Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của Trung Quốc đã đạt đến ngưỡng rất cao. Các chuyên gia cho rằng chính quyền Trung Quốc thiếu giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Hiện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vô cùng lo lắng vấn nạn thất nghiệp sẽ biến thành vấn đề chính trị.

GettyImages 1251498029
Hội chợ việc làm ở Trùng Khánh ngày 11/4/2023. (Nguồn: Getty Images)

Hàng ngàn thanh niên phẫn nộ có thể là cơn ác mộng của Bắc Kinh?

Mới đây, Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ đã công bố tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát. Trong đó tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 16 -24 tuổi đạt 20,4%, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2018.

Điều này có nghĩa là cứ 5 thanh niên thì có 1 người thất nghiệp vì đang học nên không có việc làm. Đây là mức tăng trưởng gấp nhiều lần so với mức 10,1% vào tháng 4/2018. Hơn nữa, dữ liệu của giới chức vẫn luôn bị nghi ngờ chưa phản ánh hết tình hình thực tế.

Bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), vài năm nay thanh niên Trung Quốc rất khó kiếm việc làm.

Sinh viên tốt nghiệp đại học những năm trước vẫn chưa tìm được việc làm, thì sinh viên mới ra trường năm nay lại tiếp tục gia nhập hàng ngũ trên. Theo số liệu chính thức, 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, một con số kỷ lục, sẽ rời ghế nhà trường trong năm nay.

Thanh niên thất nghiệp đang trở thành một bóng đen khổng lồ bao trùm cả xã hội. Tình trạng thất nghiệp được tiết lộ thông qua các kênh khác nhau.

  • Mời xem video: Tại sao tỷ lệ thanh niên Trung Quốc thất nghiệp đang tăng cao kỷ lục?

Năm 2021, có tới 30% nhân viên điều hành tuyến đầu được tuyển dụng bởi các nhà máy thuốc lá thuộc sở hữu nhà nước ở tỉnh Hà Nam có bằng thạc sĩ. Caixin, hãng truyền thông Đại Lục đưa tin, vào tháng Hai năm nay, bộ phận nhân sự của một doanh nghiệp nhà nước ở Sơn Đông tuyên bố có 100.000 người nộp đơn xin việc cho 1.000 vị trí tuyển dụng.

Tin tức cho thấy, tình hình tìm kiếm việc làm của nghiên cứu sinh cũng đang gia tăng. Một sinh viên thạc sĩ ở Thiên Tân nộp hơn 100 hồ sơ nhưng chưa nhận được thông báo tuyển dụng ưng ý.

Ngày 29/5, “Financial Times” đã đăng một bài viết có tiêu đề “Lòng tin là một vấn đề lớn, kinh tế của Trung Quốc phục hồi yếu”.

Anna Li, một sinh viên tốt nghiệp đại học 25 tuổi đến từ Sơn Đông, mô tả rằng năm nay là năm khó khăn nhất trong ấn tượng tìm kiếm việc làm của cô, năm nay còn khó hơn cả mùa dịch. Nộp hồ sơ đã nửa năm, nhưng đến nay cô vẫn chưa nhận được giấy gọi trúng tuyển.

Ngày 17/4, The Epoch Times đưa tin, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đang ở nhà “ăn bám bố mẹ”, cũng xuất hiện sự bùng nổ của phong trào “làm con toàn thời gian”, tức là sinh viên đại học ở nhà toàn thời gian để chăm sóc cha mẹ, cha mẹ của họ sẽ trả lương cho họ.

Ảnh chụp màn hình lớn cuộc họp nội bộ Khoa Toán của Đại học Nam Xương và Học viện Máy tính cho thấy, tính đến ngày 7/4, sinh viên tốt nghiệp đại học của trường năm nay có 238 người thất nghiệp, chiếm 73,23% tổng số sinh viên.

that nghiep o TQ
(Ảnh chụp màn hình MXH)

Ngày 30/5, CNA (Đài Loan) đưa tin, tỷ lệ lao động trẻ của Trung Quốc giảm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài việc ảnh hưởng đến tiêu dùng kinh tế, nếu hàng chục triệu người thất nghiệp biến thành những thanh niên giận dữ, đó có thể là cơn ác mộng đối với Bắc Kinh.

Báo cáo cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc đã vượt quá 20% và không có giải pháp trong thời gian ngắn, thế hệ “nằm ườn không xong, co cụm không được” đang đến.

Khi xã hội không trọng dụng trình độ học vấn, thậm chí còn có vấn đề về cơm ăn áo mặc, hàng chục triệu thanh niên thất nghiệp phẫn nộ sẽ là vấn đề lớn trong việc ĐCSTQ duy trì ổn định xã hội.

Các chiến thuật do chính quyền đề xuất chỉ có tác dụng hạn chế

Hiện tại, Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty nhà nước thuê nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn, trợ cấp cho các công ty thuê những người trẻ tuổi. Vào tháng Năm, nhà chức trách đã yêu cầu, số sinh viên mới tốt nghiệp được những công ty nhà nước tuyển dụng trong năm nay ít nhất phải bằng với số người họ đã tuyển dụng vào năm 2022.

Ngày 31/5, ông Tạ Kim Hà (Hsieh Chin-ho), Chủ tịch Caixin của Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc hiện đang xuống dốc.

Sau khi chuyển giao chuỗi cung ứng, một lượng lớn doanh nghiệp sẽ rút khỏi Trung Quốc, và áp lực thất nghiệp sẽ tăng lên. “Bạn muốn các công ty tăng tuyển dụng, nhưng họ không có nhu cầu này và nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm. (Vì vậy) có vẻ như hiệu quả sẽ bị hạn chế.”

Ngày 1/6, ông Vương Hách, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng chính quyền đặt mục tiêu tuyển dụng bắt buộc cho các doanh nghiệp nhà nước, nhưng từ lâu bản thân họ cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, khả năng hấp thụ lực lượng lao động mới rất kém.

Ngoài ra, theo báo cáo của “Nhật báo kinh doanh Bắc Kinh”, năm 2023, số lượng tuyển dụng công chức ở nhiều tỉnh sẽ tăng hơn 50%. Theo thống kê, các tỉnh có số lượng tuyển sinh tăng nhiều nhất sẽ mở rộng tuyển sinh gần như 80%. Chính sách tuyển dụng nhằm mở rộng đối tượng tuyển sinh là những sinh viên mới ra trường và hỗ trợ nhân tài tìm được việc làm ở cấp cơ sở.

Ông Vương Hách nói rằng so với số lượng sinh viên đại học tìm kiếm việc làm, số lượng tuyển dụng mở rộng các công chức chính phủ vẫn còn hạn chế, vì tình hình tài chính địa phương khá xấu.

Việc tuyển dụng trợ lý thôn bản và trợ lý khu dân cư đa phần có thể là những người chưa được biên chế, chỉ là tìm cho bạn một việc gì đó để làm trong thời gian ngắn. Sau này bạn sẽ được ưu đãi khi đi thi công chức, đây chỉ là một biện pháp trì hoãn.

Đối phó với vấn nạn thất nghiệp, ĐCSTQ cũng tuyên bố rằng những người trẻ tuổi nên “tự tìm việc vất vả mà làm”, và chủ trương “lên núi về nông thôn”.

Ngày 3/5, trong một bức thư gửi sinh viên đại học, ông Tập Cận Bình khuyến khích những người trẻ tuổi về nông thôn, và họ nên “tự tìm việc vất vả mà làm”.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Quảng Đông đề nghị gửi 300.000 thanh niên không tìm được việc làm đến nông thôn làm việc. Chuyện này gợi nhớ đến “Phong trào thanh niên trí thức về nông thôn” do Mao Trạch Đông, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, phát động vào những năm 1950.

Ngày 11/5, tại một hội nghị việc làm cho thanh niên, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang) mới được bổ nhiệm đã phát biểu rằng ông sẽ hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc làm ở khu vực thành thị và nông thôn.

Ông Vương Hách nhận định, việc ông Tập Cận Bình đề xuất những người trẻ tuổi nên “tự mình tìm kiếm những công việc vất vả“về nông thôn” là đang quay ngược bánh xe lịch sử.

“Những người cầm quyền đã làm loạn quốc gia, nay lại để cho những người trẻ tuổi phải chịu thiệt thòi, họ còn phải “tự mình tìm kiếm những công việc vất vả” mà làm. Điều này chẳng khác nào ép họ lên núi Lương Sơn (tạo phản).”

Theo báo cáo của Ettoday, ngày 31/5, Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), đã thông báo rằng Diễn đàn Eo biển sẽ được tổ chức tại Phúc Kiến từ ngày 16/6 và đại hội diễn đàn sẽ được tổ chức vào ngày 17/6, sẽ cung cấp 1.200 việc làm cho thanh niên Đài Loan.

p3046881a892164182
Ngày 31/5, bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, đã thông báo rằng Diễn đàn Eo biển sẽ khai mạc vào giữa tháng Sáu. (Ảnh: CNA)

CNA đưa tin ông Chiêm Chí Hoằng, Phó chủ tịch kiêm Phát ngôn viên của Hội đồng các vấn đề Đại Lục của Đài Loan, đã phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 1/6, rằng Trung Quốc Đại Lục đang nỗ lực để phục hồi nền kinh tế của mình, “nhưng họ đã gặp phải một số vấn đề rất lớn, rất lớn. những khó khăn và thách thức rất nghiêm trọng.” Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 – 24 tuổi vượt quá 20%, ông nói rằng họ có những động cơ đáng ngờ khi cung cấp cơ hội việc làm cho người Đài Loan.

Ông Chiêm Chí Hoằng cho biết, gần đây chính quyền Trung Quốc cũng đang khuyến khích những người trẻ tuổi thành lập các quầy hàng trên đường phố, khuyến khích sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc làm ở nông thôn và “tự mình tìm kiếm những công việc vất vả”, nhưng lại nhất quyết chừa lại 1.200 cơ hội nghề nghiệp này cho người Đài Loan?

Ông cho rằng cần phải xem xét mục đích và động cơ phía sau của ĐCSTQ. Ngoài ra, ông cũng nhắc nhở rằng việc kiểm soát an ninh quốc gia của ĐCSTQ gần đây ngày càng trở nên nghiêm ngặt, bất kỳ người dân Đài Loan nào đến Trung Quốc Đại Lục đều phải cảnh giác với những rủi ro về an toàn cá nhân.

ĐCSTQ đang ngồi trên miệng núi lửa

Ông Vương Hách nói với The Epoch Times rằng một lượng lớn thanh niên có học thức đang thất nghiệp, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, và nó cũng sẽ phát triển thành vấn đề chính trị. Nỗi sợ hãi lớn nhất của ĐCSTQ là vấn đề này sẽ trở thành một quả bom chính trị, giống như “Mùa xuân Ả Rập”.

“Mùa xuân Ả Rập”, một cuộc cách mạng màu đã quét qua thế giới Ả Rập kể từ cuối năm 2010. Ban đầu là do tỷ lệ thất nghiệp cao khiến cả xã hội dễ phải đối mặt với các nguy cơ bất ổn.

Nguyên nhân là một thanh niên ở đất nước Tunisia không tìm được việc làm do suy thoái kinh tế, anh bán một sạp hàng nhỏ, nhưng bị cảnh sát và quan chức thành phố đối xử tàn nhẫn. Sau đó anh đã tự thiêu và tử vong. Vụ việc này đã gây ra một sự thay đổi đột ngột trong tình hình chính trị trên cả nước.

Ông Vương Hách tin rằng tình hình ở Trung Quốc hiện nay cũng có phần giống với tình hình ở Tunisia. “Theo dữ liệu chính thức gần đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 4 (so với cùng kỳ năm ngoái) đều giảm mạnh. Doanh nghiệp không kiếm được tiền, hơn nữa một lượng lớn doanh nghiệp đã dời đi. Tăng trưởng kinh tế thực sự có thể rất tồi tệ, thậm chí là tăng trưởng âm. Điều này đã giáng một đòn lớn đến việc làm.”

Ông cho rằng sau khi kết thúc chính sách zero-COVID, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn rất kém. Điều này cho thấy có vấn đề về cơ cấu, vấn đề về thể chế. Cùng với sự suy thoái của môi trường kinh tế quốc tế, chính phủ của ông Lý Cường khó có thể giải quyết vấn nạn này.

Ông Tạ Kim Hà cũng nói rằng lẽ ra chính quyền phải để người dân có thời gian hồi phục. Nhưng trong những năm gần đây, ĐCSTQ vẫn luôn duy trì chính sách ngoại giao sói chiến, và liên tục tạo ra căng thẳng quốc tế, gây thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế Trung Quốc.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế bất thường, ĐCSTQ đã tăng cường kiểm soát Internet và kiểm duyệt chính trị.

Gần đây, có thông tin cho rằng chính quyền tỉnh Quảng Đông đã đưa ra các tiêu chuẩn xét duyệt chính trị mới đối với việc tuyển dụng công chức. Ngoài việc phải tham gia các kỳ thi khác nhau, những người đăng ký thi công chức còn phải cung cấp mật khẩu tài khoản đăng nhập mạng xã hội của họ, như Douyin, WeChat và Weibo, để giới chức xác minh những gì họ đã nói.

Văn phòng Thông tin Internet của ĐCSTQ thông báo rằng trong 2 tháng qua, gần 930.000 tài khoản truyền thông tự do đã bị trừng phạt. Trong đó, hơn 66.000 tài khoản đã bị đóng vĩnh viễn, và hơn 2.000 nhà điều hành truyền thông tự do bị hẹn tới “nói chuyện”.

Ông Tạ Kim Hà tin rằng ĐCSTQ đã đầu tư một lượng lớn vốn nhà nước để duy trì sự ổn định trong nhiều năm. Họ giám sát xã hội rất nghiêm ngặt. Những người trẻ tuổi muốn phản kháng sẽ gặp khó khăn đáng kể. “Mặc dù một số thanh niên trong xã hội đang nổi giận, nhưng hễ ai đứng lên sẽ ngay lập tức bị bắt đưa đi, (tình hình) rất khó khăn.”

Tháng 11/2022, các cuộc biểu tình chống phong tỏa đã nổ ra trên khắp Trung Quốc. Những người trẻ tuổi xuống đường giơ giấy trắng bày tỏ sự bất bình với chính quyền và hô vang những khẩu hiệu như “Tập Cận Bình từ chức”“Đảng Cộng sản hạ đài”.

Phong trào này buộc chính quyền phải tuyên bố chấm dứt phong tỏa vào đầu tháng 12/2022, nhưng sau đó, nhiều người biểu tình đã bị bắt.

Ông Vương Hách chỉ ra rằng trước tình hình việc làm hiện nay, khó khăn kinh tế và nguy cơ chính trị đan xen với nhau, ông Tập Cận Bình không còn cách nào khác là phải dùng vũ lực trấn áp, nhưng không thể giải quyết được vấn đề cơ bản. Cuối cùng, việc gia tăng xung đột có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. “Vì vậy, ĐCSTQ hiện đang ngồi trên miệng núi lửa, chờ núi lửa phun trào.”

Bình Minh (t/h)

  • Mời xem thêm video: Cố danh ca Đặng Lệ Quân và phong trào Thiên An Môn 1989