Trong cõi hồng trần ồn ào vội vã, nếu một người không thể buông bỏ dục vọng và ham muốn thì sẽ rất khó để bảo trì một tâm thái tường hòa và thanh tĩnh. Khi một người đặt nặng lợi ích cá nhân thì trong tâm họ tự nhiên sẽ trở nên thấp thỏm, lo âu và nóng nảy. Kỳ thực con người đến với thế gian này một cách trần trụi, và ra đi cũng trần trụi, có thể mang theo được điều gì đây?

Buông bỏ dục vọng, sống đạm bạc là cách thoát khỏi phiền não
(Ảnh minh họa: Thampitakkull Jakkree, Shutterstock)

Sự phát triển của cuộc sống hiện đại đã mang tới cho con người sự tiện lợi, nhưng lại đồng thời mang đến những mệt mỏi, phiền toái lớn lao hơn. Con người hiện đại thật khó mà có thể an tĩnh, yên bình lại được dù chỉ trong chốc lát. Nếu ai đó có thể giữ cho nội tâm minh tỏ, không nghĩ một chút gì trong vòng vài chục phút đồng hồ, thì người ấy hẳn phải có một định lực phi phàm.

Có câu thơ cổ viết rằng: “Hung khoát thiên sầu tựa túc lạp, tâm khinh vạn sự tựa hồng mao”, nếu một người có tấm lòng quảng đại, rộng rãi, thì mọi lo âu sẽ trở nên rất nhỏ bé, còn nếu trong tâm một người có thể xem nhẹ thì vạn sự sẽ tựa như lông hồng.

Nhưng rất nhiều người chúng ta đây, khi đứng trước dục vọng, thì tâm cảnh đều vô cùng yếu ớt và nhỏ bé. Thật khó để ngăn cản những cám dỗ của thế gian: kim tiền, quyền lực, tình cảm, thú vui… Chúng ta đã rất khó để tìm kiếm điểm dừng, mãi cứ mở rộng ra, cảm thấy như đã mê lạc lúc nào không biết.

Cổ nhân sinh sống đơn giản, “Tình canh vũ độc”, ngày nắng thì đi cày, ngày mưa thì đọc sách. Đơn giản hóa ra chính là phúc phận, bình thản mới là đạo lý thực sự, vì thế người xưa làm việc và nghỉ ngơi thuận theo quy luật tự nhiên. Bởi vậy lương tri của con người dễ dàng thăng hoa, dục vọng của con người dễ dàng được kiểm soát. Thế mới có được tâm cảnh “Thải cúc đông li hạ, du nhiên kiến nam sơn”, hái cúc dưới bờ rào phía đông, nhàn nhã ngắm nhìn ngọn núi phương nam.

Một người có ham muốn càng lớn thì áp lực càng nhiều, dục vọng càng mạnh thì càng dễ bị ràng buộc chặt hơn. Khi đã rơi vào vực thẳm dục vọng thì người ta sẽ không thể thoát ra được. Khi ấy, dục vọng sẽ ăn mòn ý chí, làm sa đọa lương tri và hậu quả là biến người ấy thành nô lệ của ham muốn.

Con người tựa như một bình nước, đổ nước bẩn vào thì sẽ được gọi là bình nước bẩn, đổ nước sạch vào thì chính là bình nước sạch. Ham muốn một khi nhiều lên thì biết làm sao đây? Trong cuộc sống hiện thực, có rất nhiều người đã vì dục vọng mà thương thân, bại danh, đánh mất uy tín và nhân cách của bản thân. Khi tâm của một người chứa đầy lợi ích cá nhân thì người ấy không thể có một nhân cách tốt đẹp hay ý chí mạnh mẽ được.

Có rất nhiều người nếm trải vị đắng của thế gian, cảm thấy vô cùng khổ não, bèn tìm kiếm sự giải thoát nơi chùa chiền, nơi Thần Phật. Nhưng mà Phật gia có câu: “Phật tại tâm trung”, cầu Phật là phải cầu tự tâm, người khác, Thần Phật là không có cách nào cho được. Cũng giống như đám mây bay trên trời kia, người ta làm sao có thể bắt nó xuống để ở quanh mình được đây?

Người trần cầu Phật, là vì để Phật phù hộ, để cầu công danh, để cầu tiền bạc, để cầu bình an, để cần sống lâu, cầu nhiều phúc phận, tậm chí là tìm chốn giải thoát cho ẩn ức tâm linh. Người chân chính tín Phật, tu Phật, chân tâm cầu Phật thì hỏi có được mấy người?

Người chân chính cầu Phật, chính là lấy tâm mà hướng Phật, thường xuyên suy xét, nhìn lại bản thân theo đạo lý được truyền thừa lại, thanh lọc tâm linh, buông bỏ đi những dục vọng này khác. Quá trình đó không có người nào làm thay được. Cũng chỉ có như vậy mới có thể cả ngày không phiền não, ưu sầu.

Khi một người không còn quá nhiều ham muốn, sống thanh đạm tiết kiệm, thì người ấy sẽ tự nhiên có được những phẩm chất đạo đức cao đẹp. Khi một người không có quá nhiều dục vọng, người ấy sẽ có ý chí mạnh mẽ và trí tuệ để minh tỏ mọi điều.

“Tâm nhạt, người tự vui”, “Tâm nhẹ vạn sự tựa lông hồng”, nếu một người có thể hiểu và thực hành được đạo lý này thì mới có thể rời xa phiền não, sống cuộc đời tự do tự tại và an bình.

An Hòa

Xem thêm:

Mời xem video: