Văn hóa truyền thống ẩn chứa rất nhiều bảo vật vô cùng trân quý và âm nhạc là một trong số ấy. Âm nhạc thực sự có sự sống, có linh hồn, có thể phản ánh ra nhân phẩm của người sáng tác và người nghe nhạc. Âm nhạc tốt có sức mạnh giáo hóa và chính lại đạo đức con người. 

Hàng ngàn năm qua, âm nhạc truyền thống luôn thể hiện ra vẻ đẹp ưu mỹ, cao thượng và trí tuệ của con người. Trong đó bao hàm cả sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, bao hàm cả tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”, bao hàm cả vũ trụ quan, sinh mệnh quan, đạo đức quan của người xưa. Âm nhạc có thể thể hiện ra cảnh giới tương thông giữa Trời và Đất.

Âm nhạc chân chính giáo hóa con người

Âm nhạc thời cổ đại vốn có thể dùng để giáo hóa thiên hạ, truyền đạt đạo đức cho con người. Khi một triều đại mới lên thay thế triều đại cũ thì việc mà các bậc minh quân làm đầu tiên là chính lại lễ nhạc, bởi vì âm nhạc có tác dụng vô cùng lớn trong việc giáo hóa con người.

Trong một xã hội, mỗi người đều có thể coi trọng đạo đức và hành thiện thì cả xã hội tự nhiên sẽ triển hiện ra sự an bình yên ổn, hòa hợp. Điều này không phải là phi thực tế. Nếu nghe lại âm nhạc của triều nhà Chu, niên hiệu Trinh Quán triều nhà Đường, Khang Càn thịnh thế triều nhà Thanh… thì âm nhạc đều là sự tường hòa và vui vẻ, là đạo đức cao thượng, thể hiện rằng con người hướng thiện.

Âm nhạc có sức mạnh giáo hóa và chính lại đạo đức con người
(Tranh: Pinterest, Public Domain)

Trong “Tả truyện – Tương công nhị thập cửu niên” có kể về công tử Quý Trát của nước Ngô. Một lần Quý Trát đến nước Lỗ bái phỏng, lúc nghe nhạc, xem múa thì đối với mỗi đoạn âm nhạc đều đưa ra lời bình luận.

Khi người nhạc công và người ca hát biểu diễn bài “Chu nam và Triệu nam”, Quý Trát nói: “Nhạc điệu thật là hay! Ta nghe đoạn này có thể cảm nhận được Nhà Chu đặt nền móng cho việc giáo hóa dân chúng. Mặc dù chưa đạt đến mức tận thiện nhưng từ trong nhạc điệu có thể nghe thấy tâm tình nguyện vọng của dân chúng, chỉ có cần cù nỗ lực mà không có oán hận.”

Khi nhạc công biểu diễn cho Quý Trát ca khúc Bội phong, Dung phong và Vệ phong, ông nói: “Nhạc điệu thật là xinh đẹp! Thanh âm thâm trầm, sâu lắng, nghe ra nhân dân có chút ưu tư nhưng không đến nông nỗi bị khốn khổ. “

Quý Trát sau khi thưởng thức xong ca khúc Vương phong liền nói: “Nhạc điệu nghe thật hay nhưng âm tiết thì lại quá tầm thường và lộn xộn. Đúng như chính lệnh quá hà khắc, vậy thì dân chúng sao chịu nổi? Đây chẳng phải là điềm báo diệt vong sao?”

Mỗi lần nghe một ca khúc, Quý Trát lại chỉ ra chuẩn xác về cuộc sống và đạo đức của thiên hạ lúc bấy giờ. Điều này không chỉ chứng tỏ ông có một trình độ tu dưỡng, tinh thông âm nhạc mà còn chỉ rõ ra sự ảnh hưởng của việc hiền nhân minh chủ thời bấy giờ dùng âm nhạc giáo hóa dân chúng.

Chính sự cao thượng trong giai điệu, ca từ của âm nhạc thời đó, mà có thể khởi tác dụng chính lại lòng người, đạo đức con người. Âm nhạc chân chính, tao nhã và đức độ mang tới năng lượng tích cực giúp cải thiện tâm thân con người. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến các bậc minh quân thời cổ đại vô cùng coi trọng lễ nhạc.

Âm nhạc hiển lộ ra nhân phẩm của người sáng tác

Âm nhạc cổ giống như một chiếc gương, có thể phản chiếu ra một cách trọn vẹn thế giới nội tâm của người sáng tác. Dựa vào âm nhạc, tư thái và vẻ mặt có thể biết được tính tình, sở thích và phẩm đức, giáo dưỡng của một người. Ngoài ra, yêu thích loại nhạc nào cũng có thể hiển lộ ra phẩm cách của người nghe.

Sư Tương Tử, vị quan thời Xuân Thu, là người rất giỏi về âm nhạc. Theo sử sách ghi lại, Khổng Tử từng bái ông làm thầy để học nhạc.

Khổng Tử học hành chăm chỉ, vừa học vừa không ngừng suy xét. Ban đầu ông được Sư Tương Tử dạy một từ khúc, tập đến 10 ngày mà Khổng Tử vẫn còn tiếp tục tập luyện. Sư Tương Tử nói với Khổng Tử: “Tạm ổn rồi, học từ khúc khác thôi!”

Khổng Tử đáp: “Trò mới nắm được nhạc điệu, chưa nắm vững được kỹ xảo!”

Lại mấy ngày nữa trôi qua, Sư Tương Tử thấy Khổng Tử đã nắm vững được kỹ xảo liền nói: “Trò đã nắm vững được kỹ xảo, có thể học từ khúc khác được rồi!”.

Nhưng Khổng Tử lại thấy vẫn chưa ổn bèn thưa: “Trò chưa lĩnh hội được tình cảm và tư tưởng ẩn chứa trong từ khúc này!”

Lại một thời gian nữa trôi qua, Sư Tương Tử lại nói với Khổng Tử: “Trò đã thể hiện ra được tình cảm và tư tưởng trong từ khúc đó rồi, chúng ta học từ khúc mới đi!”

Khổng Tử lại nói: “Trò vẫn chưa cảm nhận được người sáng tác ra từ khúc này là người như thế nào!” Thế rồi Khổng Tử lại tiếp tục tập luyện.

Cứ như thế qua một thời gian dài. Đến một hôm, Khổng Tử vui mừng chạy đến bên Sư Tương Tử thưa: “Trò đã hình dung được tác giả của từ khúc này rồi. Đó là người có khuôn mặt trang nghiêm, dáng người cao lớn, hai mắt ngước lên nhưng lòng luôn nghĩ lấy đức thu phục người, cảm hóa thiên hạ! Ngoài Chu Văn Vương ra thì còn có thể là ai đây?”

Sư Tương Tử mừng rỡ nói: “Không sai, từ khúc này chính là của Chu Văn Vương!”

Trí tuệ âm nhạc có nguồn gốc từ thiên nhiên

Trời có mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Đất có núi, sông cùng các biển đảo. Năm tháng có sự trưởng thành của vạn vật. Phàm là hết thảy vạn vật trong tự nhiên đều có sự khác biệt đồng thời cũng có sự hài hòa và đều có thể được xưng là “nhạc”.

Trong thiên nhiên, nước chảy róc rách trên núi sẽ sinh ra tiếng (thanh). Khi tiếng và tiếng có thể cảm ứng lẫn nhau, sản sinh ra quy luật biến hóa thì sẽ phát ra âm (tiếng phát lộ ra có điệu trong đục cao thấp gọi là âm). Sự hài hòa tương phối giữa âm và âm sẽ phát ra thanh âm tức là âm nhạc.

Cổ nhân có triết lý nhân sinh “Tĩnh quan thiên địa, sư pháp tự nhiên”, ý tứ chính là yên lặng dõi theo Trời Đất và thuận theo tự nhiên. Thiên nhiên có quy tắc vận hành nhất định vào những lúc có biến đổi, thiên nhiên có thể khởi phát, điểm hóa cho con người. Con người sống yên vui trong Trời Đất, trong “bất tri bất giác” mà học được sự khiêm tốn, nhún nhường, bao dung và cảm ơn..

Thời Xuân Thu, Du Bá Nha người nước Sở theo danh cầm sư Thành Liên học đàn cầm. Trải qua ba năm khổ học, tài nghệ đánh đàn của Bá Nha đã rất cao siêu, có thể nói là đã lĩnh hội hết được những gì thầy truyền đạt. Nhưng mỗi lần gảy đàn thì dường như trong tiếng đàn của Bá Nha lại như vẫn còn thiếu một điều gì đó.

Âm nhạc có sức mạnh giáo hóa và chính lại đạo đức con người
(Tranh: Pinterest, Public Domain)

Một hôm danh cầm Thành Liên tìm ra được một cách, ông vờ nói với Bá Nha: “Thứ mà trong tiếng đàn của con còn thiếu chính là một chút Thần khí. Nhưng đây lại là một loại cảnh giới, dùng từ thì không cách nào biểu đạt được. Sư phụ của ta là Phương Tử Xuân ở chốn bồng lai Đông Hải có thể giúp được con. Chúng ta cùng đi thỉnh cầu!”

Thế là thầy trò Du Bá Nha đến một hòn đảo mà cầm sư Thành Liên nói là đảo bồng lai ở Đông Hải. Thành Liên để Bá Nha ở lại một mình bên bờ biển đảo để đi thỉnh giáo sư phụ trước. Từ lúc ấy, Bá Nha một mình ở lại trên đảo nôn nóng chờ đợi. Mỗi ngày trôi qua, thuận theo việc thủy triều lên rồi lại xuống, Bá Nha cũng bắt đầu trầm tĩnh tâm xuống.

Đến một hôm, Bá Nha ôm đàn đi tới bờ biển rồi thong dong gảy đàn cầm. Lúc này, Bá Nha chỉ nghe thấy tiếng đàn thuận theo tiếng gió biển, lúc chậm rãi, lúc lại vội vã. Sóng biển cũng thuận theo tiết tấu nhanh chậm của tiếng đàn mà lúc lên cao lúc lại xuống thấp.

Trong sự hòa hợp cùng thiên nhiên, trong bất tri bất giác, hết thảy đều tan biến, như chỉ còn lại âm thanh của thiên nhiên, khi thì trào dâng, khi lại trầm lắng, tràn đầy cả Đất Trời. Cứ gảy xong một bản nhạc thì Bá Nha lại hiểu ra thêm rất nhiều điều.

Một lúc sau, khi đang gảy một khúc nhạc khác, Bá Nha lại cảm thấy sự hợp nhất giữa thiên nhiên và con người, vô ưu tự tại. Đột nhiên, tiếng cười của danh cầm sư Thành Liên cất lên từ đằng sau lưng của Bá Nha. Sư phụ Thành Liên nói: “Bá Nha à! Thiên nhiên vĩ đại này đã khai mở trí tuệ cho con, còn cần gì thái sư Tử Xuân đến nữa?”

Lúc này, Bá Nha mới hiểu được rằng, hóa ra căn bản là không có người nào là thái sư phụ cả.

Có thể thấy, âm nhạc truyền thống nhấn mạnh về đạo đức và sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên. Nó có tác dụng điều hòa cân bằng cả thân lẫn tâm của con người. Đồng thời, âm nhạc tốt có sức mạnh giáo hóa con người và khiến con người trở nên bình thản, lương thiện, sống an bình, hòa hợp và thuận theo tự nhiên. Đây cũng được xem là một trong những tác dụng và mục đích quan trọng nhất của sự ra đời của âm nhạc cổ xưa.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: