Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu thành viên gia đình của nhân viên ngoại giao Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kiev, Ukraine chuẩn bị sơ tán. Động thái này được Washington đưa ra sau khi mối đe dọa Nga xâm lược Ukriane ngày càng gia tăng và các cuộc đàm phán Mỹ-Nga không tiến triển.

shutterstock 1954686091
Bản đồ 3D mô tả xung động quân sự Nga – Ukraine, Mỹ (Đồ họa: Tomasz Makowski/ShutterStock)

Fox News hôm thứ Bảy (22/1) dẫn nguồn từ các quan chức ngoại giao Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này “đã ra lệnh cho các gia đình của các nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine phải bắt đầu sơ tán khỏi Kiev ngay từ thứ Hai (24/1)”.

Các quan chức Bộ Ngoại giao cũng được cho là sẽ bắt đầu yêu cầu công dân Mỹ rời khỏi Ukraine bằng các chuyến bay thương mại trong tuần tới.

Căng thẳng giữa Nga với Ukraine, Mỹ và phương Tây leo thang từ cuối năm ngoái khi Moscow điều động hàng chục nghìn binh lính và nhiều khí tài về khu vực biên giới phía Tây giáp với Ukraine. Kiev, Washington cáo buộc Moscow đang diễn tập xâm lược nước láng giềng phía Tây. Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc này và khẳng định đây là đợt tập trận bình thường trong lãnh thổ của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã tức giận khi khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nỗ lực kết nạp Ukirane làm thành viên.

Theo Fox News, một quan chức Mỹ cho biết các phi cơ chiến đấu tối tân của Nga hiện đã được điều động đến Belarus, phía bắc của Ukraine. Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại rằng thủ đô Kiev của Ukraine “bây giờ đã nằm trong tầm ngắm”.

Trong khi đó, vào tối thứ Sáu (21/1), Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine đã loan báo chuyến tàu đầu tiên chở đạn đã cập cảng Ukraine. Các quan chức Mỹ cũng nói với Fox News rằng chính quyền Biden trong đầu tuần tới sẽ chuyển tên lửa chống tăng Javelin từ các quốc gia vùng Baltic và các kho vũ khí Mỹ tới Ukraine.

Điện Kremlin từ cuối năm ngoái đã gửi Mỹ và NATO cũng như công khai trên truyền thông các đề xuất đảm bảo an ninh cho Nga, trong đó đặc biệt nhấn mạnh NATO phải cam kết sẽ không bao giờ kết nạp Ukraine làm thành viên; không triển khai vũ khí gần biên giới Nga; và sẽ phải rút lực lượng quân sự khỏi Trung và Đông Âu.

Hồi giữa tháng này, ba cuộc đàm phán liên tiếp giữa Nga với Mỹ, NATO và châu Âu diễn ra tại Thụy Sĩ, Bỉ và Áo đã kết thúc mà các bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận thực chất nào. Trong khi, các quan chức Mỹ và NATO đã công khai lên tiếng bác bỏ yêu sách của Nga liên quan đến mở rộng và triển khai vũ khí của NATO về phía Đông.

Các cuộc đàm phán trực tiếp mới nhất giữa hai ngoại trưởng Mỹ, Nga hôm thứ Sáu (21/1) cũng đã không đạt được bất kỳ đột phá nào để giảm leo thang căng thẳng, cho dù ông Blinken và ông Lavrov đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại ngoại giao. Hai nhà ngoại giao Mỹ, Nga sẽ hội đàm lại vào tuần tới sau khi Mỹ đưa ra phản ứng chính thức về các yêu sách của Nga.

Xuân Thành

Xem thêm: