Hiện tại Mỹ đã đưa ra chế tài đối với 11 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hồng Kông bao gồm cả bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga; mới đây có thông tin cho biết con trai thứ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là Lâm Ước Hy (Lam Yeuk-hei) đang học tiến sĩ tại Đại học Harvard đã trở về Hồng Kông “vì nhà có việc gấp”, tuy nhiên hiện không rõ hành tung. 

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (phải) và con trai thứ Lâm Ước Hy. (Ảnh từ Facebook của bà Lâm).
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (phải) và con trai thứ Lâm Ước Hy. (Ảnh từ Facebook của bà Lâm).

Ngày 7/8, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố chế tài 11 quan chức của ĐCSTQ và quan chức Hồng Kông, trong đó có Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông & Ma Cao Hạ Bảo Long cùng Phó Chủ nhiệm Trương Hiểu Minh, Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Hồng Kông Lạc Huệ Ninh, v.v, đồng thời công bố thông tin hộ chiếu địa chỉ gia đình của họ và nguyên nhân bị chế tài.

Ngày 8/8, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết bà không sợ chế tài, dù thị thực đến Mỹ của bà có hiệu lực đến năm 2026, nhưng bà cho rằng có thể chủ động gạch bỏ. Trước đó bà còn nói bản thân bà không có bất cứ tài sản nào tại Mỹ. Tuy nhiên, con trai thứ của bà là Lâm Ước Hy (Lam Yeuk-hei) đang học tiến sĩ tại Đại học Harvard, Mỹ. Theo lệnh chế tài, người bị chế tài và người nhà có quan hệ ruột thịt với họ sẽ bị cấm di dân hoặc nhập cảnh vào Mỹ.

Hãng thông tấn điều tra tin tức FactWire tại Hồng Kông hôm 9/8 đã đăng thông tin cho biết, trước đó đã từng cử người đến Mỹ tiếp cận Lâm Ước Hy; chủ nhà tại Mỹ của Lâm Ước Hy cho biết, anh ta đã mất liên lạc từ ngày 25/7, sau đó thông qua Facebook thông báo đến bạn bè của mình rằng “nhà có việc gấp” nên trở về Hồng Kông.

Bản tin của FactWire cho biết, hai ngày sau đó (tối ngày 27/7) chủ nhà nhận được Email của Lâm Ước Hy, nói rằng sẽ tiếp tục thuê nhà đến ngày 31/8/2010 (từ ngày 1/9 năm nay đến ngày 31/8/2021), còn yêu cầu chủ nhà gửi hợp đồng thuê nhà cho anh ta. Nhưng sau đó vẫn luôn mất liên lạc, hiện tại không rõ tung tích. Chủ nhà cho biết, đến ngày 7/8, Lâm Ước Hy vẫn chưa ký vào hợp đồng thuê nhà năm tiếp theo. Chủ nhà đã nhiều lần gửi Email liên lạc nhưng cũng không nhận được trả lời, tuy nhiên thông qua ứng dụng nộp tiền thì đã nhận được tiền thuê nhà tháng 8 của Lâm.

Ngày 8/8, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đăng bài viết trên Facebook lần đầu tiên lên tiếng về lệnh chế tài của Mỹ, bà cho biết, danh sách liệt kê địa chỉ của bà là địa chỉ khi bà còn làm Vụ trưởng Vụ Chính vụ Hồng Kông; có một bộ phận quan chức Hồng Kông bị chế tài không tiết lộ số hộ chiếu, một bộ phận thì có, do đó bà lên án chính phủ Mỹ làm việc một cách qua loa; đồng thời bà đoán quan chức Mỹ sử dụng thông tin mà bà điền vào hồ sơ xin cấp visa nhập cảnh vào Mỹ từ tháng 6/2016.

Bà cho biết, “Nếu suy đoán của tôi chính xác, đưa tư liệu cá nhân khi xin cấp visa cho Bộ Tài chính không ngoài mục đích nhập cảnh, liệu có vi phạm việc đảm bảo nhân quyền, đây cũng là điều cần thảo luận.” Bà cũng nói visa vào nước Mỹ của bà sẽ hết hạn vào năm 2026: “Nếu bản thân đã không đến quốc gia này nữa, xem ra cũng có thể chủ động gạch bỏ”.

Tuy nhiên nhiều cư dân mạng đã có phản hồi gay gắt, “Đợi Anh Quốc có hành động chế tài giống như Mỹ thì bà sẽ không còn cười nổi nữa.”; “Bản thân là Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông, lại đăng kiểu bài viết thế này trên Facebook, thật đúng là quá mất lịch sự”; “Vấn đề không phải là bà có đi Mỹ hay không đi Mỹ du lịch đâu bà già ngốc. Mà vấn đề là, Hồng Kông là trung tâm tài chính quốc tế, người đứng đầu lại bị Mỹ chế tài, biến thành giống như Bắc Triều Tiên, Zimbabwe, quan chức trở thành phần tử khủng bố, tội phạm chiến tranh,…”.

Về vấn đề này, Hoàng Chi Phong châm biếm: “Bản thân là con cháu của Trung Hoa 5.000 năm lịch sử, sao lại có thể dễ dàng để cho cường quốc phương Tây bắt nạt chúng ta?” Hiện giờ nói rằng “không đau không ngứa” trước chế tài của Mỹ, nhưng rốt cuộc những quan chức này liệu có phải là “miệng nói một đằng nhưng bụng lại nghĩ một nẻo?”

Hoàng Chi Phong “kêu gọi”, để thể hiện tình cảm yêu nước, tất cả các quan chức ĐCSTQ và Hồng Kông lập tức bán hết tài sản ở nước ngoài và người nhà họ hãy từ bỏ quốc tịch nước ngoài, như thế thì mọi chế tài sẽ không thể ngăn được các quan chức tin tưởng và chấp hành theo Luật Cơ bản và duy hộ Luật An ninh Quốc gia. “Quan chức nào không nguyện ý làm thế, thì chính là không trung thành với quốc gia, là biểu hiện lấy lòng nước ngoài!”

Huệ Anh (theo Epoch Times)

Xem thêm: