Từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, tổng cộng 9.397 viên chức y tế đã thôi việc, bỏ việc, tập trung cao tại TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng.

Con số trên do Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, ngày 4/7.

Đại diện Bộ Y tế cho biết về tình trạng thôi việc, nghỉ việc của nhân lực ngành y tế trong khu vực công, trong năm 2021 có 5.284 nhân viên y tế thôi việc; 6 tháng đầu năm nay, con số này là 4.113 người, gồm 3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Theo đó, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tương đương gần 78% tổng số người nghỉ việc trong cả năm 2021. 9.397 nhân viên y tế đã nghỉ việc trong 18 tháng qua, tức bình quân mỗi tháng 522 người nghỉ việc.

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức y tế thôi việc, bỏ việc cao như: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Lý giải về tình trạng này, ông Tuyên nói rằng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.

Tại hệ thống y tế công, áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát đến nay làm tăng thêm khối lượng công việc cộng với công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng.

Ngoài ra, theo ông Tuyên, nhân viên y tế làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua…

Đưa ra phương án giải quyết, ông Tuyên cho hay Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành nghị định bổ sung, trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40 – 70% lên mức 100%; cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số; kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân đạt thành tích; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho cán bộ y tế…

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế đưa ra con số thống kê chính thức về tình trạng nhân viên y tế trong hệ thống công nghỉ việc, bỏ việc. Thực trạng này lần đầu tiên được công khai bởi các Sở Y tế Bình Dương, TP.HCM khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 trong giai đoan đỉnh điểm về ca nhiễm, ca tử vong (thang 8-9/2021).

Tại thời điểm này, Bộ Y tế đưa ra giải pháp đối phó bằng các đề nghị các Sở Y tế cung cấp danh sách nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc để Bộ này có thể xem xét kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề. Bộ Y tế sau đó phải đính chính công văn này chỉ nhằm “khuyến cáo”, song con số y bác sĩ nghỉ việc tiếp tục tăng cao.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, cuối tháng 11/2021, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong năm 2020, TP này có 597 nhân viên y tế nghỉ việc; 10 tháng đầu năm 2021 có 988 người nghỉ việc. Đầu tháng 4/2022, Sở này cho hay thêm 400 nhân viên y tế nghỉ việc trong 3 tháng đầu năm.

Tại Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã “mất” khoảng 300 bác sĩ tay nghề cao sang khối tư trong 5 năm qua; tại Gia Lai, năm 2021, có 110 y bác sĩ nghỉ việc; trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục 23 y bác sĩ nghỉ việc, nhiều người chấp nhận chịu kỷ luật để thôi việc…

Nói về con số gần 9.400 nhân viên y tế đã nghỉ việc trong 18 tháng qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho hay trên trang Facebook cá nhân: “Cũng là thu nhập thấp, áp lực công việc mỗi ngày, trực thì cực, bồi dưỡng thì bèo, kêu gọi tinh thần cống hiến riết nghe “chán”. Người giỏi thì có nhiều chọn lựa. Người chưa có kinh nghiệm thì gồng để có kinh nghiệm nếu chưa muốn chuyển nghề. Cuối cùng bệnh nhân nghèo chịu thiệt”.

Cũng trên trang cá nhân, nhà báo Mai Quốc Ấn cho hay trong những nguyên nhân do Thứ trường Tuyên chỉ ra, “chi tiết ‘các đơn vị y tế tư nhân có chính sách thu hút nhân lực tốt hơn khu vực công’ rất đáng suy nghĩ. Nó chính là bản chất của vấn đề “tháo chạy” nhân sự y tế. Thật nghịch lý khi một bác sĩ được đào tạo 6 năm ra trường lại có thu nhập thấp hơn anh shipper mới chạy xe được 3 tháng”.

Hệ lụy của tình trạng nhân viên y tế trong hệ thống công nghỉ việc là quá tải hệ thống y tế công. “Giả sử nếu có một biến cố ý tế như dịch COVID-19 và hệ thống thiếu đến 10.000 người thì hậu quả sẽ là rất lớn”, ông Ấn viết.

Ông Ấn đồng ý với nhận định của bác sĩ Khanh khi cho hay người phải gánh chịu những bất cập này cuối cùng chính là bệnh nhân nghèo.

Minh Sơn