Ngày 13/4/2021 vừa qua, tạp chí y học British Medical Journal (BMJ), một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất thế giới tại Anh quốc, đã đăng tải bài viết của ông Adnan Sharif, bác sĩ chuyên khoa Thận và Cấy ghép, Bệnh viện Queen Elizabeth, Bệnh viện Đại học Birmingham. Ông Adnan Sharif đã kêu gọi cộng đồng y học ghép tạng thế giới tẩy chay các nghiên cứu cấy ghép tạng tới từ Trung Quốc để phản đối và ngăn chặn hoạt động thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm do chế độ cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn.

Tạp chí y học lâu đời kêu gọi tẩy chay nghiên cứu cấy ghép tạng TQ
(Ảnh minh họa: David Tadevosian/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Mở đầu bài viết, ông Adnan Sharif đề cập đến tuyên bố của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, trong đó khẳng định rằng tội ác thu hoạch tạng là tội ác chống lại loài người, và tội ác này đã và rất có thể vẫn đang xảy ra tại Trung Quốc một cách có hệ thống. Đồng thời, nghị viện Châu Âu, Hoa Kỳ và Úc cũng công nhận cáo buộc này là đáng tin cậy.

Ông Adnan Sharif chỉ ra, việc hiến tạng và cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đa phần là bí mật. Hơn nữa, có nghiên cứu cho thấy số liệu thống kê chính thức về hoạt động hiến và ghép tạng rất thưa thớt, không được kiểm chứng và đã bị làm sai lệch một cách có hệ thống.

Dữ liệu chính thức đáng ngờ

Trung Quốc từng lấy nội tạng từ các tù nhân bị xử tử hình. Họ từng phủ nhận điều này, sau đó lại tuyên bố đã ngừng hoạt động này vào năm 2015. Nước này báo cáo rằng có 19.462 ca cấy ghép nội tạng từ 5.818 người hiến đã qua đời vào năm 2019. Đồng thời, số người tự nguyện đăng ký hiến tạng được đưa ra là 2,13 triệu người.

Ông Adnan Sharif cho biết, tại bất kỳ quốc gia nào, chỉ một phần nhỏ số người đăng ký hiến tạng chết trong những trường hợp thuận lợi cho việc hiến tạng. Ở Anh năm 2020, trong số 26 triệu người đã đăng ký, chỉ có 790 người hiến tạng đã qua đời (0,003%). Tuy nhiên, hệ thống của Vương quốc Anh đã được thiết lập tốt, và thái độ tích cực của công chúng đối với việc này đã đóng góp thêm 790 người hiến tạng không đăng ký. Như vậy năm ngoái, Anh có 1.580 người thật sự đã hiến tạng.

Trong khi đó tại Trung Quốc, số lượng người đăng ký hiến tạng chỉ có 2,13 triệu người, nhưng lại có tới 5.818 người hiến tạng thực sự vào năm 2019. Trung Quốc còn có lịch sử ủng hộ thấp của công chúng đối với việc hiến tạng và không có bằng chứng nào cho thấy điều này đã thay đổi. Hơn nữa tại Trung Quốc, chỉ cần có một người thân phản đối thì việc hiến tạng sẽ bị dừng lại. Nhật Bản cũng có những trở ngại văn hóa tương tự Trung Quốc đối với việc hiến tạng và đã thất bại nhiều thập kỷ trong việc thay đổi thái độ của người dân bất chấp các dự án nâng cao nhận thức.

Như vậy theo ông Adnan Sharif, số lượng ca cấy ghép và ca hiến tạng đó không thể chỉ đến từ nguồn đã đăng ký hiến tạng hay từ nguồn chưa đăng ký trước nhưng đồng ý hiến tạng. Có thể thấy việc cấy ghép tạng tại Trung Quốc cần phải có một nguồn nội tạng khác.

Có nhiều ca cấy ghép hơn số liệu công khai

Ông Adnan Sharif cho biết, không chỉ số liệu cấy ghép tạng do Trung Quốc công bố mâu thuẫn với hệ thống hiến tạng, mà bản thân số liệu này cũng không đáng tin cậy. Trên thực tế, các bằng chứng về cơ sở hạ tầng rộng lớn và đội ngũ nhân viên dành riêng cho việc cấy ghép nội tạng quy mô lớn cho thấy hoạt động hiến và cấy ghép nội tạng vượt xa số liệu chính thức của Trung Quốc, với ước tính lên tới 90.000 ca cấy ghép mỗi năm. Chẳng hạn, chỉ riêng Bệnh viện Trung tâm số 1 Thiên Tân, một trong hơn 700 cơ sở cấy ghép tạng tại Trung Quốc, đã tự tuyên bố rằng trung tâm cấy ghép nội tạng rộng 46.000m2 của họ có hơn 500 giường, đủ cho hàng nghìn ca cấy ghép mỗi năm.

Ngoài ra, tuyên bố của các bệnh viện về thời gian chờ đợi ngắn một cách không tưởng và báo cáo về các ca cấy ghép đã được lên lịch trước, đã cho thấy rằng các cơ quan nội tạng luôn có sẵn theo yêu cầu. Điều này chỉ có thể xảy ra khi người ta biết trước hoặc lên kế hoạch để những người “hiến tạng” tử vong.

Nhiều nhân chứng là tù nhân lương tâm đã mô tả việc kiểm tra y tế tại các nhà tù và cơ sở giam giữ nhằm xác định sức khỏe và khả năng cấy ghép nội tạng của họ. Điều này cũng được chứng thực bởi các nhân viên y tế Trung Quốc đã mạo hiểm đứng ra tố giác.

Ông Adnan Sharif nhận xét rằng mặc dù bản thân không phải người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ hay người tập Pháp Luân Công – những người bị đàn áp vì tín ngưỡng của họ tại Trung Quốc và là nạn nhân của tội ác thu hoạch tạng, nhưng ông đã bị sốc trước cáo buộc giết người hàng loạt để cưỡng bức thu hoạch nội tạng và thật sự đồng cảm với những cộng đồng này.

Ông Adnan Sharif cũng chỉ ra rằng cấy ghép tạng là hoạt động siêu lợi nhuận tại Trung Quốc. Chẳng hạn, bệnh viện quân y 309 ở Bắc Kinh đã tuyên bố hoạt động cấy ghép tạo nên doanh thu hàng năm cao nhất cho bệnh viện, tăng từ 30 lên 230 triệu nhân dân tệ trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2010.

Những nghiên cứu cấy ghép tạng tới từ Trung Quốc có thể là phi đạo đức

Với những cáo buộc đáng tin cậy và không có bằng chứng chống lại các cáo buộc đó, ông Adnan Sharif nhận xét cộng đồng cấy ghép tạng quốc tế cần xem xét lại các nghiên cứu cấy ghép tạng tới từ Trung Quốc. Tuyên bố Istanbul của cộng đồng quốc tế đã cấm việc buôn bán nội tạng, du lịch cấy ghép và bóc lột người hiến tạng. Nó yêu cầu các cơ quan chức năng “có trách nhiệm đối với các hoạt động hiến, phân bổ và cấy ghép nội tạng để đảm bảo tiêu chuẩn hóa, truy xuất nguồn gốc, minh bạch, chất lượng, an toàn, công bằng và sự tin cậy của công chúng”.

Ông Adnan Sharif chỉ ra rằng trên thế giới, đã có những lo ngại về hoạt động cấy ghép và du lịch cấy ghép bất hợp pháp ở Ai Cập, Ấn Độ và Philippines, nhưng không có quốc gia nào mờ ám như Trung Quốc. Trung Quốc là nơi duy nhất bị cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng hàng loạt từ tù nhân lương tâm, và hoạt động này là do chế độ cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Bởi vậy, những lời hứa miệng về cải cách hệ thống cấy ghép tạng tại Trung Quốc là không thể chấp nhận và không có cơ sở. Các tạp chí y học nên từ chối đăng tải và xuất bản các nghiên cứu khoa học liên quan đến cấy ghép nội tạng đến từ Trung Quốc.

Nhiều tạp chí đã có chính sách từ chối nghiên cứu cấy ghép sử dụng nội tạng của các tù nhân bị hành quyết. Tuy nhiên theo một nghiên cứu được công bố trên BMJ vào năm 2020, hơn 90% trong số 445 nghiên cứu liên quan đến cấy ghép của Trung Quốc được công bố từ năm 2000-2017 không tuân thủ các chính sách đó. Do vậy, các tạp chí cần được cảnh báo về “sự đồng lõa và rủi ro đạo đức”. Một số tạp chí sau đó đã rút lại hơn 20 bài báo vì lý do này.

Nghiên cứu nói trên đã gây được tiếng vang lớn, và người đứng đầu nghiên cứu là giáo sư Wendy Rogers đã được trao tặng Giải thưởng Y đức của Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Úc (NHMRC), được tờ The Australian có lượng lưu hành lớn nhất nước Úc bình chọn là người dẫn đầu trong lĩnh vực Đạo đức y khoa của Úc, được tạp chí Nature vinh danh là một trong 10 nhà khoa học có đóng góp quan trọng, và là một trong các gương mặt Y khoa của năm 2019 do tạp chí Medscape bình chọn.

Minh Nhật biên tập

Ông Adnan Sharif là bác sĩ thuộc Khoa Thận và Cấy ghép, Bệnh viện Queen Elizabeth, Bệnh viện Đại học Birmingham; là bác sĩ thuộc Viện Miễn dịch học và Liệu pháp Miễn dịch, Đại học Birmingham, Edgbaston, Birmingham, Vương quốc Anh; là bác sĩ thuộc tổ chức Bác sĩ Chống Mổ cướp Nội tạng DAFOH.

Xem thêm tài liệu chú thích cho các số liệu và dẫn chứng trong bài viết gốc tại đây.

Mời xem video: