Bản tin Thế giới tuần qua của Trí Thức VN tổng hợp và phân tích những sự kiện nổi bật nhất trên thế giới trong 7 ngày gần nhất, với tiêu điểm là Trung Quốc, cuộc đối đầu Mỹ – Trung, bầu cử Mỹ 2020 và các sự kiện liên quan tới cán cân địa chính trị Mỹ-Trung. 

The gioi
(Ảnh minh hòa từ ShutterStock)

1. Chính trường Mỹ ‘nổi sóng’ khi Tối cao Pháp viện khuyết 1 thẩm phán

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ loan báo Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đã qua đời ở tuổi 87 tại nhà riêng ở Washington D.C vào tối thứ Sáu 18/9 (giờ địa phương). Ngay sau thông tin này, chính trường Mỹ ‘nổi sóng’ về việc nên hay không nên chuẩn thuận một thẩm phán mới thay thế bà Ginsburg.

Tại sao sự kiện này quan trọng: 

  • Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có 9 thẩm phán với nhiệm kỳ trọn đời và thông thường chia thành hai phe cấp tiến và bảo thủ. Trước khi bà Ginsburg – phe cấp tiếp – qua đời, Tối cao Pháp viện có 5 thẩm phán bảo thủ (2 trong số này do Tổng thống Trump đề cử) và 4 thẩm phán cấp tiến. 
  • Thời điểm này, Tối cao Pháp viện chỉ còn 8 thẩm phán (4-4) và được cho là sẽ không thể đưa ra được quyết định gì. 
  • Đảng Dân chủ muốn trì hoãn bổ sung thẩm phán mới tới sau bầu cử với hy vọng họ sẽ thắng cả ghế tổng thống và Thượng viện để có thể xác nhận một thẩm phán cấp tiến vào Tối cao Pháp viện. 
  • Đảng Cộng hòa muốn bỏ phiếu xác nhận thẩm phán ngay trước bầu cử để tận dụng lợi thế đang làm chủ Tòa Bạch Ốc và Thượng viện.

Các bên liên quan nói gì:

  • Tổng thống Trump hôm 18/9 đã kêu gọi Đảng Cộng hòa tại Thượng viện hãy bỏ phiếu xác nhận thẩm phán mới cho Tối cao Pháp viện “không trì hoãn”. Ông Trump hôm 19/9 tiết lộ rằng tuần tới ông sẽ đề cử thẩm phán và người này “có khả năng” là nữ.
  • Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell ngay sau khi biết tin thẩm phán Ginsburg qua đời, đã nói rằng đề cử viên của ông Trump cho vị trí thẩm phán Tối cao Pháp viện sẽ được bỏ phiếu chuẩn thuận tại Thượng viện.
  • Thượng nghị sĩ Cộng hòa Martha McSally cho hay: “Thượng viện Mỹ nên bỏ phiếu về đề cử viên tiếp theo của Tổng thống Trump cho vị trí thẩm phán Tối cao Pháp viện”.
  • Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz cảnh báo rằng sẽ xảy ra khủng hoảng hiến pháp nếu Đảng Cộng hòa không chuẩn thuận được thẩm phán Tối cao Pháp viện trước bầu cử tháng Mười Một. “Chúng ta không thể để Ngày Bầu cử đến cùng với tòa [Tối cao Pháp viện] chỉ có tỷ lệ 4-4”, ông Cruz nói trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Sean Hannity của Fox News. “Tòa án 4-4, với mức cân bằng như vậy, không thể quyết định điều gì. Và tôi cho rằng chúng ta sẽ gặp rủi ro khủng hoảng hiến pháp nếu chúng ta không có Tối cao Pháp viện 9 thẩm phán, đặc biệt khi có rủi ro về một cuộc bầu cử gây tranh cãi như thế này”.
  • Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham hôm 19/9 đã chia sẻ một tweet của ông Trump, trong đó Tổng thống nói Đảng Cộng hòa có trách nhiệm phải lấp đầy ghế trống “không trì hoãn”. Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina bình luận thêm rằng: “Tôi hoàn toàn hiểu [quan điểm] của Tổng thống Donald Trump xuất phát từ đâu”.
  • Thượng nghị sĩ Cộng hòa Thom Tillis (Bắc Carolina), hôm 19/9 trong tuyên bố bày tỏ ủng hộ tiến trình chỉ định đã nêu chi tiết về sự khác nhau giữa bối cảnh năm 2016 và thời điểm hiện tại. “Bốn năm trước, vị trí trống tại Tối cao Pháp viện nổi lên khi hệ thống chính quyền chia rẽ, tổng thống sắp mãn nhiệm và người dân Mỹ đang lựa chọn người kế nhiệm ông ta. Tuy nhiên, bây giờ Tổng thống Trump lại đối mặt với cuộc bỏ phiếu và người dân Bắc Carolina cuối cùng sẽ đưa ra đánh giá của họ về nhiệm kỳ tổng thống của ông và cách ông lựa chọn lấp đầy khoảng trống [tại Tối cao Pháp viện] như nào”, ông Tillis cho hay.
  • Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins (bang Maine) lên tiếng phản đối bỏ phiếu chuẩn thuận đề cử thẩm phán Tối cao Pháp viện trước cuộc bầu cử tháng Mười Một. “Do cận kề bầu cử tổng thống, nên tôi không cho rằng Thượng viện nên bỏ phiếu chuẩn thuận đề cử trước cuộc bầu cử này”, bà Collins nói. “Quyết định về một vị trí công chức trọn đời tại Tối cao Pháp viện nên được đưa ra bởi vị tổng thống đắc cử vào ngày 3/11”
  • Đề cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden nói: “Cử tri sẽ chọn tổng thống, và vị tổng thống đó sẽ chọn người kế nhiệm Thẩm phán Ginsburg”.
  • Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết vị trí trống do bà Ginsburg để lại “nên được lấp đầy sau khi chúng ta có tổng thống mới”.
  • Cựu Tổng thống Barack Obama chia sẻ quan điểm trên và nhấn mạnh vào việc ông McConnell năm 2016 đã chặn đề cử viên thẩm phán Tối cao Pháp viện Merrick Garland.
  • Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã kêu gọi Đảng Dân chủ tại Thượng viện sử dụng mọi sự cản trở có thể để ngăn chặn Đảng Cộng hòa chuẩn thuận thẩm phán thay thế bà Ginsburg.
  • Chủ tịch Hạ viện, Dân biểu Dân chủ Nancy Pelosi đã không nói vị trí thẩm phán bị trống tại Tối cao Pháp viện nên được lấp đầy vào thời điểm nào. Trong một tuyên bố phát đi hôm 19/9, bà Pelosi nói rằng người kế nhiệm bà Ginsberg nên gìn giữ “cam kết của cố thẩm phán về sự công bằng, cơ hội và bình đẳng cho tất cả” để vinh danh di sản của bà Ginsberg.

2. “Bình minh mới” đang lên tại Trung Đông

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một buổi bình minh mới của hòa bình đang tới ở Trung Đông trong khi chứng kiến hai nước vùng Vịnh là Các tiểu Vương quốc Ả rập (UAE) và Bahrain ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel tại Tòa Bạch Ốc hôm 15/9.

Tại sao sự kiện này quan trọng:

  • Trung Đông là điểm nóng của thế giới từ nửa thế kỷ nay với sự đối đầu gay gắt giữa cộng đồng các nước Ả Rập và nhà nước Do Thái Israel, giữa hồi giáo Sunni và hồi giáo Shia hay các cuộc nội chiến dai dẳng tại Afghanistan, Li Băng, Yemen v.v…
  • Trước khi UAE và Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel, thế giới Ả Rập mới có Ai Cập (1978) và Jordan (1994) thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước Do Thái.
  • Mauritania, một nước thành viên của Liên đoàn Ả Rập ở đông bắc Phi, thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel năm 1999, nhưng sau đó lại hủy bỏ mối quan hệ này vào năm 2010.
  • Sự kiện ký kết hiệp định hòa bình này sẽ là tiền lệ để các nước Ả Rập khác tiếp tục hình thường hóa quan hệ với Israel và trọng tâm của kế hoạch hòa bình Trung Đông mà chính quyền Trump đang ấp ủ là cuối cùng sẽ kéo được Palestine nối lại đàm phán hòa bình với Israel.

Các văn bản được ký kết vào ngày 15/9 là gì:

  • “Tuyên bố các thỏa thuận Abraham” do ông Trump, ông Netanyahu và hai ngoại trưởng UAE và Bahrain cùng ký. Văn kiện này tập trung vào những dự định của tất cả các bên nhằm thúc đẩy hòa bình trong khu vực.
  • “Tuyên bố hòa bình” giữa Israel và Bahrain – một văn kiện tổng quan chưa phải là thỏa thuận hòa bình, trong đó bao gồm cam kết của cả hai bên về việc soạn thảo một hiệp định hòa bình chính thức.
  • “Hiệp định hòa bình Israel – UAE”. Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau khi được nội các và quốc hội Israel (Knesset) bỏ phiếu chuẩn thuận.

Các bên liên quan nói gì:

  • Tổng thống Trump nói: “Chúng ta ở đây chiều nay để thay đổi lịch sử. Sau hàng thập kỷ chia rẽ và xung đột, hôm nay chúng ta đánh dấu một buổi bình minh mới ở Trung Đông”. “Cảm ơn sự dũng cảm tuyệt vời của các nhà lãnh đạo của ba nước này, chúng ta đang bước một bước dài tới tương lai, nơi mà con người thuộc mọi tín ngưỡng, hoàn cảnh có thể chung sống trong hòa bình và thịnh vượng”.
  • Thủ tướng Israel Netanyahu hôm 15/9 cho biết ngày hôm nay “báo hiệu buổi bình minh của thời đại hòa bình mới” giữa người dân Do Thái và các dân tộc khác. Ông nói Tổng thống Trump đã mang đến một cơ hội hòa bình “thực sự” cho Israel và Palestine. “Đây là điều mà một vài năm trước không thể tưởng tượng”, thủ tướng Israel nhấn mạnh.
  • Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan nói: “Cảm ơn ngài Thủ tướng Benjamin Netanyahu vì lựa chọn hòa bình và dừng sáp nhập các lãnh thổ của Palestine. Lập trường đó tăng cường mục tiêu chung của chúng ta nhằm đạt được tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ tiếp theo”.
  • Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al Zayani cho biết: “Tuyên bố ủng hộ hòa bình giữa vương quốc Bahrain và nhà nước Israel là bước đi lịch sử trên con đường hướng tới nền hòa bình, an ninh và thịnh vượng thực chất và lâu dài trên khắp khu vực và vì tất cả mọi người đang sinh sống ở đó không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc hay ý thức hệ”.
  • Đảng Dân chủ cũng tỏ ra hoan nghênh thỏa thuận mang đậm dấu ấn của Trump. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng thỏa thuận này “đánh dấu một ngày quan trọng”, tuy nhiên vẫn còn các nghi vấn về việc chính quyền Trump cho phép UAE mua các máy bay F-35. 
  • Ông Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua tổng thống năm nay, ca ngợi thỏa thuận “lịch sử” tiến tới hòa bình ở Trung Đông, nhưng không nhắc gì đến ông Trump. 
  • Người Palestine tố cáo các thỏa thuận này là “sự phản bội nguy hiểm”. Họ coi đây là việc các nước vùng Vịnh từ bỏ lời hứa sẽ không trở nên thân thiện với Israel cho đến khi đạt được giải pháp nhà nước Palestine. 
  • Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, người từng lãnh đạo nỗ lực hòa giải ở Trung Đông, có bài phát biểu tại lễ ký thỏa thuận ba nước tại Washington. Ông nói ông thông cảm với sự phản đối của người Palestine, nhưng “đến lúc người Palestine sẽ nhận ra rằng khát vọng chính đáng về một nhà nước Palestine chỉ có thể đạt được bằng cách thay đổi triệt để chiến lược hiện tại”. 

3. Rút Đại sứ về nước, Mỹ thẳng tay ‘vỗ mặt’ ĐCSTQ

Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cũng đã phát đi tuyên bố cho biết Đại sứ Terry Branstad sẽ rời Trung Quốc vào đầu tháng Mười. Trong khi đó, Reuters dẫn tin từ một quan chức Mỹ ẩn danh hôm 14/9 nói rằng Đại sứ Terry Branstad sẽ từ chức vào đầu tháng Mười để trở về nước làm việc cho chiến dịch tái cử của Tổng thống Donald Trump. Đây được xem là “cú tát” thẳng tay của Washington vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tại sao sự kiện này quan trọng:

  • Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Branstad, là bạn cũ của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trong nhiều thập niên. Từ khi ông Tập còn là quan chức địa phương đã kết giao với ông Branstad. Ông Tập cũng từng có quãng thời gian dài cư trú tại nhà ông Branstad. Việc ông Branstad được cử sang Trung Quốc là vì coi trọng mối quan hệ cá nhân này.
  • Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã từng gọi ông Branstad là “người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc”.
  • Việc ông Branstad từ chức vào thời điểm này sẽ khiến vị trí đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh bị khuyết một thời gian và đúng vào thời điểm hai quốc gia đang đối đầu quyết liệt trong mọi vấn đề từ luật an ninh mới tại Hồng Kông, tới cách xử lý đại dịch virus corona chủng mới và các vấn đề lãnh thổ trên Biển Đông.
  • Washington có thể không có đại sứ tại Trung Quốc trong vài tháng ngay cả khi ông Trump tái cử sau ngày 3/11. Thượng viện Mỹ chỉ lên lịch họp khoảng 2 tuần trước Ngày Bầu cử mà vị trí đại sứ lại phải do viện này chuẩn thuận.

Động thái này của Mỹ có tác dụng gì?

  • Báo cho người Mỹ rằng quan hệ Mỹ – Trung đã đến bước này và màn kịch hay sẽ còn tiếp tục.
  • Báo với thế giới rằng quan hệ Mỹ – Trung là rất xấu, các bạn theo đó để ứng xử.
  • Báo với người Trung Quốc rằng quan hệ Mỹ – Trung chưa phải là xấu nhất, sẽ còn tệ hơn nữa.
  • Cho Trung Quốc thấy rằng điều Mỹ làm còn nhiều hơn thế này, cứ chờ xem!
  • Mỹ đã chủ động hạ cấp quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, dự báo có thể đi xa hơn trong giải quyết nhiều vấn đề quan hệ giữa hai nước như chuyện Tân Cương, Tây Tạng, Mông Cổ, Hồng Kông và Đài Loan. 

Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ có thể phản ứng ra sao?

  • Hành động theo quy trình có thể là triệu hồi Đại sứ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) của họ, và như vậy quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ bị hạ xuống bậc thấp nhất là Đại biện lâm thời (Chargé d’Affaires). Nhiệm vụ của Đại biện lâm thời chỉ là những việc không mấy quan trọng như liên quan đến chuyện visa.

4. Tranh cãi về vắc-xin tại Mỹ

Trong bài phát biểu tại bang nhà Delaware hôm thứ Tư (16/9), đề cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đã nói rằng ông tin tưởng vào các nhà khoa học về vắc-xin ngừa COVID-19, nhưng không tin ông Donald Trump. 

Tại sao vấn đề này quan trọng:

  • Vắc-xin ngừa COVID-19 là một trong những vấn đề chính có thể tác động tới lá phiếu của cử tri trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11.
  • Trong chương trình hành động nhiệm kỳ 2 của mình, Tổng thống Trump cam kết với cử tri rằng nước Mỹ sẽ có vắc-xin ngừa COVID-19 vào cuối năm nay và sẽ đánh bại đại dịch này vào năm 2021.
  • Ông Joe Biden chỉ trích cách chính quyền Trump xử lý virus, đặc biệt về việc cố tình đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc-xin và không bắt buộc người dân đeo khẩu trang. Ông Biden tuyên bố nếu thắng cử sẽ có đủ thẩm quyền để ký lệnh buộc người dân Mỹ phải đeo khẩu trang để phòng dịch. 

Các bên liên quan nói gì:

  • Ông Biden nói: “Tôi nói rõ thế này: Tôi tin vắc-xin, tôi tin nhà khoa học, nhưng tôi không tin Donald Trump”.
  • Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa đã chỉ trích ông Biden và một số thành viên Đảng Dân chủ là những người chống vắc-xin khi họ liên tục đưa ra các bình luận về việc nên hay không nên sử dụng vắc-xin do chính quyền Trump phê duyệt theo một thời gian biểu được đẩy nhanh.
  • Giám đốc CDC Robert Redfield trong buổi điều trần tại quốc hội Mỹ hôm 16/9 đã nói rằng vắc-xin COVID-19 có thể sẵn sàng vào tháng Mười Một hoặc tháng Mười Hai cho các nhân viên tuyến đầu và nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhưng cần phải thêm 6 đến 9 tháng trước khi vắc-xin này có thể được phân phối trên toàn quốc.
  • Tổng thống Trump trong buổi họp báo ngay sau đó đã tuyên bố rằng giám đốc CDC Redfield đã nói sai hoặc hiểu sai câu hỏi. “Tôi nghĩ ông Redfield đã mắc lỗi khi ông nói điều đó. Đó là thông tin không đúng. Tôi đã gọi điện cho ông ta, và ông đã không nói với tôi thông tin như thế. Tôi nghĩ ông ta đã hiểu sai, có thể đó là tuyên bố không chính xác”, ông Trump nói.

5. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Đài Bắc, Bắc Kinh điều hàng chục máy bay gầm rú trên bầu trời Eo biển Đài Loan.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đã đáp máy bay thương vụ Gulfstream V đến sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc vào khoảng 5:21 chiều ngày 17/9. Ông Krach dự lễ tang cố Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy vào sáng 19/9 và đã bay trở về nước vào buổi chiều cùng ngày. Trong hai ngày ở Đài Loan, ông Krach đã được chứng kiến sự giận dữ của Trung Quốc khi chế độ này liên tiếp điều động chiến đấu cơ quần thảo Eo biển Đài Loan.

Tại sao sự kiện này quan trọng:

  • Chuyến thăm Đài Loan của ông Krach biến ông trở thành quan chức ngoại giao đương nhiệm cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan kể từ năm 1979. 
  • Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Mỹ đã cử hai quan chức cấp cao tới Đài Loan, trước đó là Bộ trưởng Y tế Alex Azar. 
  • Mỹ và Đài Loan tuy không có quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1979, nhưng Washington vẫn là đồng minh và cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Bắc. 
  • Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ngoài khơi xa của họ và chưa bao giờ từ bỏ ý định sẽ sáp nhập Đài Loan vào đại lục kể cả bằng vũ lực nếu cần. 
  • Bắc Kinh thời gian qua ngày càng gia tăng áp lực lên Đài Loan cả về mặt trận ngoại giao và đe dọa quân sự bằng các cuộc tập trận quy mô lớn tại Eo biển Đài Loan.

Phản ứng của Trung Quốc:

  • Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết các cuộc diễn tập quân sự hôm thứ Sáu [18/9] đang diễn ra gần Eo biển Đài Loan và có sự tham gia của bộ chỉ huy mặt trận phía đông của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). “[Các cuộc diễn tập này] là hoạt động phù hợp, cần thiết nhắm vào tình huống hiện tại trên Eo biển Đài Loan và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, ông Nhậm nói.
  • Bộ Quốc phòng Đài Loan viết bằng tiếng Anh trên Twitter: “18/9, 2 oanh tạc cơ H-6, 8 chiến đấu cơ J-16, 4 chiến đấu cơ J-10 và 4 chiến đấu cơ J-11 [của Trung Quốc] đã bay qua đường ranh giới của Eo biển Đài Loan và xâm nhập vào Khu vực Nhận diện Phòng không (ADIZ) phía tây bắc Đài Loan”.
  • Ông Nhậm cũng nói: “Gần đây Mỹ và các nhà chức trách Đảng Dân Tiến (DPP) đã gia tăng thông đồng, thường xuyên tạo ra những xáo trộn”. Việc cố gắng “sử dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc” hoặc “dựa vào nước ngoài để nâng mình lên” đều là suy nghĩ viển vông và tất phải chịu kết cục chết chóc, ông Nhậm nhấn mạnh. “Những người chơi với lửa ắt sẽ bị bỏng”.
  • Ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo hôm 18/9 đã viết trên trang blog cá nhân của mạng xã hội Weibo rằng các cuộc diễn tập của PLA là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Đài Loan nếu có nhu cầu phát sinh, và rằng chúng là kinh nghiệm giá trị, cho phép thu thập tin tức tình báo về các hệ thống phòng thủ của Đài Loan. “Nếu ngoại trưởng hoặc bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới thăm Đài Loan, thì các chiến đấu cơ của PLA nên bay qua đảo Đài Loan, và diễn tập trực tiếp trên bầu trời phía trên hòn đảo này”, ông Hồ nói thêm.
  • Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 19/9 cho biết Trung Quốc đã điều động 12 chiến đấu cơ J-16, 2 chiến đấu cơ J-10, 2 chiến đấu cơ J-11, 2 oanh tạc cơ H-6 và 1 chiến đấu cơ chống tàu ngầm Y-8. Theo một tấm bản đồ mà Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố về vị trí của các máy bay quân sự Trung Quốc, không có chiếc nào bay gần lục địa Đài Loan hoặc bay qua lãnh thổ đảo quốc này.
  • “Mỹ và Đài Loan chớ có đánh giá sai tình hình, hoặc cho rằng màn diễn tập này là một trò lừa phỉnh. Nếu họ tiếp tục thực hiện hành vi khiêu khích, thì một cuộc chiến tranh chắc chắn sẽ nổ ra”, Hoàn cầu Thời báo đe dọa.

Phản ứng của Đài Loan:

  • ROCAF – Không lực Đài Loan hôm 18/9 đã điều động chiến đấu cơ và triển khai hệ thống tên lửa phòng không để giám sát các hoạt động [của Trung Quốc]”, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói thêm.
  • Tờ nhật báo Liberty Times của Đài Loan đưa tin rằng các chiến đấu cơ thuộc không lực nước này đã cất hạ cánh 17 lần trong sáng 18/9, cảnh báo không lực Trung Quốc hãy tránh xa ra.
  • Liberty Times cũng đăng tải một bức ảnh cho thấy nhiều tên lửa được chất lên một chiếc chiến đấu cơ F-16 tại căn cứ không quân Hualien trên bờ biển phía đông Đài Loan.
  • Theo tờ Liberty Times, hành vi xâm nhập lần hai vào ADIZ Đài Loan của không quân Trung Quốc bắt đầu từ 7 giờ sáng 19/9 (giờ địa phương). Vào 9h20 sáng cùng ngày, một đài phát thanh đã phát thông tin Đài Loan ra lệnh cho một chiến đấu cơ Trung Quốc phải lập tức quay lại và rời đi hoặc nó sẽ phải hứng chịu hậu quả. Liberty Times gọi chỉ lệnh này là chưa từng có tiền lệ.
  • Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 19/9 cũng phát đi tuyên bố nói rằng Trung Quốc đang thực hiện các hành động khiêu khích, làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định. “Bộ Quốc phòng [Đài Loan] cực lực lên án điều này, và kêu gọi các nhà chức trách đại lục hãy tự kiềm chế và rút lui khỏi bờ vực”.
  • Theo Reuters, cuộc sống của người dân Đài Loan vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ dấu hiệu hoảng loạn nào. Đảo quốc dân chủ này từ lâu đã quá quen với các các mối đe dọa từ Trung Quốc đại lục.

Nam Sơn

Xem thêm: