Giới chức Trung Quốc đang đưa ra các quy định mới siết chặt ngành dạy thêm tư nhân trị giá 120 tỷ đô la của nước này.

shutterstock 627723080
Trung Quốc siết chặt ngành dạy thêm tư nhân trị giá 120 tỷ đô la
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Lấy danh nghĩa giảm thiểu gánh nặng tài chính cho các gia đình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cấm dạy thêm kiếm tiền. Trước đây, các bậc phụ huynh ở Trung thường sử dụng dịch vụ dạy kèm thêm trong suốt quá trình học tiểu học và của trung học của trẻ để chuẩn bị cho Kỳ thi Tuyển sinh Đại học Quốc gia. Kỳ thi này nhằm xác định xem liệu một học sinh Trung Quốc có đủ điều kiện để vào đại học hay không và nếu có thể, họ có thể theo học trường nào.

Reuters đưa tin: “Tin tức này đã gây ra một làn sóng chấn động trong toàn ngành và các bậc phụ huynh đang gặp khó khăn để hiểu chính xác động thái này sẽ tác động đến con cái của họ như thế nào trong một hệ thống giáo dục cạnh tranh cao. Theo một tài liệu chính thức, các quy định mới yêu cầu tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy thêm về chương trình giảng dạy của nhà trường sẽ phải đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận và sẽ không cấp thêm giấy phép mới nào.”

Cũng theo tờ báo, “Quy định mới sẽ dẫn đến việc các công ty dạy thêm trực tuyến hiện tại phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt hơn và việc dạy thêm sau giờ học vào cuối tuần, các ngày nghỉ lễ, kỳ nghỉ học, sẽ bị cấm. Lĩnh vực giáo dục vì lợi nhuận của Trung Quốc đã bị giám sát nghiêm ngặt như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm bớt áp lực cho trẻ em đi học và cắt giảm gánh nặng chi phí đối với các bậc phụ huynh, vốn đã góp phần làm giảm tỷ lệ sinh của nước này.”

Hai tháng trước, chính quyền Trung Quốc thông báo, họ sẽ cho phép các bậc cha me có tối đa ba con, một sự gia tăng so với chính sách hai con trước đây, vốn thay thế cho chính sách một con kéo dài hàng thế kỷ.

Tờ New York Times giải thích về chính sách ba con mới của Trung Quốc: “Thông báo của Đảng Cộng sản cầm quyền thể hiện sự thừa nhận rằng các hạn chế về tái sản xuất, ở mức khắc nghiệt nhất thế giới, đã gây nguy hiểm cho tương lai của nước này. Lực lượng lao động ngày càng thu hẹp cùng với dân số ngày càng già đi đang đe dọa chiến lược công nghiệp mà Trung Quốc đã sử dụng trong nhiều thập kỷ để từ một quốc gia nghèo đói vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế.”

Sau khi các nhà chức trách Trung Quốc công bố quy định dạy thêm mới, các doanh nghiệp giáo dục tư nhân đã bị sốc. Reuters cho hay, chỉ số phụ ngành giáo dục của Trung Quốc đã giảm mạnh khoảng 14%. Trong khi đó, cổ phiếu của tập đoàn Giáo dục TAL, đang niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ, đã giảm mạnh từ mức 20,52 đô la vào ngày 22/7 xuống mức 4,69 đô la vào ngày 26/7.

Quy định mới còn đe doạ tham vọng lên sàn chứng khoán của nhiều startup giáo dục được rót vốn đầu tư mạo hiểm, gồm Zuoyebang – công ty được Alibaba hậu thuẫn và hai nền tảng giáo dục trực tuyến được Tencent rót vốn là Yuanfudao và Classin.

Theo dữ liệu gần đây nhất từ Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, năm 2016 có hơn 75% học sinh từ 6-18 tuổi ở nước này học thêm sau giờ học chính khoá ở trường. Tại Bắc Kinh và Thượng hải, khoảng 70% học sinh tiểu học được dạy kèm. Có nhiều bằng chứng cho thấy tỷ lệ này đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng một số phụ huynh Trung Quốc có thể chi tiêu từ 17.400 đô la cho đến 43.500 đô la mỗi năm cho việc dạy thêm ngoại khóa, gấp ba lần mức thu nhập trung bình của nước này. 

Ngoài ra, học sinh Trung Quốc phải dành trung bình ba giờ mỗi ngày để hoàn thành các bài tập về nhà, gấp ba lần so với học sinh ở Pháp, gấp bốn lần so với học sinh ở Nhật, và gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.

Nhật Minh (Theo Daily Wire)

Xem thêm: