Bản tin Thế giới 24h của Trí Thức VN tổng hợp những thông tin cập nhật mới nhất về các diễn biến đáng chú ý trên thế giới, với tiêu điểm là Trung Quốc, cuộc đối đầu Mỹ – Trung, bầu cử Mỹ 2020, và đại dịch COVID-19.

The gioi
(Ảnh minh hòa từ ShutterStock)

Đại dịch COVID-19

  • Trong 24h qua, thế giới đã có hơn 307.000 ca nhiễm COVID-19 mới, theo worldometers, nâng tổng số ca nhiễm toàn cầu lên hơn 30 triệu. Hơn 6.000 ca tử vong mới cũng được báo cáo, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 944.000 trường hợp. 
  • Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, với lần lượt là 6,8 triệu; 5,1 triệu và 4,4 triệu. Đặc biệt, Ấn Độ ghi nhận tới gần 100.000 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 1 ngày – một con số kỷ lục.
  • Nga cho biết sẽ cung cấp cho Ấn Độ 100 triệu liều vắc-xin.
  • Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan hôm 15/9 (giờ địa phương) dự đoán thế giới sẽ không có đủ vắc-xin COVID-19 để cuộc sống trở lại bình thường cho đến năm 2022. Hiện WHO vẫn đang nỗ lực tìm cách đưa Mỹ và Trung Quốc tham gia vào Sáng kiến Covax của mình.
  • Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời kênh ABC News hôm 15/9 (giờ địa phương) nói rằng vắc xin COVID-19 của Mỹ có thể sẵn sàng trong 3-4 tuần tới. Ông Trump cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng ông coi nhẹ mối đe dọa từ đại dịch.
  • Một báo cáo thường niên do Quỹ Bill & Melinda Gates thực hiện được tờ Politico trích dẫn lại cho biết chỉ trong 25 tuần của năm 2020, đại dịch Viêm phổi Vũ Hán đã làm tiêu tan những thành quả trong suốt 25 năm qua của thế giới, từ chăm sóc sức khoẻ tới kinh tế.

Quan hệ Mỹ – Trung

  • Hôm 16/9 giờ địa phương, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội 5 công dân Trung Quốc liên quan tới hoạt động tấn công mạng hơn 100 công ty và thực thể tại Mỹ và ở nước ngoài. Hồi tháng 8, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien đã cáo buộc tin tặc có liên quan tới chính phủ Trung Quốc đã tấn công hạ tầng bầu cử Mỹ với mục đích khiến ông Trump thất cử. Các tin tặc Trung Quốc hồi tháng 7 còn bị Mỹ cáo buộc cố gắng ăn cắp dữ liệu vắc-xin COVID-19 từ công ty Mỹ. Bắc Kinh đã phủ nhận mọi cáo buộc nói trên.
  • Ngày 15/9, WTO đã lên tiếng bênh vực Trung Quốc, nói việc Mỹ áp thuế vi phạm quy tắc thương mại toàn cầu. Tuy nhiên trên thực tiễn, nhiều nhà phân tích cho rằng phán quyết này gần như không có hiệu lực. Giới chức Mỹ đã lên tiếng chỉ trích WTO, nói rằng phán quyết là bằng chứng về sự kém hiệu quả của WTO, còn ông Trump cho biết ông không đánh giá cao tổ chức này và sẽ xem xét vấn đề. Trong khi đó, Trung Quốc đã ca ngợi phán quyết của WTO là “khách quan và công bằng”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Mỹ đã “lợi dụng các tổ chức quốc tế để phục vụ cho lợi ích của mình.”
  • Bộ Tài chính Mỹ hôm 15/9 thông báo đưa tập đoàn Trung Quốc Union Development Group vào danh sách đen do các hoạt động liên quan tới dự án Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong, Campuchia. Mỹ cáo buộc tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã thâu tóm đất đai của người dân địa phương để phát triển dự án xây dựng một sân bay quốc tế và có khả năng chuyển đổi phục vụ mục đích quân sự.
  • Hôm 15/9 giờ địa phương, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Hội đồng Đại Tây Dương rằng ngày càng nhiều người trên thế giới đã nhận ra dã tâm thống trị toàn cầu của ĐCSTQ, khiến họ đồng tình hơn với quan điểm của Washington đối với Bắc Kinh. Ông Pompeo nói rằng ưu tiên lớn nhất của chính quyền Tổng thống Trump là giúp người Mỹ hiểu được mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với kinh tế và an ninh quốc gia của họ.

Đài Loan

  • Hôm 16/9, hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết Mỹ có kế hoạch bán 7 hệ thống vũ khí cho Đài Loan trong đó có các tên lửa hành trình, máy bay không người lái. Các hợp đồng dự kiến được thông báo lên quốc hội Mỹ trong vài tuần tới.
  • Người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Ma Xiaoguang hôm 16/9 mô tả các động thái gần đây của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đưa nhiều máy bay chiến đấu tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (ADIZ) là “các hoạt động liên quan đến huấn luyện chiến tranh”. Ông Ma cho rằng đây là việc cần thiết để “bảo vệ chủ quyền quốc gia” đồng thời tiếp tục tuyên bố Đài Loan “một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Trung Quốc.” Ông nói rằng các hành động của PLA là phản ứng trước “sự can thiệp từ các cường quốc bên ngoài” và “các hoạt động đòi độc lập của Đài Loan”, đồng thời khẳng định rằng chúng không nhắm vào công chúng Đài Loan. PLA trước đó đã tiến hành các cuộc tập trận trên biển và trên không quy mô lớn ngoài khơi Tây Nam Đài Loan hai ngày liên tiếp vào các ngày 9 và 10/9, có lúc chỉ cách Đài Loan 166 km – một động thái Đài Loan mô tả là “hành vi khiêu khích nghiêm trọng”.

Hồng Kông

  • Hôm 16/9, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Edward Yau cho biết chính quyền Hồng Kông chính thức phản đối yêu cầu của Hoa Kỳ về việc phải dán nhãn mác “Made in China” [Sản xuất tại Trung Quốc] lên các hàng hóa xuất khẩu từ đặc khu này. Ông Yau nói rằng động thái của Hoa Kỳ trái với các luật lệ của WTO.

Trung Quốc và các quốc gia khác

  • Xung đột Trung – Ấn: Nhiều nguồn tin chính phủ tại New Delhi cho biết từ tuần trước, Trung Quốc đã điều động thêm 10.000 binh sĩ dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh giáp biên giới Ấn Độ, nâng tổng số binh sĩ Trung Quốc ở khu vực biên giới với Ấn Độ lên khoảng 52.000 người với 150 máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không. Đặc biệt, diễn biến này xảy ra ngay sau khi hai nước vừa nhất trí duy trì hòa bình dọc biên giới trong cuộc họp tại Moscow, Nga vào ngày 4/9 và 10/9 vừa qua.
  • Căng thẳng Trung – Úc: Úc đang tìm cách đẩy mạnh giao thương với Ấn Độ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc khi căng thẳng giữa hai bên tiếp tục leo thang. Hôm 16/9, Úc cũng tố Trung Quốc can thiệp vào nội bộ Canberra khi cố gắng gây ảnh hưởng tới chính trị gia người Úc ở bang New South Wales, ông Shaoquett Moselmane, nhằm thúc đẩy lợi ích và chính sách của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này. 

Nhân quyền ở Trung Quốc

  • Hãng thời trang H&M của Thuỵ Điển cho biết đã dừng hợp tác với một công ty cung ứng tại Trung Quốc trước cáo buộc nghi vấn công ty này liên quan tới lao động cưỡng bức ở Tân Cương.
  • Chính quyền ĐCSTQ vẫn tiếp tục gia tăng bắt bớ hàng trăm người Mông Cổ ở khu tự trị Nội Mông vì phản đối chính sách “diệt chủng” ngôn ngữ mới của Bắc Kinh.
  • Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có ít nhất 20 năm tiến hành nghiên cứu công nghệ điều khiển não người, với sự tham gia của quân đội, các phòng nghiên cứu khoa học và các trường đại học. Tuy nhiên, gần đây ngày càng có nhiều người Trung Quốc tiết lộ tên thật và cho biết họ là nạn nhân của các cuộc tấn công điều khiển não, bị quấy rối bằng các phương pháp như truyền âm nội sọ 24 giờ một ngày, gây tổn thương thể chất và tâm lý. Xem loạt bài về Vũ khí điều khiển não ở đây.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020

  • Kết quả thăm dò Gallup mới nhất cho thấy tỷ lệ tín nhiệm đối với công việc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện vẫn ở mức thấp với 42% tán thành. Quan điểm về vấn đề này cũng đang bị chia rẽ mạnh mẽ giữa hai đảng, với 92% thành viên của đảng Cộng hòa và chỉ 4% thành viên đảng Dân chủ tán thành hiệu suất công việc của ông Trump.
  • Hai ứng viên Tổng thống Mỹ đang bám đuổi sít sao ở bang chiến địa Florida. Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang tăng cường vận động cử tri gốc Latinh (chiếm khoảng 20% cử tri Florida) ở tiểu bang miền nam Florida. Chiến dịch tranh cử của ông Biden gần đây đã thuê thêm nhân viên ở Florida và ra mắt một số quảng cáo mới bằng tiếng Tây Ban Nha, đồng thời chỉ trích cách xử lý đại dịch COVID-19 của ông Trump. Trong khi đó, Tổng thống Trump đã tìm cách tăng cường sự ủng hộ của người Mỹ gốc Cuba ở Florida bằng cách lật ngược một số chính sách thân thiện với Cuba thời chính quyền trước. Ông cũng đã tìm cách thu hút thêm các nhóm cử tri Latinh khác như người Mỹ gốc Venezuela bằng những lời lẽ và chính sách cứng rắn với lãnh đạo Venezuela.
  • Ông Donald Trump hôm thứ Tư (16/9) tiếp tục phản đối việc bầu cử qua thư tràn lan, nói rằng thống đốc của các bang do đảng Dân chủ kiểm soát gây ra mối đe dọa đối với cuộc bầu cử Tổng thống ngày 3/11 lớn hơn  so với bất kỳ thế lực nước ngoài nào khác.
  • Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden hôm thứ Tư (16/9) cảnh báo không nên cố gắng ra mắt vội loại vắc-xin chưa hoàn thiện trước cuộc bầu cử ngày 3/11. Ông Biden cũng bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Donald Trump rằng ông đang gieo rắc nỗi sợ hãi về sự an toàn của vắc-xin ngừa virus corona, thúc giục ông Trump làm việc thêm với các nhà khoa học và không vội vàng triển khai.
  • Các quan chức tình báo của Mỹ cho biết sẽ tổ chức các cuộc họp giao ban trực tiếp với ủy ban tình báo của Quốc hội về những nỗ lực của nước ngoài nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 trước lo ngại rò rỉ thông tin khi họp chủ yếu bằng văn bản. 
  • Liên đoàn nhân viên bưu chính quốc gia hôm 16/9 cho biết sẽ ủng hộ Joe Biden và nói rằng cựu phó Tổng thống trước đây đã từng hỗ trợ Dịch vụ Bưu điện Hoa Kỳ và nhân viên bưu điện. Chủ tịch của Liên đoàn trước đó đã khuyến khích khoảng 45.000 thành viên ủng hộ ông Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris, cảnh báo rằng các nhân viên bưu điện đã phải đối mặt với “những mối đe dọa trực tiếp đến sinh kế của họ” từ chính quyền TT Trump. 

Các tin tức khác

  • Nhật Bản có Thủ tướng mới: Hôm 16/9, ông Yoshihide Suga, 71 tuổi đã được Hạ viện chính thức bầu làm Thủ tướng Nhật, trở thành lãnh đạo mới đầu tiên của quốc gia Đông Á này trong gần 8 năm qua. Ông Suga sau đó đã công bố danh sách nội các mới, giữ lại 8 bộ trưởng trong chính quyền của người tiền nhiệm. Ông Nobuo Kishi – em ruột của ông Abe được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng mới. Ngoại trưởng Mỹ ngày 16/9 đã chúc mừng Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và tái khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật.
  • Maldives sa lầy trong bẫy nợ của Trung Quốc: Theo tờ Nikkei, quốc đảo “thiên đường du lịch” đang phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ trị giá hàng tỷ USD từ Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm đã vay. Chính quyền tiền nhiệm dưới thời Tổng thống Abdulla Yameen (2013 – 2018) được coi là có mối “quan hệ nồng ấm” với Bắc Kinh. Các khoản cho vay của Trung Quốc tới Maldives đã bùng nổ từ năm 2014 cùng hàng loạt dự án thuộc sáng kiến “Vành đai con đường” như việc xây cầu, mở rộng sân bay, nâng cấp mạng lưới điện.
  • Israel, UAE và Bahrain ký thỏa thuận lịch sử bình thường hóa quan hệ ở Nhà Trắng với sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/9 (giờ địa phương). Ông Trump mong đợi sẽ có thêm nhiều quốc gia Arab khác bình thường hóa quan hệ với Israel. Nhiều nhà quan sát nhận định đây là một “món quà” trước bầu cử dành cho Tổng thống Trump. Ông Trump cũng nhận được 2 đề cử Nobel Hoà Bình vì việc “hoà giải” này.
  • Vụ đầu độc Navalny: Hôm 16/9 giờ địa phương, chính phủ Anh cho biết “gần như chắc chắn” về việc Cơ quan tình báo Nga đã thực hiện vụ đầu độc nhà chính trị đối lập Nga Alexey Navalny bằng vũ khí hóa học và kêu gọi Chính phủ Nga nhanh chóng đưa ra câu trả lời về vụ việc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng kêu gọi Nga minh bạch trả lời các câu hỏi về vấn đề này một cách sớm nhất.
  • Oracle mua TikTok: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 16/9 cho biết ông chưa sẵn sàng chốt thỏa thuận được đề xuất liên quan đến Oracle Corp và TikTok của ByteDance. Ông cho biết sẽ nhận được báo cáo đầy đủ về vụ việc vào thứ Năm (17/9) và sau đó sẽ cho biết ý kiến của mình.

Bảo Minh

Xem thêm: