Cổ ngữ nói, tri thức của con người dựa vào học tập mà có, năng lực của con người dựa vào rèn luyện mà ra, còn cảnh giới của con người đến từ sự tu dưỡng. Sống trên đời, làm người cao thượng là cảnh giới nội tâm cao nhất mà mọi người hướng tới.

Cảnh giới nội tâm là gì? Có hai chữ có thể nói rõ ngụ ý thâm sâu của nó: Tiên (仙) và Tục (俗). Chữ Tiên gồm bộ “Nhân” (亻) và bộ “Sơn” (山), mô tả hình ảnh một người đứng trên đỉnh núi, đưa mắt nhìn núi cao biển rộng, trời đất bao la. Chữ Tục gồm bộ “Nhân” (亻) và bộ “Cốc” (谷), chỉ một người trẫm mình nơi hẻm sâu, chỉ đặt tâm vào những chuyện vụn vặt.

Bạn đặt tầm mắt tại ba tấc đất dưới chân, hay phóng tầm mắt nhìn xa nơi ngàn dặm? Bạn tham những món lợi nhỏ trước mắt hay mưu tính vì đại cục, truy cầu lợi ích bền lâu? Cảnh giới thế nào hết thảy đều do nơi tầm mắt. Một người cảnh giới cao thấp ra sao chỉ cần nhìn vào 3 điểm sau là có thể sáng tỏ.

Tâm thái thay đổi có thể biến nghịch cảnh thành thuận cảnh
(Ảnh minh họa: Gyn9037, Shutterstock)

Có thể nhẫn chịu ủy khuất

Con người sống trên đời, chắc chắn sẽ gặp phải nhiều điều ủy khuất. Một người càng thành công, những ủy khuất sâu kín lại càng nhiều. Tầm nhìn của một người lớn bao nhiêu, thì khả năng nhẫn chịu ủy khuất của họ lớn bấy nhiêu.

Từ xưa đến nay, bất luận là xuất thân ra sao, làm được việc lớn đều là những người có tâm đại nhẫn, có thể nhẫn nhịn được cả những việc mà một người bình thường khó lòng nhịn nổi. Nhẫn là cái gốc rễ của đối nhân xử thế của con người, dù ở bất kể phương nào.

Nếu như một người không trải qua “sóng gió cuộc đời” mà tôi luyện chính mình, không dốc lòng tu dưỡng thì rất khó để có thể nhẫn nhịn được, càng không nói đến có được tấm lòng khoan dung, độ lượng, biết kết hợp cương nhu.

Một người, trên đường đời, không quên tu tâm dưỡng tính, không ngừng tu dưỡng đạo đức bản thân thì mới có thể dưỡng thành khí tiết cao thượng: “Bần tiện bất năng di, phú quý bất năng dâm, uy vũ bất năng khuất”, nghèo mà không hèn, giàu không tham, không bị khuất phục trước quyền thế.

Trong thế nhân, đa phần người ta phát giận đều là do tư tâm sinh ra. Người ta nổi giận khi ở trong nhà, khi ra ngoài đường, ở nơi công cộng… đều là vì một chút lợi nhỏ, hay bị thiệt hại một chút nào đó, hoặc trái ý mà thành. Người có cảnh giới hạn hẹp chẳng thể dung nhẫn dẫu chỉ một chút ủy khuất, họ bị hạn cuộc và lao tâm khổ tứ vì nó.

Người có cảnh giới cao thượng lại không như vậy, họ biết cách mỉm cười cho qua, thậm chí thay đổi hình thế, dẫu ủy khuất vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Nếu một người có thể dưỡng tâm đạm bạc, xem nhẹ công danh lợi lộc, bao dung nhẫn nhịn, thì tức giận tự nhiên sẽ ít đi, cũng sẽ không vì một chút việc nhỏ mà nổi giận đùng đùng.

Nếu coi mỗi lần bị nhục mạ và bị tổn thương là dưỡng chất cần thiết giúp bạn thay đổi, ắt hẳn bạn có thể dưỡng thành tầm nhìn cao xa. Còn nếu không thể làm được nhẫn chịu, thì khi sự việc qua đi, người khác chỉ nhớ tới cảm xúc bột phát của bạn, mà không thể ghi nhớ nguyên nhân, họ chỉ ấn tượng về sức dung nhẫn hạn hẹp của bạn mà thôi.

Biết tự trọng mà không kiêu ngạo

Tầng thứ của một người cao hay thấp không liên quan trực tiếp tới tri thức, của cải và địa vị của họ, nhưng lại liên quan mật thiết tới tầm nhìn, sự giáo dưỡng và cảnh giới của họ. Người có tu dưỡng, có cảnh giới cao thượng, thường rất khiêm tốn và cẩn trọng.

Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam từng tới Ngũ Đài Sơn du ngoạn. Khi tới thăm vào chùa, phương trượng thấy ông ăn vận bình thường, bèn nói: “Ngồi”, rồi lại gọi một tiếng: “Trà”, ý rằng tiếp đãi trà nước qua loa.

Khi được biết khách tới từ kinh thành, phương trượng cung kính đứng dậy, lập tức dẫn Kỷ Hiểu Lam vào sảnh trong, rồi nói: “Mời ngồi”, “Kính trà”.

Sau một hồi hàn huyên, phương trượng biết rằng ông là Thượng Thư bộ Lễ Kỷ Hiểu Lam, phương trượng đột nhiên mặt biến sắc, khiêm nhường dẫn ông vào phòng thiền, lúng túng cười nói rằng: “Mời ngồi trên”, “Kính trà ngon”.

Khi Kỷ Hiểu Lam sắp rời đi, phương trượng mới cầm bút mực ra, nhất quyết thỉnh cầu Kỷ Hiểu Lam lưu lại bút tích, giúp thiền viện được rạng danh. Kỷ Hiểu Lam phóng bút viết đôi câu đối như sau:

Ngồi, mời ngồi, mời ngồi trên.
Trà, kính trà, kính trà ngon.

Phương trượng bấy giờ quả thật là lúng túng hổ thẹn.

Trong giao tiếp giữa người với người có ba thái độ là nhìn xuống, nhìn lên và nhìn thẳng.

Người nhìn xuống thường bá đạo, cao ngạo, đặt mình cao hơn người khác mà xem thường đối phương. Người nhìn lên thường yếu nhược, bàng hoàng sợ hãi, coi nhẹ bản thân. Người nhìn thẳng, không kiêu ngạo, chẳng tự ti, vừa tôn trọng đối phương, vừa tôn trọng bản thân.

Người có cảnh giới cao thượng không coi trọng thân phận, trên nét mặt cũng không thể hiện cảm giác ưu việt hơn người. Họ có thể tiếp nạp và bao dung những người khác nhau và hiểu cách tôn trọng người khác, không giới hạn bản thân trong thân phận của mình, lại càng không cậy thế hay bị bó buộc.

Một kiếp nhân sinh nhờ gặp gỡ chúng sinh, minh bạch đời người nên khoan dung; nhìn thấu trời đất, trải nghiệm được sự vĩ đại và nhỏ bé, nên mới khiêm ti; nhìn thấu bản thân, cảm thụ được bản ngã và chân ngã, nên tâm hồn mới khoáng đạt.

Vậy nên, đừng bị hạn cuộc bởi tư tưởng của bản thân, cũng chớ coi thường bất kỳ ai. Người có cảnh giới càng cao, lại thường ngu ngơ như kẻ ngốc. Bậc đại trí thoạt nhìn trông có vẻ rụt rè nhu nhược, nhưng ẩn giấu đằng sau là trí huệ thâm sâu.

Dám đảm đương trọng trách

Người không có chí lớn chỉ có thể nhìn trước mắt, những điều mình không thấy thì không tin. Với những người dám đảm đương trọng trách, họ sẽ không thay đổi tiết tháo trước áp lực bên ngoài. Vì trong tâm họ có đạo, nên có thể nhìn xa trông rộng, trí huệ uyên thâm, biến nghịch cảnh thành thuận cảnh.

Người dám đảm đương có tầm nhìn khoáng đạt, không so đo lợi ích trước mắt, mà quan tâm tới mục tiêu lâu dài. Người không dám gánh vác, chỉ nghĩ tới lợi ích được mất của bản thân, thường sẽ đánh mất danh dự và nhân cách.

Cổ nhân có câu: “Giông tố mới biết cỏ bền, loạn lạc mới biết trung thần”. Cho nên một người có thể đảm đương đại sự được hay không thường phải nhìn vào lúc xảy ra khó nạn.

Trong các hoàn cảnh xã hội khác nhau, người dám đảm đương trọng trách thường không trốn tránh, dẫu gặp phải bất kỳ việc gì họ cũng đều coi đó là nghĩa vụ của mình, là việc cần làm, từng bước giải quyết những vấn đề khó khăn một cách trầm tĩnh, bình ổn. Những người hễ gặp chuyện là lẩn tránh, chẳng qua chỉ coi đó là việc miễn cưỡng phải hoàn thành mà thôi. Cảnh giới của một người cao hay thấp, chỉ cần liếc mắt là sáng tỏ.

Dám đảm đương không chỉ là dám gánh vác trọng trách, mà còn đồng nghĩa với việc dám đối mặt với thất bại, trắc trở và những lời phê bình, chỉ trích. Kẻ mạnh thực sự là người dám thua cuộc, không lẩn tránh, không viện cớ, lâm trận không trốn chạy. Lương Khải Siêu từng nói: “Đời người phải biết nỗi khổ khi gánh vác trách nhiệm, mới thấu hiểu hết niềm vui khi làm tròn chức trách.”

Con người sống một đời, nếu không có người xứng đáng để mình chăm sóc, không có việc xứng đáng để mình dẹp yên, thì còn có ý nghĩa gì? Người gặp việc không e sợ, gặp việc dám đảm đương, dẫu đi tới đâu cũng có thể kiến tạo một vùng trời cho riêng mình vậy.

Theo Vision Tímes tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: