Từ xưa, có không ít những câu chuyện về việc tích đức hành thiện có thể thay đổi vận mệnh, chúng được các vị quan đại thần danh tiếng ghi chép lại và được người xưa truyền tụng không dứt. Ngày nay, tín ngưỡng đã không còn được xem trọng, nên cũng hiếm có người tin tưởng những chi tiết thần kỳ trong các câu chuyện đó là sự thật. Nhưng dù tin hay không, đức hạnh của cổ nhân cũng khiến hậu nhân phải ngưỡng vọng không dứt. Trong sách “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam, một học giả nổi tiếng thời nhà Thanh có viết về chuyện một người thường hay cứu giúp người khác, tích đức hành thiện, cuối cùng nhờ đó tự cứu được bản thân mình.

tích đức hành thiện
(Ảnh minh họa: Bubbers BB, Shutterstock)

Chuyện kể rằng, huyện Hiến có một người họ Sử, mọi người đã quên mất tên ông, nên thường gọi ông là lão Sử. Lão Sử là người không câu nệ tiểu tiết, rất chính trực, khinh thường những hạng người tiểu nhân hèn hạ mặt dày mày dạn.

Hôm ấy, khi ông đang trên đường từ sòng bạc về nhà, đi tới chỗ chợ phiên thì nhìn thấy một gia đình nông thôn. Cả hai vợ chồng và một đứa bé bồng bế nhau khóc thảm thiết. Lão Sử dừng lại hỏi han, một người láng giềng chua xót than thở: “Cũng chỉ vì mắc nợ bọn cường hào ác bá, người chồng phải bán vợ lấy tiền trả nợ. Vợ chồng nhà ấy rất thương yêu nhau, khó lòng bỏ nhau được; hơn nữa đứa nhỏ vẫn còn bú mẹ, đang trong lúc ly biệt cho nên đau buồn“.

Lão Sử hỏi: “Mắc nợ bao nhiêu?“. Người đó trả lời: “Thiếu nợ 30 lượng“. Lão Sử hỏi tiếp: “Định bán người vợ bao nhiêu tiền?” Trả lời: “Bán 50 lượng, làm vợ lẽ người khác.” Lão Sử lại hỏi: “Có thể không bán người vợ, để cô ta về nhà được không?” Người kia thật thà nói: “Vừa mới viết khế ước xong, còn chưa giao tiền, cũng chưa lăn dấu tay, nếu trả tiền thì có thể chuộc lại.” Lão Sử lập tức lấy 70 lượng vừa mới đánh bạc thắng được lúc nãy giao cho người chồng, bảo: “Ta cho các vị 30 lượng trả nợ, còn 40 lượng cho thêm để các vị về nhà duy trì cuộc sống. Không cần phải bán vợ nữa.”

Người chồng nhận được 70 lượng. Hai vợ chồng nhà ấy vô cùng biết ơn lão Sử. Sau đó, họ mời lão Sử về tận nhà, làm gà dâng rượu tiếp đãi nồng hậu. Người chồng tranh thủ bế đứa bé đi, mắt ra hiệu cho người vợ, ý là “hết lòng báo đáp” công ơn của lão Sử. Người vợ gật đầu, rồi ngầm bóng gió. Lão Sử biết được, lập tức nghiêm túc nói: “Lão Sử ta ngày xưa từng là ăn cướp, sau này làm sai nha. Ta từng giết người không hề chớp mắt. Giờ nếu thừa nước đục thả câu, làm ô nhục phụ nữ, thì quả là không còn chút tính người. Việc như thế này, thật không thể làm được!” Không nói nhiều lời, quay đầu đi thẳng.

Nửa tháng sau, chỗ lão Sử ở nửa đêm phát cháy. Khi ấy đang là mùa thu, nhà nào nhà nấy lương thực và củi đốt đều chất thành đống thành chồng. Gió giúp thế lửa, bốn phía lửa cháy dữ dội. Lão Sử và vợ con tự thấy không thể nào chạy thoát, chỉ còn cách ngồi chờ chết. Đột nhiên họ nghe thấy trong không trung tiếng một người nói: “Thần núi Đông gửi văn kiện khẩn cấp, nói rõ: nhanh chóng đến các gia đình đã dự định sẽ thiêu hủy, chỉ trừ gia đình lão Sử, không thể thiêu hủy nhà lão Sử.” Kế tiếp chợt nghe thấy tiếng ầm ầm, bức tường phía sau nhà lão Sử đổ sập thành một lỗ lớn, lão Sử liền tay trái đỡ vợ, tay phải ôm con, nhảy ra ngoài, tựa như trên người có cánh, nhảy một cái vọt ra rất xa.

Đến khi lửa tắt, mọi người xem xét thống kê lại, số những người bị lửa thiêu chết chiếm 9 phần. Chỉ duy nhất có nhà lão Sử là may mắn sống sót. Trong nhà ông, quần áo lương thực đều không hư hao tổn thất gì cả. Chỉ tu bổ lại bức tường sau nhà là gần như phục hồi nguyên trạng ban đầu.

Những người ở gần đó đều chắp tay chữ thập, vui mừng cho nhà lão Sử, nói: “Chúng tôi lúc ấy còn cười thầm lão Sử là một tên ngốc, đem 70 lượng, không đắn đo suy nghĩ cho người không hề quen biết! Không ngờ rằng, ông dùng 70 lượng mà cứu được mạng sống của ba người nhà ông! Cần phải cảm tạ thần linh phù hộ!”

Kỷ Hiểu Lam viết đến đây, đặc biệt nói: “Tôi cho rằng, một nhà lão Sử đã được thần linh phù hộ, đó là điều chắc chắn. Công Đức cho tiền chiếm 4 phần, công đức cự tuyệt sắc dục, không làm ô uế vợ người khác chiếm 6 phần.”

Trong Đức dục cổ giám” cũng có một câu chuyện về tú tài La Luân, người Vĩnh Phong, năm Thành Hóa Minh Hiến Tông thứ 2 (năm 1644) tham dự kỳ thi tiến sỹ tại bộ Lễ. Giữa đường thư đồng của anh nhặt được một chiếc vòng tay bằng vàng. Sau khi rời đi năm ngày, La Luân lo lắng lộ phí không đủ.

Thư đồng nói: “Mấy hôm trước con nhặt được một vòng tay bằng vàng ở ven tường, mang đi đặt cọc hoặc cầm cố chẳng phải sẽ có lộ phí hay sao?”

La Luân nghe xong trong lòng rất giận dữ, muốn đích thân mang trả lại chiếc vòng tay cho người bị mất. Thư đồng đếm ngón tay tính số ngày nói: “Như vậy cả đi lẫn về e rằng không kịp tới ứng thí!”

La Luân đáp: “Chiếc vòng vàng này nhất định là do nữ tỳ hoặc kẻ nô bộc đánh mất, vạn nhất chủ nhân chất vấn và tra khảo họ tới chết thì là tội của ai đây? Ta thà không đi ứng thí cũng không muốn người mất mạng oan!”

La Luân tới Sơn Đông, quả nhiên phát hiện một nữ tỳ nước mắt lưng tròng, vì không biết vòng vàng ở trong nước nên đã đổ nhầm ra đất. Nữ chủ nhân nghi ngờ nữ tỳ giấu đi nên đã quất roi đánh nữ tỳ tới mức chảy máu, nữ tỳ đã vài lần muốn tìm tới cái chết. Nam chủ nhân lại nghi ngờ vợ mình lén đưa cho người khác nên trách mắng vợ rất gay gắt. Nữ chủ nhân rất tức giận muốn treo cổ tự vẫn.

La Luân trả lại chiếc vòng vàng cho chủ nhân của nó, nhờ đó mà đã cứu được hai mạng người. Lúc đó mọi người đều mong anh có thể thi đỗ trạng nguyên. La Luân lại vội vàng về kinh ứng thí, tới kinh thành đã ba tháng bốn ngày. Anh gấp rút làm bài, cuối cùng cũng trúng tuyển. Sau khi công bố kết quả, La Luân đã đỗ trạng nguyên.

Qua hai câu chuyện trên có thể thấy rằng, làm việc thiện cứu giúp người khác có thể thay đổi vận mệnh của chính mình. Tích đức hành thiện, cự tuyệt sắc dục, không làm ô uế phụ nữ, giữ mình thanh khiết, tự ràng buộc bản thân, càng là đạo lý làm người cực kỳ trọng yếu. Thiện ác hữu báo, làm việc tốt giúp đỡ người khác và giữ tâm đoan chính nhất định sẽ có phúc báo.

Theo The Epoch Times tiếng Trung
Tiểu Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: