Từ sáng sớm Chủ Nhật hôm nay 27/11, biểu tình phản đối chính sách phòng dịch cúm Vũ Hán (COVID-19) đã sôi sục ở Thượng Hải. Vụ hỏa hoạn chết người ở tận Urumqi xa xôi tối hôm 24/11, đã kích nổ dân chúng Trung Quốc, dẫn tới làn sóng biểu tình các nơi. Bắt đầu là biểu tình rất lớn ở Urumqi, sau đó là một số biểu tình nhỏ hơn ở Bắc Kinh, và nay lan tỏa tới Thượng Hải, theo Reuters đưa tin.

bieu tinh o Thuong Hai
Tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất và cũng là trung tâm tài chính của Trung Quốc, người dân đã tập trung vào tối thứ Bảy để cầu nguyện tại đường Wulumuqi của thành phố, đường phố được đặt tên theo “Urumqi”. (Ảnh chụp màn hình video)

Tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất và cũng là trung tâm tài chính của Trung Quốc, người dân đã tập trung vào tối thứ Bảy để cầu nguyện tại đường Wulumuqi của thành phố, đường phố được đặt tên theo “Urumqi”, nhưng sau đã biến thành một cuộc biểu tình vào đầu giờ sáng Chủ Nhật hôm nay.

“Dỡ phong tỏa Urumqi! Dỡ phong tỏa Tân Cương! Dỡ phong tỏa Trung Quốc!” đám đông hét to ở Thượng Hải, theo một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội.

Có lúc, một nhóm lớn bắt đầu hô to: “Đả đảo Trung Cộng! Đả đảo Tập Cận Bình! Trả tự do cho Urumqi!”, theo các nhân chứng và video. Đây có thể nói là trong một cuộc biểu tình lớn công khai hiếm hoi chống lại giới lãnh đạo Trung Quốc.

Một nhóm rất đông cảnh sát bám sát đoàn biểu tình và thỉnh thoảng cố gắng giải tán đám đông.

Vụ hỏa hoạn hôm thứ Năm khiến hàng chục người thiệt mạng trong một tòa chung cư ở Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của dư luận khi nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng dân chúng không kịp thoát ra ngoài vì tòa nhà đã bị phong tỏa một phần theo chính sách zero-COVID. Giới chức Trung Quốc công bố khoảng 10 người thiệt mạng trong vụ này, nhưng các nguồn tin khác cho hay số người thiệt mạng có thể là khoảng 40 người.

Trung Quốc đang vật lộn với các ca nhiễm dịch Vũ Hán COVID gia tăng, dẫn đến việc phong tỏa và các hạn chế khác ở các thành phố trên cả nước. Chính sách zero-COVID này của Bắc Kinh hiện vẫn được chính quyền ĐCSTQ kiên trì, mặc dù các nơi khác toàn thế giới đã lần lượt gỡ bỏ dần các giới hạn liên quan đến đại dịch này.

Lý do Trung Quốc kiên trì chính sách zero-COVID biểu trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình, vì cho rằng đó là cứu tính mạng và cần thiết để ngăn chặn nạn dịch khi hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện nay đã quá tải từ lâu. Các quan chức đã tuyên bố sẽ tiếp tục với nó, bất chấp phản đối ngày càng tăng của công chúng và tác động ngày càng xấu đến kinh tế.

Các video từ Thượng Hải được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy đám đông đối mặt với hàng chục cảnh sát và hô vang những khẩu hiệu như: “Hãy phục vụ nhân dân!”, “Không cần mã y tế!”, “Chúng tôi cần tự do!”, v.v.

Rất nhiều cư dân mạng xã hội đã đăng ảnh các biển báo đường Wulumuqi để bày tỏ ủng hộ của mình đến những người biểu tình ở Thượng Hải, theo cách mà có thể né tránh bộ máy kiểm duyệt của ĐCSTQ. Những người khác đã chia sẻ bình luận hoặc bài đăng kêu gọi tất cả “các bạn trẻ dũng cảm” hãy cẩn thận. Có người đăng chia sẻ kinh nghiệm, ví như những việc cần làm nếu cảnh sát đến và bắt đầu bắt giữ người dân trong một cuộc biểu tình hoặc trong buổi tưởng niệm.

Toàn quốc phẫn nộ

25 triệu dân Thượng Hải đã bị phong tỏa trong hai tháng vào đầu năm nay, một thử thách đã gây ra sự tức giận và phản đối.

Kể từ đó, các nhà chức trách Trung Quốc đã tìm cách nhắm mục tiêu nhiều hơn vào các biện pháp hạn chế COVID của họ, nhưng nỗ lực đó đã bị thách thức bởi sự gia tăng các ca nhiễm khi Trung Quốc phải đối mặt với mùa Đông đầu tiên với biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao.

Số ca mắc bệnh của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong nhiều ngày, với gần 40.000 ca nhiễm mới được các cơ quan y tế báo cáo vào Chủ nhật cho ngày hôm trước.

Vào tối thứ Sáu, đám đông đã xuống đường ở Urumqi, hô vang “Dỡ bỏ phong tỏa!” và giơ nắm đấm lên trời sau vụ hỏa hoạn chết người, theo các video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.

Nhiều người trong số 4 triệu cư dân của Urumqi đã phải chịu một số lệnh phong tỏa lâu nhất của đất nước, bị cấm rời khỏi nhà của họ trong vòng 100 ngày.

Tại Bắc Kinh, cách đó 2.700 km (1.700 dặm), một số cư dân bị phong tỏa đã tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ hoặc đối đầu với các quan chức địa phương vào ngày thứ Bảy về các hạn chế đi lại, với một số người đã gây áp lực thành công để họ dỡ bỏ các hạn chế trước thời hạn.

Một video được chia sẻ với Reuters cho thấy cư dân Bắc Kinh ở một khu vực không xác định được của thủ đô diễu hành quanh một bãi đậu xe ngoài trời vào thứ Bảy, hét lên “Hãy dỡ bỏ phong tỏa!”

Chính phủ Bắc Kinh đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận vào thứ Bảy.

Vài tuần tới có thể sẽ là tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ những tuần đầu tiên của đại dịch đối, về cả phương diện kinh tế và sức khỏe. Theo phân tích của Mark Williams của Capital Economics cho biết vào tuần trước, thì những nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát sẽ khiến chính quyền Trung Quốc buộc phải thêm các biện pháp phong tỏa cục bộ ở nhiều nơi.

Thiên Đức