và thúc giục giới chức quốc đảo Caribe thả tự do cho tất cả những người biểu tình đã bị bắt giữ tùy tiện. Đây là tuyên bố mạnh mẽ nhất của EU kề từ sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra tại Cuba hôm 11/7.

Embed from Getty Images

Tại nhiều thành phố khắp Cuba hôm 11/7, hàng nghìn người dân đã tràn xuống đường biểu tình chống chính phủ. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại quốc gia cộng sản Caribe trong nhiều thập kỷ qua. Cuộc biểu tình này nổ ra trong bối cảnh người dân đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế kéo dài, thiếu thốn các nhu yếu phầm và năng lượng thiết yếu, cũng như số ca nhiễm COVID-19 tăng cao.

Các nhóm nhân quyền ước tính có khoảng 700 người biểu tình trên khắp Cuba đã bị bắt giam, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên. Chính phủ Cuba chưa công bố con số bắt giữ chính thức, nhưng họ bác bỏ việc bắt giữ người chỉ vì họ tham gia biểu tình mà là bắt những người gây rối trật tự công cộng, phá hoại của công, chống người thi hành công vụ và các tội phạm khác.

Giới chức Cuba cũng đã bắt đầu mở các phiên tòa chiếu lệ để xét xử những người biểu tình và chính thức kết tội họ.

Trước diễn biến nêu trên tại Cuba, lãnh đạo cơ quan đối ngoại EU, ông Josep Borrell hôm 29/7 đã phát đi tuyên bố cho hay: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Cuba phải tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do đã được trân trọng ghi vào các Công ước Nhân quyền quốc tế”.

Chúng tôi thúc giục (chính quyền Cuba) hãy thả tự do cho tất cả những người biểu tình đã bị bắt giữ tùy tiện, hãy lắng nghe tiếng nói của công dân, và hãy tham gia vào các cuộc đối thoại với người dân về những bức xúc của họ”, ông Borrell nói thêm.

Tuyên bố của ông Borrell được đưa ra vài ngày sau khi các bộ trưởng ngoại giao của Mỹ cùng 20 quốc gia khác, trong đó có các nước thành viên EU, đã phát đi tuyên bố chung lên án chính quyền Cuba bắt giữ người tùy tiện trên diện rộng.

Trong vài năm gần đây, EU đã tránh đối đầu công khai với Cuba về các vấn đề nhân quyền. Động thái này của họ bắt đầu từ sau năm 2016, thời điểm EU và Cuba ký một thỏa thuận mới về bình thường hóa quan hệ ngoại giao, trong đó EU sẽ không tiếp tục theo đuổi việc ép buộc chế độ cộng sản Cuba phải cải cách thể chế.

Sau phát ngôn của ông Borrell, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã viết trên Twitter bày tỏ “cực lực bác bỏ” tuyên bố của EU. Ông Rodriguez chỉ trích EU đã không đề cập đến chính sách “cấm vận mang tính diệt chủng của Mỹ” mà giới chức Cuba coi là nguyên nhân chính gây ra những khó khăn gian khổ cho đất nước họ.

Một số đồng minh của Cuba như Mexico và Nga cũng đã phản ứng với các cuộc bình tình tại quốc đảo Caribe bằng việc lên án chính sách cấm vận của Mỹ.

Tổ chức Các quốc gia Châu Mỹ mới đây đã phải hoãn một cuộc họp đặc biệt về Cuba vì các thành viên bất đồng về cách tổ chức này ứng xử với vấn đề biểu tình tại quốc đảo cộng sản.

Đức Thiện (Theo Reuters)

Xem thêm: