Nhiều người đã lên án việc Trung Quốc xây tràn lan đập trên thượng nguồn sông Mekong gây ra hạn hán nghiêm trọng ở các quốc gia hạ lưu. Nay các nghiên cứu trái ngược nhau của Mỹ và Trung Quốc cho thấy sự manh nha hình thành một chiến trường mới trong cuộc chiến ngôn luận của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á. 

song mekong
Hạn hán ở vùng đồng bằng sông Mekong, với hàng chục đập thủy điện chặt khúc dòng sông. (Ảnh: ThapaKron KonGkaew/Shutterstock)

“Đập thủy điện Trung Quốc không phải là nguyên nhân gây ra hạn hán ở các nước hạ lưu dọc sông Mekong, mà chính chúng lại là giải pháp” – một nghiên cứu mới do nhà nước Trung Quốc bảo trợ tuyên bố hồi tháng 7. Nghiên cứu này đối chọi trực diện với kết luận của nghiên cứu khác của Mỹ, trong đó chỉ ra Trung Quốc đã khiến các nước ĐNA ở hạ nguồn Mekong phải chịu hạn vì các con đập mới giữ nước ở thượng nguồn lại. 

Nghiên cứu của Trung Quốc do Đại học Thanh Hoa và Viện Nguồn Nước Trung Quốc tiến hành, tranh luận rằng các đập nước của Trung Quốc thực ra là công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề về nước bằng cách lưu trữ nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô. 

Tuyên bố đối nghịch này đã làm khởi phát một cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thiếu nước trầm trọng ở hạ lưu MeKong, tới mức mà Việt Nam phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và Thái Lan huy động quân đội giúp nông dân chống hạn vào hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay. Các nhà phân tích cho biết các nghiên cứu trái chiều này là dấu hiệu của một cuộc chiến đang diễn ra để gây ảnh hưởng tới công chúng về thái độ của Trung Quốc trong quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á bé nhỏ hơn. Tóm lại là họ cho rằng Mekong đã trở thành mặt trận mới nhất của 2 địch thủ Mỹ-Trung. 

TRANH CÃI VỀ CÁC CON ĐẬP

Sông Mekong là nguồn sống của khoảng 60 triệu người, bắt nguồn từ Trung Quốc sau đó chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và cuối cùng cùng Việt Nam. 

Giới truyền thông ở các nước ở hạ lưu Mekong đã gắn tình trạng hạn hán nặng nề bất thường với các đập nước mà Trung Quốc dùng trữ nước cho nhà máy phát điện hoặc tưới tiêu ở thượng nguồn. Cáo buộc này tăng thêm sức nặng khi vào tháng Tư, một báo cáo của hãng tư vấn Eyes on Earth kết luận rằng các đập Trung Quốc đã giữ lại tới 47 tỷ mét khối nước. Báo cáo này được ủy thác bởi Sáng kiến Hạ Mekong và Hợp tác Cơ sở hạ tầng bền vững do Liên Hiệp Quốc bảo trợ. Đây là một sáng kiến hợp tác giữa chính phủ Mỹ và tất cả các quốc gia sông Mekong trừ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố của Trung Quốc – dựa trên công trình của 8 nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư Tian Fuqiang, vẽ lên một bức tranh hoàn toàn khác khi tuyên bố rằng hạn hán ở Việt Nam và các nước hạ lưu không phải là do các con đập mà là vì yếu tố môi trường, gồm nhiệt độ cao và lượng mưa giảm. Nghiên cứu này lập luận rằng các hồ chứa nước nhân tạo của Trung Quốc, dùng để chứa nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô đã giúp giảm thiểu hạn hán toàn bộ vùng Mekong chứ không chỉ phục vụ thượng nguồn. 

Mặc dù không nhắc đến báo cáo của Eyes on Earth, tờ Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo ngoại giao bằng tiếng Anh của Trung Quốc nhận định rằng phát hiện của giáo sư Tian đối nghịch hoàn toàn với “một số quy kết liều lĩnh của các nhà nghiên cứu nước ngoài mà đã đổ tội cho Trung Quốc về hạn hán ở những nước hạn nguồn”. 

Nghiên cứu của Trung Quốc cũng cho rằng Trung Quốc mới là nước phải chịu rủi ro khô hạn lớn nhất trong toàn bộ vùng Mekong, nói rằng tần suất hạn hán nghiêm trọng chung của toàn bộ sông Mekong là khoảng 7%, nhưng ở khu vực thượng và trung, nơi có các con đập của Trung Quốc, tỷ lệ này lên tới 12%. 

Kết luận của nghiên cứu của Trung Quốc đã khiến các chuyên gia và tổ chức môi trường đặt nghi vấn. 

Marc Goichot, Lãnh đạo sáng kiến Nước Vùng Đại Mekong của WWF, đồng ý với kết luận của Trung Quốc rằng lượng mưa bất thường là một nguyên nhân gây hạn hán, nhưng các hoạt động của con người cũng đóng vai trò quan trọng. 

Brian Eyler, giám đốc chương trình tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á Stimson có trụ sở tại Washington, chỉ ra rằng hạn hán đã xảy ra ở các nước hạ lưu trong cả mùa mưa, và đây là điều mà báo cáo của Trung Quốc bỏ qua. 

Ông Eyler chỉ ra một cuộc điều tra bởi Viện phát hiện rằng các đập thượng nguồn Trung Quốc tại Nuozhadu và Xiaowan đã làm hạn chế khoảng 20 triệu mét khối nước trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 11 năm ngoái. 

Điều tra tiến hành dựa vào đánh giá hình ảnh vệ tinh và các tuyên bố công khai bởi công ty China Southern Grid về vấn đề “tối ưu hóa” các con đập. Điều này cho thấy “nhiều đợt hạn hơn” còn ở phía trước. 

“Hôm nay, các ảnh vệ tinh cho thấy các con đập này một lần nữa chuẩn bị giới hạn lượng nước tương tự từ tháng 7/2020 cho tới cuối năm nay… mực nước nhiều phần lưu vực sông Mekong lại một lần nữa đang rơi xuống mức thấp kỷ lục”, Eyler nói. 

Nhà nghiên cứu Sebastian Biba của Đại học Goethe tại Frankfurt cũng đồng ý rằng các nhân tố môi trường như biến đổi khí hậu có gây ảnh hưởng, nhưng vấn đề đã bị khuếch đại mạnh thêm bởi các đập nước của Trung Quốc. 

“Liệu tỷ lệ là 50:50, 70:30 hay 20:80 thì rất khó nói. Ít nhất thì phía Trung Quốc không hề làm gì để xóa bỏ quan ngại rằng các đập nước của họ có thể phải gánh một trách nhiệm trong thảm họa này”, Biba nói. 

Các nhà nghiên cứu cũng đặt câu hỏi rằng liệu phương án của Trung Quốc dùng hồ trữ nước làm nơi dự trữ nước mùa mưa và cấp nước vào mùa khô là một giải pháp chống hạn hữu ích cho cả vùng Mekong. 

Eyler, tác giả của cuốn Những ngày cuối của Dòng Mekong hùng vĩ, nói rằng các mùa nước thay đổi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của khu vực. 

“Sự biến đổi tự nhiên từ mùa khô sang mùa mưa, và các trận lũ đến trong mùa mưa tạo ra từ 15 đến 20 phần trăm sản lượng cá nước ngọt đánh bắt được trên thế giới, và quyết định an ninh kinh tế cho các nước ở hạ lưu”, Eyler nói. 

Trong khi đó, Mạng lưới Người Mekong ở Thái mô tả việc trữ nước nhân tạo rồi xả nước vào mùa khô là “lạc điệu” với thiên nhiên, bởi vì lũ lụt là một hiện tượng tự nhiên trong mùa mưa. 

“Đó là lúc cá và các động vật thủy sinh khác bơi ngược dòng lên thượng nguồn Mekong và các nhánh sông để đẻ trứng và sinh sản”, tổ chức này viết trong một tuyên bố gửi Đại sứ quán Trung Quốc tháng 7/2019, trong đó mô tả hành động của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân 8 tỉnh Thái Lan như thế nào. 

“Do các đập ở thượng nguồn giữ lại nước vào mùa mưa, chỉ còn ít nước chảy xuống hạ lưu, làm đảo lộn chu kỳ tự nhiên của loài cá và ngăn cản nước chảy xuống các đầm lầy và do đó ảnh hưởng tiêu cực đến con người và thiên nhiên”. 

Thông báo cũng cho hay những khu vực đá cuội, bãi cạn xuất hiện trong mùa khô đóng vai trò sinh thái quan trọng, chẳng hạn làm nơi đẻ trứng của hàng triệu con chim. Do Trung Quốc xả nước, các loài chim này mất môi trường sống và làm quá trình sinh sản của chúng bị đảo lộn. 

Việc thay đổi thất thường mực nước sông không theo mùa do cac đập nhân tạo của Trung Quốc cũng làm thực vật chết, làm mất nguồn thức ăn và thu nhập cho các cộng đồng bản địa. 

“Các đập nước đã làm đảo lộn văn hóa và phong tục địa phương, và tước đoạt không gian giải trí của người dân bản địa”, Tổ chức ở Thái Lan nói. 

Gary Lee, giám đốc chương trình tổ chức phi lợi nhuận International Rivers khu vực Đông Nam Á, nói rằng trái ngược với nghiên cứu của Trung Quốc, các đập như Jinghong – đập xa thượng nguồn nhất của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam – thực ra lại làm giảm lượng chảy xuống hạ lưu vào tháng  7 và tháng 8 năm ngoái. 

“11 con đập của Trung Quốc đã làm gãy dòng chảy hạ lưu của nước, trầm tích, các nguồn dinh dưỡng trọng yếu và vì thế gây tác động phá hủy lên hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên nước quan trọng cho cộng đồng sống ở hạ nguồn Mekong”, Lee nói. 

Một báo cáo chung do tổ chức Hợp tác Mekong Úc về Tài nguyên môi trường và Hệ thống năng lượng (Amperes), một công ty chuyên về vấn đề quản lý nước và năng lượng ở khu vực Mekong, và các nhà nghiên cứu tại Đại học Aalto Phần Lan nói rằng chưa có đủ bằng chứng để chứng minh cho lập luận của Đại học Thanh Hoa rằng các hồ chứa nước thủy điện của Trung Quốc giúp giảm bớt hạn hán và bảo vệ chống lụt. 

Việc này là rất quan trọng, bởi các hồ chứa này gần như là chỉ dùng cho mục đích sản xuất điện và đến nay chưa có bằng chứng cho thấy chiến lược vận hành các hồ này của Trung Quốc bao gồm cả hoạt đối phó hạn hán, theo các chuyên gia của Amperes và Đại học Aalto. 

“NHỮNG CƠN LŨ QUÝ KHÔNG VỀ”

Eyler cho rằng từ trước đến nay, lũ lụt không được xem là những sự kiện thảm họa ở khu vực sông Mekong. Ông Trích dẫn nghiên cứu của Hội đồng Sông Mekong (MRC) ước tính các trận lũ vào mùa mưa mang lại từ 8 tỷ tới 10 tỷ USD lợi ích kinh tế hàng năm, trong khi chỉ gây ra thiệt hại ít hơn 70 triệu USD. MRC là một cơ quan liên chính phủ, có nhiệm vụ giúp các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cùng quản lý chung nguồn tài nguyên nước của Mekong. 

“Chính vì thế, lợi ích của dòng chảy tự nhiên vượt xa thiệt hại do lũ lụt mang lại hơn 100 lần. Dòng chảy tự nhiên Sông Mekong là vô cùng quan trọng đối với an ninh kinh tế của khu vực Hạ Mekong và việc Trung Quốc phá hỏng các dòng nước tự nhiên do hoạt động của đập nước thượng nguồn, cộng với việc xuất khẩu những lập luận bào chữa nguy hiểm này tới các nước hạ nguồn sẽ phá hoại ổn định của khu vực Mekong”, Eyler cảnh báo. 

Goichot từ WWF cho hay việc giữ lại nước ở thượng nguồn còn gây ra nhiều vấn đề khác do nó giữ lại phù sa và trầm tích như cát và sỏi. 

MRC ước tính khối lượng lưu chuyển trầm tích của sông Mekong đã giảm gầm 77% so với điều kiện tự nhiên hồi đầu những năm 1990. 

“Hậu quả là, lòng sông Mekong đang mất đi trầm tích … Điều này nghĩa là vùng châu thổ này đang chìm xuống và co lại, làm suy giảm nguồn nước ngọt có sẵn”, Goichot nói. 

Tuy nhiên MRC cũng đồng ý với báo cáo của Trung Quốc về một điểm: người ta có thể trông đợi hạn hán sẽ gia tăng cả ở tính nghiêm trọng và tần suất xảy ra. 

CHIẾN TRƯỜNG MỚI MỞ

Trong cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao vùng Mekong hồi tháng Hai năm nay, Trung Quốc nói họ sẽ cân nhắc chia sẻ thông tin thủy học cả năm cho các nước còn lại và đảm bảo cái gọi là sử dụng nguồn nước “ổn định và chừng mực”. 

Hồi tháng Tư, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cam kết rằng Bắc Kinh sẽ chia sẻ thông tin và hợp tác với các nước dọc sông Mekong để đối phó với biến đổi khí hậu và các thảm họa lũ lụt. 

Biba, tác giả của cuốn sách về chính trị thủy điện của Trung Quốc ở Mekong, nói rằng các báo cáo trái ngược nhau là tín hiệu cho thấy sông Mekong đã trở thành một mặt trận địa chính trị mới giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Kết luận này cũng được nói bóng gió bởi tổ chức quản lý nước và năng lượng Amperes. Hồi tháng tư Amperes phát hành báo cáo cho biết nghiên cứu của Eyes on Earth là không chắc chắn và các kết luận của tổ chức này đi quá xa so với những gì bằng chứng của họ chỉ ra. Khi cảnh báo về cái gọi là chính trị hóa dữ liệu, tổ chức này nói rằng sự bóp méo dữ liệu có lựa chọn “cho thấy các nỗ lực bởi nhân tố từ tất cả các phía nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc tranh luận và thay đổi kết quả sao cho phù hợp với lợi ích của riêng họ”. 

“Vấn đề về khan hiếm nước mang lại cơ hội chiến lược cho các bên liên quan sử dụng dữ liệu để leo thang hoặc xuống thang các vấn đề nhằm đạt được mục đích chính trị của họ”, báo cáo của Amperes chỉ ra. 

Biba nói rằng về vấn đề này, Trung Quốc cũng tự làm hại mình bởi không sẵn sàng chia sẻ thông tin với nước khác. 

“Dữ liệu là có tồn tại, do đó họ có thể chia sẻ nó. Việc Trung Quốc chần chừ không chia sẻ, một cách mạnh mẽ ám chỉ rằng phía Trung Quốc đang che giấu điều gì đó … Đến nay việc Trung Quốc giữ lại nước hay không không còn quan trọng, thiệt hại đã xảy ra rồi”, 

“Các nước ở hạ lưu, các tổ chức hoạt động vùng, các cộng đồng ven sông, v.v, họ đều không tin Trung Quốc và ý định của Trung Quốc”, Biba nói. 

Goichot đồng ý với vấn đề này, nói rằng việc xây dựng một hệ thống giám sát mực nước do toàn bộ 6 nước vùng Mekong có thể giúp vượt qua vấn đề tin tưởng. 

“Hiện tại Trung Quốc chỉ chia sẻ dữ liệu về mùa lũ, không chia sẻ dữ liệu dòng chảy mùa khô và trầm tích”. 

“Khi không có dữ liệu cụ thể, người ta sẽ suy đoán và điều đó làm cho công tác đánh giá tác động của các đập nước đối với dòng chảy về hạ lưu rất khó khăn”, Goichot nói. 

Trần Minh (Theo SCMP)

Xem thêm: