Tân Cương nằm ở vùng viễn tây Trung Quốc, được biết đến có tỷ lệ sinh giảm mạnh nhất từ năm 2017 đến 2019 so với bất kỳ vùng lãnh thổ nào trong lịch sử gần đây, theo phân tích mới của một tổ chức tư vấn Úc. 

5753439220 fb2abe4a7e b
(Ảnh: Sherpas 428/Flickr)

Báo cáo từ Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), được Associated Press công bố độc quyền trước khi xuất bản, cho thấy mức giảm 48,74% tập trung ở các khu vực có nhiều người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh và các tộc người thiểu số phần đông theo đạo Hồi khác, dựa trên số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc qua gần một thập kỷ.

Ở các quận có nhiều người Hồi giáo, tỷ lệ sinh giảm 43,7%, tương đương với giảm 160.000 trẻ sơ sinh, chỉ tính từ năm 2017 đến 2018. Trong khi ở các quận có số đông là người Hán thì số ca sinh lại tăng nhẹ.

Nathan Ruser, một chuyên viên của ASPI và đồng tác giả của bản báo cáo, nhận xét tỷ lệ sinh giảm cực đoan như vậy là chưa từng có trong 71 năm qua kể từ khi Liên Hợp Quốc bắt đầu thu thập số liệu thống kê về mức sinh sản toàn cầu, thậm chí vượt quá cả mức sụt giảm trong cuộc nội chiến Syria và các cuộc diệt chủng ở Rwanda và Campuchia.

Ông Ruser cho biết: “Theo những gì có thể thấy được cho đến nay thì đây là mức giảm lớn nhất chưa từng thấy. Nó khiến ta nhận ra mức độ ghê gớm của các chính sách kế hoạch hóa gia đình, của cuộc đàn áp và kiểm soát xã hội [của ĐCSTQ] mà dư luận đang muốn bóc trần.” 

Báo cáo của ASPI khẳng định một câu chuyện của AP và một báo cáo của nhà nghiên cứu người Đức Adrian Zenz vào năm ngoái sau khi ông phát hiện chính phủ Trung Quốc vẫn đang triệt hạ tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ một cách có hệ thống bằng các biện pháp triệt sản, phá thai và dụng cụ tử cung, đồng thời phạt tiền và giam giữ những người có từ ba con trở lên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc và chính quyền Tân Cương đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận, mà liên tục tấn công trực diện vào nhà nghiên cứu người Đức Zenz và ASPI. Bắc Kinh viện vào nguồn tài trợ cho Zenz và ASPI từ chính phủ Hoa Kỳ và các nước phương Tây để làm mất uy tín của họ. Còn AP thì khẳng định nhiều số liệu được lấy từ chính thống kê của chính phủ Trung Quốc.

Hơn bốn năm qua, chính quyền ĐCSTQ đã thực hiện một chiến dịch cưỡng bức đồng hóa tàn bạo nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ – nhóm dân bản địa Tân Cương gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức đã đàn áp họ sau một loạt vụ đánh bom và tấn công bằng dao của những người Duy Ngô Nhĩ ly khai, dồn ép hơn một triệu người vào một mạng lưới các trại tập trung và nhà tù mới được xây dựng. Cuộc đàn áp đã gây ra các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Vào ngày thứ Tư, một nhóm các nước phương Tây đã tổ chức một sự kiện của Liên Hợp Quốc về việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Eysa Imin, một người Duy Ngô Nhĩ từ Korla ở trung tâm Tân Cương, nhớ lại 8 người trong khu phố của anh đã bị giam giữ vì sinh quá nhiều con. Năm 2017, bản thân anh cũng bị tống vào trại giam. Thời gian cuối, anh ở chung phòng giam với một người bạn học cũ – người trước đó đã bị bắt, bị tra tấn và thẩm vấn vì có 4 đứa con.

“Khi bắt anh ta, họ nói rằng đông con cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan”, Imin nói. “Chính phủ bắt đầu gắn việc sinh nhiều con với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. … Có cảm giác như họ muốn diệt chủng chúng tôi.”

Các chuyên gia lưu ý rằng các biện pháp kiểm soát sinh đẻ thắt chặt cần được hiểu trong bối cảnh rộng lớn hơn, là nỗi kinh hoàng đang lan tràn trong các nhóm thiểu số ở Tân Cương.

Timothy Grose, một giáo sư chuyên về Tân Cương tại Viện Công nghệ Rose-Hulman, bang Indiana nhận xét: “Chỉ vì sự sống còn của bản thân, bạn sẽ phải tuân thủ công khai, vì sợ rằng bạn hoặc gia đình của bạn có thể bị giam giữ.”

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc có một trong những hệ thống đối xử ưu đãi dân thiểu số sâu rộng nhất trên thế giới, bao gồm hạn ngạch tuyển dụng và cộng điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Chính phủ cũng cho phép các dân tộc thiểu số có hai hoặc ba con, ngay cả khi họ hạn chế đa số người Hán chỉ có một con.

Những ưu đãi đó đã bị đảo ngược và thậm chí bị tước bỏ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo độc tài nhất Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ. Các học giả được nhà nước hậu thuẫn bắt đầu kêu gọi chính phủ đàn áp các gia đình thiểu số theo tôn giáo lớn, gọi họ là nơi sinh sản của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Vào tháng 4/2017, quan chức đứng đầu của Tân Cương đã kêu gọi “ngăn chặn hiệu quả các ca sinh bất hợp pháp”, đặc biệt là ở miền nam Tân Cương, nơi hầu hết người Duy Ngô Nhĩ sinh sống.

Dưới con mắt của các quan chức Trung Quốc, các biện pháp hiện tại được thực hiện chỉ đơn giản là “điều chỉnh” các biện pháp kiểm soát sinh đẻ lỏng lẻo cho các nhóm thiểu số. Chính phủ đã nhiều lần nói rằng việc phá thai, triệt sản và đặt vòng tránh thai ở Tân Cương là tự nguyện, và trên văn bản, cả người Hán và người Duy Ngô Nhĩ đều có thể sinh hai con.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhóm thiểu số dường như được chọn ra và trở thành mục tiêu cho các biện pháp kiểm soát sinh đẻ đặc biệt hà khắc, báo cáo cho biết. Các phân tích cho thấy tỷ lệ sinh ở các quận đông người thiểu số đã giảm gần 2/3 kể từ khi các biện pháp mới được thực hiện, trong khi các quận của người Hán giảm nhẹ hơn nhiều so với phần còn lại của Trung Quốc. Các quận chiếm đa số người Hán ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương thậm chí còn chứng kiến tỷ lệ sinh bùng nổ.

Tỷ lệ sinh đẻ giảm trong hai năm gần đây ở Tân Cương lớn hơn nhiều so với Trung Quốc trong suốt chiều dài 36 năm của chính sách “một con”, theo đó người Hán bị hạn chế sinh chặt chẽ hơn, Ruser lưu ý. ASPI cũng phát hiện các thông báo của chính phủ cho thấy các quan chức Tân Cương đang được giao định mức giảm tỷ lệ sinh, với các hình phạt được áp dụng cho những gia đình vượt quá chỉ tiêu sinh sản. Một chỉ tiêu sinh sản đặt ra ở một quận có nhiều người Duy Ngô Nhĩ còn thấp hơn tỷ lệ sinh của Hàn Quốc, nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới.

Cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ diễn ra ngay cả khi các quan chức Trung Quốc đang cân nhắc dỡ bỏ các quy định hạn chế sinh đẻ trên toàn quốc. Hôm thứ Ba, các quan chức thông báo rằng dân số Trung Quốc hầu như không tăng trong thập kỷ qua, làm dấy lên lo ngại rằng nước này phải đối mặt với một “quả bom hẹn giờ nhân khẩu học”.

Báo cáo cũng cho thấy khoảng một nửa trong số 106 đơn vị hành chính cấp quận của Tân Cương chưa công bố số liệu tỷ lệ sinh cho năm 2019, mặc dù đáng lẽ chúng đã được công bố vào năm ngoái.

“Những số liệu thống kê này đã trở thành vấn đề rắc rối về chính trị”, ông Ruser nói, “Tốt hơn hết là không công khai dữ liệu nữa.”

Dake Kang / Epoch Times

Tiến Minh biên dịch

Xem thêm: