Ông tổ của nền văn minh Trung Hoa là “Hoàng Đế”, nơi khởi nguồn của văn hóa Hoa Hạ là “Cao nguyên hoàng thổ” (cao nguyên đất vàng), cái nôi của dân tộc Trung Hoa là “Hoàng Hà” (sông vàng). Có thể nói, từ xưa đến nay, màu vàng có mối quan hệ khăng khít, không phân tách với nền văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Tử Cấm Thành
Tranh vẽ Tử Cấm Thành với ba vòng thành, tựa như chốn thiên đình. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Thời kỳ Hoàng Đế khoảng 5000 năm trước, Trung Hoa tôn sùng các màu đơn sắc. Cuối thời Xuân Thu, Khổng Tử duy hộ “Chu Lễ”, định các màu đen, hồng, xanh, trắng, vàng là các chính sắc, thượng sắc. Ông còn kết hợp 5 màu ấy với nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, vận dụng vào hình thức của “Lễ”.

Từ sau thời Hoàng Đế cho đến thời Tần Hán, các bậc Đế Vương căn cứ theo học thuyết “Âm Dương ngũ hành”, dựa vào trật tự thủy, hỏa, mộc, kim, thổ đối ứng với 5 màu đen, hồng, xanh, trắng, vàng để lựa chọn biểu tượng sắc thái của các triều đại.

Người Trung Hoa xưa cho rằng, ngũ hành là 5 loại nguyên tố bản nguyên sản sinh ra vạn vật tự nhiên, và cũng là nguồn gốc của hết thảy sự vật. Sắc thái cũng không phải là ngoại lệ, nó có quan hệ không tách rời với pháp tắc ngũ hành trong sự vận động tự nhiên của trời đất. Họ còn căn cứ vào sự biến hóa vạn vật tự nhiên của xuân, hạ, thu, đông và học thuyết ngũ hành để lựa chọn màu sắc cho phục sức.

Hoàng Đế nhà Hán cho rằng nhà Hán nối tiếp nhà Tần, bấy giờ đang là Thổ đức. Học thuyết ngũ hành cho rằng thổ thắng thủy, thổ là màu vàng, thế là bèn lấy màu vàng làm màu của phục sức. Thời ấy, học giả về tinh tượng học còn kết hợp học thuyết ngũ hành và quan niệm “ngũ phương” của thuật chiêm tinh với nhau. Họ cho rằng màu vàng là thổ, biểu tượng của trung tâm; màu xanh là mộc, biểu tượng của phương Đông; màu đỏ là hỏa, biểu tượng của phương Nam; màu trắng là kim, biểu tượng của phương Tây; màu đen là thủy, biểu tượng của phương Bắc. Bởi vì sắc vàng nằm ở trung tâm của ngũ hành, là màu trung hòa, có địa vị đứng đầu trong các màu sắc, là quý nhất, cho nên được chọn làm màu sắc phục sức của Thiên tử. 

Thời ấy, Thừa tướng cũng mang “Kim ấn tử thụ”, tức là con dấu màu vàng kim cùng với dây đeo ấn màu tím. Nó tượng trưng cho quyền lực cao nhất, chỉ dưới Thiên tử mà trên vạn người. Thuở ban sơ người ta đã đặt định màu vàng kim và màu tím là những màu có địa vị trọng yếu trong văn hóa truyền thống.

Thời Đường, màu vàng được vận dụng vào nhiều phương diện trong nghệ thuật văn hóa truyền thống Trung Hoa. Trong hang đá Đôn Hoàng bảo tồn hơn 10.000 bức bích họa quý giá, với diện tích hơn 50.000 mét vuông. Các bức bích họa này ở các thời đại khác nhau thì cũng có màu sắc khác nhau. Như thời kỳ Bắc Ngụy, các bức bích họa chủ yếu dùng tông màu hồng, phối với màu lam và màu đen. Thời nhà Đường thì bắt dầu dùng nhiều màu vàng, muôn màu muôn vẻ, sáng sủa và hoa mỹ, tạo thành một mảng huy hoàng nhất trong các bức bích họa ở Đôn Hoàng.

Trong thời kỳ binh biến Trần Kiều, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận được các tướng lĩnh dâng cho một chiếc áo bào màu vàng (Hoàng bào), rồi tôn ông làm Hoàng đế. Từ đó có thể thấy màu vàng được thế nhân vô cùng xem trọng.

Vào triều nhà Minh và nhà Thanh, Bắc Kinh trở thành thủ phủ, màu vàng càng trở thành màu sắc chuyên dùng cho Hoàng gia, dân thường không ai được dùng màu vàng làm y phục. Y phục Hoàng đế mặc chính là “Hoàng bào”, chiếc xe Hoàng đế ngồi gọi là “Hoàng ốc”, đường Hoàng đế đi gọi là “Hoàng đạo”, đi tuần thì dùng “Hoàng kỳ”, các con dấu được gói trong vải màu vàng. Chỉ có hoàng thân quốc thích mới có thể dùng tường đỏ ngói vàng trong thiết kế các kiến trúc nhà cửa. Dân thường chỉ được dùng gạch xanh ngói xanh trong kiến trúc. Kiến trúc Tử Cấm Thành với một màu vàng, ngói lưu ly, trước sau cung điện là các chum đồng lớn mạ vàng, các tượng thú bằng đồng hòa sắc với nhau, vô cùng rực rỡ và tôn nghiêm.

Kỳ thực, màu vàng nguyên là màu mà Phật gia thường dùng nhất. Thân của Phật được gọi là “Kim thân”, chùa miếu đều có màu vàng gọi là “Kim sát”, áo của tăng lữ và tất cả các trang sức đều dùng màu vàng, tượng Phật cũng là mạ vàng, bởi vì màu vàng từ xưa được cho là màu của Trời. 

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, Trời đại biểu cho các vị Thần trên các tầng thứ cao. Hoàng đế sở dĩ có được Thiên hạ là vì được Trời trao cho quyền lực ấy. Cho nên Hoàng đế tuy là quân vương, nhưng chỉ là “Thiên tử” tức là con của Trời. Hoàng đế không phải là Trời, ở trên Hoàng đế còn có Trời quản chế giám sát, nói cách khác Hoàng Đế phải chịu sự ràng buộc bởi đạo đức. Loại ràng buộc của thiên đạo này chính là Thần quyền cao hơn Vương quyền. Cho nên, Hoàng đế phải “Phụng thiên thừa vận”, cũng chính là tuân theo ý Trời mà cai quản con người, như vậy mới là “Minh quân có Đạo”. Màu vàng là màu mà phần lớn các vị Đế vương các triều đại đều sử dụng, nó cũng đại biểu cho “Quân quyền Thần thụ” (quyền lực của Hoàng đế là do Trời trao cho), vô cùng thần thánh và tôn quý.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: