Giới chức y tế Ấn Độ hôm 9/5 loan báo nước này bước sang ngày thứ hai liên tiếp có số ca tử vong do COVID-19 vượt trên 4.000. Chính phủ của Thủ tướng Modi đang chịu áp lực phải ra lệnh phong tỏa toàn quốc lần 2, trong khi chuyên gia WHO nói rằng các biến chủng mới làm tăng tốc đại dịch tại quốc gia Nam Á.

Embed from Getty Images

Theo báo cáo của Bộ Y tế Ấn Độ hôm 9/5, trong 24 giờ qua nước này có thêm 4.092 ca tử vong do COVID, nâng số người chết do nhiễm virus Trung Quốc này lên 242.462 người. Số ca nhiễm mới cũng thêm 403.738 ca, nâng tổng số ca COVID-19 tại Ấn Độ tính từ đầu đại dịch lên 22,3 triệu.

Viện Đo lường và Đánh giá Y tế ước tính rằng số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ có thể lên tới 1 triệu người vào tháng Tám năm nay.

Nhiều tiểu bang tại Ấn Độ đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong tháng qua để ngăn chặn sự tăng vọt ca nhiễm mới, trong khi một số bang khác đã loan báo hạn chế di chuyển công cộng và đóng cửa rạp chiếu phim, nhà hàng, quán rượu và trung tâm mua sắm.

Ngày càng gia tăng áp lực từ phe đối lập yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Modi phải ra lệnh phong tỏa toàn quốc tương tự như biện pháp đã được áp đặt tại Ấn Độ trong làn sóng COVID-19 lần đầu tiên vào năm ngoái.

Trong khi đó, bà Soumya Swaminathan – trưởng bộ phận khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Bảy (8/5) đã nói rằng biến chủng COVID-19 đang lây lan tại Ấn Độ là dễ truyền nhiễm hơn và có thể kháng vắc-xin, từ đó khiến cho quốc gia Nam Á này đã đang tăng vọt số ca nhiễm mới và tử vong.

Bà Swaminathan đã cảnh báo rằng “các đặc điểm dịch tễ mà chúng ta thấy tại Ấn Độ hôm nay thực sự chỉ ra rằng đó là một biến chủng lây lan cực kỳ nhanh”.

Bà Swaminathan, bác sĩ nhi và nhà khoa học lâm sàng, nói rằng biến chủng B.1.617 của COVID-19 lần đầu được phát hiện tại Ấn Độ vào tháng Mười năm ngoái rõ ràng đang là nhân tố góp phần tạo ra đại thảm họa sức khỏe tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới hiện nay.

Nhà khoa học 62 tuổi gốc Ấn Độ nói rằng “có nhiều yếu tố làm tăng tốc đại dịch”, nhưng đặc biệt nhấn mạnh rằng “một loại virus lây lan nhanh hơn là một trong các nguyên nhân”.

WHO gần đây đã liệt biến chủng B.1.617 là loại “biến chủng cần quan tâm”. Nhưng nhiều giới chức sức khỏe quốc gia, như Mỹ và Anh Quốc đã xếp B.1.617 là loại “biến chủng đáng quan ngại” – nhãn này chỉ ra rằng virus đột biến là nguy hiểm hơn phiên bản gốc virus ban đầu do đặc tính dễ lây nhiễm hơn, gây tử vong cao hơn và có thể kháng các loại vắc-xin.

Bà Swaminathan đặc biệt lưu ý rằng sự tăng vọt ca COVID nhiễm mới tại Ấn Độ không chỉ đáng sợ hãi vì làm gia tăng số người chết tại đây, mà cũng bởi vì số lượng lây nhiễm tăng cao sẽ gia tăng cơ hội xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn nữa.

Virus càng nhân bản, càng lây lan và càng truyền nhiễm, thì càng tăng cơ hội cho các loại biến chủng phát triển và điều chỉnh”, bà Swaminathan nói.

Nhà khoa học của WHO cảnh báo rằng: “Các biến chủng tích tụ nhiều đột biến cuối cùng có thể kháng các loại vắc-xin mà chúng ta đang có. Đó sẽ là một vấn đề [nan giải] cho toàn thế giới”.

Đức Thiện (Theo Reuters và SCMP)

Xem thêm: