Trong số tất cả những quy trình và thủ tục khó hiểu tại Quốc hội Mỹ, thì quy trình điều hòa ngân sách là đặc biệt nổi bật. Hạ viện và Thượng viện sử dụng quy trình này để điều hướng các quyết định chi tiêu, thuế và thâm hụt ngân sách. Quy trình này cũng là công cụ đặc biệt mạnh mẽ tại Thượng viện vì nó giúp phe đa số né tránh được filibuster. 

toa nha quoc hoi my
Toà nhà quốc hội Mỹ. Ảnh Shutterstock)

Quy trình điều hòa ngân sách đã được người Mỹ biết đến rộng rãi khi nó được các nhà lập pháp của hai đảng tại Thượng viện Mỹ lần lượt dùng để né thủ tục filibuster nhằm thông qua và bãi bỏ từng phần Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả Phải chăng hay còn gọi là Obamacare. Đảng Dân chủ tại lưỡng viện liên bang đã sử dụng quy trình điều hòa ngân sách để thông qua luật chăm sóc sức khỏe này hồi năm 2010, và Đảng Cộng hòa sau đó cũng đã sử dụng quy trình đặc biệt này để bãi bỏ nhiều phần của Obamacare vào năm 2015.

Đảng Dân chủ tại Thượng viện liên bang gần đây cũng đã sử dụng quy trình điều hòa ngân sách để thông qua các gói cứu trợ COVID-19 và luật chi tiêu cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD.

Quy trình điều hòa ngân sách giúp Quốc hội dễ dàng hơn trong việc thay đổi luật hiện hành để điều chỉnh chi tiêu và doanh thu phù hợp với các ưu tiên được đặt ra trong nghị quyết ngân sách hàng năm.

Để đạt được các mục tiêu về ngân sách trong kế hoạch hàng năm, Quốc hội Mỹ đôi khi phải thông qua luật thay đổi doanh thu, chi tiêu hoặc các luật về giới hạn nợ công. Nói cách khác, các nhà lập pháp liên bang sẽ “điều tiết” luật hiện hành với các ưu tiên mới nhất của họ.

Từ khi Hạ viện và Thượng viện lần đầu sử dụng quy trình điều hòa ngân sách vào năm 1980, cho đến cuối năm 2016, các nhà lập pháp đã sử dụng các thủ tục nhanh chóng này để thông qua 24 dự luật ngân sách. Trong đó, 20 dự luật đã được ban hành thành luật, 3 dự luật bị Tổng thống Bill Clinton phủ quyết và 1 dự luật bị Tổng thống Barack Obama phủ quyết.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, quy trình điều hòa ngân sách trải qua 5 giai đoạn cơ bản:

Thứ nhất, Thượng viện và Hạ viện riêng rẽ thông qua một nghị quyết ngân sách trong đó có các hướng dẫn cho các ủy ban đặc biệt để xây dựng luật nhằm đạt được các kết quả ngân sách mong muốn, chẳng hạn như cắt giảm chi tiêu và giảm tiền thu thuế.

Thứ hai, các ủy ban chuẩn bị và xuất trình luật để hoàn thành các hướng dẫn của mỗi viện theo các mốc thời gian cụ thể. Trong một số trường hợp sẽ có hơn một ủy ban của mỗi viện tham gia vào giai đoạn này. Ủy ban ngân sách của mỗi viện sẽ tập hợp các phản hồi thành một dự luật và trình dự luật đó ra toàn Hạ viện và Thượng viện.

Thứ ba, Hạ viện và Thượng viện sẽ đảm nhận xem xét dự luật điều hòa ngân sách riêng và thúc đẩy nó bằng các thủ tục nhanh chóng.

Thứ tư, thông qua một ủy ban hiệp thương hoặc các biện pháp khác, Hạ viện và Thượng viện sẽ giải quyết các khác biệt trong hai bản dự luật riêng để thống nhất thành một bản dự luật cuối cùng.

Thứ năm, Hạ viện và Thượng viện sẽ bỏ phiếu riêng rẽ tại từng viện cho một bản dự luật chung đã thống nhất và sau đó nếu được thông qua sẽ chuyển dự luật đó tới tổng thống để ký thành luật hoặc phủ quyết.

Cả Hạ viện và Thượng viện đều chỉ cần đa số tối thiểu để thông qua dự luật điều hòa ngân sách. Tổng thống có 10 ngày kể từ khi dự luật điều hòa ngân sách được gửi tới ông (không tính ngày Chủ Nhật) để ký thành luật. Nếu tổng thống phủ quyết dự luật, thì dự luật đó sẽ thất bại nếu cả hai viện không tập hợp đủ siêu đa số (2/3 số nghị sĩ) để bác bỏ phủ quyết của tổng thống.

Nhìn chung, quy trình điều hòa ngân sách là một công cụ đặc biệt mạnh mẽ tại Thượng viện bởi vì nó cho phép đa số đơn giản 51 phiếu (thay vì đa số áp đảo 60 phiếu) để thông qua luật. Chẳng hạn, Đảng Cộng hòa tại Thượng viện chỉ cần 51 phiếu để hủy bỏ Obamacare thông qua sử dụng quy trình điều hòa ngân sách, cũng như Đảng Dân chủ tại Thượng viện trước có cũng chỉ cần 51 phiếu để thông qua Obamacare.

Các dự luật muốn được sử dụng quy trình điều hòa thì buộc phải bao gồm chỉ chủ đề liên quan trực tiếp đến ảnh hưởng ngân sách. Nếu không, dự luật điều hòa sẽ “mất đặc quyền”, tức là nó sẽ mất khả năng né tránh filibuster.

Hải Đăng (Theo Heritage.com)

Xem thêm: