Trong khi cô Bành Soái “thường xuyên xuất hiện” thì ông Trương Cao Lệ lại luôn im lặng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng tránh nhắc đến cựu quan chức cấp cao này. Vấn đề đã được giới quan sát quan tâm lý giải.

trương cao lệ
Ông Trương Cao Lệ (Ảnh cắt từ video)

Do tay vợt nữ nổi tiếng Bành Soái từng có một thời gian “mất tích” sau khi đăng cáo buộc bị cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ xâm hại tình dục lên mạng xã hội cá nhân của mình, nên trong một thời gian, công luận quốc tế tập trung quan tâm vấn đề “Bành Soái ở đâu” (#WhereIsPengShuai). Tuy nhiên, hiện nay lại có xu hướng chuyển sang “Trương Cao Lệ ở đâu?”

Trong vụ việc này, bộ máy truyền thông của ĐCSTQ cố tình tránh đề cập đến ông Trương Cao Lệ, trong trò chuyện video giữa Chủ tịch Thomas Bach của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) với Bành Soái cũng tránh nhắc đến ông cựu phó thủ tướng này.

Ông Trương đã nghỉ hưu vào năm 2018, và giống như hầu hết các lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ, sau khi nghỉ hưu họ đều không muốn xuất hiện trước công chúng. Cả bản thân ông Trương và chính quyền ĐCSTQ đều không trả lời yêu cầu bình luận của truyền thông bên ngoài về vụ việc Bành Soái.

“Người Trung Quốc đều biết giao dịch quyền lực – tình dục phổ biến trong giới quan chức”

Có phân tích cho rằng sự im lặng của ông Trương cũng giống như phản ứng của ĐCSTQ đối với các cáo buộc. Ví dụ, họ im lặng trước các cáo buộc tham nhũng trong các tài liệu của Panama trước đây, họ cũng im lặng như vậy trước cáo buộc về các vụ ngoại tình khác.

Ông Tập Cận Bình coi việc xử lý hủ bại là dấu ấn của mình trong 9 năm nhiệm kỳ qua, yêu cầu các quan chức ĐCSTQ phải vượt qua cái gọi là “bài kiểm tra nghiêm khắc nhất về chính trị, nghề nghiệp và đạo đức gia đình”.

Ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), từng là Phó giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải (hiện đang sống ở Chile nhưng luôn theo dõi sát vụ việc), nói rằng lựa chọn duy nhất của ông Trương là giữ im lặng. “Nếu ông ta phủ nhận (tấn công tình dục) cũng không ai tin, vì chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã khiến mọi người Trung Quốc giờ đây đều biết rằng các quan chức ĐCSTQ giao dịch quyền lực và tình dục kiểu này đã là bản chất”, ông nói.

Phân tích cũng chỉ ra, ĐCSTQ thường không coi hành vi sai trái tình dục của các quan chức là cáo buộc chính. Chỉ sau khi điều tra tội về chính trị hoặc kinh tế họ mới đề cập đến tội phạm tình dục như một yếu tố tăng nặng hình phạt.

Tránh để ông Trương lộ diện trước Thế vận hội Mùa đông?

Reuters dẫn lời học giả Alfred Wu người Singapore cho hay: “Để ông Trương lên tiếng sẽ làm tổn hại đến uy tín của ĐCSTQ, đây là vấn đề họ không muốn thấy trước Thế vận hội Mùa đông”.

Ông nói thêm: “Ngay cả khi ĐCSTQ quyết định áp dụng các biện pháp kỷ luật nội bộ đối với ông Trương thì họ sẽ không công bố ngay lập tức mà đợi cho đến khi mọi chuyện lắng xuống”.

Lần xuất hiện gần nhất của ông Trương Cao Lệ là vào ngày 1/7 khi ông ta ngồi trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ. Địa điểm này cách không xa Đại Lễ đường Nhân dân, nơi 6 năm trước Ủy ban Olympic Bắc Kinh đã tổ chức buổi lễ khởi động, đã đưa ra cái gọi là “cam kết trang trọng” để tổ chức thành công Thế vận hội Mùa đông.

Tờ WSJ (Wall Street Journal) hôm 24/11 cho hay, sau khi IOC có cuộc gọi điện video với Bành Soái, cộng đồng quốc tế bắt đầu chú ý hơn đến ông Trương Cao Lệ. Theo đó, người ta cũng chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh vào năm 2016, Chủ tịch Thomas Bach của IOC bắt tay ông Trương (khi đó là Phó Thủ tướng). Một thông tin trên trang web tiếng Anh của Chính phủ ĐCSTQ cho hay, ông Trương nói với ông Bach: “Phải đảm bảo Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 đặc biệt tuyệt vời”.

Tờ WSJ cũng chỉ ra, ĐCSTQ vẫn chưa xử lý hoặc thừa nhận cáo buộc tấn công tình dục của Bành Soái. Mặc dù không có gì lạ khi quan chức cấp cao ĐCSTQ có quan hệ ngoài hôn nhân, nhưng ông Trương Cao Lệ là nhân vật cấp cao đầu tiên của ĐCSTQ bị cáo buộc tấn công tình dục nơi công cộng.

Ngoài ra, WSJ cũng dẫn thông tin cho biết, ông Trương Cao Lệ luôn tỏ ra vô cảm hoặc đờ đẫn khi xuất hiện trước công chúng, nghe nói vài năm trước từng bị chấn thương vùng mặt vì tai nạn giao thông.

Không có khả năng ĐCSTQ khuất phục áp lực quốc tế

ĐCSTQ thường thành công trong áp chế các chủ đề gây tranh cãi quốc tế, nhưng lần này đã không thành công trước làn sóng quốc tế ủng hộ Bành Soái. Có phân tích, thế lưỡng nan mà ĐCSTQ phải đối mặt là: Nên mạo hiểm bảo vệ hình ảnh của quan chức để không gây ảnh hưởng xấu cho Thế vận hội Bắc Kinh vào năm sau, hay cho điều tra ông Trương Cao Lệ để xoa dịu dư luận quốc tế?

CNN dẫn lời Ling Li, một chuyên gia về chính trị và luật pháp Trung Quốc tại Đại học Vienna (Ý), nói rằng nếu cáo buộc của cô Bành là đúng thì ông Trương sẽ bị coi là vi phạm cái gọi là “kỷ cương lối sống” của Đảng, hình phạt xử lý từ nhắc nhở đến khai trừ khỏi Đảng.

“Điều đó cho thấy, không quan chức nào ở cấp đặc biệt (Trương Cao Lệ) bị khai trừ khỏi Đảng chỉ vì lối sống. Cáo buộc vấn đề tình dục không nhất định dẫn đến điều tra chống tham nhũng”. Bà nói thêm, “Theo thông lệ, các cuộc điều tra chống tham nhũng của Bộ Chính trị ĐCSTQ đối với cấp bậc từ Bộ Chính trị trở lên cần phải có quyết định tập thể của Ban Thường vụ Bộ Chính trị”.

Khác với thế hệ con cháu của các quan chức, ông Trương có xuất thân nghèo khó, bắt đầu từ một công việc khiêm tốn ở tỉnh Quảng Đông là vận chuyển xi măng, sau đó từng bước leo lên đỉnh cao chính trị. Trước đây từng có đề tài nóng về ông Trương hay được người ta mua vui: Để lấy lòng ông Giang Trạch Dân, ông Trương Cao Lệ đã dùng một chiếc kiệu cho 8 người khiêng ông Giang lên núi.

Theo phân tích thì gần như ĐCSTQ không thể khuất phục trước áp lực quốc tế đòi điều tra minh bạch về ông Trương và công bố kết quả điều tra trước công luận quốc tế. Dù ông Trương không phải thuộc phe của ông Tập mà thuộc phe Giang (cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân), nếu ĐCSTQ vì áp lực quốc tế mà xử lý ông ta thì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Đảng và của bản thân ông Tập Cận Bình.

Theo Lâm Nghiên, Epoch Times

Xem thêm: