Tôi có một kỷ niệm vui ngày nhỏ mà từ lúc kể cho chồng con tôi nghe, chúng tôi thường diễn lại như một cách đùa vui về tính cách trẻ con và bản năng ít khi chịu thua thiệt của con người nói chung.

Bỏ qua những điều nhỏ nhặt trẻ con
(Ảnh minh họa: A3pfamily, Shutterstock)

Tôi với em gái tôi cách nhau 3 tuổi, nên quấn quýt nhau suốt cả tuổi thơ. Dĩ nhiên là chúng tôi thương nhau lắm, sẵn sàng làm mọi thứ để giúp đỡ và bảo vệ nhau. Ví như có lần em tôi lỡ tay làm vỡ một món đồ trong nhà. Món đồ bình thường thôi nhưng thời khó khăn thì đồ gì cũng quý. Em tôi sợ xanh mặt. Xanh mặt theo nghĩa đen, tức là mặt trắng bệch ra không còn chút máu. Thế là trước khi mọi người phát hiện câu chuyện, tôi lén vứt món đồ vỡ đi và dùng tay quẹt sơn vôi đỏ lúc đó người ta thường sơn kẻ chỉ ở chân tường, bôi lên môi, lên mặt em và tán đều ra cho mặt trở lại “hồng hào”. Dĩ nhiên là cách đó không thể nào giấu được câu chuyện, nhưng cũng cho thấy tôi thương và muốn bảo vệ em thế nào.

Vậy nhưng mà có những lúc tôi tủn mủn so đo với em tôi thì thôi cũng không kể xiết. Nếu em tôi vô tình huých tôi một cái thế là tôi cũng đánh lại ngay cho được một cái, rồi đánh qua đánh lại đến mỏi nhừ cả 2 tay nhưng không ai chịu dừng vì nếu mình dừng trước thì kể như đã thua người kia 1 cái đánh. Đến khi cả hai đều đã rất mệt mỏi, cái đánh chỉ còn nhẹ như một con kiến bò thôi, miệng thì tuyên bố “ngừng chiến” mà tay cũng chưa dừng hẳn được vì chẳng ai sẵn sàng chịu thua dù chỉ là một cái chạm như con kiến bò. Cứ chí chóe nhau như thế nên không ít lần tôi bị Ba tôi cho một trận đòn cái tội hoạnh họe em.

Sau này khi đọc một cuốn sách của Dale Carnegie, tôi để ý một câu rằng “Chúng ta thường can đảm đối phó với những vấn đề lớn lao nhưng lại để những chuyện lặt vặt, tủn mủn cản trở”, tôi nhớ liền tới những kỷ niệm ngày nhỏ và cười ngặt nghẽo vì nó chí lý quá.

Đó là chuyện trẻ con, nhưng sự thật đáng buồn là dường như chúng ta dù ở giai đoạn nào của cuộc đời rồi cũng thường mắc phải cái lỗi ấy.

Tôi có một chị bạn rất giỏi giang. Chị vốn thông minh, dễ dàng hiểu được các khái niệm phức tạp, nên nắm bắt những điều mới mẻ cũng nhanh hơn nhiều người khác. Chị cũng rất bản lĩnh, luôn là người đứng ra sắp xếp mọi việc đâu vào đấy lúc những người xung quanh đang rối như tơ vò. Đã thế lại còn nhiều tài vặt, chị hát hay, vẽ đẹp, khéo léo tay chân nên bước vào nhà chị lúc nào cũng thấy sạch tinh tươm, gọn gàng ngăn nắp và bài trí mọi thứ hài hòa, bắt mắt. Giống như tôi đang miêu tả một con người hoàn hảo vậy, và có thể mọi người cũng thoáng nghĩ rằng sống với một người như vậy thì còn gì bằng.

Thế nhưng thực tế thì ngược lại, kể cả những người thân ruột thịt cũng không muốn sống cùng chị ấy. Vấn đề nằm ở chỗ, lúc dọn dẹp nhà cửa thì chị ấy luôn miệng cằn nhằn hết thảy mọi người xung quanh bừa bãi, lúc phải ra tay sắp xếp một công việc gì hay bài trí một không gian nào đó thì chị cũng không ngớt lời chê bai người này người kia sao vụng về. Tệ hơn cả là cứ vào bữa ăn gia đình thì chị lại ngồi đem chuyện ông A bà B ra kể với cái giọng như trách cứ mọi người trong nhà sao không được như thế.

Nói chung là tôi cũng tưởng tượng được cái không khí không thể ngột ngạt, căng thẳng hơn đó. Tôi không biết trên thế gian này có ai thích sống cùng những lời cằn nhằn cau có hay không, chứ như tôi thì thà ở tuềnh toàng một chút, ăn uống đạm bạc một chút mà trong không khí vui vẻ, thoải mái còn hơn. Chị bạn của tôi, tôi mong chị lúc nào đó có thể nhìn thấy được điều gì là quan trọng hơn, những người thương yêu của mình xung quanh, hay là một không gian hoàn hảo mà không có ai cả?

Đôi khi chúng ta không lường được những ảnh hưởng do thái độ của mình đem lại, bởi vì ta nghĩ dù sao cũng toàn những chuyện lặt vặt thôi mà. Nhưng chính những chuyện lặt vặt lại thường là thủ phạm phá hỏng tất cả. Không tin bạn thử thống kê lại những vụ mâu thuẫn, xô xát nhau, thậm chí án mạng mà bạn biết thì có phải phần lớn đều xuất phát từ điều nhỏ nhặt hay không. Tôi nghĩ người thật sự độc ác xấu xa, muốn hãm hại người khác thì ít mà những lòng tự ái bị tổn thương, lòng kiêu căng bị kích động dẫn tới hành động không kiểm soát thì nhiều. Nếu ai cũng có thể luyện cho mình một thói quen kiềm chế lại một giây để suy nghĩ điều gì mới thực sự là quan trọng, thì xã hội này, thế giới này hẳn sẽ bình yên hơn nhiều.

Ngày trước tôi cũng hay càu nhàu chồng tôi hay vứt quần áo bẩn lung tung khắp nhà, ngủ thì ngáy như sấm vào tai làm cho tôi mỗi lần đi ngủ sau thì không thể nào ngủ được. Tôi tưởng tôi phải khổ sở vì mấy cái tật này của chồng suốt đời chứ không thể nào sửa nổi. Nhưng tới lúc chồng tôi bị ung thư, phải chữa chạy vất vả hơn 2 năm trời chưa dứt thì tôi mới thấy mấy cái tật kia có là gì. Thêm việc chứng kiến vài người quen thân mới hôm qua còn chuyện trò xởi lởi, sáng hôm sau đã nghe tin họ đã vĩnh viễn không còn thuộc về thế giới này nữa, tôi càng quý cái tiếng ngáy như sấm kia chứ. Mỗi sáng ngủ dậy mà không nghe tiếng “sấm” tôi lại hốt hoảng phải quờ tay sang kiểm tra ngay. Rồi quần áo cũng thế, cứ vứt lung tung đi cũng được, tôi chỉ cần 5 phút dọn dẹp là đâu lại vào đấy, miễn là chồng tôi được ở nhà, mặc quần áo của mình chứ không phải quần áo bệnh viện, ngủ trong bệnh viện những ngày đằng đẵng.

Thế đấy, những điều “đáng ghét” chỉ đáng ghét khi ta coi trọng nó quá lên thôi. Cuộc sống vốn mong manh hơn ta nghĩ rất nhiều, biết đâu là lần cuối cùng ta được gặp, được trò chuyện cùng ai đó. Vậy thì thay vì cứ để tâm đến những lỗi tủn mủn của người khác, hãy thương yêu và chỉ nghĩ đến thương yêu khi có thể, để lời cuối cùng ta nói với ai đó xung quanh mình đều là những lời tốt đẹp.

Trong một bối cảnh rộng hơn, khu chung cư nơi tôi đang ở có thể được xem là một thế giới thu nhỏ, một thế giới mà con người đã vạch ra vô số những lằn ranh vô hình nhưng chằng chịt, chỉ vì những khác biệt mà họ tự nghĩ ra. Họ nghĩ họ khác nhau, ở những đẳng cấp khác nhau chỉ vì màu da màu tóc của họ khác nhau. Họ nghĩ họ đến với thế giới này từ những nơi khác nhau và sẽ đi đến những nơi khác nhau vì họ theo các tôn giáo khác nhau. Nhóm này luôn nghĩ mình văn minh, cấp tiến hơn nhóm kia và rằng những hiểu biết và quan điểm về chính trị, xã hội của mình mới là đúng đắn. Nói chung người ta ghét nhau, giao tiếp với nhau bằng những định kiến nhiều hơn là cảm thông và lắng nghe tiếng nói của nhau. Tôi nghĩ dại rằng nếu đột nhiên tòa nhà bị cô lập, điện nước bị cắt thì có í ới, gõ cửa bất kỳ để mượn nhau cái bật lửa, xin nhau vài chai nước không, hay là sẽ hỏi xem anh đến từ đâu, chị theo tôn giáo, đảng phái nào? Cuối cùng thì sự sống mới là quan trọng, và con người thì sẽ cần đến nhau, thế thôi.

Tôi thích tác giả Mitch Albom kể từ lúc đọc câu chuyện ông viết về người thầy của ông, thầy Morrie Schwartz (cố Giáo sư Xã hội học của Đại học Brandeis). Lúc thầy Morrie đã nằm liệt trên giường bệnh vì chứng xơ cứng teo cơ (ALS) mà đầu óc vẫn tỉnh táo, ông trao đổi với Mitch về điều thực sự quan trọng trong cuộc sống, mà tôi xin trích sau đây thay cho lời kết:

“Xã hội nào rồi cũng có những vấn đề của nó. Cái mà chúng ta phải làm, không phải là trốn chạy, nhưng là tạo ra một tiểu xã hội cho chính mình. Hãy nhớ rằng, dù ở bất cứ một nơi nào, cái dở nhất của con người là sự thiển cận… Chúng ta không chịu tin rằng chúng ta ai cũng giống nhau cả thôi. Đạo Thiên Chúa, Đạo Tin Lành, người da trắng, người da đen, đàn ông, đàn bà. Nếu sớm nhận ra rằng ai cũng như nhau, chúng ta sẽ hăng hái kết nối thành một đại gia đình của nhân loại trong thế giới này, và sẽ thương yêu đại gia đình này như thương yêu chính gia đình nhỏ của chúng ta. Cứ tin thầy đi, khi chúng ta cận kề cái chết rồi, sẽ nhận ra điều nói trên là đúng. Chúng ta đều giống nhau lúc khởi đầu – là được sinh ra- và cũng sẽ giống nhau ở điểm kết – là cái chết. Như vậy chúng ta khác nhau ở chỗ nào?… Lúc khởi đầu, còn sơ sinh thì chúng ta cần tới người khác để có thể tồn tại, thì đến lúc cuối cuộc đời, như thầy bây giờ đây, cũng cần nhờ vào người khác để tồn tại, đúng không?… Còn điều bí mật này nữa, giữa hai thời điểm đó, chúng ta cũng vẫn cần đến nhau như thế”.

Tracy Trần
UAE, 2/2019

Tác giả gửi Trí Thức VN

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: