Trong báo cáo Tự do Internet năm 2021 của Freedom House được công bố vào tháng 9, Đài Loan nằm trong số sáu “quốc gia mới” được đưa vào danh sách, xếp vị trí thứ năm trên thế giới về tự do Internet. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc xếp chót bảng – vị trí nước này đã nắm giữ trong năm thứ bảy liên tiếp.

1634572601 616d993941c56
Biểu đồ so sánh tự do Internet giữa Trung Quốc và Đài Loan (Ảnh: Freedom House)

Hôm thứ Ba tuần trước, tờ Diplomat đã đăng một biểu đồ do Freedom House cho thấy Trung Quốc chỉ đạt 10/100 điểm về tự do Internet, trong khi Đài Loan đạt con số ấn tượng 80/100. 

Tới thứ Năm, Freedom House đã tải infographic lên Facebook và Twitter, trong đó chỉ ra rằng mặc dù Đài Loan và Trung Quốc chỉ cách nhau 177 km, nhưng các chính sách về tự do Internet của hai bên rất khác nhau. Tổ chức này bình luận rằng chúng giống như đến từ “các hành tinh khác nhau.” 

Đài Loan

Lần đầu tiên có tên trong danh sách dưới danh nghĩa một “quốc gia,” Đài Loan xếp vị trí thứ năm, được mô tả là có “môi trường trực tuyến sôi động được hỗ trợ bởi truy cập internet có ý nghĩa và giá cả phải chăng, cơ quan tư pháp độc lập bảo vệ quyền tự do ngôn luận và không có việc chặn truy cập các trang web.”

Đài Loan đạt điểm 80 trên tổng số tối đa 100, đứng đầu châu Á. Trên toàn thế giới, Đài Loan chỉ xếp sau Iceland (96), Estonia (94), Canada (87) và Costa Rica (87). Không giống như Trung Quốc, chính phủ ở Đài Loan không “cố ý hạn chế kết nối” và cơ sở hạ tầng Internet của quốc gia này thuộc sở hữu của các công ty tư nhân.

Freedom House ca ngợi các nhà lãnh đạo của Đài Loan vì đã đối phó với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào “các quy định đổi mới và giám sát dân chủ đối với công nghệ kỹ thuật số.” Người dùng Internet Đài Loan đã trải nghiệm các vụ truyền bá thông tin sai lệch và tấn công mạng từ Trung Quốc.

Báo cáo ghi nhận dự thảo Đạo luật quản lý dịch vụ nghe nhìn trên Internet, được Ủy ban Truyền thông Quốc gia Đài Loan (NCC) thông qua vào ngày 15/7 năm ngoái, trong đó phạt các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) không chặn các chương trình phát sóng từ các nhà khai thác dịch vụ bị cấm từ Trung Quốc, chẳng hạn như iQiyi.com và Tencent Video.

Đạo luật này cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ muốn hoạt động ở Đài Loan phải đăng ký và cung cấp thông tin về số lượng người đăng ký, doanh thu bán hàng và điều kiện sử dụng. Ngoài ra, nó đảm bảo rằng các nội dung phải tuân theo quy định của NCC để ngăn cản các nền tảng bị Bắc Kinh lợi dụng để truyền bá thông tin sai lệch hoặc những nội dung bị thao túng khác.

Hiến pháp của Đài Loan bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, trong khi quyền tự do ngôn luận và tiếp cận các biện pháp bảo vệ thông tin theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã được đưa vào luật trong nước. Tuy nhiên, phỉ báng và vu khống trực tuyến có thể được quy thành tội hình sự, trong khi những người bị cáo buộc “tung tin đồn” có thể phải đối mặt với hình phạt theo Đạo luật Duy trì Trật tự Xã hội (SOMA).

Điểm số của Đài Loan:

  • Trở ngại trong tiếp cận: 24 trên 25 (điểm)
  • Giới hạn về nội dung: 31 trên 35 (điểm)
  • Vi phạm quyền người dùng: 25 trên 40 (điểm)
1634572673 616d9981da0f3
Biểu đồ so sánh tự do Internet giữa Trung Quốc và Đài Loan (Ảnh: Freedom House)

Trung Quốc

Freedom House tiếp tục mô tả Trung Quốc là “kẻ lạm dụng quyền tự do Internet tồi tệ nhất thế giới” và nước này chỉ được 10/100 điểm. 

Trung Quốc đã bị chỉ trích vì áp đặt “các án tù khắc nghiệt” đối với những người nêu ý kiến bất đồng trên mạng và những báo chí độc lập. Thấm chí,ngay cả thông tin liên lạc thông thường hàng ngày cũng như các thông tin liên quan đến COVID-19 cũng bị kiểm duyệt. Bắc Kinh đang tiếp tục củng cố quyền lực hơn nữa thông qua việc đàn áp các gã khổng lồ công nghệ.

Khi truy cập Internet ở Trung Quốc, tốc độ kết nối bị cản trở bởi “bộ máy kiểm duyệt mở rộng” của chế độ được gọi là “Vạn lý Tường lửa”. Nó kiểm soát chặt chẽ tất cả nội dung đi vào, khiến việc tải các trang web được lưu trữ ở nước ngoài rất “chậm chạp”, đặc biệt chậm nhất ở các khu vực nghèo nàn và bị kiểm duyệt gắt gao như Tân Cương, nơi toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc có thể bị ngừng hoạt động để đối phó với một số sự cố nhất định nào đó.

Phạm vi hoạt động của “Vạn lý Tường lửa” cũng ngày càng được mở rộng, “khiến người dùng Trung Quốc chỉ có quyền truy cập vào phiên bản Internet được kiểm duyệt, giám sát và thao túng cao” mà chính quyền áp đặt. Theo GreatFire.org, đến giữa năm 2021, 165 trong số 1.000 trang web và nền tảng mạng xã hội được xem nhiều nhất trên thế giới không thể truy cập được ở Trung Quốc.

Các công tố viên Trung Quốc lợi dụng những từ ngữ mơ hồ trong bộ luật hình sự, luật chống khủng bố và luật quản lý việc in ấn, luật về hoạt động lật đổ và chủ nghĩa ly khai, để bỏ tù những người sử dụng Internet vì các hành vi trực tuyến của họ. 

Trong thời gian đại dịch, Bắc Kinh đã áp đặt các hướng dẫn mới cho các thẩm phán và cảnh sát để đưa ra hình phạt đối với những người được coi là “làm suy yếu nỗ lực kiểm soát dịch bệnh” và nghi ngờ thẩm quyền của chính phủ.

Điểm số của Trung Quốc:

  • Trở ngại trong tiếp cận: 8 trên 25 (điểm)
  • Giới hạn về nội dung: 2 trên 35 (điểm)
  • Vi phạm quyền người dùng: 0 trên 40 (điểm).

Trong bảng xếp hạng của Freedom House, Việt Nam được 22 điểm, cao hơn Cuba (21 điểm), Myanmar (17 điểm).

Lê Vy (theo Taiwan News)

Xem thêm: