Hơn 15 tháng sau khi lần đầu tuyên bố, Trung Quốc cuối cùng đã đưa ra “danh sách các thực thể không đáng tin cậy” và cách thức hoạt động của danh sách này. Mặc dù Bắc Kinh không công bố chi tiết các “thực thể” này là ai, nhưng động thái này được cho nhằm đáp trả các công ty Mỹ khi căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc tiếp tục gia tăng.

Embed from Getty Images

Trước đó, hồi tháng 5 năm 2019, Bắc Kinh cho biết họ sẽ đưa vào ‘danh sách đen’ những công ty hoặc cá nhân nước ngoài vi phạm các quy tắc thị trường hoặc nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện các biện pháp làm tổn hại đến quyền của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc do dự không công bố danh sách này vào thời điểm năm ngoái được cho là vì Bắc Kinh lo ngại những phản ứng dữ dội có thể xảy ra, khiến đất nước trở thành một nơi kém hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư và kinh doanh.

Hôm thứ Bảy (19/9), Bộ Thương mại Trung Quốc cuối cùng đã đưa ra ‘danh sách thực thể’ cùng các quy tắc mới trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang gia tăng. Theo đó, các công ty và cá nhân nước ngoài nằm trong danh sách đen sẽ bị hạn chế hoặc cấm hoàn toàn giao dịch (gồm cả các hoạt động xuất nhập khẩu) với Trung Quốc và cũng không được đầu tư vào nước này.

Tuyên bố của Bộ Thương mại cho biết Trung Quốc phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.

Các nhà chức trách Bắc Kinh sẽ “thực hiện các hành động tương ứng” đối với các công ty, tổ chức và cá nhân nước ngoài nếu doanh nghiệp của họ có các hành động liên quan “gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc; vi phạm các quy tắc thị trường; dừng các nghĩa vụ hợp đồng với các công ty hoặc cá nhân Trung Quốc hoặc thực hiện các biện pháp phân biệt đối xử đối với công ty hoặc cá nhân Trung Quốc, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của họ.”

Trong trường hợp một cá nhân vi phạm quy tắc được xác nhận, người đó sẽ bị tước giấy phép làm việc và cư trú, đồng thời có thể bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc. Trong một số trường hợp, cá nhân cũng sẽ có thể phải trả tiền phạt cũng sẽ phải trả, tuy nhiên tuyên bố không nêu chi tiết.

Một văn phòng sẽ được thành lập để điều tra và đưa ra phán quyết về các trường hợp liên quan tới những tổ chức hoặc cá nhân bị nghi ngờ vi phạm các quy tắc mới, tuyên bố cho biết.

Mặc dù tuyên bố không cung cấp danh tính cụ thể các cá nhân, công ty và tổ chức nằm trong danh sách thực thể, nhưng nhiều nhà quan sát nhận định rằng đây là động thái đáp trả Mỹ và sẽ có nhiều cái tên Mỹ được nêu lên.

Đã có suy đoán rằng công ty chuyển phát nhanh của Mỹ có thể là công ty đầu tiên bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen sau khi một cuộc điều tra được bắt đầu vào năm ngoái về cáo buộc cho phép vận chuyển vũ khí đến Trung Quốc và chuyển các gói hàng dành cho Huawei sang Mỹ.

Trước đó, Washington đã ban lệnh chế tài đối với nhiều cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc gây ảnh hưởng nguy hại đến an ninh quốc gia Mỹ hoặc liên quan đến các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, gây xói mòn nền tự trị ở Hồng Kông hay liên quan đến việc xây dựng ở Biển Đông.

Đầu tháng này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hu Chunhua và Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Shouwen đã gặp các đại biểu doanh nghiệp nước ngoài và cho biết nước này sẽ tiếp tục gỡ bỏ các rào cản đối với việc tiếp cận thị trường.

Lê Vy

Xem thêm: