Hôm 28/2, tờ SCMP trích dẫn một báo cáo của các chuyên gia kinh tế và chính sách hàng đầu Việt Nam, được tài trợ bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ di cư cao nhất và tỷ lệ nhập cư thấp nhất cả nước. Đóng góp của khu vực này vào GDP Việt Nam cũng giảm mạnh trong 3 thập kỷ qua – từ khoảng 27% vào năm 1990 xuống còn 17,7% năm 2019. 

Embed from Getty Images

Bản “Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020” đã được các giáo sư đến từ Đại học Fulbright Việt Nam, Đại học Cần Thơ, các nhà điều hành doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng đóng góp, công bố vào cuối tháng 12/2020.

Theo báo cáo, trong 1 thập kỷ qua, khoảng 1,1 triệu dân địa phương đã rời bỏ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn để tìm kiếm cơ hội tại các thành phố khác của Việt Nam hoặc tại nước ngoài. Số lượng di cư này lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng; tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng.

Vì hậu quả của hiểm họa môi trường, quy hoạch kém của chính phủ kết hợp với mối nguy cơ từ các con đập thượng nguồn do Trung Quốc xây dựng, khiến người dân ĐBSCL phải đặt câu hỏi về tương lai của chính mình nếu họ tiếp tục ở lại khu vực này và chứng kiến thiên nhiên trù phú nơi đây đang dần khô héo.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy việc các đô thị trong vùng không phát triển tương xứng, chưa tạo nhiều giá trị kinh tế gắn với việc làm, cũng dẫn đến tình trạng di cư rất lớn. Ngay cả 4 địa phương trọng điểm kinh tế của vùng là An Giang, Cà Mau, Kiên Giang và TP Cần Thơ cũng có sự sụt giảm so với cả nước.

Theo phân tích: “Hệ quả tất yếu của hiện tượng này là tình trạng thiếu lao động [ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long] đang ngày càng phổ biến, đồng thời vấn đề dân số già cũng trở nên nghiêm trọng hơn”.

Báo cáo cho biết, việc thiếu lao động có kỹ năng cộng với tình trạng chậm chuyển đổi sang các ngành năng suất cao hơn có thể khiến nền kinh tế vùng đồng bằng bị bỏ lại phía sau so với các khu vực còn lại của Việt Nam.

Bài toán sản xuất gạo

Vào thế kỷ 20, Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan về xuất khẩu gạo nên chính phủ và nông dân đã xây dựng các hệ thống đê khép kín quanh khu vực đất canh tác nhằm ngăn lũ lụt tràn vào ruộng lúa và cho phép trồng thêm vụ mùa thứ ba hằng năm. Sản lượng lúa thu hoạch đã tăng từ 4 triệu tấn vào 1975 lên hơn 20,7 triệu tấn vào năm 2010, trong đó Việt Nam trở thành nước sản xuất gạo lớn thứ 3 trên thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Đến năm 2019, sản lượng gạo của Việt Nam đã tăng lên hơn 43 triệu tấn, trong đó 50% là đến từ Đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này cũng đảm nhận 60% sản lượng trái cây của cả nước và 70% sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, những con số tăng trưởng vượt bậc này đã phải trả giá bằng sự phì nhiêu trù phú của vùng đồng bằng. Ở các khu vực đê khép kín, lũ lụt tự nhiên – điều cần thiết để bổ sung phù sa cho ruộng lúa và làm trôi đi các chất sunphat có tính axit và các chất độc khác – không còn phát huy tác dụng nữa. Và, với ba vụ mùa mỗi năm, đất trồng không có đủ thời gian để phục hồi độ màu mỡ tự nhiên của nó.

Ngoài ra, theo báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới về ô nhiễm nông nghiệp tại Việt Nam, tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra tràn lan ở khu vực sông Mê Kông. Theo một phân tích năm 2018 do các nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ chủ biên, hệ thống kênh đào nhằm trữ nước ngọt và ngăn nhiễm mặn cũng đã khiến ô nhiễm nước gia tăng do chất thải tích tụ.

Tình trạng khai thác cát trái phép để sản xuất bê tông và nhựa đường cũng diễn ra tràn lan tại khu vực này.

Ông Marc Goichot, lãnh đạo sáng kiến ​​nước ngọt của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết tổ chức của ông đã làm việc với các đối tác Việt Nam để thúc đẩy sản xuất cát bền vững, giúp cân bằng các vấn đề môi trường trong bối cảnh nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng của Việt Nam ngày càng tăng.

Ông nói: “Việt Nam cần một giải pháp thay thế cho lượng cát khai thác từ vùng đồng bằng”, đề cập đến hiện tượng xói mòn do khai thác cát gây ra. “Khi bạn lấy cát từ đồng bằng sông Cửu Long, ai đó trên bờ sông sẽ mất nhà [để ở].”

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có những ngôi nhà một hoặc hai tầng nép mình bên các con kênh; tại đây văn hóa sông nước Việt Nam được thể hiện đầy đủ. Tuy nhiên, người dân lại đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn từ hiện tượng sạt lở bờ sông do khai thác cát, hiện tượng nhiễm mặn và mối đe dọa từ các đập thủy điện ở thượng nguồn. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature năm 2019, những hoạt động nhân tạo này thậm chí đã vượt xa các xu hướng biến đổi khí hậu và gây ra các mối đe dọa lớn hơn trong ngắn hạn, đồng thời làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn.

Thiệt hại cho nền kinh tế

Tuy nhiên việc thiếu quy hoạch cơ sở hạ tầng không phải là điều duy nhất kìm hãm sự tăng trưởng của khu vực. Trong nhiều năm, 11 đập thủy điện kiểu thác nước do Trung Quốc xây dựng dọc theo thượng nguồn sông Mê Kông tại Trung Quốc đã làm gián đoạn dòng chảy và mực nước sông.

Theo báo cáo từ Eyes on Earth, một công ty nghiên cứu và tư vấn của Hoa Kỳ chuyên tập trung các vấn đề nước, vào năm 2019, các khu vực tại Thái Lan, Campuchia, Lào và Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua tình trạng thiếu nước trầm trọng vì những hạn chế do nhóm quản lý đập của Trung Quốc gây ra.

Có thời điểm, mực nước sông thấp hơn mức trung bình tự nhiên khoảng 5 mét, trong khi các khu vực thượng nguồn của Trung Quốc lại nhận được lượng nước mưa trên mức trung bình trong hầu hết cả năm. Năm ngoái, Đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu một đợt hạn hán lịch sử và nhiễm mặn kỷ lục, mà các chuyên gia cho rằng do lượng mưa giảm bởi hiện tượng El Nino và lượng phù sa giảm do các con đập của Trung Quốc gây ra.

Tháng trước, Thái Lan đã đe dọa hủy bỏ kế hoạch xây dựng một con đập khác do Trung Quốc phát triển trên đoạn sông Mê Kông ở nước láng giềng Lào, với lý do lo ngại về tác động môi trường tiềm ẩn ở phía biên giới nước này và nguy cơ làm gián đoạn dòng chảy của sông.

Mặc dù các con đập khổng lồ do Trung Quốc điều hành được coi là nguyên nhân chính làm mất đi sức sống của sông Mê Kông, nơi mà sinh kế của 60 triệu người dân phải phụ thuộc vào đó, thì 118 đập thủy điện khác nằm dọc theo bờ sông này – khoảng một nửa ở Lào, cũng có thể là nguyên nhân gây hại, theo báo cáo từ Trung tâm Theo dõi Cơ sở hạ tầng Mê Kông do Hoa Kỳ tài trợ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các thiệt hại về kinh tế và sinh thái đi kèm với việc xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông, các con đập được cho là đe dọa quần thể cá và phá vỡ hệ thống thủy văn tự nhiên của sông.

Cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đã thừa nhận tác hại của cả các con đập ở thượng nguồn cũng như việc tăng cường hoạt động sản xuất trong nước và biến đổi khí hậu đã cản trở sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến năm 2019, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 55.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 11% tổng số doanh nghiệp của cả nước, trong khi khu vực này chỉ chiếm 5% tổng chiều dài đường cao tốc quốc gia, điều này làm hạn chế hiệu quả của các hoạt động kinh tế trong khu vực.

Tuy nhiên, sự giàu có tự nhiên của vùng châu thổ này đã bị vơi đi vì ô nhiễm, biến đổi khí hậu và các vấn đề khác – những vấn đề mà người nông dân đã không nhìn thấy, và bây giờ họ gặp khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới vì còn phụ thuộc vào thói quen cũ và thiếu hụt nguồn tài chính.

Các chuyên gia tại Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Cần Thơ cho rằng vì các nguồn lực công đã tập trung vào lúa gạo và các ngành sản xuất nông nghiệp truyền thống khác trong thời gian quá lâu, nên việc chuyển đổi sang những ngành năng suất cao hơn như năng lượng tái tạo đang diễn ra rất chậm chạp, trong khi khu vực này lại có tiềm năng dồi dào cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Họ cũng cho rằng nếu việc kết nối giao thông trong khu vực được cải thiện sẽ giúp thu hút nhiều khách du lịch và nhà đầu tư hơn, đồng thời mở rộng các hoạt động kinh tế.

Tính đến năm 2019, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 55.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 11% tổng số doanh nghiệp của cả nước, trong khi khu vực này chỉ chiếm 5% tổng chiều dài đường cao tốc quốc gia, điều này làm hạn chế hiệu quả của các hoạt động kinh tế trong khu vực.

Quy hoạch tổng thể

Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thu hút sự chú ý đáng kể từ nước ngoài, đặc biệt là Hà Lan, quốc gia có hàng thế kỷ kinh nghiệm trong việc quản lý nguồn nước của chính mình thông qua hệ thống kênh rạch. Tháng trước, Hà Lan và Việt Nam đã khởi động một sáng kiến ​​song phương – Nền tảng Kinh doanh Hà Lan – Việt Nam cho Đồng bằng sông Cửu Long – nhằm kích thích sự phát triển trong khu vực thông qua quan hệ đối tác công tư.

Đây là ví dụ mới nhất về sự giúp đỡ của phía Hà Lan đối với khu vực này, bắt đầu từ năm 2013, Hà Lan đã cùng viết Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long với chính phủ Việt Nam. Kế hoạch đề xuất một động thái hướng tới công nghiệp hóa trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng đồng bằng, kết hợp với việc sử dụng đất linh động, cải thiện hợp tác liên tỉnh và liên ngành cũng như các biện pháp khác để giúp đảm bảo một tương lai bền vững về môi trường.

Kế hoạch tổng thể của chính phủ hiện bao gồm các yếu tố từ cả dự án liên doanh gần đây và kế hoạch vào năm 2013, dự kiến ​​sẽ được đệ trình để phê duyệt lần chót vào cuối năm nay.

Vy An (Theo SCMP)

Xem thêm: