Thứ gì mới là khó được nhất trên đời này? Có một câu chuyện cổ Phật gia thế này…

Chuyện cổ Phật gia: Thứ khó được nhất trên đời
(Ảnh: SuzyT, Pixabay, Pixabay License)

Một ngày nọ, có ba vị tăng nhân cùng ngồi đàm luận với nhau về một câu hỏi: “Trên đời này thứ gì là khó được nhất”?

Vị thứ nhất nói: “Trên đời này thứ khó được nhất chính là tuổi trẻ, khoẻ mạnh và trường thọ. Một người cho dù có gia tài của cải nhiều đến đâu đi nữa, nhưng một khi bệnh tật đến thì cũng không thể hưởng thụ được những niềm vui thú của cuộc đời”.

Vị thứ hai lại nói: “Trên đời điều khó được nhất là có người bạn tri kỷ, có thể cùng nhau chia sẻ hoạn nạn. Một người cho dù là có quyền thế đến đâu đi nữa nhưng nếu không có lấy một người bạn chân thành ở bên cạnh, cô quạnh một mình thì cũng chẳng khác nào một đoá hoa đã mất đi hương thơm, không có ong bướm vây quanh.”

Vị thứ ba nói rằng: “Tôi lại thấy rằng thứ khó được nhất trên đời là gia đình thân quyến hòa hợp mỹ mãn. Nếu một người có thân thể khoẻ mạnh, có bạn tri kỷ nhưng mà gia đình họ hàng oán hận lẫn nhau, thì cũng đâu có ích gì? Mỗi ngày đều giống như sống trong địa ngục trần gian, muốn thoát ra mà không biết đến khi nào mới ra được.” 

Vị sư trụ trì sau khi nghe ba vị tăng nhân đàm luận xong, liền quyết định triệu tập mọi người. Lúc này tiết trời đang độ mùa thu, gió thu nhè nhẹ thổi, cỏ cây xanh tươi, không khí khiến lòng người hân hoan.

Vị sư trụ trì lại giảng:

“Trên đời này thứ gì là khó được nhất? Không phải là khoẻ mạnh trường thọ, không phải là bạn bè tri kỷ và cũng không phải là thân quyến hoà hợp mỹ mãn. Để ta kể một câu chuyện xưa cho các con nghe:

Ở một vùng biển nọ, có một con rùa mù, mệnh thọ của nó là vô lượng kiếp số, đã trải qua vô vàn những thăng trầm của cuộc đời. Bình thường, nó lặn xuống dưới lòng đại dương sâu ngàn trượng, trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần.

Một lần con rùa nổi lên, gặp lúc trên mặt biển có một khúc gỗ nổi, bên trong có một cái lỗ rất to.

Khúc gỗ ấy hàng ngày đều trôi dạt thuận theo sóng biển. Con rùa mù trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần, muốn gặp được một khúc gỗ nổi thì quả là cơ hội xa vời, huống hồ hôm nay lại gặp đúng cây gỗ có lỗ hổng, chở nó vào bờ?

Rùa mù gặp được khúc gỗ rỗng, là cơ hội ngàn vạn năm có một, nhưng đối với sinh mệnh trôi nổi trong luân hồi mà nói, thì việc mong muốn có được thân người còn khó hơn rùa mù được vào bờ cả vạn lần.”

Vị sư trụ trì dừng lại, đưa tay lấy một nắm đất trên mặt đất, rồi mở bàn tay ra và nói:

“Chúng sinh được thân người giống như đất ở trong lòng bàn tay. Chúng sinh không được thân người giống như đất trên khắp đại địa. Thứ gì là khó được nhất? Chính là thân người!”

Vậy vì sao trên thế gian này, thứ khó có được nhất không rơi vào danh, lợi, hay tình, mà lại là thân người?

Phật gia cho rằng, danh lợi tình đều là thứ không mang theo được. Con người đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, khi rời khỏi nơi đây cũng với hai bàn tay trắng. Cát bụi lại trở về với cát bụi. Nhân sinh vô định, thời gian như nước, vạn vật biến chuyển, được mất vô thường, phúc họa đan xen – Ấy chính là kiếp người.

Con người sống trên thế gian có quá nhiều nỗi khổ. Có những chuyện người ta cứ mong muốn ôm giữ mãi mà không thể nào thoát ra. Nhưng giống như nắm cát nằm trong tay, nắm càng chặt thì cát rơi càng nhanh, không thể nào tránh được. Nguồn gốc của những phiền não trong lòng người, phần lớn đều là do không minh bạch được rằng thế gian có những chuyện chẳng thể bền lâu.

Danh lợi tình không chỉ là điều không mang theo được, mà Phật gia còn cho rằng con người nếu cứ nhất tâm theo đuổi chúng thì sẽ tạo nghiệp. Tạo nghiệp tất sẽ có báo ứng, đó là đạo lý của Trời.

Phật gia còn giảng rằng, chúng sinh trong vũ trụ này là nhiều vô tận, không thể đo đếm được: động vật có, thực vật có, đến cả những hòn đá tưởng chừng vô tri cũng “hữu linh”… Vì thế trong lục đạo luân hồi ấy, được làm người thật khó lắm thay. Làm người là “cơ duyên”, bởi vì làm người mới có thể được nghe chính Đạo, mới có thể tu Phật, tu Đạo, mới có thể được Chúa cứu rỗi. Loài vật, thậm chí là các loại sinh linh khác kia, không có phương thức tư duy của con người, nên không thể tu thành.

Người xưa có câu: “Triêu văn đạo, tịch khả tử”, sáng sớm nghe đạo, tối chết cũng an lòng. Trong tâm có thấu hiểu, có lĩnh ngộ, thì mới có thể an yên mà vượt qua. Nhân sinh là vô thường, nhưng trời đất không vận chuyển một cách tùy ý ngẫu nhiên. Từ xưa đến nay, niềm tin về một quy luật, một dòng năng lượng hài hòa chảy xuyên suốt toàn vũ trụ đã là trọng tâm của nhiều nền văn minh. Đạo gia gọi sự cân bằng ấy là “Đạo”. Đức Phật thể hiện quy luật ấy thông qua lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Con người từ khi sinh ra vẫn luôn vô ý hay hữu ý không ngừng tự hỏi: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Đến thế gian này để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu?”. Con người chỉ có tu luyện, hướng về quy luật vũ trụ mà hòa tan vào, thì mới có thể vượt thoát khỏi nhân thế gian, thì mới có thể thực sự nhìn thấy được sự bất biến chân thực bên trong lẽ vô thường của Trời đất. Nhân sinh suy cho cùng, chính là để trả lời những câu hỏi ấy.

Thân người đã khó có được, mà cơ duyên tu luyện lại càng khó lắm thay. Thật giống như câu thơ của Đường Tăng trong Tây Du Ký:

Nhân thân nan đắc
Trung Thổ nan sinh
Chính Pháp nan ngộ
Toàn thử tam giả
Hạnh mạc đại yên

“Hạnh mạc đại yên” – Cái may mắn của việc có thân người và biết được ý nghĩa chân thật của cuộc đời là không biết to lớn đến nhường nào!

An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: