Mặc dù chính quyền Trung Quốc nói rằng hơn 80% dân số đã tiêm chủng, Trung Quốc đã và đang áp dụng chiến lược không khoan nhượng để chống lại virus corona, bao gồm xét nghiệm quy mô lớn toàn bộ dân cư, truy vết diện rộng và phong tỏa nhanh chóng và toàn diện bất cứ khi nào các cụm ca nhiễm mới xuất hiện.

Embed from Getty Images

Quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương đương là Singapore, với hơn 83% dân số đã tiêm vắc-xin, đã tiến hành chiến lược “sống chung với COVID-19” trong một thời gian.

Tuy vậy, các chuyên gia y tế Trung Quốc cho biết mô hình của Singapore không hữu ích cho Trung Quốc bởi dân số nước này quá đông (1,4 tỷ người).

“Chúng tôi không thể để mọi chuyện diễn ra như vậy”, bà Li Ling, từ Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, được trang web tin tức đại lục Guancha.cn trích dẫn cho biết hôm thứ Tư.

Bà Li cho biết chiến lược của Singapore đã thất bại trong việc kiềm chế số lượng ca nhiễm mới và nếu tình trạng tương tự xảy ra ở Trung Quốc, thì “đó sẽ không chỉ là vấn đề 3.000 trường hợp mới mỗi ngày”.

“Virus corona khác với cảm lạnh thông thường và rất dễ lây lan. Trung Quốc có mật độ dân số lớn như vậy, một khi nó lan rộng, nó sẽ gây quá nhiều áp lực lên sức khỏe của người dân và hệ thống y tế của chúng tôi,” bà Li nói.

Bà nói chìa khóa để Trung Quốc mở cửa trở lại là liệu các ca nhiễm và các biến thể mới có được kiểm soát ở các nước khác hay không.

Bất chấp việc sử dụng mã sức khỏe QR để hạn chế việc di chuyển của người dân ở Trung Quốc, quốc gia này vẫn tiếp tục có những đợt bùng phát lẻ tẻ của COVID-19.

Các trường hợp nhiễm mới đã được báo cáo trong vài ngày qua ở các tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây và Quý Châu, cũng như các khu tự trị Ninh Hạ và Nội Mông, và thậm chí cả thủ đô Bắc Kinh.

Trong khi các nhà chức trách vẫn chưa xác định cách thức lây nhiễm, 9 ca nhiễm cộng đồng đã được báo cáo vào thứ Ba và 17 ca vào ngày thứ Tư.

Phương pháp tiếp cận “Zero COVID” của Trung Quốc gây tranh cãi về tác động lâu dài đối với nền kinh tế

Ý định bám sát chiến lược loại bỏ COVID-19 không khoan nhượng của Trung Quốc đã khiến nổ ra nhiều cuộc tranh luận xoay quanh tác động kinh tế lâu dài của việc đóng cửa đất nước với thế giới bên ngoài và việc áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt trong nước.

Trung Quốc tin rằng việc xử lý đại dịch của họ vượt trội so với các nền dân chủ phương Tây và Đảng Cộng sản cầm quyền coi đó là một thành tựu chính trị lớn. Nhưng một số nhà dịch tễ học và kinh tế học hàng đầu đã gợi ý rằng đất nước có thể cần phải chuẩn bị để “sống chung với virus” do việc đảm bảo cắt đứt hoàn toàn nguồn lây là rất khó khăn.

Nhiều người đã đặt câu hỏi liệu nền kinh tế của đất nước có thể chịu được sự cô lập trong thời gian dài trước những đợt đóng cửa đã làm gián đoạn nghiêm trọng ngành dịch vụ hay không.

Các chuyên gia cho biết, các quy chế xét nghiệm và kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, hai phương thức chủ đạo kiềm chế dịch bệnh, đã gây áp lực lên chính quyền địa phương vốn đang phải vật lộn với nguồn thu tài chính.

Trong nửa đầu năm, chỉ Thượng Hải có thặng dư tài chính, trong khi các tỉnh khác của Trung Quốc đều chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được. Một số như Vân Nam, Hà Nam và Hồ Nam thâm hụt tài chính vượt quá 238 tỷ nhân dân tệ.

“Chi phí quá cao, một số tỉnh ven biển có thể có khả năng chi trả, nhưng không có cách nào để một số tỉnh nội địa có thể chi trả được vì họ đã khá căng thẳng về tài chính,” Ding Xueliang, một thành viên của Ủy ban Học thuật của Quỹ BoYuan có trụ sở tại Hồng Kông nói, theo SCMP.

“Trừ khi Bắc Kinh có một quỹ khổng lồ giúp trang trải rất nhiều chi phí của chính quyền địa phương, cách tiếp cận không khoan nhượng [của trung ương] là không thực tế hoặc không bền vững về lâu dài”.

Ông Ding cho biết chính sách “xóa sổ COVID” cứng rắn của Trung Quốc dựa trên tính toán chính trị nhiều hơn là khoa học, bởi vì “không khoan nhượng với virus không có ý nghĩa từ góc độ khoa học.” Ông cũng tin rằng thuật ngữ này một phần là sản phẩm của ngôn ngữ tuyên truyền điển hình của Trung Quốc.

Ngoài chi phí xét nghiệm trên diện rộng, các nhà kinh tế lo ngại chiến lược “Zero COVID” có thể có những tác động mạnh mẽ hơn đến nền kinh tế trong những năm tới.

“Việc đóng cửa biên giới do cách tiếp cận này gây ra là tạm thời và không bền vững. Nếu không thay đổi, mô hình toàn cầu hóa kinh tế trong đó Trung Quốc tham gia và đóng vai trò chủ đạo sẽ sụp đổ”, Liu Zelandao, giáo sư kinh tế công nghiệp tại Đại học Nam Kinh ở Giang Tô, cho biết.

Các chuyên gia dự đoán biên giới của Trung Quốc sẽ vẫn đóng cửa cho đến khi Thế vận hội mùa đông bắt đầu vào tháng 2 năm sau, đặc biệt là khi biến thể Delta vẫn đang lây lan mạnh trên khắp thế giới.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự sụt giảm chi tiêu của người tiêu dùng sau khi chính quyền áp đặt các biện pháp khóa cửa để kiểm soát sự bùng phát của biến thể Delta. Mặc dù có những dấu hiệu cải thiện trong nửa đầu năm, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, và việc hạn chế ăn uống và du lịch có nguy cơ làm gia tăng chênh lệch kinh tế giữa các khu vực.

Các biện pháp phong tỏa cũng đã tấn công mạnh vào thị trường việc làm của Trung Quốc. Năm ngoái, khoảng 2,38 triệu việc làm đã được bổ sung trong các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo do xuất khẩu bùng nổ, nhưng tổng số việc làm đã giảm 24 triệu, mức sụt giảm lớn nhất trong lịch sử, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia và Bộ Nhân sự và An sinh xã hội.

Một cựu quan chức chính phủ Trung Quốc (đề nghị giấu tên) nói với SCMP rằng chính phủ đang duy trì cách tiếp cận không khoan nhượng với COVID-19 vì Bắc Kinh không muốn chấp nhận rủi ro khi chi phí đến thời điểm hiện tại có thể nhìn thấy được và vẫn có thể chịu được.

Lê Xuân

Xem thêm: