Lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đã thông qua kế hoạch 3 năm để cải tổ hệ thống khoa học và công nghệ của nhà nước, trong bối cảnh cạnh tranh với Hoa Kỳ ngày càng gia tăng. Về cơ bản, Trung Quốc coi công nghệ là chìa khóa cho tương lai của đất nước.

tap can binh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh chụp màn hình video)

Ủy ban Cải cách Toàn diện và Sâu sắc Trung ương, cơ quan do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu, hôm 24/11 đã phê duyệt kế hoạch chi tiết 2021-2023, nhằm mục đích “chiến thắng trong trận chiến khó khăn” với việc tinh chỉnh cách Trung Quốc quản lý các nguồn lực và dự án khoa học và công nghệ của mình.

Tại cuộc họp, ông Tập nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của kế hoạch là thiết lập một hệ thống thể chế để “tự cung tự cấp và tự chủ trong lĩnh vực công nghệ”.

Nhà lãnh đạo cho hay, Trung Quốc đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong hệ thống công nghệ của mình, nhưng nước này vẫn còn những điểm yếu và các rào cản thể chế đang làm chậm sự tiến bộ công nghệ của đất nước, theo một bản tóm tắt do Tân Hoa xã phát hành.

Toàn văn của kế hoạch hiện vẫn chưa được công bố.

Các quan chức chính quyền Trung Quốc thường sử dụng thuật ngữ “hệ thống công nghệ” để chỉ sự kết hợp của các chính sách, quy định, thể chế và nhân sự liên quan đến nghiên cứu công nghệ.

Trung Quốc đang tiến hành thu hút nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân trên quy mô quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề tắc nghẽn và xây dựng lợi thế trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Trong ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, vốn đang phải hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhiều tập đoàn như Huawei Technologies Co, các nhà chức trách khuyến khích cả các viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhà nước cùng vượt qua khó khăn.

Lệnh cấm xuất khẩu của Washington đối với Huawei được coi là một phát súng cảnh báo để Trung Quốc phát triển các công nghệ của riêng mình và cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Kế hoạch ba năm mới được đưa ra khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cánh tay phải của ông Tập, viết trong một bài báo dài trên tờ Nhân dân Nhật báo hôm 24/11 rằng, đổi mới công nghệ không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc mà còn là sự sống còn của đất nước.

Ông Lưu cũng nhận định, Trung Quốc phải dựa vào công nghệ để tránh bẫy thu nhập trung bình.

Hệ thống khoa học và công nghệ của Trung Quốc ban đầu chủ yếu “học hỏi” từ Liên Xô mà không quan tâm nhiều đến nhu cầu thị trường và mục tiêu quốc gia. Hôm 24/11, ông Tập đã kêu gọi cần nghiên cứu công nghệ theo “định hướng mục tiêu” và “định hướng vấn đề” hơn, Tân Hoa xã đưa tin.

Cuộc cải cách hệ thống công nghệ của Trung Quốc đã bắt đầu từ sớm, trước khi quốc gia này mâu thuẫn với Mỹ. Sau đó, các lệnh cấm thương mại khiến Trung Quốc hạn chế khả năng tiếp cận các chip tiên tiến, hầu hết được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ.

Năm 2014, ông Tập cho biết trong một bài phát biểu tại Học viện Khoa học Trung Quốc rằng suốt nhiều năm, Trung Quốc đã mắc phải “căn bệnh mãn tính” do không chuyển dịch được các thành tựu công nghệ thành năng suất kinh tế.

Đến năm 2015, vài tháng sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch “Made in China 2025”, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản và Quốc vụ viện đã ban hành một loạt chính sách nhằm cải cách sâu rộng về khoa học và công nghệ.

Các chính sách này bao gồm 143 nhiệm vụ cụ thể, trong đó cho phép các công ty giữ vai trò chủ đạo trong các dự án công nghệ và thành lập các quỹ đặc biệt của chính phủ để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: