Gần đây, nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng đã bị cư dân mạng Trung Quốc tẩy chay vì các tranh chấp nhân quyền liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ tại khu vực Tân Cương. Hai ‘gã khổng lồ’ trong ngành chip bán dẫn và bán lẻ của Mỹ là Intel và Walmart vì từ chối sử dụng các sản phẩm của Tân Cương cũng đã ‘dẫm’ phải ‘bãi mìn’ chính trị của Trung Quốc.

shutterstock 1700224279
(Ảnh minh họa: Tada Images / Shutterstock)

Theo các nhà phân tích, những tập đoàn nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc ngày càng đối mặt với nhiều nguy cơ về chính trị. Họ phải lựa chọn giữa việc trả giá nhiều hơn cho ‘phần bù rủi ro’, hoặc phải phân tán rủi ro tại nhiều nơi. Tuy nhiên, điều này có thể khiến các doanh nghiệp phải thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu của họ, dẫn đến ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn đến mối quan hệ Mỹ – Trung.

Vấn đề Tân Cương gần đây đã trở thành mối xung đột giữa các nước phương Tây và Chính phủ Trung Quốc. Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc về tội diệt chủng người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đồng thời tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh cũng vì lý do này. Phía Trung Quốc phủ nhận hành vi diệt chủng và cưỡng bức lao động. Chính phủ Trung Quốc cho rằng dự luật liên quan đến Tân cương mà Hoa Kỳ thông qua gần đây là ý định ‘thâm độc’ nhằm “lợi dụng Tân Cương để kiểm soát Trung Quốc”. 

Trước năm mới, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký “Luật chống Cưỡng bức Lao động người Duy Ngô Nhĩ”. Trước đó, Hoa Kỳ cũng đã ban hành “Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2020” có hiệu lực vào tháng 6/2020. 

Ngay sau khi Quốc hội Mỹ thông qua “Luật chống Cưỡng bức Lao động người Duy Ngô Nhĩ” thì Intel – tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới đã tuyên bố gia nhập hàng ngũ tẩy chay các sản phẩm của Tân Cương. Intel viết trong thư ngỏ gửi các nhà cung cấp rằng phải đảm bảo chuỗi cung ứng không sử dụng bất kỳ lao động, sản phẩm hoặc dịch vụ nào từ khu vực Tân Cương. 

Thông tin trên đã khiến cư dân mạng Trung Quốc phẫn nộ, do đó Intel phải ra thông cáo xin lỗi khách hàng, đối tác và công chúng tại Trung Quốc. 

Tiếp sau đó, cộng đồng mạng Trung Quốc phát hiện nhà bán lẻ Walmart của Mỹ và ứng dụng ‘Sam’s Club’ thuộc cửa hàng thành viên của Walmart cũng đã gỡ bỏ các sản phẩm của Tân Cương. Walmart bị đe dọa tẩy chay và ‘Sam’s Club’ cũng đối mặt với làn sóng rút thẻ thành viên.

Khi được giới truyền thông đặt câu hỏi về sự việc trên, bộ phận chăm sóc khách hàng của Walmart và Sam’s Club đưa ra lý do là vì doanh nghiệp không có đủ hàng tồn kho. Họ từ chối trả lời liệu còn nguyên nhân khác hay không. 

Bất ổn chính trị gia tăng

Ông Trầm Vinh Khâm, Phó giáo sư tại Đại học York, Canada, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với VOA rằng tác động của vấn đề nhân quyền đối với các tập đoàn nước ngoài ở Trung Quốc hiện nay chủ yếu nằm ở 3 khía cạnh. 

Đầu tiên là việc trực tiếp tẩy chay hàng hóa gây ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thứ hai là tác động đến danh tiếng, ví dụ như việc ông Daryl Morey – quản lý của đội Houston Rockets thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ (NBA), đã bị người dân Trung Quốc phản pháo vì những bình luận ủng hộ cuộc biểu tình ở Hồng Kông trên Twitter. Chương trình phát sóng của NBA ở Trung Quốc bị đình chỉ trong một năm, và danh tiếng của NBA tại Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

twitter
Twitter của ông Daryl Morey- Giám đốc Đội bóng rổ Houston Rockets thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA). Ảnh chụp màn hình Twitter.

Tác động thứ ba là sự gia tăng bất ổn về chính trị đối với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Theo phó giáo sư Trầm, mặc dù hoạt động thương mại tại bất kỳ quốc gia nào cũng phải tuân theo pháp luật địa phương, tuy nhiên điều này không đúng tại Trung Quốc. Các làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc đa phần dựa trên sự thao túng của chủ nghĩa dân tộc hơn là sự cân nhắc thuần túy về mặt pháp lý. Nói cách khác, rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp bị tẩy chay nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật. 

Ông Trầm lấy Sony – một tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản làm ví dụ. Vào ngày 7/7 năm ngoái, Sony dự kiến ra mắt sản phẩm mới, tuy nhiên thời điểm này lại trùng hợp với ‘Sự kiện 7/7’ kỷ niệm chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc, do đó cư dân mạng nước này đã phẫn nộ cho rằng việc ra mắt sản phẩm của Sony là “một sự sỉ nhục”, và lần lượt tẩy chay các sản phẩm của tập đoàn này. Sau đó Sony bị phạt một triệu nhân dân tệ vì làm tổn hại đến sự tôn nghiêm của đất nước Trung Quốc.

Ông Trầm nhận xét: “Khi chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc trỗi dậy hoặc bị thao túng, đó thực sự là biểu hiện của bất ổn chính trị đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, và bản thân sự bất ổn chính trị cũng là một rủi ro.”

Vào đêm giao thừa, Cơ quan Giám sát Quốc gia thuộc Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra cảnh báo với Walmart rằng việc loại bỏ các sản phẩm của Tân Cương khỏi kệ hàng là thể hiện của sự ngu ngốc và thiển cận, đồng thời cho rằng Walmart sẽ “tự chuốc lấy hậu quả”.

Walmart
(Ảnh: Shutterstock)

Tờ “Wall Street Journal” của Mỹ cho biết, lời cảnh báo của ĐCSTQ nêu bật những thách thức nghiêm trọng mà các doanh nghiệp phương Tây phải đối mặt tại một trong những thị trường tiềm năng nhất của họ, đồng thời nói thêm rằng cùng với việc một số chính phủ trên thế giới gia tăng các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc thì các quan chức Trung Quốc cũng đang gia tăng sức ép đối với các doanh nghiệp nước ngoài đặt tại nước này. 

Mánh khóe tuyên truyền chính trị ngắn hạn

Ông Trác Trung Hoằng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Khoa Sự vụ Quốc tế thuộc Đại học Tamkang, Đài Loan, đã trả lời một cuộc phỏng vấn với VOA: “Nếu xét từ góc độ của các doanh nghiệp thì họ nên đặt lương tâm vào vấn đề nhân quyền mà tẩy chay các sản phẩm liên quan của Trung Quốc, thậm chí từ bỏ thị trường Trung Quốc. Những trường hợp như vậy kỳ thực không có nhiều. Rốt cuộc, họ vẫn đang phải đối mặt với các cổ đông, ban quản lý cấp cao của họ hoặc các thành viên có liên quan khác. Những người này, nếu bạn cho rằng họ có một mối quan tâm về đạo đức cao như vậy, thì quả thật là không gặp nhiều.”

Ông Trác đưa ra một ví dụ, trong quảng cáo của tập đoàn thời trang Dolce & Gabbana nước Ý, người mẫu ăn pizza và mỳ Ý bằng đũa với cử chỉ rất cường điệu, do đó người Trung Quốc cho rằng đây là hành động phân biệt chủng tộc và đã tẩy chay hãng này. Kết quả là hiệu suất thị trường của Dolce & Gabbana tại Trung Quốc giảm rõ rệt. 

Một ví dụ khác là thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển vào tháng Ba năm ngoái đã đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ không hợp tác với bất kỳ nhà máy sản xuất quần áo nào ở Tân Cương cũng như không mua sản phẩm hay nguyên vật liệu từ khu vực này. H&M sau đó đã bị cộng đồng mạng Trung Quốc ‘vùi dập’ và phải đóng nhiều cửa hàng. 

Tẩy chay hàng nước ngoài
Hình ảnh từ video biển quảng cáo ngoài trời của H&M tại trung tâm mua sắm Joy City ở Thành Đô đã bị dỡ bỏ, và video đốt giày Nike “trút giận” của các tiểu phấn hồng. (Ảnh ghép từ Weibo)

Ông Trác tiếp tục phân tích, các doanh nghiệp này sau khi bị tẩy chay đã nhanh chóng đưa ra lời thanh minh, gọi hành động trước đó của họ là một “nhận định sai lầm về văn hóa”  với hy vọng sẽ bù đắp lại phần nào phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Theo ông Trác, việc tẩy chay của Trung Quốc cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chủ yếu để thể hiện sự sai lầm của các doanh nghiệp nước ngoài trên chính trường Trung Quốc, qua một đoạn thời gian sẽ dần dần phục hồi, vì nhiều tập đoàn đã nhúng chân vào thị trường Trung Quốc trong thời gian rất dài. Nếu Trung Quốc thực sự tẩy chay các doanh nghiệp nước ngoài này thì cũng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của chính họ. Vì vậy đây chỉ là một mánh khóe tuyên truyền chính trị ngắn hạn.

Doanh số tại Trung Quốc là vấn đề then chốt

Ông Trác Trung Hoằng tin rằng phần trăm doanh số của các doanh nghiệp tại Trung Quốc là vấn đề then chốt để họ quyết định có can dự vào tranh chấp nhân quyền ở Tân Cương hay không. Ví dụ, doanh số của H&M tại Trung Quốc chỉ chiếm 5%, 95% còn lại là ở các nơi khác, nên họ có thể ra quyết định cấm sử dụng các sản phẩm bông từ Tân Cương để thể hiện vị thế và hình ảnh của một doanh nghiệp có lương tâm.

Theo báo cáo tài chính của Walmart, doanh thu tại Trung Quốc trong năm tài chính 2019 là 10,7 tỷ USD, chiếm 2,08% tổng doanh thu, con số này trong năm tài chính 2020 và 2021 là 2,04%.

Tuy nhiên tình huống đối với Intel lại khác, từ năm 2018 đến năm 2020, thị trường Trung Quốc là nguồn doanh thu lớn nhất của họ, với doanh số bán hàng tại nước này đạt 20 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 26% tổng doanh thu.

Các nhà phân tích cho rằng đây có thể là lý do khiến Intel phải đưa ra lời xin lỗi ngay lập tức. Nếu như phần lớn doanh thu của các tập đoàn nước ngoài là đến từ thị trường Trung Quốc thì họ sẽ phải sắp đặt lại vị trí của mình, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải cân nhắc và điều chỉnh. 

Trong một ấn bản của tạp chí Hoover Digest vào năm ngoái, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Matt Pottinger cho biết các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc phải lựa chọn đứng về phía nào. Ông Matt nói thêm rằng một mục tiêu rõ ràng khác của Bắc Kinh là mong muốn toàn thế giới vĩnh viễn phải dựa dẫm vào ĐCSTQ, và thông qua sự dựa dẫm này để đạt được mục tiêu chính trị toàn cầu. 

Tình huống tiến thoái lưỡng nan của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc

Vào thời điểm mà các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu giương cao ngọn cờ nhân quyền về Tân Cương, thì các doanh nghiệp nước ngoài dường như phải hy sinh những giá trị quan phương Tây của họ nếu muốn kinh doanh ở Trung Quốc. Bị ‘kẹp’ giữa hai quan điểm giá trị đối lập của Trung Quốc và Hoa Kỳ, tình huống của các doanh nghiệp nước ngoài càng trở nên khó khăn. 

Ông Ngô Dịch Quân, người từng là giám đốc kinh doanh của một tập đoàn lớn nổi tiếng ở Trung Quốc và hiện là người sáng lập tổ chức Golden Rock Think Tank của Đài Loan, trả lời một cuộc phỏng vấn với VOA rằng các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc hiện như ‘ngồi trên đống lửa’. Họ không thể làm ngơ trước sức ép của “Luật chống Cưỡng bức Lao động người Duy Ngô Nhĩ” do Hoa Kỳ ban hành, cũng không thể làm ngơ trước “Đạo luật Trừng phạt Chống nước ngoài” của Trung Quốc, do đó lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. 

Tuy nhiên, ông Ngô tin rằng sẽ ngày càng có nhiều tập đoàn như Walmart muốn thoát khỏi thị trường Trung Quốc, bởi nếu buộc phải chọn đứng về bên nào thì Hoa Kỳ vẫn là bên thống trị thị trường tài chính quốc tế.

Phó giáo sư Trầm Vinh Khâm nhận định rằng các doanh nghiệp có hai lựa chọn: một là trả giá nhiều hơn cho “phần bù rủi ro”, hai là “phân tán rủi ro”.

Theo ông Trầm, ví dụ rõ ràng nhất về ‘phần bù rủi ro’ là sự việc bị phanh phui gần đây khi Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã ký một thỏa thuận đầu tư bí mật trị giá 275 tỷ USD với Chính phủ Trung Quốc vào năm 2016, mong muốn sẽ hiệp trợ phát triển sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, nhằm giảm bớt những trở ngại và giám sát mà Apple phải đối mặt tại nước này. 

Tim Cook
Ông Tim Cook, CEO của Apple. (Ảnh: JStone/Shutterstock)

Tuy nhiên, ông Trầm cho rằng ngay cả khi các doanh nghiệp phải trả cái giá cao hơn để đổi lấy sự kiểm soát lỏng lẻo hơn ở Trung Quốc thì việc nới lỏng này bất quá cũng chỉ cho họ thêm một chút không gian, và không thể nào đổi lấy được sự tự do như ở phương Tây. 

‘Lấy lòng’ Trung Quốc không mang lại tác dụng

Phó giáo sư Trầm nhấn mạnh: “Điều này không có nghĩa rằng nếu các doanh nghiệp nước ngoài tận lực đưa ra những tuyên bố ‘lấy lòng’ chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thì họ sẽ có được nhiều cơ hội hơn.”

Lý do ông Trầm đưa ra là hầu hết người tiêu dùng sẽ vì các yếu tố khác nhau như thương hiệu, thói quen hoặc sự tiết kiệm chi phí để lựa chọn sản phẩm tiêu thụ; chủ nghĩa dân tộc chỉ có thể chiếm một phần nhỏ. Ngay cả khi các “tiểu phấn hồng” biến chủ nghĩa dân tộc thành một phần rất quan trọng trong quyết định tiêu dùng thì họ cũng sẽ ưu tiên các doanh nghiệp trong nước; nghĩa là cho dù các doanh nghiệp nước ngoài làm từ thiện nhiều ở Trung Quốc và thực hiện nhiều hành động có lợi cho Trung Quốc thì những người tiêu dùng rất coi trọng chủ nghĩa dân tộc này vẫn sẽ liệt các sản phẩm quốc nội vào danh sách ưu tiên. Cho dù các doanh nghiệp nước ngoài muốn dốc lòng ‘chiều chuộng’ Trung Quốc thì những lợi ích mà họ thu được thực sự khá hạn chế. 

Một lựa chọn khác mà ông Trầm đưa ra cho các doanh nghiệp là ‘phân tán rủi ro’, không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ. Nếu một nhà bán lẻ như Walmart tìm đến các thị trường khác để đa dạng hóa rủi ro, điều đó sẽ không thành vấn đề. Tuy nhiên một tập đoàn như Intel thì khác, nếu họ có ý muốn cắt giảm sử dụng một số loại sản phẩm nhất định ở Trung Quốc và tìm kiếm các lựa chọn thay thế ở những nơi khác trên thế giới thì điều đó sẽ thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu của họ, và tác động của nó sẽ không chỉ dừng ở việc bị tẩy chay mà có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài hơn. 

Ông Trầm phân tích : “Hậu quả nghiêm trọng nhất có thể là sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ trở nên căng thẳng hơn.”

Phản đối các khu phức hợp công nghiệp-quân sự

Ông Ngô Dịch Quân nói rằng ngoài tranh chấp về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, nơi đây còn là “trường huấn luyện” cho các “khu phức hợp công nghiệp – quân sự” của những công ty như công ty máy bay không người lái DJI, công ty thiết bị hệ thống giám sát Hikvision, và tập đoàn AI unicorn SenseTime. 

Ông Ngô cho biết, Hoa Kỳ đã đưa SenseTime vào danh sách đen trong ngày Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12 năm ngoái, và cấm các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phiếu của SenseTime. Điều này khác với khái niệm bị liệt vào danh sách các thực thể thuộc diện kiểm soát xuất khẩu. Nếu nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu thì doanh nghiệp sẽ bị từ chối các giao dịch làm ăn với Hoa Kỳ, tuy nhiên lý do Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa SenseTime vào danh sách đen là vì nó hỗ trợ công nghệ cho ĐCSTQ xâm phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ – VOA

Xem thêm: