Ngoài lề lịch sử, trong dân gian từ trước tới nay người mình đã truyền khẩu lắm chuyện tích ly kỳ xảy ra trong thời Nguyễn Ánh (tức Gia Long) tẩu quốc.

Về những chuyện xưa tích cũ ở Bạc Liêu, người ta thuật lại rằng: Hoàng đế Gia Long hồi còn là Nguyễn Ánh đang nổi trôi trên đường tẩu quốc, trước sự truy nã của cường địch Tây Sơn. Một hôm cùng tướng tá và binh sĩ xuống thuyền định chạy ra Phú Quốc. Đoàn chiến thuyền đang dung ruổi trên sông Ông Đốc, thì bỗng có một đàn cá sấu nổi lên đặc nghẹt cản đường. Thuyền chúa Nguyễn không làm sao vượt qua được. Thấy sự lạ cho là điềm xấu, Nguyễn vương đứng trước mũi soái thuyền, lâm râm khấn vái:

– Tôi là Nguyễn Ánh, đông cung thừa nghiệp của tiên vương, bị quân Tây Sơn soán nghiệp yểm bách phải bôn đào, đang ở vào lúc thế cùng vận bĩ. Nay tôi định ra Phú Quốc lánh xa cường tặc, chiêu binh mãi mã để khôi phục cơ đồ. Đàn cá sấu kia sao lại cản đường tôi? Phải chăng lòng trời còn nương tựa nhà Nguyễn, xui khiến đàn sấu báo điềm cho tôi biết nguy hiểm đang đón chờ, ở đầu sông kia là tử lộ? Nếu phải vậy thì đàn sấu kia hãy dang ra đi rồi tái hiện ba lần. Bằng không, hãy để cho tôi tiếp tục hành trình, vì thời gian rất quí báu.

Nguyễn chúa khấn vái xong, đàn sấu bỗng lặn đi mất. Nhưng một lát sau lại nổi lên cản đường nữa, và làm như vậy đúng ba lần. Nguyễn Ánh tin điềm, liền ra lệnh cho chiến thuyền quay trở lại, đồng thời phái thám tử đi dò xét thử. Vài hôm sau thám tử trở về, báo cho biết rằng quả có lực lượng Tây Sơn rất hùng hậu phục kích ở cửa sông Ông Đốc.

Một lần khác, thuyền chúa Nguyễn từ trong rạch sắp vượt ra vịnh Xiêm La, bỗng có 2 con rái cá lội ngang qua rạch đón trước mũi thuyền như muốn cản đường. Xem đó là triệu chứng bất thường, chúa Nguyễn muốn lui quân, nhưng đã trễ, đành phải tiến tới. Quả nhiên gặp một đội chiến thuyền địch chận đánh, đoàn thủy binh của chúa Nguyễn sắp bại đến nơi, thì may sao, trời giông gió bão dữ dội làm đắm các chiến thuyền Tây Sơn, Nguyễn quân nhờ đó mà thoát nạn.

Về sau phục được cơ nghiệp, Gia Long hoàng đế không quên ơn những giống vật đã cứu mình trong lúc hiểm nghèo, phong cho đoàn cá sấu danh hiệu mỹ miều là “Tân Ngạc Ngư Long” và phong cho hai chú rái chức “Lang lại nhị đại tướng quân”.

Lúc từ Phú Quốc trở về, do ngả Cửa Lớn và sông Bãi Háp, Nguyễn chúa ghé lại Cà Mau, ra lịnh cho quân xây cất “Miếu công thần” để tưởng niệm những quan binh đã có công hộ giá mà tử trận, hoặc vì nước độc rừng thiêng, chịu không nổi phong sương chướng khí, phải bỏ mình trên đường rong ruổi…

Nơi rừng Cà Mau, từ U Minh thượng đến U Minh hạ còn để lại rất nhiều di tích lịch sử của chúa Nguyễn trong lúc ngài bôn Nam tẩu Bắc lẫn tránh Tây Sơn, có lúc ngài vượt thuyền ra hòn đá Bạc và hòn Chuối, xây đồn đắp lũy, ngăn giặc và cũng chọn nơi làm yếu điểm liên lạc tại đây.

Rất thương cho những vị công thần đã theo ngài góp công khai hoang lập ấp, phần tuổi già sức yếu đành gởi nắm xương nơi tận khách địa. Nhà vua lấy làm thương tiếc, cho lập miếu công thần để thờ tại đất Cà Mau, ngôi miếu đựng trên một khoảnh đất rộng rãi có những cây cổ thụ chung quanh, có đặt người coi giữ lo việc lửa hương cúng tế, hiện nay là cơ sở hiến binh, sau nầy miếu được dời về kế cận đình làng. Trên đường bôn tẩu của nhà vua khắp trong miền Nam nước Việt, từ rừng núi xa xôi hẻo lánh, đều có những di tích do ngài xây dựng.

Với câu chuyện nhà vua và đàn cá sấu mà chúng tôi sưu tầm trong quyển địa phương chí của người Pháp ghi chép khá đầy đủ những giai thoại ở miền Nam.

Câu chuyện trên đây rất lý thú, chúng tôi soạn lại cho bạn đọc có óc sưu tầm và thích nghe qua những chuyện cổ tích.

Trích “Bạc Liêu xưa – Huỳnh Minh” (2002)

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách

Xem thêm:

Mời xem video: