Hôm thứ Ba (24/5), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc chuyến công du châu Á kéo dài 5 ngày. Trong chuyến công du này của ông Biden có nhiều điểm đáng chú ý.

282205579 326809419633185 5118237137334572109 n
Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Facebook Nhà Trắng)

Hôm thứ Ba (ngày 24/5), trong cuộc họp tại Nhật Bản với lãnh đạo của các thành viên Bộ Tứ (QUAD) Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Biden đã nói: “Chúng ta đang đi trong thời khắc đen tối của lịch sử.”

Ông Biden cảnh báo rằng cuộc chiến tranh mà Nga phát động nhắm vào Ukraine không chỉ là cuộc chiến của châu Âu, mà là một vấn đề toàn cầu.

Đồng thời, ông hy vọng rằng phản ứng do Mỹ đứng đầu đối với cuộc chiến Nga – Ukraine và những sai lầm của quân đội Nga trên chiến trường sẽ được coi là lời cảnh báo đối với Bắc Kinh.

Dưới đây là 5 điều đáng chú ý trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Biden trên cương vị tổng thống Mỹ:

Phát biểu của ông Biden về Đài Loan gửi tín hiệu đến Trung Quốc

Hôm thứ Hai (ngày 23/5), tại Nhật Bản, ông Biden đã đưa ra cảnh báo rõ ràng nhất đối với Trung Quốc, nói rằng Mỹ sẽ sẵn sàng đáp trả quân sự nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Lập trường này ngay lập tức trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi của giới truyền thông.

Ông Biden cũng giải thích vào thời điểm đó rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan vẫn không thay đổi: “Chúng tôi ủng hộ chính sách một Trung Quốc. Chúng tôi ủng hộ mọi thứ chúng tôi đã làm trong quá khứ, nhưng điều đó không có nghĩa – không có nghĩa là Trung Quốc (ĐCSTQ) có khả năng, quyền hạn tiến vào và sử dụng vũ lực để tiếp quản Đài Loan.”

Ông cũng cho biết, bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm sử dụng vũ lực đối với Đài Loan sẽ là “không phù hợp”“điều này sẽ khiến toàn bộ khu vực rơi vào hỗn loạn, một hành động khác tương tự như những gì đã xảy ra ở Ukraine”.

Hôm thứ Ba, trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo QUAD, ông Biden nói rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi, “như tôi đã nói trước đây trong tuyên bố của mình.”

Ông Biden hy vọng rằng Trung Quốc sẽ không cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực, nhưng ông cũng nói rằng đánh giá phụ thuộc vào mức độ cứng rắn của thế giới trong việc biểu thị rõ ràng với ĐCSTQ rằng hành động như vậy sẽ dẫn đến sự phản đối lâu dài từ cộng đồng quốc tế.

Ông Biden cũng dùng ví dụ của Nga để cảnh báo Trung Quốc. Theo ông, sở dĩ phải khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải trả giá đắt cho những hành động tàn bạo của mình ở Ukraine, một trong những nguyên nhân là để ngăn Trung Quốc tấn công Đài Loan, để tránh cho ĐCSTQ và các nước khác cho rằng những hành động như vậy là có thể chấp nhận được.

Trung Quốc bày tỏ sự tức giận trước phát biểu của ông Biden về Đài Loan

Phản ứng của ĐCSTQ đối với phát biểu của ông Biden cũng đã thu hút sự chú ý từ ngoại giới. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận trong hai ngày liên tiếp vào thứ Hai và thứ Ba.

Hôm thứ Ba (ngày 24/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, phía Mỹ đã cố gắng hết sức để chơi chữ về vấn đề nguyên tắc một Trung Quốc. Ông nói: “Nếu tiếp tục đi trên con đường sai lầm, thì không chỉ gây ra những hậu quả không thể cứu vãn được cho quan hệ Trung – Mỹ, mà còn khiến Mỹ phải trả một cái giá không thể chịu nổi.” 

Hôm thứ Hai (ngày 23/5), ông Uông Văn Bân nói: “Phía Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng và kiên quyết phản đối những ngôn luận này (của ông Biden)”, “Phía Trung Quốc thúc giục phía Mỹ cẩn thận về lời nói và hành động trong vấn đề Đài Loan.”

Phát ngôn viên Ủy ban Đài Loan của ĐCSTQ Chu Phượng Liên cũng nói, Mỹ đang cố gắng “dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc”, là đang chơi với lửa.

QUAD sôi nổi trở lại khiến Bắc Kinh tức giận

Nhóm QUAD còn được gọi là “Đối thoại An ninh Bộ tứ“, hiện là một nhóm không chính thức của 4 quốc gia, Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, với mục đích làm sâu sắc hơn hợp tác về các vấn đề khu vực và hình thành một Ấn Độ đoàn kết chặt chẽ hơn vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngay từ khi thành lập vào năm 2007, QUAD được coi như sự cân bằng đối với việc Trung Quốc trở thành bá chủ toàn cầu. Ý tưởng này nhanh chóng lụi tàn sau đó. Nhưng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào năm 2017, ông đã phát động chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ chống lại Bắc Kinh, và ý tưởng về QUAD lại được “kích hoạt”.

ĐCSTQ đã chỉ trích QUAD là NATO Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cáo buộc QUAD “truyền bá tâm lý Chiến tranh Lạnh” “kích động cạnh tranh địa chính trị”.

Sau khi ông Biden nhậm chức, ông tiếp tục tăng cường liên lạc giữa các thành viên QUAD và tổ chức một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo tại Nhật Bản vào thứ Ba để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và cách đối phó với các thách thức của Trung Quốc trong khu vực. Trong một tuyên bố chung, QUAD cảnh báo về những thách thức của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trong khu vực, chẳng hạn như sử dụng quân đội, sử dụng các tàu cảnh sát biển và lực lượng dân quân hàng hải một cách nguy hiểm, và cố gắng gây rối việc khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác.”

Tuyên bố của QUAD cũng công bố các biện pháp nhằm chống lại hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đáp lại tuyên bố chung của QUAD vào thứ Ba (ngày 24/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Xin đừng đeo kính màu và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ. Việc tạo các vòng tròn nhỏ và kích động đối lập các phe phái mới là mối đe dọa thực sự đến việc xây dựng một trật tự hàng hải hòa bình, ổn định và hợp tác.”

Mặc dù cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến Mỹ bỏ nhiều tâm sức, các quan chức Mỹ nói rằng ông Biden vẫn có ý định điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của Mỹ để đối phó với những thách thức trong những thập kỷ tới. Bao gồm, việc khẩn cấp nhất chính là xây dựng ‘kiểu cấu trúc liên minh đã tồn tại giữa các đồng minh xuyên Đại Tây Dương’ ở châu Á và hình thành một mặt trận thống nhất về cơ bản sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Tuy nhiên, hiện không có tổ chức châu Á nào tương đương với NATO, trong khi đó NATO là tổ chức cung cấp cấu trúc then chốt cho phương Tây để ứng phó với hành động xâm lược của Nga. Vì vậy, ông Biden đã thực hiện một số bước để hồi sinh QUAD bao gồm việc lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân nhạy cảm của Mỹ với Úc.

Gặp gỡ Thủ tướng Úc và Ấn Độ

Mối quan hệ giữa Úc và Ấn Độ đã chạm đáy trong những năm gần đây. Ông Biden đã hội kiến các nhà lãnh đạo Úc và Ấn Độ tại Nhật Bản hôm thứ Ba, củng cố mối quan hệ với các đồng minh, điều này khiến Bắc Kinh giữ cảnh giác.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Úc Anthony Albanese, ông Biden nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với liên minh Mỹ – Úc và cam kết sẽ tăng cường hơn nữa liên minh này.

Ông Anthony Albanese cho biết, chính phủ của ông tự hào rằng liên minh Úc – Mỹ đã được xây dựng bởi lãnh Đảng Lao động John Curtin trong Chiến tranh Thế giới thứ II, điều này mang đến sự ra đời chính thức của liên minh thời hậu chiến.

Ông nói: “Chúng ta (Úc và Mỹ) là bạn của nhau kể từ đó.” Đồng thời ông nói thêm rằng Mỹ luôn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia của Úc và khu vực.

Hai nhà lãnh đạo ca ngợi những tiến triển nhanh chóng đang đạt được trong quan hệ Đối tác Úc – Anh – Mỹ (AUKUS). Họ nhất trí hợp tác chặt chẽ cùng nhau để triển khai Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF).

Trong cuộc gặp giữa ông Biden với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên tái khẳng định cam kết hợp tác vì một thế giới thịnh vượng, tự do, kết nối và an toàn hơn.

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Tổng thống Biden đã chính thức khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) tại Nhật Bản vào thứ Hai nhằm mở rộng sự tham gia kinh tế của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời, danh sách 13 quốc gia thành viên sáng lập cũng được công bố, bao gồm cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. Trung Quốc không nằm trong danh sách này.

Một trong những mục tiêu của IPEF là giải quyết vấn đề về linh hoạt chuỗi cung ứng. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc IPEF thúc đẩy cải thiện khả năng linh hoạt của chuỗi cung ứng thực chất là một nỗ lực nhằm loại ĐCSTQ ra khỏi chuỗi cung ứng.

Bắc Kinh đã bắt đầu “giậm chân” trước thông báo chính thức của ông Biden về IPEF. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm Chủ nhật (ngày 22/5) cho biết “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Mỹ vạch ra dưới ngọn cờ “tự do và cởi mở”, nhưng lại ưa chuộng “kéo bè phái” và “kết bè kết cánh”. Mỹ tuyên bố “thay đổi môi trường xung quanh của Trung Quốc”, nhưng mục đích chính là “cố gắng vây chặn Trung Quốc (ĐCSTQ)”.