Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, ngôi vị Trạng nguyên luôn được nhiều sĩ tử nhắm đến. Người đỗ Trạng nguyên thường phải tinh thông kinh điển Nho gia, lại phải hiểu biết về đạo trị quốc. Tuy nhiên lịch sử cũng từng chứng kiến có người đạt được ngôi vị Trạng nguyên nhờ am hiểu Phật Pháp.

Sĩ tử đỗ Trạng nguyên nhờ am hiểu Phật Pháp
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Duyên cửa Phật

Vào thời vua Lê Thánh Tông, ở làng Thanh Lãng, huyện Thủy đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, có hai vợ chồng là ông Lê Văn Quang và bà Nguyễn Thị Lệ rất kính ngưỡng Phật lại hay giúp người.

Bà Lệ sinh được một người con trai tuấn tú, mặt vuông vức, tai lớn, hai vợ chồng mừng rỡ đặt tên cho con là Lê Ích Mộc.

Thuở nhỏ Ích Mộc là đứa trẻ thông minh lại ngoan ngoãn nên xóm làng đều yêu quý. Cậu bé cũng rất ham học, ngoài những lúc giúp đỡ cha mẹ thì thường lên chùa Ráng (tức chùa Thiên Phúc) để mượn kinh sách đọc.

Ích Mộc chăm chỉ dùi mài kinh sử. Cậu đổ cát vào mâm xoa phẳng, dùng ngón tay viết chữ, rồi xoa để xóa chữ cũ đi, rồi lại viết chữ mới.

Một lần Lê Ích Mộc đang chơi với chúng bạn thì có một vị sư già đến. Vị sư này thấy Ích Mộc có quý tướng thì theo về tận nhà, nói rằng đứa trẻ này tương lai sẽ đỗ rất cao, làm vinh hiển gia phong, rồi xin được đưa về chùa để dạy dỗ. Ông Quang và bà Lệ bằng lòng.

Lê Ích Mộc theo vị sư già đến chùa Láng (Yên Lãng) ở kinh thành Thăng Long. Ngôi chùa này thuộc dòng thiền Diệt Hỷ (Tì Ni Đa Lưu Chi) nổi tiếng trong sử Việt với những thiền sư nổi tiếng trước đó như Pháp Hiền, Định Không, Đinh La Quý, Vạn Hạnh, Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Thiện Ông, Ma Ha, Minh Không…

Nhờ sự dạy dỗ chỉ bảo của các vị sư, sau 5 năm, Ích Mộc đã thông tỏ giáo lý nhà Phật, lại tranh thủ rèn giũa Tứ Thư Ngũ Kinh.

Xứng ngôi Trạng nguyên

Đến năm 1502 thời vua Lê Hiến Tông, Triều đình mở khoa thi. Qua kỳ thi Hương, Lê Ích Mộc cùng 5.000 sĩ tử bước vào kỳ thi Hội. Vượt qua “tứ trường” trong kỳ thi Hội, Ích Mộc cùng các sĩ tử khác bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình.

Trong lúc thi Hội, Vua hỏi về chuyện “Đế Vương trị thiên hạ”, nhưng đến kỳ thi Đình, Vua lại hỏi về Phật Pháp. Đây là một điểm đặc biệt đối với các sĩ tử khoa thi năm đó. Thời nhà Lê thì Nho giáo rất thịnh hành, các sĩ tử đi thi đều kinh qua “vạn quyển” trong Nho giáo, tinh thông tứ thư và ngũ kinh, nhưng lại ít biết về Đạo giáo và Phật giáo.

Trong lịch sử thì cả Tam giáo rất thịnh hành vào thời nhà Lý, đặc biệt là Phật giáo. Đến thời nhà Trần thì cả Tam giáo vẫn thịnh, Phật giáo vẫn được đặt cao hơn. Đến thời nhà Lê thì Nho giáo lên ngôi thay thế Phật giáo, còn Đạo giáo chỉ lưu truyền trong dân gian. Kỳ thi Đình năm ấy là kỳ thi của thời Lê, nhằm chọn ra nhân tài, nhưng lại hỏi về Phật Pháp, khiến các sĩ tử bất ngờ.

Đề thi của nhà Vua khá dài với hơn 100 câu hỏi cụ thể về Phật Pháp, thậm chí đưa ra những lời huyền hoặc, thậm chí có vẻ không đáng tin vào Phật Pháp, khiến các sĩ tử không biết lý giải thế nào. Ai không tinh thông Phật Pháp thì sẽ viết theo ý phê bình, cho rằng Phập Pháp là không đáng tin.

Trong số các sĩ tử, có lẽ chỉ có Lê Ích Mộc là không chỉ thông tỏ Tứ Thư Ngũ Kinh, mà còn hiểu sâu kinh điển Phật giáo.

Khi đọc bài Văn sách của Ích Mộc, nhà Vua sửng sốt vì hay hơn hẳn các bài của sĩ tử khác, liền cho ông đỗ Trạng nguyên. Sách “Công dư tiệp ký” mô tả rằng:

Khi duyệt bài, Vua Hiến Tông sửng sốt thốt lên rằng: “Bài văn của Ích Mộc hơn hẳn mấy tầm so với các bạn đồng khoa. Trẫm rất hài lòng duyệt cho người ấy xứng đáng bậc khôi nguyên”.

Bài Văn sách của Lê Ích Mộc đã được Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch từ “Lịch triều đối Đình văn”, được giáo sư Trương Đình Nguyên hiệu đính, PGS. Nguyễn Tuấn Thịnh đọc duyệt lại lần cuối và bổ sung thêm một phần chú thích. Dưới đây xin được trích một phần:

Phật Pháp quảng đại không thể nghĩ bàn. Đệ tử tu đạo cốt ở giác ngộ lẽ không tịch. Vì Phật Pháp quảng đại không thể nghĩ bàn được vậy. Nếu đệ tử tinh thành tu đạo, mà không giác ngộ lẽ không tịch thì làm sao có thể diệt tội đắc phúc, chứng đạo thành Phật, vãng sinh sang thế giới Tây phương Cực lạc được! Biết được điều đó thì những chứng tích rõ rệt của Phật Pháp có thể khảo chứng được, và đệ tử tu đạo, không lo gì không có chân đạo vậy.

Nay được bệ hạ tinh tường hỏi về Phật Pháp, lời hỏi đó mới sâu sắc làm sao, thần tuy ngu dốt, đâu dám không hết lòng trả lời.

…Xét ra những việc trên đây đều là thuộc về Phật giáo quảng đại, là bất khả thuyết vậy. Nếu hội tụ được vạn pháp mà quy về một mình thì có lẽ chỉ có bậc thánh nhân mới là bậc ấy chăng?

Kính nghĩ bậc thánh thiên tử Thánh triều ta, kế thừa các bậc vua thánh, gặp gỡ vận hội lớn lao, để tâm nội điển, xoay chuyển pháp luân, trên có thánh từ Thái hoàng thái hậu và thánh Thái hậu, cõi Nam nuôi dưỡng công đức, Thiên Trúc ngưng hội tinh thần, vui sướng nơi quê Trường lạc, siêng năng chăm đạo chí chân. Lại thêm có ngài Bình Cao Vương và các bậc đại thần trông coi việc nước, thảy đều tha thiết với việc thờ Phật, gió vua nhân thổi mãi, mặt trời Phật sáng lâu, tăng thêm vẻ sáng của tổ thành, giúp thêm thánh hóa của Hoàng triều. Cả những hạng đệ tử chúng tôi, sinh gặp đời thịnh trị, được học tập pháp môn, phát Bồ đề vô thượng đạo tâm, thụ Như Lai vi mật giáo pháp, phàm là Phật Pháp, thảy đều thi hành. Song nay đấng thánh minh đã sách vấn, vì vẫn cầu đạo đấy, cho nên mới hỏi lũ hạ thần là hạng ngu muội.

Xét sự tu đạo ở trong nước, những kẻ học được đạo nào được mấy người? Thần tự xét biết mình là kẻ ngu đần, bàn luận nông cạn, kiến thức thô lậu, đâu đủ để làm nổi việc này. Nhưng thần đâu dám không tâu bày những ý kiến hẹp hòi của mình.

Thần cho rằng: Chân đạo vô thể, nó tịch mĩnh, đạm bạc, bình thường, nhưng không thể một giây phút nào rời xa được. Nó mãi mãi ở ngay thân mình chăng? Nó mượn hai khí mà phôi thai, mượn ngũ hành mà nảy nở, là một thể với trời đất, phối hợp với ánh sáng của mặt trời mặt trăng, và tinh thần tiết khí đều thuộc vào đó, đều sinh ra từ đó, ở trong thì là chủ của Tam tài, ở ngoài thì là thứ linh thiêng của muôn vật. Và sự tài chế vận dụng của nó không ngoài một cái tâm mà thôi. Thế thì biết rằng: tâm kia là tính vậy. Tính tức là lý, cũng là khí vậy. Một khí linh quang, suốt cả cổ kim, tự nhiên vẫn chiếu dọi. Nói về sự cao thì trời cũng không thể hơn được. Nói về sự lớn, thì đất cũng không thể sánh được. Nói về sự rộng, thì hư không cũng không thể bằng được. Nói về sự nhỏ, thì sợi lông tơ cũng không thể đếm được. Nó tập hợp cả vạn tượng bời bời, thấu suốt cả vũ trụ trên dưới. Đó là vị chân Phật vậy.

Song Phật đó chính là giác tính như hư không, thức là bình thường, tức là chân đạo. Nó không thuộc về sự biết và sự không biết. Biết là vọng giác, là vô ký. Nếu gặp đạo chẳng hề có chướng ngại gì thì nhìn nó như hư không. Vì vậy, hư không thức là pháp thân. Pháp thân tức là hư không vậy. Khác nào vầng mặt trời trên trời chiếu khắp bốn phương thiên hạ. Khi mặt trời lên chiếu sáng khắp thiên hạ, mà hư không chẳng từng sáng. Khi mặt trời lặn, tối tăm khắp thiên hạ, mà hư không chẳng từng tối. Cái gương sáng tối xâm đoạt lẫn nhau, cái tính của hư không thì vẫn là tự nhiên, biến thánh cái tâm tính của Phật vậy. Cái tâm tính của Phật cũng là như vậy, há chẳng thấy chữ “vô” của Khổng Tử ư? “Gom đạo như hư không”! Nhan Hồi nhiều lần “không”, “tọa vong” mà là cái tâm của Lão Tử nói về “vô hữu” (không có) mà đắc được thuyết tu đạo. Thích Ca nói về “không” mà hợp với lời nói về “suất tính”(1).

Vì vậy ngày xưa, giác ngộ mà trở thành Phật thánh là như vậy. Huống hồ ngày nay là đệ tử thờ Phật, nếu không tu đạo thì thôi, còn nếu có thể hành đạo và có thể chứng được đạo không tịch thì đó mới là chân đạo vậy chăng. Như thế gọi là tu tịch tĩnh mà chứng không thường, đoạn trần lao mà thành chính giác, há chẳng phải là diệt tội được phúc, chứng đạo thành Phật, được vãng sinh sang thế giới Cực lạc Tây phương đó sao? Ắt phải giác ngộ cái chân như bản lai, chứng ngộ cái không tịch. Đó là phong (gió), là thuỷ (nước), là hỏa (lửa) luyện thành một tính viên minh, là tinh, khí, thần hoá thành Tam bảo thường trụ. Đốt hương ngũ phận, chẳng mượn lục trần bên ngoài. Dâng hiến phẩm vật lục cúng đều quy vào trong một tuần.

Tâm tính bên trong giác ngộ lẽ không, mà chư tướng cũng là không. Nội ngoại đều không, trong veo thường trụ. Được như vậy thì có thể chứng đắc mà dần dần nhập vào chân đạo. Và như thế đã được gọi là đắc đạo, thực ra là “vô sở đắc”. Đã vô sở đắc thì tự nhiên có niềm vui về thiền vậy. Xuất nhập ẩn hiện đều giác ngộ lẽ không tịch, hào quang chiếu rọi, thanh tịnh viên minh, thì tự nhiên Đức Phật A Di Đà sẽ xuất hiện. Từng niệm là Thích Ca xuất thế, từng bước là Di Lặc hạ sinh. Khí độ là tâm của Văn Thù hiển hiện, vận dụng hợp với hạnh đại bi, rành rành đều là nước cam lộ, thảy thảy đều là vị đề bồ. Tất thảy không ngoài cây bồ đề(2), sinh trưởng trong pháp môn huyền diệu của Hoa tạng(3). Đi, đứng, nằm, ngồi, móng ý tuỳ duyên, tuy ứng dụng có sai biệt mà thân thường thanh tịnh. Chẳng phải là tính giác ngộ cái tính của một mình, hoặc là tính giác ngộ cái tính của muôn người. Cái tính làm việc phúc đức ấy thật là to vậy, rộng vậy. Không hẳn phải tín chú pháp vị, bất tất là đạo quả tại gia viên thành. Từ đó mà tiêu trừ được tội khiên muôn ức kiếp, diệt tội đắc phúc. Từ đó mà thành ngôi tôn chính giác, chứng đạo thành Phật. Chỉ thấy không có một danh nào mà không truyền bá danh hiệu của Như Lai, chỉ thấy không một vật nào mà không nêu cao hình tướng của Giá Na(4): đỉnh môn Tì Lư, cao siêu độc bộ, hội Phật cõi không thể hiển hiện Kim thân, mặc ý ngao du, phóng tâm tự tại, đó là để được vãng sinh sang thế giới Tây phương Cực lạc. Nếu không thì là do đạo chưa được thi hành vậy. Đạo vô ngã thì là không. Sáu chữ chỉ có người đồng đạo mới có thể biết được. Kẻ kia chìm đắm vào trong cái tính không tịch, là rơi vào trong cái không, thì đâu có biết là đạo ở chỗ nào. Ngài Bàng Công(5) nói: “Kẻ phàm phu trí lượng hẹp hỏi mê vọng, nói ly tướng có khó dễ, như hư không thảy đều khế hợp với Phật lý”. Ngài Viên Ngộ(6) nói: “Mười phương cùng tụ hội, nghìn nghìn người đều học vô vi. Đó là lựa chọn cái lý không tịch trong tận cùng Đệ nhất nghĩa đế mà Phật hằng tìm kiếm”. Đấy chính là nói về điều đó vậy.

Ngu tôi dùng phương pháp, dùng công cụ phương tiện, nhặt nhạnh trong lời kinh văn dạy về pháp hữu vi để quy vào chỗ vô tận, làm điều thiện đối với chân đạo vô chứng vô tu, làm việc giáo hóa chúng sinh cũng là bằng những lời này vậy. Vả lại văn lý lâu rồi không thực hành, nay thấy đề bài thì hớn hở bội phần. Vì vậy có câu thơ rằng:

Lộ phùng kiếm khách tu trình kiếm
Bất thị thi nhân mạc thuyết thi.

(Gặp người kiếm khách nên dâng kiếm
Chẳng phải nhà thơ chớ nói thơ!)

Đó là điều muôn lần mong muốn của thần vậy.

Thần kiến giải hẹp hòi như vậy không biết có đúng hay không. Nguyện mong bệ hạ sáng suốt phát vấn, rủ lòng đại từ bi nói ra một lời.

Chú thích:

1. Suất tính: Noi theo bản tính. Chữ có xuất xứ từ Trung dung: “Thiên mệnh chi vị tính. Suất tính chi vị đạo. Tu đạo chi vị giáo” (Cái trời ban cho gọi là “tính” nương theo tính gọi là “đạo”, tu đạo gọi là “giáo”.

2. Cây bồ đề: Cây tượng trưng cho sự giác ngộ của đạo Phật.

3. Hoa tạng: Tức Hoa tạng thế giới. Ở đây chỉ Đạo Phật.

4. Tì Lư Giá Na: Tên gọi chung chỉ pháp thân Phật chỉ đức Đại Nhật Như Lai của Mật giáo.

5. Bàng Công: Tức Bàng cư sĩ, tên Uẩn, tự là Đạo Huyền, là một cư sĩ tinh thông Phật học thời Đường.

6. Viên Ngộ: Tên nhà sư thời Minh.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: